Nỗi lo thực phẩm “bẩn” dịp cận Tết

08:00 | 06/12/2022
(LĐTĐ) Mặc dù các cơ quan chức năng đã quyết liệt ngăn chặn triệt phá nhiều vụ việc liên quan đến hành vi sản xuất, mua bán thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm “bẩn”… nhưng dường như đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Vì lợi nhuận, bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, các đối tượng vẫn đang âm thầm “tuồn” thực phẩm “bẩn” len lỏi ra thị trường và đi vào bữa ăn của nhiều gia đình, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Cẩn trọng với thực phẩm không rõ nguồn gốc dịp Tết Nguyên đán An toàn thực phẩm, trách nhiệm của mọi người

Phát hiện nhiều vụ việc

Theo thông lệ, khoảng thời gian trước Tết Nguyên đán, gần như hằng năm đều có các vụ việc vi phạm về an toàn thực phẩm với quy mô lớn, tính chất nghiêm trọng bị phát hiện. Thông qua công tác tuần tra, kiểm soát, lực lượng chức năng thành phố Hà Nội đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nhiều vụ vận chuyển, lưu thông thực phẩm “bẩn” với số lượng lớn.

Nỗi lo thực phẩm “bẩn” dịp cận Tết
Lực lượng chức năng kiểm tra địa điểm kinh doanh tại địa chỉ số 483 đường An Dương Vương, phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm.

Điển hình như ngày 1/12, Đội Quản lý thị trường số 22, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội phối hợp Đội 4 Phòng Cảnh sát Môi trường - Công an thành phố Hà Nội và Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ Công an quận Bắc Từ Liêm tiến hành kiểm tra đột xuất địa điểm kinh doanh thuộc hộ kinh doanh Quang Định tại địa chỉ số 483 đường An Dương Vương, phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, do ông Vũ Văn Định là chủ kinh doanh.

Đoàn kiểm tra phát hiện cơ sở đang kinh doanh 1 tấn ức vịt đông lạnh và 180kg cánh gà đông lạnh không có hóa đơn chứng từ, không có căn cứ xác định nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ hàng hóa không rõ nguồn gốc. Lô hàng vi phạm có giá trị hơn 37 triệu đồng. Mức phạt tiền là 25 triệu đồng, đồng thời buộc tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa vi phạm. Đội Quản lý thị trường số 22 đang tiếp tục xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật...

Trước đó, ngày 23/11, tổ công tác của Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 6 - Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội đang làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát trên tuyến đường Phạm Văn Đồng, phát hiện xe tải biển kiểm soát 24C-086.XX, gắn mác “chuyển phát nhanh” có biểu hiện nghi vấn nên đã dừng xe kiểm tra theo quy định, phát hiện trong thùng xe tải có lượng lớn hàng hoá là bánh kẹo, thực phẩm gắn nhãn mác nước ngoài. Đáng chú ý, số hàng hoá phía ngoài được ngụy trang rất tinh vi đều có hoá đơn chứng từ. Tuy nhiên, khi lực lượng chức năng kiểm tra sâu phía bên trong thì phát hiện có 6.000 gói bánh quy, 750 hộp bánh và 36.000 túi xúc xích. Lái xe Đ.M.H (sinh năm 1994; trú tại Bảo Thắng, Lào Cai) đã không xuất trình được hoá đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ của số hàng trên.

Theo các chuyên gia, vấn nạn thực phẩm “bẩn” liên tiếp bị phát hiện xử lý, nhưng khó có thể dập tắt trong thời gian qua là do lợi nhuận đem lại quá lớn. Vì lợi nhuận, mà bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, các đối tượng vẫn đang âm thầm “tuồn” thực phẩm “bẩn” len lỏi vào thị trường. Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân khiến các vụ sản xuất kinh doanh vi phạm về an toàn thực phẩm còn xuất phát từ thực tế nhiều nơi người dân có xu hướng lựa chọn những mặt hàng giá rẻ. Lợi dụng nhu cầu đó, các đối tượng đã vận chuyển các mặt hàng quá hạn sử dụng, hàng nhập lậu vào Việt Nam tiêu thụ làm cho tình hình an toàn thực phẩm diễn biến phức tạp, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, tâm lý người tiêu dùng.

Thông tin với phóng viên, Thiếu tá Trần Quang Chinh, Đội phó Đội Cảnh sát giao thông số 6, Phòng Cảnh sát giao thông - Công an thành phố Hà Nội cho biết, cuối năm là lúc mà hoạt động giao thương hàng hoá diễn ra nhộn nhịp, sôi động. Các đối tượng thường lợi dụng thời điểm này để tăng cường haotj động và có các hành vi vi phạm pháp luật. Những đối tượng vi phạm thường dùng mọi thủ đoạn để tránh bị phạt nặng và truy tố, như chia nhỏ, phân tán để cất giấu, trà trộn với hàng hóa hợp pháp, hay tách các công đoạn vi phạm; vận chuyển qua dịch vụ chuyển phát nhanh; giao dịch qua thương mại điện tử, ứng dụng internet... gây rất nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng.

Siết chặt quản lý hơn nữa

Đến hẹn lại lên, vào những tháng cuối năm, nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thực phẩm tăng cao, khiến vi phạm an toàn thực phẩm có nguy cơ gia tăng. Đây cũng là thời điểm để gian thương lợi dụng, tung ra thị trường những thực phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc. Có thể thấy, tác hại của thực phẩm kém chất lượng tác động đến xã hội rất lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng. Việc đưa thực phẩm “bẩn” ra thị trường để tiêu thụ có nguyên nhân lớn từ những người sản xuất, kinh doanh, vì chạy theo lợi nhuận mà bất chấp hậu quả. Vì thế, việc tập trung kiểm tra, giám sát để ngăn chặn thực phẩm “bẩn” càng phải đẩy mạnh.

Từ góc độ pháp lý, Luật sư Phạm Hải Long (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng, hành lang pháp lý để xử phạt những đối tượng vi phạm đã có, nhưng các cơ quan thực thi pháp luật cần mạnh tay hơn nữa đối với hành vi này để đủ sức răn đe, không để tái diễn, có thể thu hồi giấy phép, cấm hoạt động vĩnh viễn cơ sở sản xuất, kinh doanh, thậm chí xử lý hình sự với những trường hợp vi phạm nghiêm trọng nhằm ngăn chặn thực phẩm "bẩn" một cách triệt để.

Để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm khi dịp Tết Nguyên đán đang đến gần, thiết nghĩ các cơ quan quản lý cần tăng cường thanh kiểm tra chống sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng, tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới.

Với các cơ sở sản xuất, kinh doanh cần tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, tuyệt đối không sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, không rõ nguồn gốc, không an toàn. Với mỗi người dân, hãy “tự nghiêm khắc” với chính mình để tránh mua phải những loại thực phẩm bẩn, kém chất lượng; cần cẩn trọng khi lựa chọn, mua bán, nhất là mua bán qua mạng. Để đảm bảo an toàn, người tiêu dùng nên mua thực phẩm tại những địa chỉ uy tín, đảm bảo chất lượng, đọc và tìm hiểu kỹ thông tin trên bao bì, nhãn mác; nói không với những sản phẩm có tem nhãn in không rõ ràng, để tránh mua hàng giả, hàng nhái. Bên cạnh đó không nên ham rẻ, nhất là khi sản phẩm có giá bán quá rẻ so với công bố của nhà sản xuất./.

Liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm, Tổng cục Quản lý thị trường cũng ban hành Kế hoạch về cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2023, dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán.Theo đó, Tổng cục Quản lý thị trường chỉ đạo Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố tăng cường công tác phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát thường xuyên tại các kho bãi, điểm tập kết hàng hóa gần biên giới, các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, kho chứa hàng đông lạnh, các đơn vị nhập khẩu kinh doanh thực phẩm đông lạnh, các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, các tuyến đường bộ, đường sắt nhất là các địa bàn trọng điểm tại các tỉnh biên giới, thành phố lớn.

Minh Phương

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này