Khan hiếm thanh khoản có thể làm cho đà phục hồi kinh tế bị chững lại

16:21 | 25/11/2022
(LĐTĐ) Các chuyên gia cho rằng việc lựa chọn điều hành ổn định tỷ giá kéo theo phải tăng lãi suất điều hành sẽ tác động rất lớn đến năng lực sản xuất của doanh nghiệp cũng như mục tiêu phục hồi kinh tế.
Chứng khoán ngày 14/10: Thanh khoản tăng mạnh trở lại Bảo đảm thanh khoản của các tổ chức tín dụng và nền kinh tế Thị trường bất động sản: Nỗ lực tìm lại “bầu trời sáng”

Từ đầu năm 2022, trong bối cảnh kinh tế thế giới đầy biến động, Ngân hàng Nhà nước đã coi ổn định tỷ giá là một vấn đề trọng điểm để điều hành chính sách tiền tệ. Một trong những chính sách mà cơ quan này đưa ra đó là bán ngoại tệ bình ổn thị trường và tăng lãi suất điều hành.

Tại Đối thoại chuyên đề: "Điều hành tỷ giá USD/VND: Ổn định kinh tế vĩ mô", chuyên gia Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nhận định, hành động tăng lãi suất điều hành có thể làm cho khan hiếm thanh khoản trong toàn bộ nền kinh tế, khiến cho đà phục hồi kinh tế bị chững lại.

Theo ông Lê Xuân Nghĩa, tiền lưu thông đang rất thiếu, GDP tính theo giá hiện hành đã tăng 11,5%/năm, trong khi đó cung tiền mới tăng 3,5%/năm. Năm 2021 thì ngược lại, cung tiền tăng 11%/năm còn GDP và lạm phát cộng lại chỉ có 4,5%/năm, như vậy cung tiền vẫn còn dư thừa 6,5% cho nên kéo dài được tăng trưởng kinh tế của quý 1, quý 2, và bắt đầu sang quý 3 mới gặp khó khăn.

“Ngân hàng Trung ương cũng đang khó khăn về chuyện muốn bơm tiền ra nhưng cũng thiếu công cụ. Bơm tiền ra thì phải mua trái phiếu chính phủ vào, mà trái phiếu chính phủ còn phụ thuộc vào nhu cầu của các ngân hàng thương mại. Mà ngân hàng thương mại thì trót mang trái phiếu chính phủ đi vay ở các ngân hàng khác mất rồi,… Vấn đề quyết định chính là lãi suất mua vào trái phiếu chính phủ là chiết khấu. Không mua được trái phiếu chính phủ vào thì không bơm tiền ra được. Chúng tôi thực sự lo ngại bởi tình hình thanh khoản hiện nay được tính từng ngày”, ông Lê Xuân Nghĩa bày tỏ.

Trên thực tế, áp lực tỷ giá còn chịu rất nhiều tác động bởi yếu tố tâm lý thị trường, chẳng hạn giai đoạn 2009-2011, tâm lý thị trường bị đẩy lên đỉnh điểm và xuất hiện hiện tượng găm giữ ngoại tệ, từ đó tạo nên tình trạng khan cung và đẩy tỷ giá lên cao.

Ông Nghĩa nhận định, còn nhiều doanh nghiệp cổ phần đầu tư nước ngoài chưa chuyển lợi nhuận về nước, rất nhiều nhà đầu tư gián tiếp bán ròng chứng khoán cũng chưa chuyển tiền về nước mà treo trên tài khoản của họ ở Việt Nam cho đến khi cảm thấy tỷ giá của Việt Nam không ổn định được như họ mong muốn, cộng với việc đồng tiền của họ còn mất giá so với đồng đô la còn lớn hơn nhiều so với đồng Việt Nam so với đô la.

Khan hiếm thanh khoản có thể làm cho đà phục hồi kinh tế bị chững lại
Khan hiếm thanh khoản có thể làm cho đà phục hồi này bị chững lại (Ảnh minh họa: BT)

“Hiện nay áp lực tỷ giá hối đoái đang giảm mạnh, lạm phát của các nước giảm khá nhanh. Lạm phát của Mỹ đang có xu hướng giảm. Nếu Mỹ kéo dài tình trạng đồng đô la tăng giá như hiện nay sẽ ảnh hưởng xấu đến cán cân thương mại của Mỹ. Sớm muộn Mỹ cũng phải tìm cách hạ chỉ số đô la bằng nhiều biện pháp, tôi nghĩ là là giảm mức độ tăng lãi suất”, ông Lê Xuân Nghĩa nhận định.

Phân tích về cơ hội có thể ổn định tỷ giá ở cuối năm nay, vị chuyên gia này cho rằng, FDI năm 2022 giảm nhưng FDI đăng ký thì tăng 15% so với năm trước (năm 2021 tăng 6-7%). Tỷ giá hối đoái tăng thì xuất khẩu cũng có lợi, giúp cho cán cân thanh toán tổng thể sẽ dương trở lại sau một quý bị âm. Kiều hối cuối năm cũng sẽ tăng lên. Tất cả các tác động đó cộng với sự điều chỉnh của Ngân hàng Trung ương sẽ bình ổn trở lại tỷ giá hối đoái.

“Đây là cơ hội để chúng ta giữ được tỷ giá hối đoái 10% ở cuối năm nay, nếu khéo có thể giữ được 10% giữa năm sau. 10 tháng sau nữa thì khó dự đoán”, chuyên gia Lê Xuân Nghĩa cho biết.

Tuy nhiên, ông cũng cho rằng lần điều chỉnh chính sách điều hành gần đây là cơ hội để xem xét lại vấn đề đối với doanh nghiệp. Đành rằng, doanh nghiệp yếu sẽ “chết”, nhưng đừng để “chết” quá nhiều, như vậy sẽ làm chững lại đà phục hồi kinh tế mà chúng ta đang nỗ lực để có được. Và một trong những nguyên nhân doanh nghiệp “chết” là lãi suất hiện nay đã gấp 3 lần lạm phát. “Bây giờ căng thẳng về tỷ giá hối đoái cũng giảm rồi, chúng ta nên tập trung vào thanh khoản của nền kinh tế”, ông Nghĩa đề xuất.

Chia sẻ thêm về áp lực tỷ giá, chuyên gia Nguyễn Đức Trung, Phó Hiệu trưởng Học viện Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh cho rằng, cán cân hàng hóa dương nhưng cán cân dịch vụ đang âm rất mạnh.

“Từ khóa logistic nổi khắp các trang mạng trong thời gian gần đây, nhưng ngành logistic đang âm nặng khi phải chi trả cho các hãng vận tải biển, hàng không nước ngoài để chuyển hàng đi. Con số 80% chúng ta chuyển tiền chi trả cho các hãng nước ngoài cho việc chuyển hàng Việt Nam đi xuất khẩu khiến tôi giật mình. Cách đây 8 năm cũng hơn 82% tiền chuyển cho doanh nghiệp logistic nước ngoài, vậy logistic Việt Nam đâu? Áp lực tỷ giá vẫn cao nếu như vẫn xuất khẩu nhiều, xuất khẩu nhiều thì phải vận tải, vận tải đi thuê nước ngoài thì lại vẫn áp lực tỷ giá. Cán cân hàng hóa vẫn dương, lúa gạo rất nhiều nhưng lại chuyển tiền hết cho logistics nước ngoài, thì lại áp lực tỷ giá”, ông Trung nói.

Các chuyên gia cho rằng, hiện nay Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều kinh nghiệm điều hành và việc dự trự ngoại hối dồi dào hơn thời điểm 2009 - 2011, chứng tỏ đã chuẩn bị cho những cú sốc tương tự. Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế nhỏ và mở, bất kỳ một cú sốc nào cũng ảnh hưởng đến hệ thống tài chính. Chính vì thế Việt Nam cần điều hành chính sách linh hoạt, kịp thời, giúp cho kinh tế vĩ mô ổn định như hiện nay.

Bảo Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này