Cụm thi đua số 4 LĐLĐ thành phố Hà Nội: Thực hiện tốt các nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn

09:47 | 29/11/2022
(LĐTĐ) Xác định công tác đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động và phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở là nhiệm vụ căn cốt của tổ chức Công đoàn, các đơn vị trong Cụm thi đua số 4 Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội (gồm LĐLĐ các huyện: Phúc Thọ, Ba Vì, Thạch Thất, Đan Phượng, Hoài Đức, Quốc Oai) đã tập trung triển khai nhiều giải pháp để thực hiện tốt nhiệm vụ này.
Khảo sát hoạt động Công đoàn Cụm thi đua số 8 Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Công đoàn Cụm thi đua số 3: Hướng về cơ sở, vì người lao động Mỗi phong trào thi đua đều thiết thực, hiệu quả

Những con số biết nói

Theo bà Nguyễn Thị Lan Anh - Chủ tịch LĐLĐ huyện Phúc Thọ, Cụm trưởng Cụm thi đua số 4, thời gian qua, bên cạnh công tác chăm lo đời sống, các đơn vị trong Cụm thi đua đã phát huy vai trò trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động.

Cụ thể, 100% các đơn vị trong Cụm thi đua đã phối hợp với chính quyền đồng cấp chỉ đạo các Công đoàn cơ sở khối hành chính sự nghiệp tổ chức Hội nghị cán bộ công chức, viên chức theo đúng quy định; tập trung chỉ đạo các Công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp có từ 10 lao động trở lên phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức Hội nghị người lao động. Kết quả, LĐLĐ huyện Quốc Oai đạt 200% chỉ tiêu, LĐLĐ huyện Phúc Thọ đạt 159% chỉ tiêu, LĐLĐ huyện Thạch Thất đạt 143% chỉ tiêu.

Cụm thi đua số 4 LĐLĐ thành phố Hà Nội: Thực hiện tốt các nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn
Ủy ban nhân dân và LĐLĐ huyện Đan Phượng phối hợp tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu chính quyền với công nhân, viên chức, lao động năm 2022.

Ngoài ra, các đơn vị trong Cụm thi đua đã tập trung chỉ đạo các Công đoàn cơ sở khối doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức Hội nghị đối thoại với người lao động tại nơi làm việc; các đơn vị trong Cụm thi đua cũng đã chủ động, tích cực phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra việc thực hiện Luật Lao động, Bảo hiểm xã hội, Luật An toàn vệ sinh lao động tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn các huyện.

Thực hiện chương trình “Nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện có hiệu quả Thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT)” và Đề án thí điểm của LĐLĐ thành phố Hà Nội về “Nâng cao năng lực đối thoại, thương lượng, ký kết và chấm điểm, phân loại TƯLĐTT, giai đoạn 2021-2022”, các đơn vị trong Cụm thi đua đã tập trung hướng dẫn các Công đoàn cơ sở khối sản xuất kinh doanh chủ động xây dựng, thương lượng và ký kết TƯLĐTT với người sử dụng lao động; rà soát những TƯLĐTT đã hết hiệu lực để hướng dẫn Công đoàn cơ sở thương lượng, ký kết lại theo đúng quy định. Nhiều đơn vị đã thực hiện tốt nội dung này, cụ thể, LĐLĐ huyện Đan Phượng đạt 320% chỉ tiêu, LĐLĐ huyện Phúc Thọ đạt 200% chỉ tiêu, LĐLĐ huyện Hoài Đức đạt 150% chỉ tiêu…

Liên quan đến công tác phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở, xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ Công đoàn, LĐLĐ huyện Phúc Thọ đã đạt 110,5% chỉ tiêu về phát triển đoàn viên, 160% chỉ tiêu về thành lập Công đoàn cơ sở; LĐLĐ huyện Đan Phượng đạt 117,7% chỉ tiêu về phát triển đoàn viên, 130,8% chỉ tiêu về thành lập Công đoàn cơ sở; LĐLĐ huyện Hoài Đức đạt 123,4% chỉ tiêu về phát triển đoàn viên, 110% chỉ tiêu về thành lập Công đoàn cơ sở… Năm 2022, các đơn vị trong Cụm thi đua đã tổ chức tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng, nghiệp vụ cho 100% cán bộ Công đoàn cơ sở.

Nhiều giải pháp thiết thực

Chia sẻ về giải pháp để thực hiện hiệu quả công tác đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động tại đơn vị, bà Nguyễn Thị Thủy - Chủ tịch LĐLĐ huyện Đan Phượng nhấn mạnh, để thực hiện tốt nhiệm vụ này, cần phát huy vai trò người đứng đầu.

Cụ thể, Chủ tịch LĐLĐ huyện trực tiếp chỉ đạo triển khai việc tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, Hội nghị người lao động; trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn Công đoàn cơ sở thương lượng, ký kết TƯLĐTT, trong đó tập trung vào các nội dung thiết thực như: Tiền lương tháng tăng 5-7% so với mức lương tối thiểu vùng; thời gian làm việc giảm 4 giờ trong tháng; tăng bữa ăn ca ít nhất đạt 25.000 đồng/bữa đối với đơn vị tự nấu; 30.000 đồng/bữa đối với đơn vị hợp đồng cung cấp suất ăn; thưởng đột xuất từ 500.000 - 1.000.000 đồng/sáng kiến khi người lao động có sáng kiến… để quyền lợi của người lao động được nâng cao hơn so với quy định của pháp luật.

Trong 5 năm liền, LĐLĐ huyện Đan Phượng đã tổ chức thành công Hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu chính quyền huyện với công nhân, viên chức, lao động. Qua tiếp xúc đối thoại, cấp ủy, chính quyền huyện, trực tiếp là Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện đã trả lời những băn khoăn, thắc mắc của công nhân, viên chức, lao động. “Để thực hiện được hoạt động này, điều quan trọng là phải lựa chọn nội dung đối thoại liên quan trực tiếp đến quyền lợi, đời sống, việc làm của người lao động… Từ đó, tập hợp và đề xuất người đứng đầu chính quyền huyện đối thoại, trao đổi, trả lời trực tiếp. Ngoài ra, trong hội nghị đối thoại phải tạo ra được bầu không khí thoải mái, để người lao động có thể sẵn sàng hỏi, kiến nghị, đề xuất những vấn đề mà họ quan tâm”, bà Nguyễn Thị Thủy chia sẻ.

Chia sẻ về giải pháp để thực hiện hiệu quả công tác phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở tại đơn vị, Chủ tịch LĐLĐ huyện Phúc Thọ Nguyễn Thị Lan Anh cho biết, LĐLĐ huyện đã thường xuyên phối hợp với cơ quan Thuế, Bảo hiểm xã hội của huyện để rà soát, nắm bắt dư địa phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở; đồng thời, tranh thủ sự phối hợp, ủng hộ của cấp ủy, chính quyền và Công đoàn cơ sở các địa phương trong công tác vận động thành lập Công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp trên địa bàn. Trên cơ sở đó, cán bộ Công đoàn huyện kiên trì tuyên truyền, vận động, phân tích những lợi ích của người lao động, doanh nghiệp khi tham gia tổ chức Công đoàn và thành lập Công đoàn cơ sở tại đơn vị; tích cực hướng dẫn, hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ, thủ tục gia nhập, thành lập tổ chức Công đoàn tại đơn vị.

Ngoài ra, LĐLĐ huyện cũng đẩy mạnh công tác chăm cho đoàn viên, người lao động, nhất là tại các doanh nghiệp chưa có tổ chức Công đoàn có đóng kinh phí Công đoàn; chỉ đạo Công đoàn cơ sở chủ động tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ chính sách cho đoàn viên, người lao động, kịp thời kiến nghị, đề xuất, bảo vệ có hiệu quả quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên, người lao động. Qua đó, người lao động thấy được vai trò của tổ chức Công đoàn và tự nguyện xin gia nhập tổ chức.

Phát biểu kết luận buổi khảo sát của LĐLĐ thành phố Hà Nội tại Cụm thi đua số 4 LĐLĐ Thành phố về kết quả phong trào công nhân, viên chức, lao động và hoạt động Công đoàn năm 2022, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Phạm Bá Vĩnh đã ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực vượt khó và những giải pháp hiệu quả mà các đơn vị trong Cụm thi đua đã áp dụng để thực hiện các chỉ tiêu được giao, nhất là chỉ tiêu về phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở và thương lượng, ký kết TƯLĐTT, tổ chức đối thoại tại nơi làm việc…; đồng thời đề nghị thời gian tới các đơn vị trong Cụm thi đua tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, có thêm nhiều giải pháp thiết thực để hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu liên quan đến việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ căn cốt của tổ chức Công đoàn./.

Mai Quý

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này