Nhiều đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công đoàn Việt Nam

16:02 | 29/11/2022
(LĐTĐ) Sáng 29/11, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Đà Nẵng tổ chức Hội thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công đoàn Việt Nam.
Đà Nẵng đình chỉ hoạt động khách sạn, quán karaoke vi phạm phòng cháy, chữa cháy Đà Nẵng thanh tra việc quản lý, sử dụng đất tại Khu công nghiệp Hòa Khánh
Nhiều ý kiến góp ý sửa đổi bổ sung Điều lệ Công đoàn Việt Nam
LĐLĐ thành phố Đà Nẵng tổ chức Hội thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công đoàn Việt Nam. (Ảnh: Văn Luận)

Phát biểu tại Hội thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công đoàn Việt Nam, Chủ tịch LĐLĐ thành phố Đà Nẵng Nguyễn Duy Minh cho biết: Điều lệ Công đoàn Việt Nam là văn bản quy định có hệ thống những nguyên tắc cơ bản về mục đích, tôn chỉ, cơ cấu tổ chức và phương thức hoạt động của tổ chức Công đoàn các cấp; tiêu chuẩn đoàn viên cùng quyền lợi và nghĩa vụ của đoàn viên; vị trí pháp lý của tổ chức Công đoàn trong hệ thống chính trị của đất nước, quan hệ của tổ chức Công đoàn với pháp luật.

Điều lệ Công đoàn Việt Nam do Đại hội Công đoàn Việt Nam thông qua, sửa đổi, bổ sung. Điều lệ là căn cứ quan trọng để mỗi tổ chức Công đoàn, cán bộ, đoàn viên Công đoàn căn cứ, làm thước đo trong tổ chức, hoạt động công đoàn.

"Hội thảo lần này tập trung đánh giá đúng thực trạng, những khó khăn, hạn chế trong quá trình tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của LĐLĐ cấp tỉnh, thành phố, LĐLĐ cấp quận, huyện; trong phối hợp giữa LĐLĐ cấp tỉnh, thành phố với Công đoàn ngành Trung ương và tương đương. Qua đó, đề xuất các nội dung, phương án sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công đoàn Việt Nam có liên quan đến các nhiệm vụ, quyền hạn của Công đoàn cấp tỉnh, cấp huyện và trong phối hợp giữa LĐLĐ cấp tỉnh với Công đoàn ngành Trung ương và tương đương phù hợp với tình hình, nhiệm vụ mới tránh sự trùng lặp, chồng chéo, không rõ thẩm quyền gây khó khăn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ của từng cấp Công đoàn", ông Nguyễn Duy Minh nhấn mạnh.

Nhiều ý kiến góp ý sửa đổi bổ sung Điều lệ Công đoàn Việt Nam
Chủ tịch LĐLĐ thành phố Đà Nẵng Nguyễn Duy Minh phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Văn Luận)

Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thừa Thiên Huế Lê Minh Nhân đề xuất phương án sửa đổi Điều lệ như sau: Thứ nhất, nghiên cứu, xem xét để bổ sung thêm khái niệm về đoàn viên Công đoàn nhằm phân biệt với đối tượng là người lao động trong các thành phần kinh tế khác. Từ việc phân biệt về đối tượng điều chỉnh, Điều lệ cần tập trung chính vào việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các thành viên trong tổ chức Công đoàn.

Thứ hai, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thừa Thiên Huế đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung Điều 19 Điều lệ Công đoàn Việt Nam. Cụ thể, tại Khoản 1 Điều 19: “LĐLĐ tỉnh, thành phố tổ chức theo đơn vị hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, do Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn quyết định thành lập hoặc giải thể phù hợp với quy định của pháp luật”. Đề xuất phương án bổ sung: “Giao Đoàn Chủ tịch hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục về sáp nhập, chuyển giao tổ chức cơ sở của Công đoàn”.

Tại Khoản 2 Điều 19: “Đối tượng tập hợp của LĐLĐ tỉnh, thành phố là đoàn viên, người lao động trên địa bàn. Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn hướng dẫn việc tập hợp đoàn viên, người lao động trong trường hợp đơn vị sử dụng lao động có công ty con, chi nhánh doanh nghiệp, phân hiệu trường... ở địa bàn tỉnh, thành phố khác”. Đề xuất phương án sửa đổi thành: “Đối tượng tập hợp của LĐLĐ tỉnh, thành phố là đoàn viên, người lao động trên địa bàn”.

Thứ ba, ông Lê Minh Nhân cho rằng, cần xem xét việc thống nhất thành lập Công đoàn ngành ở các lĩnh vực đã rõ ngành, nghề, có tính đơn ngành như lĩnh vực may mặc. Đồng thời, xem xét, điều chỉnh việc phối hợp chỉ đạo của Công đoàn ngành Trung ương đối với các Công đoàn cơ sở thuộc địa phương và ngược lại.

Nghiên cứu, xem xét chức năng, nhiệm vụ của LĐLĐ tỉnh thực hiện phân cấp cho Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở vận động thành lập các Công đoàn cơ sở thuộc công ty con, chi nhánh doanh nghiệp,... hoạt động ở nhiều địa phương theo hướng xem xét, nghiên cứu mô hình Công đoàn tập trung ở nơi công ty, chi nhánh doanh nghiệp đặt trụ sở chính, nhằm tập hợp được tối đa người lao động gia nhập tổ chức Công đoàn, phát huy được về hoạt động Công đoàn lĩnh vực ngành, nghề trong giai đoạn hiện nay.

Thứ tư, tại điểm c Khoản 4 Điều 19 và tại điểm b mục 15.1 Hướng dẫn 03/HD-TLĐ: “Chủ động hoặc phối hợp với các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách, pháp luật có liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động trong các đơn vị sử dụng lao động; hướng dẫn và chỉ đạo giải quyết tranh chấp lao động, tham gia điều tra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong các doanh nghiệp trên địa bàn...”,

Đề xuất sửa đổi thành: “Tham gia với các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách, pháp luật có liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động trong các đơn vị sử dụng lao động; hướng dẫn và chỉ đạo giải quyết tranh chấp lao động, tham gia điều tra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong các doanh nghiệp trên địa bàn…”.

Nhiều ý kiến góp ý sửa đổi bổ sung Điều lệ Công đoàn Việt Nam
Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thừa Thiên Huế Lê Minh Nhân phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Văn Luận)

Về phía Công đoàn Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng, đại diện đơn vị tham gia hội thảo có ý kiến đề xuất như sau:

Thứ nhất, để phù hợp với điều kiện trong tình hình mới, cần sửa đổi nhiệm vụ, quyền hạn của LĐLĐ tỉnh, thành phố theo hướng chỉ đạo, định hướng nhiệm vụ và phân cấp nhiệm vụ cụ thể cho Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở quận huyện, Công đoàn ngành địa phương và Công đoàn các khu công nghiệp tác nghiệp.

Thứ hai, một số nhiệm vụ liên quan đến công tác phối hợp như thanh tra, kiểm tra, giám sát thực hiện các chế độ chính sách có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động,... tham gia điều tra tai nạn lao động cần phân cấp cho Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở thực hiện nhiệm vụ nhằm nâng cao tính chủ động trong thực hiện nhiệm vụ; nâng cao quyền hạn của Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở với Công đoàn cơ sở và doanh nghiệp.

Thứ ba, quy định của Điều lệ về phân cấp cho LĐLĐ tỉnh, thành phố về việc “Tập hợp đoàn viên, người lao động trong đơn vị sử dụng lao động có công ty con, chi nhánh doanh nghiệp, phân hiệu trường,... ở địa bàn tỉnh, thành phố khác” tại Khoản 2 Điều 19 quy định cụ thể cho Công đoàn cấp trên trực tiếp trong Điều lệ, không cần hướng dẫn chi tiết thi hành Điều lệ như hiện nay.

Phát biểu tại hội thảo, đại diện Công đoàn Viên chức thành phố Đà Nẵng cũng đã nêu một số ý kiến đề xuất bổ sung, sửa đổi Điều lệ Công đoàn Việt Nam cũng như những bất cập từ cơ sở.

Cụ thể, đơn vị đề xuất Công đoàn Việt Nam nghiên cứu về Cờ của Công đoàn Việt Nam để phù hợp với điều kiện khi có tổ chức đại diện của người lao động khác được thành lập ở cấp cơ sở theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019.

Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, nghiên cứu hoàn thiện quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam về đối tượng kết nạp vào Công đoàn Việt Nam, quy định về mức đóng kinh phí, đoàn phí Công đoàn đối với đối tượng người lao động đang làm việc cho các tổ chức phi Chính phủ, các Văn phòng đại sứ quán các nước tại Việt Nam.

Đơn vị cũng đề nghị có quy định riêng một điều trong Điều lệ Công đoàn Việt Nam về Công đoàn Viên chức, trong đó đề nghị đổi tên Công đoàn Viên chức, ở cấp ngành Trung ương là “Công đoàn Công chức, Viên chức Việt Nam” hoặc “Công đoàn khối các cơ quan Trung ương”, ở cấp tỉnh, thành phố là “Công đoàn Công chức, Viên chức tỉnh (thành phố)” hoặc “Công đoàn khối các cơ quan” cho phù hợp với đối tượng quản lý như hiện nay.

"Đề nghị có quy định rõ, thống nhất về cấp quản lý, lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động đối với Công đoàn Viên chức các tỉnh, thành phố trên toàn quốc để thuận lợi cho hoạt động Công đoàn khối công chức, viên chức.

Thực tế hiện nay, ở một số tỉnh, thành phố, Công đoàn Viên chức chịu sự chỉ đạo trực tiếp và toàn diện của LĐLĐ tỉnh, thành phố; ở nhiều tỉnh, thành Công đoàn Viên chức trực thuộc Đảng ủy khối các cơ quan tỉnh, thành phố, biên chế cán bộ, quỹ lương thuộc LĐLĐ tỉnh, thành phố, chỉ đạo hoạt động xin ý kiến 2 bên.

Có nơi Công đoàn Viên chức có trụ sở riêng, sinh hoạt chi bộ, Công đoàn chung Đảng ủy khối, chỉ đạo hoạt động vừa xin ý kiến Đảng ủy khối các cơ quan, vừa xin ý kiến LĐLĐ tỉnh, thành phố", đại diện Công đoàn Viên chức thành phố Đà Nẵng nêu ý kiến.

Bên cạnh các ý kiến trên, đơn vị cũng cho rằng, cần nghiên cứu quy định rõ về mối quan hệ phối hợp giữa Công đoàn ngành Trung ương với Công đoàn địa phương trong chỉ đạo hoạt động của Công đoàn trực thuộc. Sự liên kết, phối hợp giữa Công đoàn ngành Trung ương và Công đoàn ngành cấp tỉnh còn mờ nhạt, không có gì để ràng buộc. Nhìn chung mới thông qua các lớp tập huấn, chỉ đạo nội dung đặc thù ngành, công tác đối ngoại và dự đại hội nhiệm kỳ,...

Ngoài các ý kiến góp ý trên, tại hội thảo diễn ra sáng 29/11 cũng đã ghi nhận nhiều đề xuất tâm huyết sửa đổi Điều lệ Công đoàn Việt Nam của các đơn vị tham dự.

Chủ tịch LĐLĐ thành phố Đà Nẵng Nguyễn Duy Minh yêu cầu Tổ thư ký hội thảo tích cực tổng hợp, ghi nhận đầy đủ các ý kiến phát biểu của đại biểu tại hội thảo để làm cơ sở tổng hợp báo cáo, kiến nghị với Tiểu ban sửa đổi Điều lệ Công đoàn Việt Nam theo phân công.

Văn Luận

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này