Xử lý dứt điểm vướng mắc, thúc đẩy 5 dự án trọng điểm của thành phố Hồ Chí Minh

21:43 | 27/11/2022
(LĐTĐ) Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với các bộ, ngành xử lý dứt điểm những vướng mắc, thúc đẩy 5 dự án trọng điểm gồm: 2 dự án đường sắt đô thị; đường Vành đai 3 thành phố; Nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài, Tây Ninh. Thủ tướng yêu cầu thành lập tổ công tác để xử lý những vấn đề đang vướng mắc.
Bến xe miền Đông mới khi nào thực sự “mới”? Tetra Park hợp tác cùng Veca mở rộng thu gom vỏ hộp giấy tại thành phố Hồ Chí Minh

Chiều 27/11, tại Trụ sở Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt Thành phố về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giải ngân vốn đầu tư công và tiến độ triển khai các công trình trọng điểm.

Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị gỡ vướng các dự án trọng điểm

Báo cáo về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và giải ngân vốn đầu tư công, tiến độ triển khai các công trình trọng điểm năm 2022 trên địa bàn, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết mặc dù gặp nhiều biến động, khó khăn, thách thức hơn so với thời điểm xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội Thành phố năm 2022 nhưng nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Trung ương cùng sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp, đến nay, việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn đạt nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực.

Xử lý dứt điểm vướng mắc, thúc đẩy 5 dự án trọng điểm của thành phố Hồ Chí Minh
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Kinh tế Thành phố có mức tăng trưởng khá cao, hơn 9% so với cùng kỳ và vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch năm 2022 là 6 - 6,5%); chỉ số sản xuất công nghiệp IIP ước tăng 17,3% so với cùng kỳ; tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 49,5 tỷ USD (tăng 10,3%); tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 66,2 tỷ USD (tăng 10%); thu ngân sách đạt kết quả khả quan, ước đạt 457.500 tỷ đồng (đạt 118,35% dự toán được giao và tăng 17,05% so với cùng kỳ).

Đến nay, dự kiến có 15/19 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu năm 2022 của Thành phố cơ bản đạt và vượt kế hoạch; có 2/19 chỉ tiêu dự kiến không đạt và có 2/19 chỉ tiêu chưa đủ cơ sở tính toán và đánh giá.

Liên quan đến kết quả giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh cho hay, đến hết ngày 25/11/2022, tổng số vốn đã giải ngân đạt 12.665,955/37.463,673 tỷ đồng, đạt tỉ lệ 34%, thấp nhất cả nước. Các đơn vị chủ đầu tư đăng ký giải ngân vốn đến hết niên độ kế hoạch đầu tư công năm 2022 là 28.753,707/37.463,673 tỷ đồng, đạt tỉ lệ 76,7% tổng số vốn giao.

Về việc triển khai các dự án trọng điểm quốc gia, trọng điểm trên địa bàn Thành phố, theo Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi, đối với dự án Tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên: Đã triển khai 04/05 gói thầu xây lắp và thiết bị. Dự án dự kiến hoàn thành năm 2023 chào mừng kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản.

Đối với Dự án Tuyến đường sắt đô thị số 2 Bến Thành - Tham Lương, hiện tỉ lệ bàn giao mặt bằng đến nay đạt 85,45% (501/586 trường hợp). Trong đó, 4/6 quận đã hoàn thành giải phóng mặt bằng. Hiện còn lại 85 trường hợp trên địa bàn 2 quận (Quận 3, Tân Bình) chưa bàn giao mặt bằng. Dự kiến đến quý II/2023, hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng của Dự án.

Đối với dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đến nay, Thành phố đã hoàn thành các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao trong các buổi họp Ban Chỉ đạo các công trình trọng điểm quốc gia về lĩnh vực giao thông hằng tháng.

Ban Chỉ huy dự án đã tổ chức giao ban, đi thực địa hằng tuần trực tiếp đến các địa bàn để rà soát tiến độ và kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; hiện đang hoàn tất các thủ tục để phê duyệt hai dự án thành phần (xây lắp và bồi thường) trước 30/11/2022; đẩy nhanh tiến độ thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và phấn đấu bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp khởi công trước ngày 30/6/2023 và cơ bản bàn giao toàn bộ diện tích còn lại trước ngày 31/12/ 2023…

Xử lý dứt điểm vướng mắc, thúc đẩy 5 dự án trọng điểm của thành phố Hồ Chí Minh
Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi trình bày tóm tắt tình hình kinh tế - xã hội, kết quả giải ngân đầu tư công, tiến độ triển khai các công trình trọng điểm - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương xem xét ủng hộ thành phố trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất, nhất là tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đối với doanh nghiệp xăng dầu; giải pháp cụ thể và hành động quyết liệt ổn định tình hình sau vụ việc của Ngân hàng SCB; đặc biệt là các doanh nghiệp lĩnh vực sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người lao động.

Bên cạnh đó, cho phép thành phố được thí điểm thực hiện cơ chế đặc thù trong lĩnh vực văn hóa, thể thao; được phép điều chỉnh cục bộ một số quy hoạch, thí điểm gia hạn sử dụng đất đối với một số trường hợp cụ thể; hỗ trợ thành phố tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trên địa bàn; hỗ trợ thành phố thúc đẩy giải ngân đầu tư công và một số đề xuất liên quan các dự án cụ thể...

Thành lập tổ công tác để xử lý những vấn đề đang vướng mắc

Phát biểu định hướng nội dung tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết: "Tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về phát triển Vùng Đông Nam Bộ tại Vũng Tàu ngày 26/11, các đại biểu đều thể hiện sự quan tâm, tình cảm, niềm tin đối với thành phố Hồ Chí Minh, địa bàn chiến lược, đầu tàu kinh tế cả nước".

Theo Thủ tướng, từng là địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất cả nước bởi dịch Covid-19, đến nay, tình hình kinh tế - xã hội thành phố Hồ Chí Minh đạt được những kết quả "đáng kinh ngạc". Thành phố Hồ Chí Minh đã đóng góp quan trọng vào thành quả chung của cả nước, góp phần vào ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát (dưới 3% trong 10 tháng).

"Trong thành tích chung của cả nước, có đóng góp quan trọng của thành phố Hồ Chí Minh, một đầu tàu kinh tế, động lực phát triển của đất nước. Qua đó truyền cảm hứng cho sự phát triển chung", Thủ tướng biểu dương, đánh giá cao nỗ lực của thành phố Hồ Chí Minh.

Xử lý dứt điểm vướng mắc, thúc đẩy 5 dự án trọng điểm của thành phố Hồ Chí Minh
Toàn cảnh buổi làm việc - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Theo Thủ tướng, có rất nhiều việc để làm, nhưng đoàn công tác chọn một vài việc làm trước, cụ thể là giải ngân đầu tư công. Đây là một trong những điểm yếu trong nhiều năm. Tổng số vốn đầu tư công chiếm tỷ lệ rất lớn của cả nước, thì việc tháo gỡ, giải quyết cho thành phố Hồ Chí Minh sẽ có tác động tích cực đến kinh tế xã hội của thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung.

Thủ tướng lưu ý, trong cách làm việc cần chọn một vài việc để thực hiện, tạo động lực, cảm hứng để tiếp tục giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc khác. “Đã bàn, đã nói là làm, đã cam kết đã hứa là phải thực hiện, đã thực hiện phải có hiệu quả, mang lại thu nhập cho người dân, thuận lợi cho doanh nghiệp”, Thủ tướng yêu cầu.

Kết luận buổi làm việc, người đứng đầu Chính phủ cũng chia sẻ với những khó khăn mà thành phố đã và đang gặp, đặc biệt thành phố với vai trò là đầu tàu kinh tế, tạo động lực, truyền cảm hứng cho các địa phương, các bộ, các ngành phấn đấu, phát triển. “Chính phủ luôn luôn sát cánh cùng thành phố theo trách nhiệm, nghĩa vụ, chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ,” Thủ tướng khẳng định.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng phân tích tình hình có nhiều khó khăn, thách thức, đan xen thời cơ, thuận lợi. Do đó, Thành phố Hồ Chí Minh không chủ quan, song cũng không bi quan để phấn đấu hoàn thành tốt 19 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; đồng thời tổ chức rà soát lại toàn bộ công việc để bước vào năm 2023 với khí thế mới.

Trước mắt, thành phố phải tập trung vào công tác quy hoạch; thúc đẩy mạnh mẽ giải ngân vốn đầu tư công và 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Trong đó thành phố phối hợp với các bộ, ngành xử lý dứt điểm những vướng mắc, thúc đẩy 5 dự án trọng điểm gồm: các dự án đường sắt đô thị; đường Vành đai 3 thành phố; Nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài, Tây Ninh. “Thành lập tổ công tác để xử lý những vấn đề đang vướng mắc,” Thủ tướng chỉ đạo.

Thủ tướng đề nghị thành phố phối hợp với các bộ, ngành và Chính phủ để tổng kết đánh giá việc thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chính phủ về cơ chế chính sách thí điểm dành cho thành phố cả về kinh tế, tổ chức, cán bộ...; trình cấp có thẩm quyền bổ sung phù hợp với tình hình.

Bên cạnh đó, thành phố Hồ Chí Minh không được chủ quan, tiếp tục các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19… Tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn; thực hiện đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn, việc làm cho nhiều lao động; tiếp tục thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, nhất là đối với gia đình chính sách, đối tượng yếu thế, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán. Đáng chú ý, thành phố phải quan tâm phát triển văn hóa ngang tầm với chính trị, phát triển kinh tế, trong đó có phát triển công nghiệp văn hóa gắn với phát triển du lịch.

Đối với các đề xuất của thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ cơ bản nhất trí chủ trương xử lý, giải quyết; đồng thời chỉ đạo trực tiếp các bộ, ngành liên quan xử lý đối với từng vấn đề.

Ngân Phương

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này