Dự báo xuất nhập khẩu đạt mức kỷ lục 780 tỉ USD năm 2022

07:58 | 30/11/2022
Vượt qua khó khăn trong quá trình phục hồi kinh tế, Việt Nam tự tin hướng tới mốc xuất, nhập khẩu kỷ lục 780 tỉ USD cho cả năm 2022.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics Nhiều điểm nhấn nổi bật trong chiến lược xuất khẩu hàng hóa đến năm 2030
Dự báo xuất nhập khẩu đạt mức kỷ lục 780 tỉ USD năm 2022
Các mặt hàng xuất khẩu đạt giá trị trên 10 tỉ USD. Đồ họa: Phong Nguyễn

Doanh nghiệp tăng tốc cuối năm, thêm 2 “tân binh” xuất khẩu trên 10 tỉ USD

Cuối tháng 11, doanh nghiệp (DN) Chánh Thu đã tổ chức lễ xuất khẩu (XK) lô bưởi sang thị trường Mỹ, đánh dấu bưởi là loại trái cây thứ 7 được XK sang thị trường này, sau các loại quả xoài, nhãn, vải, thanh long, chôm chôm và vú sữa.

Theo bà Ngô Tường Vy - CEO Chánh Thu, lô hàng đầu tiên có khoảng 40 tấn. Chánh Thu dự kiến sẽ XK mỗi tháng từ 100-200 tấn bưởi sang thị trường lớn này.

Trao đổi với PV Lao Động, bà Nguyễn Thị Diễm Hằng - Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm dinh dưỡng hữu cơ Việt Nam (Vinanutrifood) cũng cho hay, năm 2022 Vinanutrifood đã quay trở lại thị trường sau một thời gian bị gián đoạn do dịch COVID-19.

Nhìn thấy tiềm năng của thị trường Trung Quốc và Châu Âu (EU), Vinanutrifood luôn nỗ lực khai thác hết tiềm năng và lợi thế về của các thị trường này. Đặc biệt, XK lượng hàng đi thị trường Trung Quốc đang được DN này đặt ra những mục tiêu lớn với những đơn hàng lớn.

“Chỉ riêng mặt hàng trà, cà phê hòa tan lượng XK đã đạt khoảng 63 container/tháng. Còn thị trường EU, các mặt hàng mứt trái cây tính bình quân cũng XK được khoảng 10 container/tháng”.

Là DN xuất khẩu gạo (chủ yếu là gạo nếp) sang thị trường Trung Quốc, Dương Vũ Rice cũng đã giữ được nhịp hàng xuất cảng đều đặn hằng tháng.

“Tháng nào chúng tôi cũng có đơn hàng đi, nhu cầu nhập khẩu hàng của doanh nghiệp đối tác trong những tháng cuối cùng của năm 2022 đang tăng mạnh do nhu cầu tiêu dùng trong nước sở tại tăng cao” - ông Nguyễn Quang Hòa - CEO Dương Vũ Rice chia sẻ.

Các chuyên gia kinh tế đánh giá, bức tranh XK rất lạc quan khi 11 tháng năm 2022 có thêm 2 mặt hàng đạt trị giá XK trên 10 tỉ USD là phương tiện vận tải và phụ tùng và nhóm hàng thủy sản.

Ở chiều ngược lại, nhập khẩu (NK) các mặt hàng nguyên liệu để sản xuất hoàn thành các đơn hàng XK cũng tăng cao (chiếm 93,6%). 11 tháng năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 10,6 tỉ USD trong khi cùng kỳ năm trước mức xuất siêu chỉ đạt 0,6 tỉ USD.

Theo Tổng cục Thống kê, đến hết tháng 11.2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) đã đạt 673,82 tỉ USD, vượt con số 668,54 tỉ USD của cả năm 2021.

Dự báo xuất nhập khẩu đạt mức kỷ lục 780 tỉ USD

Theo Bộ NNPTNT, chỉ riêng mặt hàng gạo, thị trường Trung Quốc đã chuyển từ NK nhỏ giọt trong giai đoạn đầu năm sang NK với khối lượng lớn vào cuối năm nay.

Bên cạnh đó, một số quốc gia EU có xu hướng NK gạo nhiều hơn nhằm thay thế cho nguồn cung lúa mì bị sụt giảm vì xung đột Nga - Ukraina. Điều này hỗ trợ giá gạo trong nước tăng cao (đạt 480 USD/tấn), cao hơn hàng của Thái Lan từ 13 đến 28 USD/tấn và cao hơn gạo Ấn Độ 60-65 USD/tấn, đóng góp quan trọng vào mức tăng trưởng XK năm 2022.

Cùng với các mặt hàng nông, lâm, thủy sản, thì mặt hàng chế biến chế tạo đều đạt tỉ lệ tăng trưởng từ 6-39,9% đã đưa XK hàng hóa là “điểm sáng” kinh tế của năm 2022.

PGS.TS Nguyễn Thường Lạng (Trường ĐH Kinh tế quốc dân) dự báo, mặc dù tốc độ XNK có chậm chút ít so với tốc độ ổn định cả năm, nhưng năm 2022 kim ngạch XNK sẽ đạt kỷ lục mới với khoảng 780 tỉ USD.

"Đây là bước đệm để Việt Nam đạt con số kỳ vọng khoảng 1.000 tỉ USD kim ngạch XNK vào năm 2025” - PGS.TS Nguyễn Thường Lạng nói.

ThS Vũ Tuấn Anh - Chủ tịch JCI Việt Nam cũng đánh giá, đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn là động lực chủ yếu đề thúc đẩy XK. Mặt hàng chế biến, chế tạo và công nghệ cao vẫn là nhóm hàng chủ lực. Bên cạnh đó, có sự chung sức của nhóm hàng dệt may và nhóm hàng nông, lâm, thủy sản. Đặc biệt, trong nhóm hàng nông, lâm, thủy sản, thì XK gỗ và sản phẩm gỗ; thủy sản, cà phê, caosu, sắn, gạo, rau quả… đang mang lại giá trị thặng dư lớn về hoạt động thương mại năm 2022.

* Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, 11 tháng năm 2022, tổng kim ngạch XNK hàng hóa ước đạt 673,82 tỉ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tổng kim ngạch XK hàng hóa ước đạt 342,21 tỉ USD, tăng 13,4%; có 35 mặt hàng đạt kim ngạch XK trên 1 tỉ USD, chiếm 93,7% tổng kim ngạch XK.

* Ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục BVTV (Bộ NNPTNT): Năm 2022 có thể được coi là một năm thắng lợi nhất từ trước đến nay với nhiều mặt hàng nông sản có nguồn gốc thực vật của Việt Nam được phép tiếp cận đến các thị trường thế giới.

Trước tiên là sản phẩm chanh leo của Việt Nam được NK vào Trung Quốc với các quy định tạm thời. Tiếp đến, sầu riêng và chuối của Việt Nam được phép NK vào Trung Quốc thông qua ký kết Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật giữa hai nước. Mới đây, hai bên đã ký kết Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với khoai lang của Việt Nam NK vào Trung Quốc.

Theo PHONG NGUYỄN/Laodong.vn

https://laodong.vn/kinh-doanh/du-bao-xuat-nhap-khau-dat-muc-ky-luc-780-ti-usd-nam-2022-1122189.ldo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này