Thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW: Nỗ lực xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”

17:10 | 30/11/2022
(LĐTĐ) Với nhiều điểm mới quan trọng, đề ra phương hướng, mục tiêu xây dựng Thủ đô, Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” thể hiện sự quan tâm đặc biệt cũng như mong muốn của Đảng, Nhà nước đối với Thủ đô Hà Nội.
Quốc hội yêu cầu sớm hoàn thiện chính sách ưu đãi với các dự án nhà ở công nhân Hà Nội phải góp phần hình thành các chủ trương có sức lay động lòng người, lan tỏa mạnh mẽ Quận Hoàn Kiếm: Triển khai Nghị quyết số 23-NQ/TƯ bài bản, khoa họ

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW, Thành ủy Hà Nội đã xây dựng Chương trình hành động số 16-CTr/TU, với 4 mục đích, yêu cầu, các nhóm chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2025, đến năm 2030 và 8 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và các cấp, các ngành thành phố Hà Nội đang nỗ lực triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ đặt ra.

Kỳ 1: “Làm hết lòng, hết sức, làm thật nghiêm, thật tốt”...

Để mỗi chính sách đi vào cuộc sống, việc đầu tiên sẽ là tổ chức tuyên truyền, quán triệt, xây dựng chương trình hành động thực hiện. Hà Nội cũng triển khai thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW như thế.

Nhưng, nhận thức rõ tầm quan trọng đặc biệt của Nghị quyết số 15-NQ/TW, lần đầu tiên, Thành ủy Hà Nội tổ chức hội thi tìm hiểu một nghị quyết trên quy mô toàn Thành phố, với mong muốn không chỉ cán bộ, đảng viên nắm rõ mà còn lan tỏa sâu rộng, mạnh mẽ nội dung, tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TW đến đông đảo quần chúng nhân dân. Từ đó, giúp mỗi người dân Thủ đô hiểu hơn về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Hà Nội, hiểu hơn trách nhiệm của mình với việc xây dựng, phát triển Thủ đô trong giai đoạn tới.

Để mỗi người là “một đốm lửa”...

Để đông đảo người dân quan tâm và tham gia tìm hiểu Nghị quyết, tại Hội nghị giao ban công tác báo chí thành phố Hà Nội, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Phạm Thanh Học đã đề nghị các cơ quan báo chí Thủ đô đồng hành, đẩy mạnh tuyên truyền, đưa Nghị quyết “thẩm thấu” vào cán bộ, đảng viên và nhân dân, để mỗi người là “một đốm lửa” xây dựng và phát triển Thủ đô.

Thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW: Nỗ lực xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”
Thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW: Nỗ lực xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”
Hội thi tìm hiểu Nghị quyết số 15-NQ/TW thu hút hơn 1 triệu lượt tham gia. (ảnh: Hoàng Phúc)

Với sự chỉ đạo sát sao của Ban Tuyên giáo Thành ủy, việc triển khai tuyên truyền, quán triệt tinh thần của Nghị quyết số 15-NQ/TW nói chung và cuộc thi tìm hiểu nghị quyết nói riêng được thực hiện bài bản. Các cấp ủy đảng, cơ quan, ban, ngành từ thành phố đến cơ sở đã tăng cường thông tin, tuyên truyền về hội thi đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên với nhiều hình thức phong phú, thiết thực.

Cuộc thi đã thu hút hơn 1 triệu lượt người tham gia, với hàng ngàn bài thi tự luận tâm huyết, đề xuất nhiều ý tưởng xây dựng và phát triển Thủ đô, cho thấy sự quan tâm của người dân với sự phát triển của Thủ đô và Nghị quyết số 15-NQ/TW đã góp phần khơi dậy ý thức, khát vọng đó.

Thông thường, cán bộ, đảng viên, người trung tuổi sẽ quan tâm nhiều hơn đến các nghị quyết của Đảng. Thế nhưng, cuộc thi tìm hiểu Nghị quyết số 15-NQ/TW lại thu hút không ít học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông - những chủ nhân tương lai của Thủ đô tham gia.

Em Nguyễn Phương Linh, sinh năm 2008, trú tại phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa trở thành cái tên được nhiều người biết đến vì em là thí sinh nhỏ tuổi nhất tham gia cuộc thi. Chia sẻ khi được trao giải thưởng, cô học trò lớp 9 cho hay, qua hội thi, bản thân em có sự tin tưởng vào sự phát triển, đổi mới của Thủ đô trong tương lai, cũng như nhận thức được vai trò và trách nhiệm của bản thân đối với Thủ đô và đất nước ở hiện tại cũng như sau này.

Bí thư Đoàn Thanh niên phường Đống Mác, quận Hai Bà Trưng - chị Nguyễn Tuyết Mai chia sẻ, Nghị quyết số 15-NQ/TW thực sự ý nghĩa và rất quan trọng. “Qua tìm hiểu về Nghị quyết số 15-NQ/TW, thanh niên chúng tôi càng nhận thức sâu sắc trách nhiệm của lớp trẻ, mỗi người đều phải nỗ lực làm tốt trách nhiệm của mình, phát huy sáng kiến, sáng tạo để góp phần xây dựng và phát triển Thủ đô”, chị Mai nói.

“Điểm nhấn” từ Dự án đường Vành đai 4

Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, để đưa Nghị quyết số 15-NQ/TW vào cuộc sống, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể Thành phố đã cụ thể hóa tinh thần, nội dung của nghị quyết thành những chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, xây dựng lộ trình thực hiện phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, điều kiện đặc thù của mỗi của cơ quan, đơn vị.

Một trong những “điểm nhấn” dễ nhận thấy từ tinh thần của Nghị quyết số 15-NQ/TW chính là sự vào cuộc khẩn trương, quyết liệt của thành phố Hà Nội trong triển khai thực hiện dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, một dự án có ý nghĩa và tầm quan trọng rất lớn đối với hạ tầng giao thông của Hà Nội và các tỉnh trong Vùng Thủ đô. Dưới sự chỉ đạo sát sao của Thành phố, 7 quận, huyện có dự án đi qua (Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Đông, Thanh Oai, Thường Tín) đang tập trung nguồn lực để triển khai dự án.

Thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW: Nỗ lực xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”
Thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW: Nỗ lực xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng - Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện Dự án khảo sát thực địa và làm việc với các địa phương có dự án đường Vành đai 4 đi qua. (ảnh: Nguyễn Thành)

Với chiều dài khoảng 58,2km, tổng diện tích đất thu hồi khoảng 766,3ha, tổng số hộ bị thu hồi đất khoảng 16.932 hộ, số ngôi mộ phải di chuyển khoảng 14.654 và nhu cầu tái định cư khoảng 1.113 hộ - Đây là khối lượng công việc vô cùng lớn mà thành phố Hà Nội phải thực hiện.

Đường Vành đai 4 đi qua huyện Thường Tín dài khoảng hơn 9km, đi qua địa phận 9 xã, ước tính phải thu hồi đất 118,71ha; bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng 2.001 hộ, cá nhân; 14 cơ quan, tổ chức; tái định cư 236 hộ, di chuyển 4.224 ngôi mộ tại 5 xã.

Nhận bàn giao chỉ giới đường đỏ tuyến Vành đai 4, đoạn từ Quốc lộ 1A đến cầu Mễ Sở, tỷ lệ 1/500, Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh nhấn mạnh, tuyến đường Vành đai 4 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và của huyện. Do đó, phải có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở và nhân dân 9 xã có tuyến đường đi qua. Công tác tuyên truyền, vận động để nhân dân hiểu rõ và đồng thuận trong công tác giải phóng mặt bằng được huyện đặc biệt chú trọng.

Thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW: Nỗ lực xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”
Để đảm bảo bàn giao mặt bằng đúng tiến độ, cả hệ thống chính trị, nhân dân trên địa bàn huyện Thường Tín đang nỗ lực vào cuộc. (Ảnh: Kim Tiến).

Được tuyên truyền, vận động, hiểu rõ tầm quan trọng của Dự án này, nhiều người dân đã đồng thuận, ủng hộ. Gia đình ông Lương Văn Thông (thôn Hoàng Xá, xã Khánh Hà) có 1.000m2 đất nông nghiệp nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng phục vụ dự án chia sẻ: “Ruộng gắn bó với cuộc sống gia đình tôi nhiều năm qua, tuy nhiên tôi sẽ sớm bàn giao cho Nhà nước để tạo điều kiện cho việc sớm triển khai thi công tuyến đường Vành đai 4, góp phần phát triển kinh tế xã hội ở địa phương”. Còn gia đình ông Lương Thanh Sơn (thôn Hoàng Xá, xã Khánh Hà) có phần mộ phải di dời để phục vụ dự án cũng cho biết, gia đình ông đồng thuận, thống nhất sẽ di dời phần mộ để bàn giao mặt bằng cho dự án...

“Làm hết lòng, hết sức, làm thật nghiêm, thật tốt”

Đường Vành đai 4 đi qua địa phận 12 xã của huyện Hoài Đức có tổng chiều dài 17,1km, với tổng diện tích đất thu hồi trên địa bàn huyện khoảng 180,4ha; số hộ bị thu hồi đất là 6.401 hộ, khoảng 4.500 mộ chí cần di dời. Với mong muốn đồng thuận cao trong dân trong giải phóng mặt bằng, huyện Hoài Đức đã chỉ đạo các phòng, ban, cơ quan chức năng và UBND các xã đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về chủ trương, ý nghĩa, tính cấp bách của Dự án. Trong đó, đặc biệt chú trọng tuyên truyền việc di chuyển mộ chí vì đây là nhiệm vụ khó khăn nhất do liên quan đến văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của người dân.

Với sự vào cuộc trách nhiệm, tích cực của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể các cấp, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Hoài Đức đã đồng thuận, chủ động tổ chức di dời mộ chí nằm trong vùng diện tích để thực hiện Dự án.

Thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW: Nỗ lực xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”
Người dân xã Minh Khai, huyện Hoài Đức tổ chức di dời, an vị các phần mộ để giải phóng mặt bằng dự án đường Vành đai 4. (ảnh: Tuấn Dũng)

Huyện Thanh Oai có 6 xã có đường Vành đai 4 đi qua, với chiều dài khoảng 7,9km, tổng diện tích đất thu hồi là 79,35ha của 1.501 hộ gia đình, cá nhân, tổ chức; nhu cầu tái định cư có 36 hộ; cần di chuyển 1.145 ngôi mộ nổi thuộc 4 nghĩa trang.

Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng cho biết, trong giai đoạn hiện nay, huyện Thanh Oai xác định thực hiện tốt dự án đường Vành đai 4 là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để góp phần xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TW. Bám sát các chỉ đạo của Thành phố, huyện đã chỉ đạo các xã xây dựng Nghị quyết chuyên đề, tổ chức tuyên truyền, phổ biến chủ trương thực hiện dự án, công khai các thông tin liên quan và mốc giới giải phóng mặt bằng, rà soát sơ bộ các hộ sử dụng đất, diện tích thuộc phạm vi thu hồi.

Đến nay biên bản điều tra khảo sát, đo đạc, kiểm đếm đất đai, tài sản gắn liền với đất phục vụ công tác giải phóng mặt bằng thực hiện dự án Vành đai 4 đã được người dân 6 xã có dự án đi qua đồng thuận ký kết, tạo thuận lợi cho việc triển khai các bước tiếp theo.

Tại buổi làm việc với huyện Thanh Oai mới đây, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã nhấn mạnh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến Dự án Vành đai 4 “phải tính theo ngày, chứ không phải tính theo tuần”, cho thấy quyết tâm của người đứng đầu UBND Thành phố.

Đây cũng là tinh thần chỉ đạo quyết liệt của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng - Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện Dự án. Những ngày này, ông liên tục đi khảo sát thực địa và làm việc với tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, các quận, huyện có dự án đi qua về tình hình thực hiện dự án.

Chỉ đạo thực hiện dự án, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng luôn nhấn mạnh, các công việc triển khai thực hiện dự án phải làm đồng thời, không có việc nào chờ việc nào và phải quyết tâm làm bằng được... Với tinh thần “thành công của dự án là danh dự của thành phố”, Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng yêu cầu “phải làm hết lòng, hết sức, làm thật nghiêm, thật tốt ngay từ đầu để nhân dân ủng hộ”...

Phương Thảo

(còn nữa)

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này