Kiểm soát chặt chất lượng bữa ăn bán trú tại các trường học ở TP.HCM

13:05 | 01/12/2022
(LĐTĐ) Để đảm bảo chất lượng bữa ăn bán trú cho học sinh, hiện các trường học trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) đang đẩy mạnh kiểm soát chặt chẽ nguồn thực phẩm đầu vào cũng như kỹ lưỡng hơn trong khâu chế biến.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị về phát triển vùng Đông Nam Bộ Nhiều bất cập trong quản lý hoạt động quảng cáo tại TP.HCM TP.HCM: Nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về bình đẳng giới

Đảm bảo chất lượng bữa ăn

Tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (quận Bình Tân), từ 5h sáng hàng ngày, nhân viên đơn vị cung cấp suất ăn sẽ giao thực phẩm cho trường cùng với sự giám sát, kiểm tra của nhà trường. Sau khi đạt tất cả tiêu chuẩn, đơn vị sẽ đưa vào sơ chế. 7h30, bếp bắt đầu nổi lửa với các món theo thực đơn gồm cơm, canh, món mặn và đồ xào. Khoảng từ 9h30 - 10h bếp sẽ hoàn thành xong món ăn, sau 10 - 20 phút sẽ phân chia thức ăn.

Thầy Võ Phương Bình, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Quyền cho biết, thời điểm ban đầu khi tổ chức bán trú chỉ có khoảng 300 học sinh. Tuy nhiên, số lượng này tăng dần theo từng năm. Riêng năm nay, trong số gần 5.300 học sinh thì có gần 2.500 học sinh đăng ký bán trú, số còn lại không bán trú tại trường và học một buổi. Dù học sinh đông, nhưng tổ chức ăn bán trú luôn được nhà trường đặc biệt quan tâm, kiểm soát tốt và thực hiện bài bản.

Kiểm soát chặt chất lượng bữa ăn bán trú tại các trường học ở TP.HCM
Học sinh Trường Tiểu học Ngô Quyền dùng bữa ăn bán trú tại trường.

Thầy Bình chia sẻ, nhà trường ký hợp đồng với một công ty cung cấp suất ăn công nghiệp, nhưng tổ chức chế biến ngay tại trường. Việc này sẽ đảm bảo được các tiêu chí: Suất ăn đến tay học sinh vẫn còn nóng, đảm bảo chất lượng cao nhất; có thể kiểm soát tốt các khâu nhập nguyên liệu, chế biến nguyên liệu, phân chia thức ăn… từ đơn vị cung ứng. Suất ăn của học sinh có giá 35.000 đồng/ngày/học sinh, trong đó, bữa trưa là 26.000 đồng và bữa xế là 9.000 đồng.

"Cứ 5h30 sáng đều đặn mỗi ngày, nhà trường phân công 3 người gồm 1 cán bộ quản lý, 1 nhân viên y tế và 1 bảo mẫu đến kiểm tra nguyên liệu đầu vào, giám sát quy trình sơ chế, chế biến. Sau khi đơn vị cung cấp suất ăn hoàn tất bữa ăn cho học sinh, nhà trường phân công một thành viên ban giám hiệu và một số bộ phận kiểm tra xem có phát sinh vấn đề gì bất thường như dị ứng, đau bụng,… Nếu tất cả đều ổn, nhà trường sẽ lấy thức ăn lưu mẫu rồi chia khẩu phần, đưa lên bàn cho học sinh", thầy Bình cho biết thêm.

Ngoài ra, trong thời gian học sinh dùng bữa, 20 bảo mẫu của trường cùng với nhân viên đơn vị cung cấp suất ăn và một số giáo viên khác sẽ có mặt để hỗ trợ thêm cơm, thêm thức ăn nếu học sinh có nhu cầu. Đồng thời, quan sát, ghi nhận xem có tình trạng bỏ bữa, có dấu hiệu dị ứng… để kịp thời xử lý.

Chia sẻ về bữa ăn bán trú tại trường, phụ huynh 2 bé Hoàng Phúc, Hoàng Khang (đều học lớp 1/9 Trường Tiểu học Ngô Quyền) cho biết, hàng tuần giáo viên chủ nhiệm đều gửi thực đơn cho phụ huynh biết, đồng thời trên bảng tin và cổng thông tin của trường đều thông báo. Do đó, phụ huynh biết các con được ăn món gì, có đảm bảo dinh dưỡng hay không. Đồng thời, phụ huynh cũng rất yên tâm khi ban giám hiệu cùng nhiều thầy cô trong trường ăn thử thức ăn trước khi cho các con sử dụng.

Tương tự, từ 4h30 hàng ngày, ba nhân viên cấp dưỡng và một nhân viên y tế của trường Tiểu học Bông Sao (quận 8) có mặt làm nhiệm vụ tiếp phẩm, chuẩn bị buổi ăn trưa cho học sinh ăn bán trú tại trường. Công tác tiếp nhận thực phẩm bao gồm: Kiểm tra chất lượng sản phẩm, xuất xứ sản phẩm, chủng loại yêu cầu, độ tươi, đủ định lượng theo yêu cầu của trường hay không.

Kiểm soát chặt chất lượng bữa ăn bán trú tại các trường học ở TP.HCM
Trường Tiểu học - THCS - THPT Trương Vĩnh Ký (quận 11) chuẩn bị bữa ăn bán trú cho học sinh.

Trường tiểu học Bông Sao thực hiện bữa ăn bán trú và bữa ăn xế cho 1.600 học sinh nên công tác tiếp phẩm thông thường sẽ thực hiện trong vòng 1 giờ và luôn có sự giám sát của ban giám hiệu hoặc nhân viên y tế nhà trường.

Thầy Lê Thành Sơn, Hiệu trưởng trường Tiểu học Bông Sao cho biết, trường ký hợp đồng đặt mua thực phẩm từ đơn vị cung cấp nằm trong chuỗi cung ứng đạt chứng nhận an toàn thực phẩm của thành phố, có đầy đủ về pháp lý.

Để đảm bảo khẩu phần ăn với 4 món gồm cơm, mặn, xào và canh, nhà bếp của trường tiểu học này có 3 cấp dưỡng và 23 nhân viên bảo mẫu thực hiện các công đoạn. Khoảng 9h30 cơm, canh sẽ chín; lúc này nhân viên y tế của trường cùng với cấp dưỡng sẽ thực hiện lưu mẫu thực phẩm, niêm phong mẫu trước khi chia các khẩu phần ăn theo từng lớp, từng học sinh.

Kiểm soát chặt nguồn gốc thực phẩm

Liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm trong cơ sở giáo dục, tại buổi họp báo định kỳ tổ chức mới đây, ông Hồ Tấn Minh, Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP.HCM cho biết, hiện các trường học trên địa bàn thành phố có 1.834 bếp tập thể và 487 suất ăn công nghiệp. Sở đã chỉ đạo các trường xây dựng kế hoạch, phối hợp với Ban đại diện cha mẹ học sinh thực hiện giám sát công tác chế biến, giá thành bữa ăn trong nhà trường. Đồng thời, Sở quy định thủ trưởng đơn vị phải chịu trách nhiệm trong kiểm soát, đảm bảo an toàn thực phẩm của các bếp ăn, nhà ăn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Ngoài ra, Sở GD&ĐT cũng đã phối hợp với Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM quay video hướng dẫn cán bộ y tế, lãnh đạo nhà trường trong các trường hợp xảy ra ngộ độc thực phẩm để biết cách giải quyết tại nhà trường theo đúng quy trình.

Kiểm soát chặt chất lượng bữa ăn bán trú tại các trường học ở TP.HCM
Gần 2.500 suất ăn trưa được chuẩn bị cho học sinh Trường Tiểu học Ngô Quyền.

"Trong thời gian tới, ngành giáo dục sẽ thành lập các đoàn đi giám sát các cơ sở giáo dục, nhất là khối tiểu học, mầm non để rà soát, thực hiện đảm bảo an toàn thực phẩm theo đúng quy định. Vào tháng 10/2022, ngành GD&ĐT TP.HCM đã tổ chức hơn 12 lớp tập huấn cho hơn 24.000 chuyên viên phụ trách công tác y tế trong ngành về đảm bảo an toàn thực phẩm. Ngoài ra, ngành giáo dục cũng sẽ thành lập các đoàn giám sát để rà soát, nắm lại tình hình đảm bảo an toàn thực phẩm tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn”, ông Hồ Tấn Minh thông tin thêm.

Trong khi đó, đại diện Ban Quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) TP.HCM cho biết, thời gian qua đơn vị đã triển khai 2 kế hoạch kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực an toàn thực phẩm đối với bếp ăn tập thể, căn tin, dịch vụ ăn uống trong trường học tại TPHCM.

Cụ thể, trong đợt 1, Ban Quản lý ATTP đã thanh, kiểm tra hơn 1.700 cơ sở. Trong đó có hơn 1.100 bếp ăn tập thể tự tổ chức, 110 bếp ăn tập thể hợp đồng, ngoài ra còn có căn tin hợp đồng, căn tin tự tổ chức và đơn vị cung cấp suất ăn sẵn. Trong đợt 2, có 2.231 cơ sở bị thanh, kiểm tra, bao gồm 1.363 bếp ăn tập thể tự tổ chức, 122 bếp ăn tập thể hợp đồng, 476 căn tin, 270 đơn vị cung cấp suất ăn sẵn.

Kết thúc 2 đợt thanh, kiểm tra, Ban Quản lý ATTP phát hiện 2 cơ sở vi phạm và đã đề nghị các trường học tiếp tục tăng cường tuyên truyền, tập huấn việc triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về ATTP. Cập nhật các quy định mới, nhằm nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra, giám sát ATTP tại bếp ăn tập thể, căng tin, dịch vụ ăn uống trong trường học và các cơ sở cung cấp suất ăn cho trường.

Trước đó, Ủy ban nhân dân (UBND) TP.HCM có văn bản khẩn đề nghị Sở GD&ĐT, Sở Y tế, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Quản lý ATTP, UBND thành phố Thủ Đức và các quận huyện chỉ đạo cơ sở giáo dục trên địa bàn tăng cường các biện pháp bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm theo các nội dung hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

UBND TP.HCM đề nghị các cơ quan, đơn vị chủ động tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác chăm lo sức khỏe học sinh, an toàn thực phẩm, vệ sinh trường học; phát hiện và xử lý kịp thời hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm, điều kiện vệ sinh trong các cơ sở giáo dục.

Hơn 10 học sinh bị đau bụng sau buổi ngoại khóa

Mới đây, phụ huynh của Trường Tiểu học Nguyễn Thái Bình (quận 12) cho biết, sau khi tham dự buổi ngoại khóa của trường rồi trở về nhà, một số học sinh bị đau bụng, tiêu chảy… giống như dấu hiệu của ngộ độc thực phẩm. Học sinh này rải rác ở các lớp. Vì lo lắng, phụ huynh đã đưa các em vào bệnh viện chăm sóc, điều trị.

Trả lời về vụ việc này, ông Khưu Mạnh Hùng - Trưởng phòng GD&ĐT quận 12 xác nhận thông tin các phụ huynh phản ánh là chính xác. Theo đó, ngày 24/11, có khoảng hơn 1.000 học sinh của Trường tiểu học Nguyễn Thái Bình, đi học ngoại khóa tại một điểm lịch sử ở huyện Hóc Môn, sau đó là đi lên vườn thú Mỹ Quỳnh Safari ở tỉnh Long An để chơi, tắm.

Đến sáng 25/11, khi đã trở về nhà thì có hơn 10 học sinh bất ngờ bị đau bụng, rải rác ở các lớp của trường. Số học sinh này sau khi được Bệnh viện quận 12 chăm sóc, điều trị về mặt sức khỏe đã ổn định, về nhà ngay trong ngày.

Qua xác định ban đầu, buổi trưa ngày 24/11, sau khi ăn trưa xong các em học sinh này có ăn cá viên chiên, uống trà sữa. Hiện quận 12 đang tiến hành kiểm tra, rà soát lại những nguồn thức ăn mà các em đã dùng ngày hôm đó, để xác minh nguyên nhân học sinh bị đau bụng.

Minh Tuấn

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này