Câu chuyện đầu tuần

11:37 | 06/12/2022
(LĐTĐ) Ngoại trừ các yếu tố bất khả kháng như khủng hoảng kinh tế, hay dịch bệnh khiến thị trường bị thu hẹp, sản xuất bị ngưng trệ doanh nghiệp buộc phải cắt giảm lao động, còn lại những doanh nghiệp có chiến lược đầu tư bài bản họ bao giờ cũng đặt người lao động là trung tâm.
Câu chuyện sân golf Công chức nghỉ việc nhìn từ câu chuyện lương - giá
Câu chuyện đầu tuần
Ảnh minh họa.

Sáng Chủ nhật, bên ly cà phê nóng, trong cái lạnh của mùa đông Hà Nội, vô tình được nghe những câu chuyện về đầu tư, nhà ở công nhân, tổ chức Đảng, Công đoàn trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước càng thấm thía một số điều.

Câu chuyện thứ nhất, lãnh đạo ngành Kế hoạch và Đầu tư một địa phương thuộc đồng bằng sông Hồng kể: Tháng 11 có dịp sang Đài Loan (Trung Quốc) và một số nước châu Âu xúc tiến đầu tư, sau khi xem xét các yếu tố liên quan đến môi trường đầu tư, hạ tầng cơ sở, cuối cùng tất cả các đối tác đều hỏi câu giống nhau: “Ở nơi đấy các ông đã xây dựng nhà ở công nhân chưa? Hoặc phương án xây dựng nhà ở công nhân thế nào?”. Nói xong, vị này kết luận: Hóa ra đối với những tập đoàn, doanh nghiệp tầm cỡ, khi đã bỏ vốn đầu tư họ bao giờ cũng ưu tiên đến yếu tố ổn định, đặc biệt ổn định về mặt nhân sự. Vì theo họ, nếu chỉ có khu công nghiệp, đầu tư xây dựng nhà máy với số vốn rất lớn mà không có hệ thống nhà ở công nhân thì sẽ không bao giờ có được nguồn nhân lực tận tâm phục vụ lâu dài cho nhà máy mà chỉ là những lao động thời vụ. Họ quan tâm đến nhà ở công nhân chính là đặt người lao động ở vị trí trung tâm. Vì khi người lao động có nhà để ở, có nơi để vui chơi mới yên tâm để “phụng sự” doanh nghiệp một cách tốt nhất.

Câu chuyện thứ hai, liên quan đến việc thành lập tổ chức Đảng, Công đoàn trong doanh nghiệp, một tiến sĩ từng giảng dạy tại trường đại học cho hay: Qua theo dõi cũng như việc tham gia khảo sát có một số liệu ít ai thống kê đó là: Ở những doanh nghiệp có tổ chức Đảng, Công đoàn thì số vụ lãn công, bãi công gần như không có. Đây là một trong những “góc độ” mà chúng ta cần phải quan tâm và tuyên truyền.

Từ kết quả điều tra này, vị tiến sĩ cho hay, thời gian qua việc thành lập tổ chức Đảng, Công đoàn trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước đã có những tiến bộ, nhưng vẫn còn một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp e ngại. Trong đó, mẫu số chung mà các doanh nghiệp băn khoăn: Mục đích của chúng tôi là lợi nhuận. Vậy nếu thành lập tổ chức Đảng, Công đoàn thì doanh nghiệp được lợi gì?

Trước câu hỏi này, không ít nơi bỡ ngỡ, nhưng nếu chúng ta đưa ra con số thống kê về tỷ lệ lãn công, đình công giữa doanh nghiệp có tổ chức Đảng, Công đoàn và doanh nghiệp không có hai tổ chức trên thì chắc chắn các lãnh đạo doanh nghiệp sẽ rất ngạc nhiên và nhận ra rằng việc thành lập tổ chức Đảng, đoàn thể, chính trị trong doanh nghiệp chỉ góp phần tạo ra mối quan hệ hài hòa, tăng năng suất lao động hơn mà thôi chứ chẳng ảnh hưởng gì đến doanh nghiệp…

Những câu chuyện trong buổi cà phê sáng khép lại, thầm nghĩ những vấn đề mang tính thời sự trên đã được Đảng, Nhà nước nhìn nhận và cụ thể hóa bằng Nghị quyết, văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể, tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, Ban Chấp hành Trung ương đã thông qua Nghị quyết số 21 về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới.

Đồng thời, Quốc hội, Chính phủ cũng đang tiến hành sửa Luật Nhà ở cũng như ban hành các văn bản pháp quy để tạo hành lang pháp lý đối với chính sách xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Để cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước điều quan trọng đối với mỗi doanh nghiệp, hơn lúc nào hết phải đặt người lao động làm trung tâm, là chủ thể sản xuất để từ đó cùng với chính quyền quan tâm đến các vấn đề nhà ở và phúc lợi xã hội đi kèm cũng như thành lập tổ chức Đảng, đoàn thể, chính trị xã hội để tạo thể thống nhất giúp doanh nghiệp ngày càng phát triển.

L.Hà

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này