Nâng tầm chất lượng Logistics để tăng tính cạnh tranh

09:47 | 29/11/2022
(LĐTĐ) Chi phí dịch vụ logistics (lĩnh vực bến bãi, hậu cần, kho vận, vận chuyển, thủ tục hải quan) ở nước ta còn khá cao so với một số nước trên thế giới. Chất lượng dịch vụ, tính chuyên nghiệp chưa cao, còn thiếu những doanh nghiệp tiên phong tiến mạnh ra thị trường quốc tế.
Đã đến lúc luật hóa bất động sản logistics Cách nào “hạ nhiệt” chi phí logistics?

Nhìn từ năng lực địa phương

Nếu nhìn từ góc độ từng địa phương riêng lẻ, thì Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh có vai trò rất quan trọng với vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc. Vấn đề đặt ra là hiện trạng logistics Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh hiện nay ra sao?

Nâng tầm chất lượng Logistics để tăng tính cạnh tranh
Mô hình Trung tâm Logistics icd Vĩnh Phúc - quy hoạch chi tiết 1/500.

Tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2022, bà Phạm Thị Lan Hương, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Logistics Hà Nội cho rằng, về hạ tầng, 3 địa phương đã có sự kết nối đầy đủ của các phương thức vận tải. Với hàng không, là vùng có 3 cảng hàng không quốc tế là Nội Bài, Cát Bi, Vân Đồn. Về đường bộ, có gần 300km cao tốc kết nối toàn tuyến, hệ thống quốc lộ, tỉnh lộ hiện đại. Bên cạnh đó, có mạng lưới cảng biển tập trung ở Hải Phòng và Quảng Ninh, bao gồm cảng nước sâu, hệ thống cảng thủy nội địa theo trục giao thông đường bộ. Về đường sắt, có tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng và Kép - Hạ Long.

Về mặt tổng thể, 3 địa phương này có nhiều lợi thế để phát triển logistics. Tuy nhiên, vẫn còn một số điểm hạn chế trong câu chuyện năng lực logistics, đó là sự không đồng đều giữa các phương thức vận tải. Cụ thể, đường sắt còn rất hạn chế, đường thủy nội địa nhiều tiềm năng nhưng chưa được đầu tư phát triển; năng lực cung cấp dịch vụ logistics chưa tương xứng với lợi thế về hạ tầng; vị thế logistics của từng địa phương chưa được phát huy.

Ông Trần Quốc Toản, Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương thừa nhận rằng nếu nhìn về tương lai phát triển, ngành dịch vụ logistics vẫn còn một số hạn chế cần phải khắc phục. Đó là chi phí dịch vụ logistics ở Việt Nam còn khá cao so với một số nước trên thế giới. Chất lượng dịch vụ, tính chuyên nghiệp chưa cao, còn thiếu những doanh nghiệp tiên phong tiến mạnh ra thị trường quốc tế.

Bên cạnh đó, việc ứng dụng khoa học công nghệ, trình độ nguồn lực logistics và nguồn vốn đầu tư còn nhiều hạn chế. Cơ sở hạ tầng thương mại, hạ tầng giao thông vẫn chưa tương xứng với sự phát triển của ngành dịch vụ logistics. Mặt khác, tình trạng ô nhiễm và lượng khí thải Co2 gia tăng, biến đổi khí hậu ngày một xấu dần, cơ chế phối hợp liên ngành trong lĩnh vực logistics có lúc có nơi còn chưa được phát huy hiệu quả và đồng bộ.

Còn theo bà Trịnh Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch Hiệp hội phát triển nhân lực Logistics Việt Nam, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế và Kinh doanh quốc tế, (Trường Đại học Ngoại thương), thống kê của Worldbank năm 2019 cho thấy, đường bộ có lượng phát thải khí rất lớn, chiếm 85%, tiếp đến là vận tải đường thủy nội địa 10% và vận tải đường hàng không là 5%. Nguyên nhân của tình trạng này là phân bổ đội xe, đội xe tải của Việt Nam có rất nhiều, con số thống kê là 68% xe tải của Việt Nam có trọng tải dưới 5 tấn.

Trong khảo sát của Ban Biên tập báo cáo Logistics Việt Nam lần này kết quả cũng đưa ra con số 13% doanh nghiệp được hỏi có tỷ lệ xe chạy rỗng là trên 50%. Điều này cũng làm gia tăng thêm tính không hiệu quả trong vận tải đường bộ và gây ảnh hưởng tới môi trường.

Vận tải đường sắt vốn được coi là phương thức vận tải thân thiện với môi trường, tuy nhiên, ở Việt Nam vẫn chưa đầu tư và khai thác hết tiềm năng của ngành vận tải này. Hiện nay vẫn còn rất nhiều các phương tiện cũ, xả thải độc ra môi trường; tiếng ồn của vận tải đường sắt cũng là những yếu tố tác động tới môi trường rất lớn.

Vận tải đường biển và vận tải đường thủy nội địa là một trong những phương thức vận tải có khá nhiều hoạt động và nhiều sáng kiến nhằm phát triển xanh. Khi tham gia vào thị trường quốc tế thì phải đáp ứng các yêu cầu của nước ngoài như hoàn thiện đề án phát triển xanh.

Với hệ thống vận tải đường hàng không, mạng lưới cảng hàng không được quy hoạch có khoảng 12.409ha. Hiện nay có 3 sân bay lớn nằm ở Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh, tuy nhiên 3 cảng hàng không lớn đều trong trạng thái quá tải.

Trong lĩnh vực kho bãi thì hệ thống nhà kho của Việt Nam hiện nay vẫn sử dụng nguồn điện thông thường chủ yếu để phát sáng cũng như là kiểm soát nhiệt độ. Chỉ có 31% các doanh nghiệp được khảo sát trả lời rằng là họ có sử dụng năng lượng tái tạo.

Nâng cao năng lực, tăng khả năng thích ứng

Sau 30 năm đổi mới, khung pháp lý về logistics từng bước được hoàn thiện, hệ thống hạ tầng logistics ngày càng được cải thiện, số lượng doanh nghiệp tham gia logistics ngày càng gia tăng. Từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh và đóng góp tích cực vào hỗ trợ sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hóa trong nước cũng như xuất nhập khẩu.

Trong năm 2021 vừa qua, chỉ số logistics của thị trường Việt Nam đã tăng 3 bậc so với xếp hạng của năm 2020, đứng thứ 8 trong vị trí số 10 quốc gia đứng đầu. Theo thống kê cho thấy, trong 10 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đã xấp xỉ 617 tỷ USD, tăng khoảng 15 % so với cùng kỳ 2021. Đây là một khối lượng xuất nhập khẩu rất lớn, trong đó có đóng góp tích cực và rất quan trọng của dịch vụ logistics. Nếu so sánh với các nước trong khu vực như Philippines, Malaysia, Lào, Campuchia, thì năng lực, khả năng của doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào hoạt động xuất nhập khẩu và logistics là rất lớn.

Phát biểu tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2022, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho biết, chi phí logistics của Việt Nam vẫn quá cao. Hoạt động kết nối doanh nghiệp logisitcs và chủ hàng chưa lớn, chưa toàn diện, việc phát triển vận tải đa phương thức cũng diễn ra chậm, ứng dụng khoa học công nghệ chưa theo kịp theo yêu cầu, cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ, chuyển đổi số của doanh nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu về mặt công nghệ, bên cạnh đó ô nhiễm môi trường lượng phát thải khí nhà kính ngành vận tải gia tăng làm hạn chế sự phát triển logistics xanh.

Nhiệm vụ đặt ra là làm sao tiếp tục có tư duy thống nhất, đảm bảo vai trò logistics trong chuỗi cung ứng hàng hóa dịch vụ toàn cầu khi các yếu tố chính trị, xung đột vũ trang trên thế giới có tính thường xuyên không dự báo được.

Về các giải pháp vĩ mô, ông Trần Tuấn Anh đề nghị Bộ Công Thương cần phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành, cơ quan liên quan tiếp tục tập trung cụ thể hóa và tham mưu thể chế hóa các quan điểm, đường lối của Đảng về phát triển dịch vụ logistics. Khẩn trương nghiên cứu, xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành Chiến lược phát triển ngành logistics Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, bảo đảm đáp ứng những yêu cầu phát triển của lĩnh vực này trong bối cảnh và tình hình mới.

Cùng với đó, đặt trọng tâm vào xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện một cách thực chất chương trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong ngành logistics; coi đây vừa là yêu cầu vừa là động lực để đổi mới và phát triển bền vững ngành logistics Việt Nam trong thời gian tới. Đề xuất các chính sách, giải pháp để tăng cường liên kết, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, bộ ngành, địa phương và với các Hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp nhằm thực hiện tốt các chủ trương, chính sách về phát triển lĩnh vực logisitcs ở Việt Nam và khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp hướng đến phát triển logistics xanh.

Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động liên kết, hợp tác quốc tế, đặc biệt là trong lĩnh vực đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm phát triển logistics xanh, logistics số, logistics thương mại điện tử... nhằm nâng cao năng lực, khả năng thích ứng, sức cạnh tranh và làm chủ một số chuỗi giá trị của doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực này thời gian tới./.

Bảo Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này