Làm gì để giảm “gánh nặng” bệnh lao?

08:31 | 01/12/2022
(LĐTĐ) Mặc dù phải dồn sức cho cuộc chiến” phòng, chống Covid-19 trong hơn 2 năm, nhưng toàn ngành Y tế nói chung, Chương trình chống lao Quốc gia nói riêng cũng không quên nhiệm vụ phát hiện, phòng ngừa bệnh lao. Bằng chứng, số ca phát hiện mới ngang bằng với số ca trước khi dịch xảy ra. Để có góc nhìn đa chiều về công tác phòng, chống lao và lý giải vì sao số ca mắc bệnh lao lại cao như vậy, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Phó Giáo sư, Tiến sĩ (PGS.TS) Nguyễn Bình Hòa, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương để hiểu rõ hơn về những vấn đề xoay quanh chủ đề này.
Truyền thông nâng cao ý thức phòng, chống bệnh lao 70% người mắc bệnh lao ở trong độ tuổi lao động

Phóng viên: Xin Phó Giáo sư cho biết, tình hình số ca mắc cũng như việc triển khai khám, phát hiện bệnh lao sau dịch Covid-19 diễn ra như thế nào?

Làm gì để giảm “gánh nặng” bệnh lao?
PGS-TS Nguyễn Bình Hòa

PGS-TS Nguyễn Bình Hòa: Trên toàn cầu bệnh lao được gọi là “sát thủ thầm lặng” có nghĩa là căn bệnh có số lượng tử vong cao. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính, năm 2021, trên toàn cầu có 1,6 triệu người tử vong do lao và tại Việt Nam có khoảng 12 nghìn ca bệnh tử vong do lao, cao gấp đôi tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông. Tuy nhiên, nhiều người chưa hình dung được mức độ nghiêm trọng của căn bệnh nguy hiểm này.

Thời gian qua, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng mạnh mẽ tới tình hình bệnh lao trên thế giới và Việt Nam. Cụ thể, tại Việt Nam trong năm 2020 dịch Covid-19 cũng gây ảnh hưởng tới công tác phòng, chống lao, tuy nhiên ảnh hưởng mức độ nhẹ, số lượng bệnh nhân lao được phát hiện và điều trị trên toàn quốc giảm, tuy chỉ ở mức 3,1% so với năm 2019. Tuy nhiên, đến năm 2021 thì số bệnh nhân lao phát hiện giảm mức độ nặng nề tới 22% so với năm 2020 và 24,5% so với năm 2019. Và số liệu bệnh nhân lao được phát hiện trong năm 2021 chỉ là 78 nghìn ca bệnh so với số liệu hàng năm phát hiện và đưa vào điều trị là khoảng 100 nghìn ca bệnh.

Căn nguyên của vấn đề này là do dịch Covid-19, đặc biệt trong thời điểm giãn cách xã hội khiến cho rất nhiều người bệnh lao không thể đến khám, cũng như phát hiện và điều trị bệnh. Nhiều hoạt động của Chương trình chống lao Quốc gia như phát hiện chủ động không triển khai được trong giai đoạn này. Tuy nhiên, đến sau quý I năm 2022, với sự nỗ lực của Chương trình Chống lao quốc gia, tăng cường các hoạt động phát hiện, số lượng phát hiện ca mắc bệnh lao đã dần phục hồi trở về bình thường. 9 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã phát hiện được 76 nghìn ca bệnh. Số lượng này gần bằng với số liệu phát hiện trong cả năm 2021 và tương tự với số liệu phát hiện 9 tháng đầu năm 2019, nghĩa là thời điểm trước khi dịch Covid-19 bùng phát. Đặc biệt, Việt Nam vẫn duy trì được tỷ lệ điều trị thành công các ca bệnh lao mới và tái phát trên 90%.

Để giảm thiểu được tác động của Covid-19 đối với tình hình phát hiện bệnh lao, năm 2022 Chương trình chống lao Quốc gia phải tăng cường hoạt động phát hiện. Vì với bệnh nhân lao không được phát hiện vẫn tồn tại trong cộng đồng thì đây là nguồn lây nhanh chóng và làm tăng số bệnh nhân lao mới mắc cũng như tăng số lượng và tỷ lệ tử vong do căn bệnh nguy hiểm này.

WHO đã ước tính, trong hai năm 2020, 2021, số lượng và tỷ lệ tử vong do lao tăng trở lại so với giai đoạn trước đây.

Phóng viên: Hiện lao đa kháng thuốc đang là nguồn lây nhiễm nguy hiểm cho cộng đồng, vậy định hướng giảm tình trạng này trong thời gian tới là gì thưa bác sĩ?

PGS-TS Nguyễn Bình Hòa: Lao kháng thuốc là vấn đề nghiêm trọng của toàn cầu hiện nay. Theo WHO, Việt Nam vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 11 trong số 30 nước có số người bệnh lao cao nhất toàn cầu, đồng thời đứng thứ 11 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao đa kháng thuốc cao nhất thế giới.

Theo WHO ước tính trong năm 2020, Việt Nam có khoảng 8,4 nghìn bệnh nhân lao kháng đa thuốc mới xuất hiện. 2021 do ảnh hưởng của dịch Covid-19, số ước tính bệnh nhân lao kháng đa thuốc tăng lên 8,9 nghìn bệnh nhân. Trong số này, Việt Nam mới chỉ phát hiện và đưa vào điều trị khoảng hơn 3 nghìn bệnh nhân kháng đa thuốc. Tức là còn khoảng 2/3 bệnh nhân kháng đa thuốc vẫn còn tồn tại trong cộng đông, là nguồn lây nguy hiểm.

Làm gì để giảm “gánh nặng” bệnh lao?
Chăm sóc bệnh nhân tại Bệnh viện Phổi Trung ương.

Việc điều trị bệnh nhân lao kháng đa thuốc thì cần chuẩn bị thuốc đặc thù, thuốc chống lao hạng 2, phác đồ điều trị dài, thuốc có nhiều độc tính và tỷ lệ điều trị khỏi thấp hơn bệnh nhân lao thường. Bên cạnh đó, tỷ lệ bỏ điều trị lao kháng thuốc thường cao, cũng như tỷ lệ tử vong cao hơn… Chính vì vậy những khó khăn trong việc phát hiện, chẩn đoán và điều trị bệnh lao kháng đa thuốc còn gặp nhiều khó khăn mà Việt Nam cần phải đối mặt.

Trong thời gian tới, hoạt động phát hiện sớm và điều trị hiệu quả người bệnh lao kháng thuốc trên cả nước vẫn là một trong những ưu tiên hàng đầu của Chương trình chống lao Quốc gia…

Phóng viên: Xin Phó Giáo sư cho biết những khó khăn cũng như giải pháp trong công tác tầm soát bệnh lao trong cộng đồng? Và hiện các công nghệ xét nghiệm bệnh lao đang được triển khai như thế nào?

PGS-TS Nguyễn Bình Hòa: Hoạt động phát hiện sớm bệnh nhân lao và đưa vào điều trị là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình chống lao Quốc gia. Tuy nhiên, hoạt động phát hiện bệnh nhân lao hiện còn gặp nhiều khó khăn, bởi hoạt động này cần phối hợp cả 3 biện pháp: Phát hiện chủ động, phát hiện tích cực và phát hiện thường quy. Trong đó, phát hiện chủ động là y tế đến với người dân. Phát hiện tích cực là về các cơ sở y tế cũng như là cộng đồng. Phát hiện thường quy là khi người dân đến với các cơ sở y tế được khám, phát hiện bệnh lao kịp thời.

Theo rất nhiều các nghiên cứu, trong đó có điều tra hiện mắc lao tại Việt Nam vào năm 2017 chỉ ra rằng, có đến 50% bệnh nhân được phát hiện không có triệu chứng. Mặc dù không có triệu chứng nhưng những bệnh nhân này có bằng chứng vi khuẩn. Có nghĩa bệnh nhân lao không triệu chứng vẫn có thể là nguồn lây lan bệnh cho cộng đồng.

Để tăng cường các hoạt động này cần sự đầu tư, đảm bảo về mặt nhân lực, kinh phí cũng như trang thiết bị vật tư cho các hoạt động xét nghiệm, truyền thông… để đảm bảo tất cả những người nghi mắc lao được khám kịp thời tại các sự kiện phát hiện chủ động hoặc tại các cơ sở y tế phòng chống lao. Các kỹ thuật xét nghiệm phải được cập nhập theo các hướng dẫn của WHO. Hiện nay Chương trình chống lao Quốc gia đang triển khai tất cả các xét nghiệm phát hiện được bệnh lao mà WHO khuyến cáo. Đặc biệt là xét nghiệm GeneXpert - phát hiện sớm bệnh nhân lao, cũng như bệnh nhân lao kháng đa thuốc có độ nhậy, độ đặc hiệu rất là cao.

Từ ngày 1/7/2022, Chương trình chống Lao Quốc gia đã thực hiện chuyển giao cơ chế cung ứng thuốc lao từ nguồn ngân sách Nhà nước sang nguồn Quỹ Bảo hiểm Y tế, mở ra một cơ chế tài chính bền vững và hiệu quả hơn cho người bệnh lao. Giúp đảm bảo công bằng cho người bệnh, đặc biệt là những người bệnh có thẻ Bảo hiểm y tế.

Phóng viên: Vậy để chủ động phòng tránh bệnh lao, trong khoảng thời gian bao lâu người dân nên tầm soát căn bệnh nguy hiểm này một lần thưa Phó Giáo sư?

PGS-TS Nguyễn Bình Hòa: Hoạt động khám sàng lọc bệnh lao nên được kết hợp, lồng ghép với hoạt động khám sức khỏe định kỳ hàng năm. Trong đó, có chụp phim Xquang phổi, đây cũng là công cụ rất hữu ích để phát hiện sớm lao phổi. Độ nhậy ở chụp phim Xquang phát hiện các ca lao phổi lên tới 90%. Bệnh lao có thể xảy ra ở tất cả các bộ phận trên cơ thể, tuy nhiên, tỷ lệ lao phổi chiếm khoảng 85% các ca bệnh.

Để phòng lao, người dân có thể tiêm chủng vắc xin BCG để phòng chống lao từ khi mới sinh ra. Tuy nhiên, hiệu quả của vắc xin này chủ yếu là ngăn chặn những ca mắc lao nặng và giảm tỷ lệ nguy cơ từ lao tiềm ẩn (sơ nhiễm) thành lao hoạt động (lao bệnh), nếu có mắc thì không bị mắc bệnh nặng. Bởi vậy, người dân vẫn nên khám sức khỏe định kỳ để tầm soát bệnh hiệu quả.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Phó Giáo sư!

Minh Khuê

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này