Bế mạc Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022-2027

18:37 | 29/11/2022
(LĐTĐ) Sau 3 ngày làm việc với tinh thần Đoàn kết - Kỷ cương - Hợp tác - Phát triển, Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022-2027 đã cử hành phiên bế mạc vào hôm nay (29/11) tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô, Hà Nội.
Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX diễn ra trong 2 ngày 28-29/11 Phật giáo Việt Nam đạt được nhiều thành tựu nổi bật

Đại hội đã thông qua những nội dung đánh giá kết quả Đại hội lần thứ VIII (nhiệm kỳ 2017-2022); đồng thời, nhất trí thông qua phương hướng, nhiệm vụ gồm 12 nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp thực hiện thành công chương trình hoạt động của Đại hội lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022-2027 được trình trước Đại hội.

Bế mạc Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022-2027
Nghi thức suy tôn Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng lên ngôi vị Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam. (Ảnh: GHPGVN)

Đại hội nhất trí thông qua Bản Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (sửa đổi) gồm lời nói đầu và 14 chương, 87 điều. Thông qua danh sách tấn phong tăng ni lên hàng giáo phẩm gồm 268 Hòa thượng, 1.102 Thượng tọa, 391 Ni trưởng, 1.581 Ni sư.

Phát biểu tại phiên bế mạc, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định Đại hội biểu thị sự thống nhất ý chí và hành động, quyết tâm của toàn thể Tăng Ni, Phật tử Việt Nam ở cả trong và ngoài nước.

Bế mạc Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022-2027
Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam ban đạo từ.

“Trong những năm tới, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần thực hiện thành công mục tiêu, chương trình tổng quát mà Đại hội đã đề ra, phát huy trí tuệ tập thể, giữ gìn kỷ cương, giới luật và nêu cao tinh thần đoàn kết, hòa hợp trong xây dựng, phát triển Giáo hội vững mạnh trong hội nhập quốc tế”, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu cho biết.

Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu cũng đề nghị ngay sau thành công của Đại hội, tất cả các ban, viện Trung ương, các Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các địa phương cần phổ biến, tuyên truyền rộng rãi về kết quả thành công của Đại hội; nghiên cứu, phổ biến nghị quyết và các văn kiện Đại hội; khẩn trương kiện toàn bộ máy tổ chức để xây dựng và triển khai chương trình hoạt động Phật sự của mình để Nghị quyết Đại hội thực sự đi vào thực tiễn.

Và trong phiên họp đầu tiên, Hội đồng Chứng minh khóa IX cũng đã suy tôn Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng lên ngôi vị Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam bằng một nghi thức đặc biệt.

Sau khi Ban Nghi lễ cung nghinh Đức Pháp chủ quang lâm hội trường, Hòa thượng Thích Lệ Trang đã cung tuyên chúc từ kính dâng lên Đức Pháp chủ. Theo đó, chúc từ khái quát lại quá trình tu học, hành đạo và giữ gìn phẩm hạnh của Pháp chủ từ ngày xuất gia đến hiện tại. Đồng thời nhắc lại những thao thức của Đức Pháp chủ với việc phát triển của Phật giáo nước nhà.

Đức Pháp chủ cũng ban đạo từ nhắc nhở về sự tu học, giữ gìn giới luận và dấn thân phụng sự đạo pháp, dân tộc đến toàn thể Chư Tăng Ni và Phật tử trong và ngoài nước.

Dịp này, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự dâng ấn lên Đức Pháp chủ; Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu dâng cà-sa. Cuối khóa lễ suy tôn, toàn thể hội trường xướng tụng Tứ hoằng thệ nguyện, cầu cho Phật pháp được hưng long, đất nước được phát triển.

Đại hội cũng đã tiến hành suy cử Hội đồng Trị sự gồm 235 ủy viên chính thức, 45 Ủy viên dự khuyết, trong đó có 65 thành viên Ban Thường trực Hội đồng Trị sự; nhất tâm suy cử Hòa thượng Thích Thiện Nhơn tiếp tục đảm nhiệm Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhiệm kỳ IX (2022-2027).

Phương Bùi

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này