Vấn đề then chốt để xây chắc nền móng tổ chức cơ sở Đảng

Bài cuối: Kinh nghiệm quý để xây dựng Đảng vững mạnh từ gốc

09:44 | 02/12/2022
(LĐTĐ) Đưa cán bộ có năng lực về địa bàn khó khăn, phức tạp là chủ trương đúng, nhưng để giải quyết được những mâu thuẫn, tồn tại hạn chế ở nơi này đòi hỏi phải rất thận trọng khi dùng người. Đồng thời cả hệ thống chính trị cần vào cuộc thực chất, hiệu quả, bởi thực tế có nhiều vấn đề vượt khả năng xử lý của cơ sở. Đây là bài học kinh nghiệm quý để xây dựng Đảng từ gốc.
Bài 1: Đúng người, đúng việc, đúng thời điểm Chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng Xây dựng tổ chức cơ sở đảng vững mạnh là yếu tố then chốt

“Phải có con mắt tinh đời” để đánh giá cán bộ một cách khách quan

Việc điều động, luân chuyển cán bộ xuống địa bàn cơ sở đã có trong lịch sử. Ngay từ thời Lý, hoạt động này nhằm mục đích phát huy tối đa năng lực, tạo sự công bằng về quyền lợi và trách nhiệm của quan lại. Ví dụ như một vùng nào đó cần giải quyết vấn đề quan trọng (khai khẩn đất hoang, đào mương, đắp đê phòng úng ngập, phòng chống thiên tai, dịch bệnh…), sẽ có viên quan từ trung ương được cử xuống để trực tiếp chỉ đạo xử lý công việc.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng cho biết, Đảng ta từ khi thành lập đến nay luôn chú trọng đến công tác luân chuyển cán bộ, nhất là việc đưa cán bộ cấp trên về cơ sở. “Từ khi chưa giành được chính quyền, Đảng đã chủ trương đưa cán bộ về các nhà máy, xí nghiệp, đồn điền… để gây dựng, phát triển các phong trào quần chúng. Sau này trong kháng chiến, cán bộ cũng được tăng cường xuống cơ sở, “luồn sâu” vào từng địa bàn để cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con và thúc đẩy các phong trào. Rồi khi hòa bình và đặc biệt là từ khi đổi mới, việc này được thực hiện bài bàn, khoa học, thể hiện rõ qua các Nghị quyết, quy định của Đảng”, Phó Giáo sư Nguyễn Trọng Phúc nói.

Bài cuối: Kinh nghiệm quý để xây dựng Đảng vững mạnh từ gốc
Khen thưởng học viên có thành tích xuất sắc tại lễ bế giảng lớp bồi dưỡng, nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý cho đội ngũ Bí thư đảng ủy xã, phường, thị trấn, nhiệm kỳ 2020-2025.

Hiện nay có nhiều nơi cử cán bộ cấp huyện về cấp xã làm Bí thư, Chủ tịch… Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng phân tích, đây là chủ trương tốt, thể hiện việc luân chuyển cán bộ theo chiều dọc của Đảng. Điều này giúp nâng cao chất lượng cán bộ cơ sở, đồng thời thử thách, rèn luyện cán bộ trong môi trường thực tiễn, nhất là đối với cán bộ trẻ. Bởi tổ chức cơ sở đảng là nền tảng của Đảng. Nền tảng có vững thì Đảng mới vững.

Để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) nêu rõ: “Xây dựng đội ngũ cấp ủy viên, nhất là bí thư cấp ủy đủ phẩm chất, năng lực, uy tín lãnh đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của tổ chức cơ sở Đảng”. Đây vừa là mục tiêu nhưng cũng là nhiệm vụ cấp bách. Vì tổ chức cơ sở Đảng là nơi trực tiếp liên hệ với quần chúng, nơi tập hợp, gắn bó, tuyên truyền, giáo dục, tổ chức quần chúng thực thi đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Chúng ta đều thấy, tổ chức cơ sở Đảng phải đảm nhiệm rất nhiều việc. Nhưng cán bộ cơ sở chủ yếu trưởng thành từ thực tiễn là chính, được quần chúng tín nhiệm, được đảng tín nhiệm giao nhiệm vụ, lãnh đạo và xây dựng tổ chức ở cơ sở. Cái thuận là nắm được tình hình thực tiễn, nhưng có cái khó là ít tiếp xúc, điều kiện để nâng cao trình độ của mình. Nên có những nơi cán bộ cơ sở trình độ còn hạn chế, cả về kiến thức, tri thức, pháp luật, lý luận, năng lực lãnh đạo, tổ chức… Tầm nhìn, cách làm ăn lớn, suy nghĩ lớn, tư duy nhiều khi bó hẹp trong làng xóm. Do đó, việc điều động cán bộ được đào tạo bài bản cho thấy cấp trên rất chú trọng đến địa bàn cơ sở.

Tuy nhiên, khi đưa cán bộ về cơ sở cũng phải rất thận trọng vì nó không chỉ tác động đến sự phát triển của địa phương đó mà còn liên quan đến chế độ, chính sách, đến con người. Cấp ủy cấp trên phải cân nhắc các tiêu chí của cán bộ gắn với thực tiễn cơ sở xem có thuận không. Có những nơi cần chuyên môn, nhưng có những cơ sở đòi hỏi kinh nghiệm; vấn đề tuổi tác, giới tính hay một yếu tố khác.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc, có một bước không nằm riêng trong quy trình nào nhưng lại là vấn đề quyết định nhất. Đó là việc đánh giá, nhận xét cán bộ và thực hiện chủ trương luân chuyển phải xuất phát từ lợi ích chung, không được chủ quan, không được lồng ghép cá nhân, không được lợi ích nhóm. Như vậy mới công tâm, khách quan, dân chủ như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Phải có con mắt tinh đời” để nhìn nhận vấn đề, đánh giá, xem xét cán bộ một cách khách quan, trong sáng. Nếu như người cán bộ xác định được trách nhiệm của mình, toàn tâm toàn ý với công việc khi được giao về cơ sở, địa phương thì sẽ đồng cam cộng khổ với nhân dân, gắn bó với cơ sở, đoàn kết mọi lực lượng, hiệu quả công việc sẽ cao. Nhưng có cán bộ nhận thức không rõ, nghĩ rằng xuống cơ sở chỉ một thời gian theo dạng luân chuyển, tạm thời rồi lại trở về để lên cao hơn, nên làm việc hời hợt, cho có hình thức, thì sẽ không phát huy được, có khi lại phản tác dụng.

“Cũng cần đặc biệt quan tâm đến đội ngũ cán bộ cơ sở hiện có. Tạo điều kiện giúp họ vươn lên, đảm đương tốt nhiệm vụ và thấy rõ trách nhiệm của mình, để cùng chung tay với cán bộ tăng cường từ trên xuống giải quyết các vấn đề của địa phương. Cả 2 đều phải nỗ lực làm tốt. Cán bộ tăng cường phải thấy rõ trách nhiệm của mình nhưng dưới cơ sở không cố gắng tự cường vươn lên thì cũng rất khó. Vì nếu có đưa từ trên xuống thì cũng chỉ đưa được 1-2 người chứ không thể đưa xuống cả 1 dàn lãnh đạo, hoặc thay thế cả hệ thống chính trị ở cơ sở”, Phó Giáo sư Nguyễn Trọng Phúc nhấn mạnh.

Với Hà Nội, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng Nguyễn Trọng Phúc cho rằng, vị trí, vai trò là Thủ đô rất đặc biệt, lại là Đảng bộ lớn nhất cả nước; trong đó có Đảng bộ nông thôn, đảng bộ đô thị, cũng có những Đảng bộ ở đơn vị sự nghiệp, các doanh nghiệp... nên khi điều động, luân chuyển cán bộ phải làm sao lựa chọn, bố trí cán bộ cho phù hợp với từng địa bàn, không thể đánh đồng nông thôn với đô thị; gắn với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ để nâng cao năng lực, trình độ và kỹ năng quản lý. Do đó, cấp trên phải nắm chắc tình hình ở cơ sở, hiểu rõ đặc điểm, đặc trưng của tổ chức ấy để điều động, bố trí cán bộ, thì mới có hiệu quả.

Nâng cao sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng

Tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU, ngày 4/7/2017 của Ban Thường vụ Thành ủy “về việc xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh, củng cố cơ sở Đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc thành phố Hà Nội”, mới đây, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nêu thực tế: “Có sự việc dù nhỏ, chỉ là vấn đề dân sinh đời thường, nhưng nếu xử lý không khéo thì hoàn toàn có thể bùng lên trở thành vấn đề lớn, thậm chí có thể ảnh hưởng đến an ninh, chính trị… Có một thực tế nữa, là sự việc xảy ra ở thôn (cấp thấp nhất), do các chi bộ lãnh đạo nhưng cấp xã không giải quyết được. Việc xảy ra ở cấp xã và cấp huyện cũng lúng túng không giải quyết được. Và hầu hết những việc đó đẩy về cho Thành phố… Mấu chốt của vấn đề là năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng”.

Muốn củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở Đảng thì yếu tố quan trọng là công tác cán bộ, nâng cao trách nhiệm của đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu các cấp; đồng thời huy động sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị. Điều đó thấy rõ qua sự việc tại quận Đống Đa. Trong khi họp triển khai Dự án đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, Đảng ủy phường Láng Thượng đã chủ động lên kế hoạch chi tiết cho công tác giải phóng mặt bằng thuộc địa bàn và triển khai ngay đến các chi bộ có liên quan.

Đồng chí Phan Hải, Bí thư Chi bộ 1 cho biết: “Khu dân cư có 5 gia đình phải giải tỏa mặt bằng. Trên cơ sở hướng dẫn của Đảng ủy phường, Chi ủy đã có cuộc làm việc để nắm bắt tâm tư nguyện vọng của các gia đình, ngay sau đó giao cho đồng chí Chi ủy viên (kiêm Tổ trưởng tổ dân phố) có trách nhiệm theo dõi tình hình. Trong đó có 1 hộ dân là gia đình đồng chí đảng viên trong chi bộ. Vừa vận động tại buổi sinh hoạt chi bộ, tôi vừa gặp gỡ riêng để trao đổi. Lúc đầu gia đình có ý kiến, nhưng đồng chí ấy rất kiên quyết, quán triệt tinh thần gương mẫu của người đảng viên, để các hộ còn lại noi theo”.

Bài cuối: Kinh nghiệm quý để xây dựng Đảng vững mạnh từ gốc
Dự án đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài được triển khai thuận lợi nhờ nắm chắc tình hình ở cơ sở.

Bí thư Đảng ủy phường Láng Thượng Đàm Thế Anh chia sẻ: “Từ địa bàn dân cư phải nắm bắt tình hình, kịp thời thông tin cho Đảng ủy phường. Nhờ vậy chúng tôi biết được vấn đề vướng mắc và kiến nghị lên quận. Cấp trên hết sức quan tâm, đã khẩn trương làm việc với các đơn vị liên quan, để xem xét, giải quyết các chế độ, chính sách cho 5 hộ dân được thỏa đáng. Đó là bài học kinh nghiệm để phường Láng Thượng tháo gỡ một việc dự liệu sẽ trở thành điểm nóng”.

Trong báo cáo của Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội nêu tên 39 tổ chức cơ sở Đảng cần tiếp tục củng cố theo Nghị quyết số 15-NQ/TU (tính đến tháng 9/2022). Nội dung cần củng cố đa số có liên quan đến năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu cấp ủy. Nhưng điểm đáng chú ý hơn là có đến 32 tổ chức cơ sở Đảng thuộc ngoại thành Hà Nội (của 12 đảng bộ huyện, thị xã) trong khi các quận nội thành không có tổ chức cơ sở Đảng nào nằm trong danh sách. Lý giải điều này gắn với thực tế địa phương mình, đồng chí Nguyễn Nam Hà, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Sóc Sơn cho rằng, nhiệm vụ ở các huyện tập trung chính vào giải quyết đất đai, mà hồ sơ trong nhiều năm bị thiếu đồng bộ, đây là vấn đề rất nan giải.

Như xã Minh Trí và Minh Phú nằm trong diện theo dõi, có nguyên do là quy hoạch rừng của Sóc Sơn chưa được điều chỉnh phê duyệt, dù đã kiến nghị rất lâu. Cho nên chỗ nào là rừng, chỗ nào không phải là rừng, vẫn chưa được xác định rõ. Chính đây là kẽ hở xảy ra vi phạm, nhưng xử lý vi phạm thế nào, có cái xác định rõ, có cái khó để xác định.

“Đã điều động cán bộ huyện tăng cường cho 2 xã này; phân công Thường vụ Huyện ủy theo dõi là đồng chí Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện, người cực kỳ quyết liệt, sâu sát và nắm rất rõ ràng thực trạng. Dưới còn có 2 Huyện ủy viên, Trưởng phòng Tài nguyên môi trường phụ trách Minh Trí; Đội trưởng Đội Quản lý trật tự xây dựng phụ trách Minh Phú. Nhưng đến nay vẫn chưa thể giải quyết được vấn đề”, đồng chí Hà nói.

Đào tạo, bồi dưỡng gắn phải với thực tiễn

Việc Ban Thường vụ Đảng ủy và bản thân đồng chí cán bộ chủ chốt (người được huyện tăng cường cho địa bàn cơ sở) của 2 xã Minh Phú và Minh Trí bị kỷ luật, là những vi phạm do yếu tố chủ quan. Nhưng thẳng thắn nhìn nhận, nếu vấn đề đất rừng được giải quyết triệt để thì có thể tình hình sẽ khác. Mà việc này, vượt quá thẩm quyền của huyện, thậm chí cả Thành phố. Tuy nhiên, theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Sóc Sơn, năng lực của cán bộ là yếu tố chính. Thực tế chất lượng đội ngũ cán bộ ở ngoại thành hạn chế hơn nội thành. Có thể thấy cán bộ ở các phường, quận chủ yếu là đội ngũ chính quy, đào tạo bài bản. Còn ngoại thành mặc dù đã có nhiều cán bộ được đào tạo bài bản nhưng thực tế, có giai đoạn chuyển tiếp, phần nhiều qua thực tiễn công tác được người dân địa phương bầu lên nên năng lực cũng hạn chế. “Giải quyết việc này, phải tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng và rèn luyện qua thực tiễn công tác”, đồng chí Nguyễn Nam Hà bày tỏ.

Phân tích thêm vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Minh Anh, Hiệu trưởng Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong cho biết, Hà Nội hiện đang có sự khác biệt rõ rệt ở nội thành và ngoại thành. Việc thực hiện nhiệm vụ chính trị khác nhau, bối cảnh khác nhau, sự quan tâm của từng nhóm cán bộ ở 2 nơi vì thế cũng khác nhau. Ví dụ, cán bộ ở khu vực đô thị thì quan tâm chuyện vệ sinh môi trường, kinh doanh thương mại… Trong khi cán bộ ở ngoại thành lại là chuyện quản lý đất đai, cây trồng, vật nuôi làm sao, mương thuỷ lợi như thế nào… Dẫn đến sự khác nhau về năng lực trình độ cá nhân.

“Học viên của chúng tôi chủ yếu là cán bộ cấp cơ sở (xã, phường, thị trấn). Câu chuyện đào tạo lý luận cho đội ngũ này không đòi hỏi cao siêu, kinh điển hàn lâm mà chính là cách chúng ta giải quyết công việc thực tiễn ở cơ quan, địa phương. Nhưng vấn đề hiện nay là nội dung đào tạo chưa sát cho từng đối tượng, về cơ bản người ta vẫn đang phải mặc chung cái áo. Do đó, việc đưa cán bộ về các địa bàn khó khăn, lĩnh vực nhạy cảm, nơi thí điểm mô hình mới để thử thách, rèn luyện là cách đào tạo, bồi dưỡng tốt nhất. Bởi có những phẩm chất của con người, phải được tôi luyện, thử thách qua công việc và qua thời gian mới bộc lộ ra”, đồng chí Phạm Minh Anh nói.

Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) đặt mục tiêu cụ thể: Đến năm 2025: Hằng năm có trên 90% tổ chức cơ sở Đảng, đảng viên được đánh giá, xếp loại từ hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; phấn đấu 100% thôn, bản có đảng viên. Tỉ lệ kết nạp đảng viên mới hằng năm trong giai đoạn 2020 - 2025 đạt từ 3 - 4% tổng số đảng viên. Đến năm 2030: Hằng năm có trên 90% tổ chức cơ sở Đảng, đảng viên được đánh giá, xếp loại từ hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; phấn đấu 100% thôn, bản, tổ dân phố có chi bộ. Tỉ lệ kết nạp đảng viên mới hằng năm trong giai đoạn 2025 - 2030 đạt từ 3 - 4% tổng số đảng viên.

Cán bộ được điều động, luân chuyển “phải chịu khó, chịu khổ, khắc phục khó khăn, chấp hành mệnh lệnh, cố sức làm việc với tinh thần xung phong và thi đua”, tích cực nêu gương, dành thời gian tìm hiểu đặc điểm, tình hình, phải trở thành một phần không thể thiếu của địa phương mình đến. Bên cạnh đó, cấp ủy cấp trên cần thường xuyên theo dõi, để kịp thời có các biện pháp giúp đỡ, đặc biệt phải quan tâm giải quyết vấn đề tồn tại của địa bàn cơ sở. Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong cũng đang rất muốn đưa giảng viên của mình đi “biệt phái” thực tế, để tích lũy kinh nghiệm, vừa nâng cao chất lượng người làm công tác đào tạo cán bộ, vừa có chất liệu cuộc sống sinh động, là cơ sở để xây dựng khung chương trình giảng dạy. Điều này rất cần sự giúp đỡ của Thành phố và sự phối hợp của các sở, ngành, địa phương, cho phép giảng viên của trường được về công tác tại một bộ phận hoặc địa bàn cơ sở cụ thể.

“Bác Hồ từng nói: “Cán bộ là gốc của mọi công việc”, “huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”. Thấm nhuần lời dạy của Người, Đảng bộ Hà Nội rất coi trọng công tác này và làm thường xuyên. Minh chứng là Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong được thành lập năm 1949 (cùng năm với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh). Đặc biệt, trước những đòi hỏi của thực tiễn và yêu cầu phát triển, Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo xây dựng “Chiến lược phát triển Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, với tầm nhìn, sứ mệnh và các chiến lực rất cụ thể trong từng giai đoạn. “Mục tiêu nhiều, khát vọng lớn, nhưng nếu không có sự chung tay của cả hệ thống chính trị, thì khó đạt được”, Hiệu trưởng Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong nhấn mạnh.

Câu chuyện của huyện Sóc Sơn và quận Đống Đa là “mẫu số” chung của các quận, huyện, thị xã ở Thủ đô Hà Nội. Từ thực tiễn 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU, Thành ủy Hà Nội đã đúc rút ra bài học kinh nghiệm quý, đó là: “Thường xuyên chăm lo, xây dựng củng cố đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ chủ chốt cấp xã đủ năng lực, phẩm chất, có kỹ năng xử lý các tình huống đặt ra ở cơ sở. Đặc biệt là điều động, bố trí cán bộ có năng lực, uy tín, kinh nghiệm tăng cường cho các địa bàn khó khăn phức tạp. Quan tâm chỉ đạo trên một số lĩnh vực hay xảy ra các vi phạm, tiêu cực gây mất ổn định tại địa phương như quản lý đất đai, trật tự xây dựng, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường, các mâu thuẫn tiềm ẩn trong nội bộ nhân dân”. Đây là cơ sở để Đảng bộ thành phố Hà Nội nghiên cứu, tiếp tục vận dụng vào thực tế để triển khai thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) “về tăng cường củng cố xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới”, đem lại hiệu quả cao, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; hoàn thành mục tiêu phát triển Thủ đô là thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”./.

Nhóm phóng viên

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này