Giật mình khi giới trẻ nói tục!

07:36 | 06/12/2022
(LĐTĐ) Hiện nay, tình trạng nhiều học sinh nói tục, chửi bậy diễn ra khá phổ biến trong giao tiếp hàng ngày và trong ngôn ngữ “chát chít”. Không chỉ ở học sinh Trung học cơ sở, Trung học phổ thông, mà cả học sinh Tiểu học cũng tập tành nói tục, chửi bậy. Nhiều em còn hiểu lệch lạc khi cho rằng, việc nói tục, chửi bậy như vậy là thể hiện “đẳng cấp”. Để giải quyết tình trạng này và giáo dục nếp sống văn minh, thanh lịch cho học sinh, cần có sự chung sức của cả nhà trường, gia đình và cộng đồng.
Xử lý nạn nói tục: Phạt thế nào? Giáo dục nếp sống văn minh, thanh lịch cho học sinh

Không còn là cá biệt

Cùng với tốc độ phát triển của đô thị, đời sống văn hóa, xã hội đang biến đổi mạnh mẽ về mọi mặt. Người Hà Nội mang phong cách hiện đại, lối ứng xử tự tin, giới trẻ giỏi vận dụng thành tựu khoa học, công nghệ vào học tập, nghiên cứu, kinh doanh, sản xuất... Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển, mặt trái của quá trình mở rộng giao lưu, hội nhập, đặc biệt sự lên ngôi của mạng xã hội dường như đã có những tác động không nhỏ. Minh chứng dễ thấy là không ít sự phai nhạt trong ứng xử văn hóa, đạo đức, nét thanh lịch truyền thống qua nhiều biểu hiện trong cuộc sống hằng ngày.

Giật mình khi giới trẻ nói tục!
Xây dựng nếp sống văn minh, thanh lịch cho học sinh cần sự chung sức của cả cộng đồng. Ảnh: P.T

Không biết từ khi nào, nhưng khi trò chuyện về một vấn đề gì đó của xã hội, nhiều người dễ dàng văn tục. Chỉ câu chuyện vui vui, nhưng cũng bị dẫn dắt bởi những câu đệm rất khó nghe. Quay sang trưa và chiều tối, lang thang các quán nhậu, đặc biệt là quán bia hơi, ở đây trong sự hỗn tạp của đủ giọng nói, đủ câu chuyện “chén chú, chén anh” mới thấy hết “sự khủng khiếp” của ngôn từ. Đủ mọi thành phần, lao động phổ thông có, làm doanh nghiệp có, viên chức, công chức Nhà nước có, tri thức có và với tất cả mọi câu chuyện trên trời, dưới đất. Nhưng thay vì “miếng trầu là đầu câu chuyện” lại là những tràng văng tục.

Những tưởng sự nói bậy này chỉ xuất hiện ngoài vỉa hè, song buồn thay, những ngôn ngữ đó đã len lỏi vào chốn học đường, thậm chí có những ngôn từ còn thành “phổ biến” trong giao tiếp đối với không ít học sinh “vãi.. lều”, “vãi…” mà người viết không thể liệt kê ra hết.

Đáng cảnh báo là hiện tượng “rác” văn hóa tràn lan trên các mạng xã hội có tác động đặc biệt tiêu cực đối với lớp trẻ, thậm chí ngay cả với học sinh tiểu học khi hàng ngày tiếp cận với các video, clip trên mạng.

Anh Nguyễn Văn Bằng (một phụ huynh sống tại quận Bắc Từ Liêm) cho biết, có lần chờ đón con trước cổng trường thấy một nhóm học sinh mặc đồng phục đang nói chuyện với nhau. Một nữ sinh khoảng 13, 14 tuổi văng đủ thứ ngôn ngữ tục tĩu, đám bạn thỉnh thoảng còn “phun châu nhả ngọc” những từ còn kinh khủng hơn. “Các cháu vô tư văng tục trước ánh mắt của rất nhiều phụ huynh và học sinh xung quanh. Không thể tưởng tượng được học sinh bây giờ có thể nói ra những lời khó nghe như vậy”, anh Bằng bày tỏ.

Anh Bằng cũng cho biết thêm, cứ nghĩ con mình không nằm trong số đó, nhưng anh sững sờ khi vô tình đứng ở cửa phòng con trai đang học lớp 8 và nghe con nói chuyện điện thoại với bạn văng ra mấy từ tục tĩu một cách trơn tru, ráo hoảnh.

Câu chuyện của anh Bằng không phải là cá biệt. Trên nhiều diễn đàn của phụ huynh, giáo viên, thậm chí trong những nhóm của các chung cư, nhiều phụ huynh cũng than phiền về tình trạng học sinh nói tục mọi lúc, mọi nơi. Khi được hỏi tại sao các em lại sử dụng những ngôn từ tục tĩu như vậy, một học sinh lớp 9 cho biết, việc nói tục, chửi thề đôi khi là “cái mốt”, là “thời thượng”, là phương pháp để giải tỏa căng thẳng, là cách để “hòa nhập” với một nhóm bạn.

“Trong các nhóm bạn cùng học, cùng chơi với nhau mà bạn nào không nói tục, chửi bậy, nghiêm chỉnh quá thì bị trách, không phải người sành điệu, sẽ lạc lõng và không hòa nhập. Bất kỳ lý do gì bọn em cũng có thể chửi được. Đi muộn bị ghi sổ: Chửi, điểm kém: Chửi, không khí yên bình quá: Chửi, ghét bạn: Chửi, gọi bạn hay rủ bạn không được: Chửi, bị mẹ mắng: Chửi…”, học sinh này chia sẻ.

Bày tỏ quan điểm về vấn đề nói tục, chửi bậy, Lê Nguyễn Phương Thảo (học sinh lớp 12 tại một trường Trung học phổ thông trên địa bàn quận Cầu Giấy) tỏ ra vô cùng bức xúc vì mỗi ngày em đều phải nghe rất nhiều những lời nói không hay từ bạn bè cùng trang lứa. Phương Thảo cho rằng, tình trạng này cần lên án mạnh mẽ bởi lời ăn, tiếng nói phải có chuẩn mực, nhất là với lứa tuổi học sinh. “Ở trong trường hay ra ngoài đường, em đều bắt gặp các bạn nói tục, chửi bậy. Thậm chí các bạn còn nói rất to khiến người khác khó chịu. Em nghĩ việc các bạn sử dụng những từ ngữ kệch cỡm, thô lỗ ấy vì thích thể hiện bản thân, để tỏ ra dân “anh chị” cho người khác sợ”, Phương Thảo nêu quan điểm.

Khó nhưng cần phải làm

Quanh câu chuyện này, trong một dịp trò chuyện với Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm (Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam), ông chỉ ra rằng, con trẻ nói tục, chửi bậy do nhiều nguyên nhân, chủ yếu là do bắt chước người lớn. Cha mẹ thường xuyên nói tục, chửi bậy trước mặt con thì sẽ dễ khiến con trẻ học theo.

Được biết hiện một số trường trên địa bàn Thành phố đã đưa phong trào “nói không” với nói bậy vào chương trình thi đua và trong các môn học đạo đức. Tuy nhiên nhìn một cách tổng thể kết quả vẫn chưa cao, tình trạng nói bậy vẫn rất phổ biến. Xưa cha ông ta đã dạy “học ăn, học nói, học gói, học mở”. Điều quan trọng của giáo dục- đào tạo không chỉ đào tạo kiến thức cho học sinh mà đào tạo ra những con người hướng đến sự “chân- thiện- mỹ”.

Chúng ta không thể nặng về giáo dục kiến thức bằng cách học ở lớp vốn đã nhiều, học thêm cũng không ít nhưng lại quên đi giáo dục văn hóa cho học sinh bắt đầu từ “lời nói”, ngôn ngữ giao tiếp thì vô cùng tai hại. Nói lời hay, nói có văn hóa ắt sẽ có hành động đẹp.

Vì vậy, để làm “sạch” văn hóa giao tiếp chốn học đường chỉ còn cách: Với gia đình, phụ huynh thật nghiêm với các con, nếu sử dụng ngôn ngữ dung tục phải phạt thật nặng. Với nhà trường, phải có “chế tài” đánh vào điểm thi đua của lớp, của học sinh nếu nói tục. Làm thật nghiêm, nếu vượt thẩm quyền, Ban Giám hiệu nhà trường có thể gửi công văn xin ý kiến cấp cao hơn để xử lý. Có làm nghiêm, mới hy vọng trả lại văn hóa đẹp trong giao tiếp chốn học đường.

Khi ra chợ, trên đường phố, vào hàng quán, con trẻ cũng thường xuyên được nghe những lời nói chưa đẹp, lâu dần thành quen. Đã tới lúc cha mẹ, người lớn, các thầy, cô giáo cần có thái độ và giải pháp nghiêm khắc, quyết liệt hơn với tình trạng nói tục, chửi bậy. Ngoài ra, mỗi người lớn cũng cần thể hiện sự gương mẫu trong lời ăn tiếng nói, cách ứng xử, nhằm tạo ra sự tác động đủ làm thay đổi nhận thức của con trẻ về nếp sống văn hóa.

Với hơn 10 năm kinh nghiệm trong nghề giáo, cô giáo Đặng Hoàng Hà (giáo viên Trường Tiểu học Giáp Bát, quận Hoàng Mai) cho rằng, việc nói tục, chửi bậy của học sinh trong tình hình hiện nay diễn ra khá phổ biến. Nói tục, chửi bậy không còn là câu nói bộc phát, lỡ mồm mà đã thành thói quen hay nghiêm trọng hơn là câu cửa miệng của một bộ phận học sinh.

“Thói quen này được xuất phát từ chính thế giới quan mà chúng ta mang lại. Trẻ sinh ra không tự có thói quen nói tục, chửi bậy mà được học, được biết theo ngôn ngữ truyền miệng. Bước đầu chỉ là nghe thấy nói, sau đó nói thử. Đôi lần có thể ngượng miệng, sau dần không nhận được phản ứng từ người tiếp nhận ngôn ngữ, nói nhiều thì thành thói quen. Muốn bỏ được thói quen thì hành vi ấy không nên để diễn ra lặp đi lặp lại, không nên tán dương hay chấp nhận ngôn ngữ nói tục, chửi bậy”, cô giáo Đặng Hoàng Hà chia sẻ.

Cũng theo cô giáo Đặng Hoàng Hà, muốn ngăn “vi rút” nói tục thì nói phải đi đôi với làm, lý thuyết phải đi đôi với thực hành mới có thể mang lại hiệu quả. Ngành Giáo dục, cụ thể hơn các cơ sở giáo dục cần tăng cường mở các lớp kỹ năng sống, tăng cường kỹ năng trải nghiệm, đi sâu vào các mặt còn hạn chế; không tổ chức một cách qua loa, hình thức, không đặt nặng vấn đề thành tích, phê bình mà nên thẳng thắn nhìn nhận điểm tốt và chưa tốt để tìm ra hướng khắc phục. Cùng đó, nên tổ chức các buổi tọa đàm, phản biện hay sân khấu hóa các hành vi tiêu cực để chủ thể nhận ra hành vi đúng sai từ bài học trải nghiệm.

Từ góc độ giáo dục

Được biết, thời gian qua, trên cơ sở nội dung 2 bộ quy tắc của Thành phố Hà Nội là: “Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội” và “Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội”, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội đã xây dựng và ban hành văn bản hướng dẫn các đơn vị thực hiện quy tắc ứng xử trong môi trường học đường, trong đó quy định cụ thể những việc nên làm và không nên làm trong các mối quan hệ ứng xử, thể hiện thông qua trang phục, ngôn ngữ, hành vi ứng xử...

Hướng dẫn thực hiện và nội dung quy tắc được niêm yết công khai tại các bảng tin, bảng thông báo, trang thông tin điện tử của mỗi nhà trường để cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh cùng thực hiện. Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng yêu cầu Ban Giám hiệu nhà trường đẩy mạnh công tác giáo dục văn hóa ứng xử thông qua các hoạt động giáo dục, thực hành, tình nguyện vì cộng đồng; coi trọng các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, ứng xử văn hóa của người học…

Tới đây, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh về công tác xây dựng văn hóa và thực hiện văn hóa trong trường học; tăng cường và sử dụng hiệu quả các thiết chế như động viên, khích lệ cán bộ, giáo viên, nhân viên tích cực, gương mẫu trong công tác xây dựng môi trường văn hóa và thực hiện quy tắc ứng xử văn hóa.

Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các nhà trường xây dựng kế hoạch, xác định rõ mục tiêu, nội dung văn hóa ứng xử trong trường học bảo đảm dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện; tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, từ đó mong muốn lan tỏa đến phụ huynh; tăng cường quản lý nền nếp, chất lượng dạy và học trong nhà trường; nắm bắt thông tin học sinh, hoàn cảnh, tâm tư tình cảm, nguyện vọng, diễn biến tư tưởng người học; chủ động phối hợp cùng gia đình và xã hội trong việc xây dựng và thực hiện văn hóa ứng xử trong trường học; tổ chức các phong trào thi đua giữa các khối, lớp, trong toàn trường, các hoạt động trải nghiệm, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, tình nguyện vì cộng đồng, tri ân, đền ơn đáp nghĩa, nhân đạo, các câu lạc bộ cho phù hợp với lứa tuổi, cấp học; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục thông qua các hình thức khẩu hiệu, báo chí, phương tiện truyền thông, Internet phù hợp với thuần phong mỹ tục, đúng mục tiêu, sứ mệnh của nhà trường, của ngành…/.

Phạm Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này