TP.HCM: Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 23.000 căn nhà

16:18 | 06/12/2022
(LĐTĐ) Theo đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM), trong năm 2022 Sở này sẽ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (gọi tắt là Giấy chứng nhận) cho 23.300 căn nhà đủ điều kiện.
Khẩn trương cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân Những thông tin quan trọng trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất Đơn giản hóa thủ tục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Nguồn thu từ công tác cấp Giấy chứng nhận đối với 23.000 căn nhà có giá trị Hợp đồng chuyển nhượng là 91.851 tỷ đồng, trong đó thuế thu nhập cá nhân 4.123 tỷ đồng, tiền lệ phí trước bạ 460 tỷ đồng, phí, lệ phí cấp Giấy chứng nhận 35 tỷ đồng.

Hiện vẫn còn rất nhiều dự án đang bị "ách", trong đó năm 2021 là 352 dự án, năm 2022 là 401 dự án. Trong năm 2023 Sở TNMT TP.HCM sẽ tiếp tục đẩy nhanh việc cấp Giấy chứng nhận cho 20.339 căn nhà đã được thẩm định đủ điều kiện. Riêng trong quý 1/2023 Sở TNMT sẽ đánh giá kết quả thực hiện thí điểm ứng dụng phần mềm VBDLIS trong công tác giải quyết hồ sơ làm cơ sở dữ liệu liên thông thuế điện tử, để đảm bảo thời gian giải quyết hồ sơ theo quy định của 4 dự án gồm dự án Vinhome (thành phố Thủ Đức), Phú Mỹ Hưng (huyện Nhà Bè) dự án Hà Đô (quận 10) và dự án City Land (quận Gò Vấp) sau đó sẽ áp dụng cho tất cả dự án còn lại trên địa bàn TP.HCM.

Để đẩy nhanh tiến độ cấp Giấy chứng nhận, Sở TNMT Thành phố cũng sẽ thực hiện liên thông thuế điện tử với tất cả các Chi cục Thuế quận, huyện và thành phố Thủ Đức nhằm xác định nghĩa vụ tài chính của người mua nhà. Hiện công tác này đang thực hiện thí điểm với Chi cục Thuế quận 10, quận Gò Vấp, khu vực quận 7 - Nhà Bè và thành phố Thủ Đức.

Ngoài ra Sở TNMT đang tiếp tục rà soát, tổng hợp tham mưu trình Ủy ban nhân dân (UBND) TP.HCM tháo gỡ những khó khăn hoặc kiến nghị các Bộ, ngành, Trung ương tháo gỡ các vướng mắc trong công tác cấp Giấy chứng nhận cho người mua nhà tại dự án phát triển nhà ở.

TP.HCM: Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 23.000 căn nhà
Hiện vẫn còn nhiều dự án nhà ở trên địa bàn TP.HCM chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, khiến nhiều khu đất đang bị bỏ trống, ảnh hưởng đến quyền lợi người mua cũng như gây mất mỹ quan đô thị.

Liên quan đến việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Quyết định 08/2021/QĐ-UBND ngày 29/4/2021 (gọi tắt Quyết định 08) của UBND TP.HCM về phối hợp giải quyết thủ tục giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đại diện Sở TNMT TP.HCM cho biết: Từ khi thực hiện Quyết định 08 đến ngày 28/10/2022, các Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai quận huyện, thành phố Thủ Đức đã ủy quyền ký 65.508 Giấy chứng nhận và 1.205 quyết định hủy Giấy chứng nhận, 646 công văn hoàn trả hồ sơ. Tỷ lệ hồ sơ trễ hạn 6 tháng đầu năm 2022 là 2,96% và giảm xuống còn 2,87% tính đến ngày 28/10/2022.

Nguyên nhân khiến tỷ lệ hồ sơ trễ hạn vẫn còn khá cao là do việc thực hiện Quyết định 08 vẫn chưa triệt để, chỉ ủy quyền ký Giấy chứng nhận, việc đóng dấu phải sử dụng con dấu của Sở TNMT vì thế vẫn phải phải có bước luân chuyển hồ sơ để đóng dấu, gây khó khăn cho các Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai có khoảng cách xa như huyện Cần Giờ, Củ Chi, Bình Chánh...

Các quy định liên quan đến đăng ký, cấp Giấy chứng nhận còn nhiều vướng mắc dẫn đến có nhiều cách hiểu và nhận định khi giải quyết hồ sơ chưa thống nhất giữa các Chi nhánh như quy định về xác nhận điều kiện nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất lúa, hạn mức sử dụng đất nông nghiệp, xác định tài sản chung của vợ chồng khi đăng ký…

Trong khi đó, để giải quyết các thủ tục hành chính phải có sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị khác như Cơ quan thuế, xây dựng, UBND phường, xã, quận, huyện, thành phố Thủ Đức… khiến việc giải quyết hồ sơ bị ảnh hưởng rất lớn nếu các cơ quan, đơn vị phối hợp chậm giải quyết, thậm chí không nêu lý do trễ hạn.

Mặt khác các quy định pháp luật giữa các ngành chưa có sự thống nhất hoặc có những chỉ đạo mới không có trong quy trình giải quyết hồ sơ như việc xác minh xây dựng không phép, sai phép khi người dân thực hiện đăng ký biến động đất đai, mặc dù các vi phạm đó đã xảy ra rất lâu hoặc đã qua đăng ký biến động,... vẫn phải xử lý các vi phạm này trước khi giải quyết hồ sơ.

Do đó không đảm bảo thời gian quy định dẫn đến hỗ sơ trễ hạn, thậm chí các Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai phải đối mặt với các vụ kiện hành chính hoặc dân sự đòi bồi thường nếu nguyên đơn (người đăng ký biến động) chứng minh được thiệt hại. Cùng với đó là nguyên nhân cơ sở dữ liệu chưa đầy đủ, phân tán, trang thiết bị, đường truyền chậm…. và không loại trừ trường hợp lỗi do viên chức thụ lý giải quyết hồ nhận định chưa đúng, tâm lý e ngại sợ làm sai.

Nhiều vi phạm trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất của doanh nghiệp Nhà nước

Vừa qua UBND TP.HCM có Báo cáo 223/BC-UBND gửi Thanh tra Chính phủ về việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất kinh doanh sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở của doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa giai đoạn 2011 – 2021. Theo đó, tổng số vị trí đất đai và diện tích đất của doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc quản lý của UBND TP.HCM đã thực hiện việc chuyển đổi nói trên là 70 vị trí đất đai với tổng diện tích 1.389.542 m2.

Tổng số tiền phải thu từ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất kinh doanh sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở là 8.996.4 tỷ đồng, trong đó đã thu 8.501.1 tỷ đồng, miễn thu 495,3 tỷ đồng (miễn tiền sử dụng đất nhà ở xã hội).

Đáng chú ý, tổng số vị trí đất đai, diện tích đất đã được thanh tra là 28 vị trí, qua đó kiến nghị thu hồi gần 130.000m2 đất, chuyển vụ việc sang cơ quan điều tra 7 vụ việc. Các vi phạm pháp luật chủ yếu là chuyển nhượng hoặc hợp tác góp vốn bằng tài sản là công trình trên đất, sau đó chuyển quyền được thuê đất của Nhà nước và quyền được phát triển dự án, quyền thuê đất của Nhà nước cho các đối tác hoặc pháp nhân mới để toàn quyền thực hiện phát triển dự án.

Doanh nghiệp Nhà nước thực hiện góp vốn tham gia liên doanh, liên kết, hoặc thành lập công ty liên doanh, liên kết để triển khai các dự án kinh doanh bất động sản nhưng thực chất là chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án đầu tư nhưng không thông qua thủ tục đấu thầu chọn nhà đầu tư, hoặc đấu giá bán tài sản (dự án đầu tư). Hoạt động này đã biến tướng bằng các kiểu hợp đồng như hợp đồng góp vốn bằng lợi thế quyền thuê đất, lợi thế mặt bằng,... nhưng bản chất vẫn là góp vốn quyền thuê đất.

Có trường hợp doanh nghiệp Nhà nước đã sử dụng Hợp đồng hợp tác để cập nhật thông tin biến động trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, từ đó giao cho đối tác toàn quyền triển khai, thực hiện dự án, khai thác, kinh doanh dự án mà chưa được chủ sở hữu và cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.

Khi hợp tác đầu tư, doanh nghiệp Nhà nước không thẩm định lợi thế quyền thuê đất, lợi thế mặt bằng làm cơ sở góp vốn; giao toàn quyền cho đối tác khai khác dự án và phân chia lợi nhuận cố định mà không cử nhân sự tham gia, hoặc cử nhân sự không có đủ năng lực chuyên môn tham gia Ban điều phối dự án.

Chưa kể việc, doanh nghiệp Nhà nước đã sử dụng đất thuê của Nhà nước không đúng mục đích giao, thuê, sử dụng đất đai, mặt bằng không phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh chính của đơn vị, không đúng phương án cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Trần Tình

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này