Lạ lùng cách chia thừa kế của Toà án Nhân dân huyện Thanh Trì

18:16 | 29/11/2022
Không đồng ý với phán quyết của Toà án Nhân dân huyện Thanh Trì là lấy phần đất ở và “xé” ngôi nhà 3 tầng do gia đình mình xây dựng hiện có 7 người đang sinh sống mấy chục năm chia cho 3 người em, bà Hạnh đã gửi đơn kháng cáo, mong toà phúc thẩm có phán quyết thấu tình, đạt lý hơn.
Tranh chấp đất đai thừa kế giữa anh em trong gia đình

Đòi chia thừa kế, 6 chị em đưa nhau ra tòa

Gửi đơn đến Báo Lao động Thủ đô, bà Nguyễn Thị Hạnh ở thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội trình bày: Bố mẹ bà là cụ Nguyễn Văn Đàm và cụ Nguyễn Thị Vượng sinh được 6 người con chung là là bà Hạnh, bà Nguyễn Thị Huệ, bà Nguyễn Thị Nguyệt, bà Nguyễn Thị Ngân, bà Nguyễn Thị Tuyết và ông Nguyễn Trung Thành.

Đây là ngôi nhà 3 tầng mà 7 người gia đình bà Hạnh sinh sống
Ngôi nhà 3 tầng hiện nay 7 người gia đình bà Hạnh sinh sống.

Cụ Đàm và cụ Vượng có tài sản là thửa đất số 45, tờ bản đồ số 30, diện tích 176,2 m2 tại địa chỉ: số 17A khu Chợ, thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Thửa đất diện tích 156,9 m2 đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở số 10123012961 do UBND thành phố Hà Nội cấp đứng tên cụ Nguyễn Văn Đàm, còn 19,3 m2 là đất lấn ao chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Theo bà Hạnh, toàn thể gia đình bà sống tại thửa đất này từ năm 1976 đến nay và không có nhà, đất nào khác. Năm 2000 bà được bố mẹ cho một phần thửa đất = 60 m2 đất và lối đi tổng diện tích 12 m2 (là phần đất phía bên trong của thửa đất, phía bên ngoài mặt tiền giáp đường Tứ Hiệp, ông Thành xây ngôi nhà khoảng 45m2), nên cùng năm đó vợ chồng bà đã xây dựng một ngôi nhà 3 tầng trên diện tích hơn 30 m2 và căn bếp hơn 20 m2. Từ đó đến nay, vợ chồng, con cái và các cháu (7 người) đều đang cư trú ổn định tại ngôi nhà này.

Sau khi các bà Huệ, Nguyệt, Ngân, Tuyết đi lấy chồng, thì chỉ có bà Hạnh và em trai là ông Thành trực tiếp sống tại nhà, đất này. Năm 2001, vợ chồng bà Hạnh xây một ngôi nhà cấp 4 cho bố mẹ ở. Khi các cụ tuổi cao, sức yếu, bị tai biến nằm liệt một chỗ thì vợ chồng bà Hạnh là người trực tiếp chăm sóc, phụng dưỡng…

Cụ Đàm chết năm 2004; cụ Vượng chết năm 2012 không để lại di chúc nên năm 2021, bà Huệ khởi kiện chia thừa kế đối với di sản do các cụ để lại là toàn bộ diện tích đất tại thửa đất số 45, tờ bản đồ số 30 nói trên.

Ngày 31/5/2022, Tòa án Nhân dân huyện Thanh Trì đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm. Tại phiên tòa, đại diện VKSND huyện Thanh Trì nêu quan điểm:

Thứ nhất, xác định di sản thừa kế của cụ Nguyễn Văn Đàm và cụ Nguyễn Thị Vượng là quyền sử dụng 143,8 m2 đất (đây là diện tích đất còn lại khi nhà nước lấy một phần để làm đường - PV) tại thửa đất số 45, tờ bản đồ số 30 tại số 8-10 đường Tứ Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội.

Thứ hai, mỗi m2 đất được định giá 100 000 000 đồng. 143,8 m2 = 14.380 000 000 đồng.

Thứ ba, hàng thừa kế gồm các bà Nguyễn Thị Hạnh, Nguyễn Thị Huệ, Nguyễn Thị Nguyệt, Nguyễn Thị Ngân, Nguyễn Thị Tuyết và ông Nguyễn Trung Thành. Bà Hạnh và ông Thành có công sức duy trì, tôn tạo di sản do vậy, di sản thừa kế được chia làm 8 kỷ phần (kỷ phần thừa kế là phần thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc, mà được chia theo quy định của pháp luật - PV), bà Hạnh và ông Thành mỗi người được thêm 1 kỷ phần. Giá trị một kỷ phần là 14 380 000 000 đồng: 8 = 1.797.500 000 đồng.

Thứ tư, bà Hạnh được hưởng 3 kỷ phần (một kỷ phần do bà Tuyết tự nguyện nhường lại). Ông Thành được hưởng 2 kỷ phần. Các bà Huệ, Nguyệt, Ngân mỗi người được hưởng 1 kỷ phần là 1.797 500 000 đồng. Chia cho bà Hạnh và ông Thành tiếp tục được quản lý sử dụng diện tích đất như hiện đang quản lý sử dụng và thanh toán bằng tiền mặt cho các hàng thừa kế tương đương với kỷ phần được hưởng.

Phán quyết “đẩy” 7 người gia đình bà Hạnh bơ vơ

Quan điểm của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân huyện Thanh Trì là vậy, nhưng Thẩm phán - chủ tọa phiên tòa Lê Huyền Thu lại có phán quyết khác.

Về diện tích và giá trị mảnh đất toà án đồng quan điểm của Viện Kiểm sát. Tuy nhiên, diện tích mảnh đất trên, toà chia làm 7 kỷ phần (đại diện Viện Kiểm sát đề nghị chia 8 kỷ phần). Mỗi kỷ phần là 17,8 m2 tương ứng với 1.780 000 000 đồng. Bà Hạnh và ông Thành có công bảo tồn và tôn tạo di sản nên mỗi người được chia thêm ½ kỷ phần.

Đây là cái bếp 20m2 mà tòa chia cho 7 người gia đình bà Hạnh
Căn bếp 20m2 mà tòa chia cho 7 người gia đình bà Hạnh.

Như vậy bà Hạnh được hưởng 2,5 kỷ phần = 44,5 m2. Ông Thành được hưởng 1,5 kỷ phần = 26,7 m2. Các bà Huệ, Nguyệt, Ngân mỗi người được 1 kỷ phần = 17,8 m2 (tòa thống nhất cho 3 người gộp chung kỷ phần = 53,4m2), số đất còn lại khoảng 19m2 làm lối đi chung.

Diện tích đất mỗi thừa kế được hưởng rõ ràng như vậy, nhưng khi chia thì toà lại có phán quyết lạ lùng. Bà Hạnh được hưởng 2,5 kỷ phần = 44,5 m2 đất thì toà chỉ chia cho 36m2 (nơi có cái bếp cấp 4 của bà Hạnh). Khó hiểu hơn, phần đất có ngôi nhà 3 tầng mà vợ chồng mà Hạnh bỏ tiền xây dựng và 7 thành viên gia đình bà Hạnh đang sinh sống thì toà lại chia cho các bà Huệ, Ngân, Nguyệt (3 bà này phải trả cho bà Hạnh 113 593 740 đồng là giá trị của ngôi nhà). Với số tiền này, theo tính toán của nhiều người thì chưa đủ trả tiền nhân công xây dựng một ngôi nhà tương tự như vậy chứ chưa nói đến giá thành vật tư. Và với cách chia này thì đương nhiên 7 người trong gia đình bà Hạnh sẽ không còn nhà để ở.

Tại sao toà không chia theo cách cực kỳ đơn giản là cho bà Hạnh được hưởng phần đất có ngôi nhà 3 tầng mà gia đình bà Hạnh xây dựng và đang sinh sống (như quan điểm của Viện Kiểm sát), còn 3 bà Huệ, Ngân, Nguyệt sở hữu phần đất là cái bếp? Nếu chia như cách này thì gia đình bà Hạnh không mất nhà và 3 bà Huệ, Ngân, Nguyệt cũng không phải móc túi trả cho bà Hạnh 113 593 740 đồng là giá trị của ngôi nhà!?

Cũng theo phán quyết, ông Thành người được hưởng 1,5 kỷ phần = 26,7 m2 đã được toà chia cho… 45,4 m2 và toàn bộ tài sản trên đất gồm nhà 3 tầng, nhà tạm 1 tầng (ông Thành phải trả cho bà Hạnh 850 000 000 đồng và các bà Huệ, Ngân, Nguyệt mỗi bà 340 000 000 đồng là tiền mà toà chia đất cho ông Thành “lấn” vào đất của các bà này).

Các bà Huệ, Ngân, Nguyệt mỗi người được hưởng 1 kỷ phần nhưng gộp chung tổng là 53,4 m2 thì được toà chia cho 43,3 m2.

Sau phán quyết này, bà Hạnh cho biết: “Toà án Nhân dân huyện Thanh Trì đã xé lẻ ngôi nhà của tôi thành hai phần: một phần nhỏ ngôi nhà nằm trên phần đất chia cho tôi (là một đoạn tường nhà) và phần lớn ngôi nhà 3 tầng nằm trên phần đất chia cho các bà Huệ, Ngân, Nguyệt. Nếu thi hành đúng Bản án mà toà đã tuyên thì: để tạo lối đi vào phần đất được cắt giao cho tôi, sẽ phải cắt toàn bộ tường phía trước của ngôi nhà và tường trần phía bên tay phải của ngôi nhà. Phần nhà bị cắt còn lại nằm trên phần đất chia cho bà Huệ, Ngân, Nguyệt. Như vậy phá huỷ công năng và ngôi nhà hoàn toàn không còn giá trị sử dụng ban đầu. Đồng thời họ nhồi nhét 7 con người lớn, bé, già trẻ vào 20 m2 nhà bếp cấp 4 ẩm thấp, tối tăm. Do vậy tôi quyết đinh làm đơn kháng cáo bản án này”.

Dự kiến ngày 15/12 tới đây, Toà án Nhân dân Thành phố Hà Nội sẽ xử phiên phúc thẩm, một bản án thấu tình, đạt lý có đến được gia đình bà Hạnh từ phiên toà này không? Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.

Theo laodongvaphapluat.laodongthudo.vn

https://laodongvaphapluat.laodongthudo.vn/la-lung-cach-chia-thua-ke-cua-toa-an-nhan-dan-huyen-thanh-tri-2980.html

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này