Chung tay bảo vệ người dân và doanh nghiệp chuyển đổi số an toàn

21:26 | 28/11/2022
(LĐTĐ) Hướng tới bảo vệ người dân và doanh nghiệp chuyển đổi số an toàn, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ xây dựng Cơ sở dữ liệu chống lừa đảo trực tuyến quốc gia để các tổ chức, cá nhân có thể truy vấn, khai thác, đóng góp dữ liệu chống lừa đảo trực tuyến kịp thời, cung cấp các công cụ tự kiểm tra và bảo vệ an toàn thông tin trên không gian mạng.
Xử lý nghiêm các trường hợp đăng tải tin giả, thông tin xấu độc trên mạng Thúc đẩy chuyển đổi số phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô Tạo dấu ấn riêng để phát triển làng nghề

Thời gian qua ứng dụng công nghệ thông tin hướng tới chuyển đổi số được triển khi sâu rộng trong hoạt động của các cơ quan, doanh nghiệp và toàn xã hội trở thành công cụ hỗ trợ hữu hiệu trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành, nâng cao năng lực, giảm chi phí, tăng năng suất lao động.

Các hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu chuyên ngành và cơ sở dữ liệu quốc gia ngày càng được hoàn thiện. Ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân được triển khai mạnh mẽ bước đầu cho thấy vai trò kiến tạo, phục vụ cho sự phát triển xã hội.

Chung tay bảo vệ người dân và doanh nghiệp chuyển đổi số an toàn
Các đơn vị ký kết thành lập Liên minh tuyên truyền nâng cao nhận thức, kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin cho người dân trên không gian mạng

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn còn những thách thức như sự thiếu hụt về nhân lực, nguồn lực, các vấn đề an toàn, an ninh mạng diễn biến phức tạp, khó lường...

Chia sẻ tại hội thảo “Ngày An toàn thông tin Việt Nam” do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Hiệp hội An toàn Thông tin Việt Nam tổ chức mới đây, ông Nguyễn Thành Hưng - Chủ tịch Hiệp hội An toàn Thông tin Việt Nam cho biết, trong năm 2022, cứ 4 tổ chức, doanh nghiệp thì có 1 tổ chức, doanh nghiệp đã từng gặp tình trạng bị gián đoạn hệ thống, dịch vụ do bị tấn công mạng. Đây là kết quả từ khảo sát 135 tổ chức và doanh nghiệp Việt Nam về công tác đảm bảo an toàn thông tin do Hiệp hội An toàn Thông tin Việt Nam thực hiện.

Theo đó, có đến 76% tổ chức, doanh nghiệp chưa đủ nhân lực an toàn thông tin đáp ứng yêu cầu hiện tại. Có tới 87% tổ chức, doanh nghiệp lo ngại về yếu tố con người, 58% đơn vị lo ngại về điểm yếu công nghệ và 47% lo sợ về lỗ hổng quy trình. Đặc biệt, 68% tổ chức, doanh nghiệp chưa đủ kinh phí đầu tư cho an toàn thông tin để đáp ứng yêu cầu hàng năm.

Để thực hiện thành công các mục tiêu của Chương trình chuyển đổi số quốc gia, Chủ tịch Hiệp hội An toàn Thông tin Việt Nam nhấn mạnh: “Vấn đề đảm bảo an toàn thông tin là điều kiện tiên quyết, không thể tách rời, đặt ra nhiều thách thức cho cơ quan, doanh nghiệp và đòi hỏi cộng đồng an toàn thông tin phải cùng chung tay đề ra các giải pháp thực hiện”.

Thống kê trung bình năm 2021, mỗi người dân Việt Nam dành khoảng 7 tiếng mỗi ngày để trực tuyến trên internet, tuy nhiên, nhận thức và kỹ năng an toàn thông tin của người dân còn hạn chế. Vì vậy, tình trạng lộ lọt thông tin cá nhân và người dân bị lừa đảo trực tuyến trên không gian mạng thời gian qua là vấn đề nhức nhối.

Bộ Thông tin và Truyền thông xác định năm 2022 là năm bảo vệ người dân trên không gian mạng, Bộ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khai nhiều biện pháp quyết liệt.

Trong 10 tháng đầu năm, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp cùng cơ quan chức năng đã chặn 2.063 website vi phạm, trong đó có 1.255 website lừa đảo; bảo vệ 3,8 triệu người dân (gần 6% người dùng internet) trước các cuộc tấn công lừa đảo trực tuyến, vi phạm pháp luật trên không gian mạng.

Tới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ xây dựng Cơ sở dữ liệu chống lừa đảo trực tuyến quốc gia để các tổ chức, cá nhân có thể truy vấn, khai thác, đóng góp dữ liệu chống lừa đảo trực tuyến kịp thời; cung cấp các công cụ tự kiểm tra và bảo vệ an toàn thông tin trên không gian mạng.

Đồng thời, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ ưu tiên thúc đẩy phát triển các ý tưởng, giải pháp an toàn thông tin mạng sáng tạo xuất sắc, phục vụ lợi ích quốc gia và bảo vệ người dân trên không gian mạng. Bộ Thông tin và Truyền thông kêu gọi Hiệp hội, các doanh nghiệp an toàn thông tin mạng hãy chung tay cùng Bộ trong quá trình đưa Việt Nam trở thành quốc gia tự chủ về công nghệ, sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng.

Chia sẻ về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh, chuyển đổi số là đưa các hoạt động của chúng ta lên môi trường số, đồng nghĩa với việc cần phải bảo vệ hơn 3.000 hệ thống thông tin của các cơ quan Đảng, Nhà nước, hoạt động trên không gian mạng của 100 triệu người dân, gần 1 triệu doanh nghiệp, 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, 26 triệu hộ gia đình, 14.000 cơ sở y tế, 44.000 trường học... Vì vậy, bảo đảm an toàn không gian mạng và an toàn cho các tổ chức, cá nhân trên không gian mạng là trách nhiệm của tất cả các cơ quan, tổ chức và cá nhân.

Nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng để bảo đảm giảm sự cố mất an toàn thông tin cho người dân trên không gian mạng, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), Hiệp hội An toàn Thông tin Việt Nam đã thành lập Liên minh tuyên truyền nâng cao nhận thức, kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin cho người dân trên không gian mạng. Có 8 doanh nghiệp công nghệ Việt hàng đầu tham gia sáng lập Liên minh gồm: Viettel, VNPT, MobiFone, CMC, BKAV, VNG, Tiktok và Cốc Cốc.

N.Hoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này