Bịt những “lỗ hổng” để đảm bảo an toàn phòng, chống cháy, nổ

09:46 | 29/11/2022
(LĐTĐ) Sau hơn một tháng triển khai cao điểm tổng kiểm tra, đến nay cơ bản các cơ sở thuộc danh mục quản lý trên địa bàn thành phố Hà Nội đã được rà soát về công tác an toàn phòng cháy chữa cháy. Kết quả thu được không dừng ở việc nắm rõ địa bàn, mà các cán bộ chiến sĩ tham gia tổ kiểm tra còn chỉ rõ từng “lỗ hổng” về an toàn phòng cháy cho người dân, góp phần tăng cường nhận thức, kiến thức về an toàn trong phòng, chống cháy nổ.
Lấy phòng để tránh Nâng cao hiệu quả công tác PCCC&CNCH tại các huyện ngoại thành Hà Nội

Rà soát kết hợp tuyên truyền

Theo phân cấp, danh mục quản lý, phường Láng Hạ, quận Đống Đa có 254 cơ sở cần kiểm tra, rà soát trong đợt cao điểm này. Từ ngày 15/10, lực lượng cảnh sát khu vực của Công an phường Láng Hạ đã phối hợp chặt chẽ với cán bộ UBND phường, tổ dân phòng tiến hành rà soát các cơ sở thuộc 32 tổ dân phố trên địa bàn. Qua đó đã kiểm tra được hơn 133 cơ sở thuộc danh mục quản lý, xử phạt 22 cơ sở, số tiền 54 triệu đồng về các lỗi vi phạm liên quan đến an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) như lắp đặt sử dụng dây dẫn điện không đảm bảo an toàn PCCC theo quy định, bố trí sắp xếp vật tư hàng hóa vật dụng cản chở lối thoát nạn; không kiểm tra bảo dưỡng phương tiện hướng dẫn thoát nạn; trang bị thiết bị PCCC không đủ, không đồng bộ…

Bịt những “lỗ hổng” để đảm bảo an toàn phòng, chống cháy, nổ
Ban chỉ đạo PCCC phường Khâm Thiên, quận Đống Đa kiểm tra, rà soát, tuyên truyền về công tác PCCC & CNCH đến các cơ sở thuộc phụ lục IV Nghị định 136 trên địa bàn phường.

Từ tinh thần này, ngay từ những ngày đầu triển khai cao điểm, Công an phường Láng Hạ đã quán triệt nghiêm túc tới từng cán bộ chiến sĩ và các lực lượng chức năng tham gia phối hợp kiểm tra. Đó là khẩn trương, nghiêm túc nhưng không qua loa, đại khái, mà phải kiểm tra kỹ, đặc biệt phải điểm mặt rõ những vi phạm về an toàn PCCC, những “lỗ hổng”, nguy cơ tiềm ẩn có thể xảy ra cháy ở cơ sở cho người dân biết, nắm được. Qua đó, hỗ trợ, hướng dẫn người dân cách khắc phục làm sao để đảm bảo an toàn. Đối với các trường hợp vi phạm không thể khắc phục phải kiên quyết yêu cầu tạm đình chỉ, tạm dừng hoạt động, không để tình trạng kiểm tra xong bỏ đó, không có hướng giải quyết.

Theo Trung Tá Đào Mạnh Cường, Trưởng Công an phường Láng Hạ, cùng với việc kiểm tra, rà soát, công an phường Láng Hạ cũng kết hợp phát tờ rơi, tuyên truyền, hướng dẫn về an toàn PCCC cho người dân và các chủ cơ sở. Mục đích cao nhất là xây dựng được phong trào toàn dân PCCC, nâng cao ý thức chủ động trong phòng ngừa hỏa hoạn của mỗi người dân, mỗi gia đình, cơ sở. Xây dựng và củng cố lực lượng PCCC tại chỗ ở địa bàn theo phương châm “Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ” đảm bảo thực chất hiệu quả”.

Còn tại quận Tây Hồ, qua tổng rà soát, trên toàn quận có 1.330 cơ sở buộc phải kiểm tra. Sau 1 tháng thực hiện chiến dịch, phát hiện 1.633 trường hợp vi phạm, phạt tiền gần 300 triệu đồng, đình chỉ 1 trường hợp, tạm đình chỉ 3 trường hợp, đang đề xuất làm hồ sơ tạm đình chỉ 03 trường hợp. Một số cơ sở kinh doanh lưu trú và tòa nhà hỗn hợp cả văn phòng, dịch vụ và chung cư cao tầng thiếu quan tâm đến công tác PCCC. Đơn cử như Công ty cổ phần đầu tư Phú Thượng, có địa chỉ tại số 2 phố Phú Thượng, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, có lỗi vi phạm đưa hạng mục công trình vào sử dụng, hoạt động khi chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về PCCC. Với vi phạm này, Công an quận lập hồ sơ đề xuất xử phạt 80 triệu đồng.

Theo báo cáo của Công an thành phố Hà Nội, qua 1 tháng triển khai thực hiện, kết quả, tính từ ngày 15/10/2022 đến ngày 12/11/2022, tổng số cơ sở thuộc diện quản lý trên địa bàn Thành phố là 132.178 cơ sở (tăng 3.568 cơ sở so với thời điểm 15/10/2022), bao gồm các cơ sở thuộc các phụ lục I,II,III Nghị định số 136/2020/NĐ-CP; cơ sở trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp; cơ sở trong khu dân cư và được phân cấp quản lý theo quy định.

Về kết quả kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), tính từ ngày 15/10/2022 đến ngày 12/11/2022, Công an thành phố đã kiểm tra 65.887 cơ sở (đạt 50% chỉ tiêu toàn đợt). Qua kiểm tra, phát hiện, ban hành 3.522 quyết định xử phạt xử phạt/ 4.431 hành vi vi phạm, với tổng số tiền phạt: 28.826.750.000 đồng. Đồng thời, tham mưu chính quyền các cấp ban hành 18.520 văn bản kiến nghị, tạm đình chỉ hoạt động 643 cơ sở, đình chỉ hoạt động 339 cơ sở…

Hướng đến mục tiêu lâu dài

Với phương châm “phòng cháy hơn chữa cháy”, ngăn ngừa những mối ẩn họa từ cháy nổ, thời gian qua, chính quyền và lực lượng chức năng của các địa phương trên địa bàn Hà Nội đã, đang thực hiện nhiều giải pháp, kiên trì với mục tiêu phòng cháy hơn chữa cháy. Theo Trung tá Thịnh Vũ Khanh, Đội trưởng Đội cảnh sát PCC&CNCH Công an quận Đống Đa, một trong những giải pháp trọng tâm được Đội cảnh sát thực hiện đó là tăng cường và làm tốt công tác tuyên truyền kiến thức về PCCC&CNCH đến từng cơ quan, tổ chức, đơn vị cá nhân chủ động trang bị các kiến thức về PCCC, hạn chế được thấp nhất những thiệt hại do cháy nổ gây ra.

Trong đó, Công an quận đã tham mưu cho UBND quận Đống Đa ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kiểm tra an toàn PCCC đối với các khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất kinh doanh; phối hợp với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về công tác PCCC cho đối tượng là chủ cơ sở kinh doanh nhà trọ, cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự và đông đảo quần chúng nhân dân trên địa bàn với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp.

Đơn cử như từ đầu năm 2022 đến nay, lực lượng chức năng quận Đống Đa đã tổ chức 159 buổi tuyên truyền về PCCC&CNCH cho 9.679 người là chủ hộ gia đình và những người dân sinh sống, làm việc tại khu dân cư; hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn quận. Công an quận Đống Đa đã tổ chức tập huấn PCCC&CNCH cho lực lượng dân phòng các phường; phối hợp với UBND các phường xây dựng, triển khai thành lập mô hình “Tổ Liên gia an toàn PCCC”; “Điểm chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ công cộng”. Công an quận Đống Đa đã tổ chức diễn tập phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ huy động nhiều lực lượng tại khu dân cư nguy hiểm cháy nổ cao trên phường Ô Chợ Dừa và phường Láng Hạ.

Thực tế, cho thấy để người dân thấu hiểu công tác PCCC là nhiệm vụ sống còn của chính mình thì nhiệm vụ đầu tiên phải tuyên truyền thường xuyên nhằm thay đổi nhận thức, ý thức. Thời gian qua, khi các Tổ liên gia an toàn PCCC được thành lập, một số địa phương đã tổ chức diễn tập, hội thi, hội thao như quận Ba Đình, quận Đống Đa… để trang bị những kiến thức cơ bản về PCCC, giúp người dân rèn luyện khả năng chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn. Những “điểm sáng” này cho thấy, các địa phương cần tiếp tục tuyên truyền, vận động để có nhiều Tổ liên gia an toàn PCCC hơn nữa. Qua đó góp phần tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật cho các cấp chính quyền và nhân dân tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về PCCC, cứu hộ, cứu nạn; tạo sự chuyển biến trong nhận thức và thúc đẩy phong trào toàn dân tham gia PCCC./.

Tuấn Dũng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này