Thủ tướng: Người dân, doanh nghiệp gặp khó, trách nhiệm cơ quan nhà nước càng phải cao

15:33 | 01/12/2022
(LĐTĐ) Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý, chúng ta theo kinh tế thị trường thì tuân thủ quy luật cung cầu, cạnh tranh nhưng khi tình hình không bình thường thì phải phân tích nguyên nhân và có công cụ can thiệp kịp thời, đó là định hướng xã hội chủ nghĩa. Khi thấy người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn thì cơ quan nhà nước không được bỏ mặc mà trách nhiệm càng phải cao, tránh tình trạng người dân và doanh nghiệp nghĩ rằng cơ quan nhà nước không có ý kiến gì hoặc bỏ mặc.
Nguồn nhân lực logistics chưa đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp Khẳng định vai trò Công đoàn trong doanh nghiệp

Sáng 1/12, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 11/2022. Báo cáo và các ý kiến tại phiên họp thống nhất nhận định, tháng 11 và 11 tháng năm 2022, tình hình kinh tế - xã hội khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực với nhiều điểm sáng.

Dự báo năm mức tăng trưởng kỳ tích và đứng đầu ASEAN

Theo đó, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 11 tháng tăng 3,02%. Các cân đối lớn được bảo đảm, trong đó thu ngân sách Nhà nước 11 tháng ước vượt 16,1% dự toán, xuất siêu 10,6 tỷ USD, cung ứng lao động cơ bản đáp ứng nhu cầu. Sản xuất công nghiệp tiếp đà phục hồi, chỉ số IIP tháng tăng 8,6% so cùng kỳ.

Trong 11 tháng có gần 195.000 doanh nghiệp thành lập mới và trở lại hoạt động, tăng 33,2% cùng kỳ, gấp 1,47 lần số doanh nghiệp rút lui. Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 11 tháng là gần 4,5 triệu tỷ đồng, tăng 21,5%; vốn FDI thực hiện 11 tháng đạt 19,68 tỷ USD tăng 15,1% - cao nhất của 11 tháng trong 5 năm qua... Bên cạnh đó, những vấn đề thường xuyên, nhất là về an sinh xã hội, văn hóa, xã hội, đối ngoại, quốc phòng an ninh được tập trung chỉ đạo và đạt nhiều kết quả nổi bật.

Thủ tướng: Người dân, doanh nghiệp gặp khó, trách nhiệm cơ quan nhà nước càng phải cao
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp Chính phủ tháng 11 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Kết quả phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam được nhiều tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá tích cực và dự báo lạc quan về tăng trưởng năm 2022, 2023. Trong đó, IMF đánh giá Việt Nam là điểm sáng trong "bức tranh xám màu", dự báo năm 2022 Việt Nam tăng 7% - là mức tăng trưởng kỳ tích và đứng đầu ASEAN; Fitch Ratings giữ xếp hạng Việt Nam ở mức triển vọng tích cực BB và dự báo tăng trưởng Việt Nam 2022 là 7,4%...

Bên cạnh thảo luận đánh giá kết quả, hạn chế trong phát triển kinh tế - xã hội trong tháng 11 và 11 tháng năm 2022, các thành viên Chính phủ thảo luận về thời cơ, thách thức trong thời gian tới, nhất là giải pháp xử lý, ứng phó với những vấn đề mới nổi như vấn đề thị trường vốn, chứng khoán, bất động sản, giải ngân đầu tư công, quản lý xăng dầu, nâng cao chất lượng hàng hóa xuất khẩu, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, xử lý tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, phòng chống tội phạm, nhất là dịp cuối năm, Tết Nguyên đán đến gần... Bên cạnh đó tiếp tục xử lý các vấn đề căn cơ như xây dựng thể chế, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, việc tích hợp cơ sở dữ liệu giữa các bộ, ngành...

Bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người dân, doanh nghiệp

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tháng 11, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, thành lập các tổ công tác thúc đẩy giải ngân đầu tư công và xử lý những vấn đề nảy sinh như về thị trường vốn, bất động sản, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, thiếu thuốc, sinh phẩm y tế, xăng dầu... Nhờ đó, tình hình, kinh tế - xã hội 11 tháng năm 2022 đạt kết quả rất cơ bản, tích cực, đáng mừng trong điều kiện khó khăn.

Nhiều vấn đề nội tại của nền kinh tế tồn tại từ lâu nay bộc lộ rõ hơn cũng được tập trung xử lý, tháo gỡ và qua đó, chúng ta càng trưởng thành, có thêm kinh nghiệm, bản lĩnh để tiếp tục giải quyết các vấn đề này.

Thủ tướng nhấn mạnh bài học kinh nghiệm là càng khó khăn, phức tạp, nhạy cảm thì càng phải bình tĩnh, sáng suốt, kiên trì, kiên định, đoàn kết, thống nhất, phối hợp chặt chẽ, chia sẻ cùng nhau, gánh vác trách nhiệm, hết mình với công việc để hoàn thành nhiệm vụ; phát hiện vấn đề nhanh, phản ứng chính sách nhanh, kịp thời và hiệu quả.

Thủ tướng: Người dân, doanh nghiệp gặp khó, trách nhiệm cơ quan nhà nước càng phải cao
Toàn cảnh phiên họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Dự báo thời gian tới, tình hình tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường và khó khăn, thách thức nhiều hơn do tác động từ bên ngoài và những vấn đề nội tại của nền kinh tế được bộc lộ.

Phân tích những tồn tại, hạn chế cần xử lý, khắc phục, những khó khăn, thách thức cần vượt qua, Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ, Thủ trưởng các cơ quan phải bám sát các chủ trương, Nghị quyết, chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ; chủ động thực hiện nhiệm vụ được giao theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; theo dõi, nắm chắc tình hình và kịp thời phản ứng bằng chính sách cụ thể và tổ chức thực hiện hiệu quả.

Người đứng đầu Chính phủ đề nghị tăng cường đoàn kết, thống nhất, kỷ luật, kỷ cương, thực hiện nghiêm quy chế làm việc của Chính phủ, giữ nghiêm kỷ luật phát ngôn; phát huy hơn nữa việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, lưu ý sử dụng hết quyền hạn được giao; đồng thời phát huy tinh thần linh hoạt, sáng tạo, có vấn đề phát sinh cần kịp thời phát hiện, báo cáo, trao đổi, với các vấn đề còn ý kiến khác nhau thì các bộ trưởng chủ trì, trực tiếp trao đổi.

Các bộ, ngành, địa phương tập trung giải quyết những khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, trong đó có tháo gỡ về vốn, mở rộng thị trường, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy, bảo đảm các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản và các tổ chức tín dụng hoạt động công khai, minh bạch, lành mạnh, an toàn, bền vững; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp và các đối tượng liên quan trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh quan điểm điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách vĩ mô khác; tìm điểm cân bằng giữa lãi suất và tỷ giá, giữa kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng. Thực hiện chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trong điểm, tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, tăng thu, tiết kiệm chi các khoản không cần thiết.

"Chúng ta theo kinh tế thị trường thì tuân thủ quy luật cung cầu, cạnh tranh nhưng khi tình hình không bình thường thì phải phân tích nguyên nhân và có công cụ can thiệp kịp thời, đó là định hướng xã hội chủ nghĩa. Khi thấy người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn thì cơ quan nhà nước không được bỏ mặc mà trách nhiệm càng phải cao, tránh tình trạng người dân và doanh nghiệp nghĩ rằng cơ quan nhà nước không có ý kiến gì hoặc bỏ mặc", Thủ tướng lưu ý.

Từ nay đến cuối năm, Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ trọng tâm cho từng bộ, ngành. Thủ tướng nhấn mạnh, các bộ, ngành phải làm tốt đồng thời cả 3 việc: Thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ thường xuyên; tập trung xử lý các vấn đề tồn đọng kéo dài; ứng phó kịp thời những vấn đề mới phát sinh.

Ngân Phương

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này