Chuyên gia kiến nghị tăng thuế thuốc lá để giảm lượng tiêu dùng

09:54 | 25/11/2022
(LĐTĐ) Để đạt được hiệu quả giảm tiêu dùng thuốc lá, WHO và các chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực y tế công cộng cho rằng cần thay đổi chính sách thuế thuốc lá theo hướng bổ sung thuế tuyệt đối với mức đủ lớn.
Sửa thuế tiêu thụ đặc biệt: Đánh thuế nước ngọt, tăng thuế thuốc lá? Đề xuất tăng thuế thuốc lá: Lợi cả đôi đường Giảm hút thuốc lá giúp bảo vệ sức khỏe bà mẹ và trẻ em

Giá thuốc lá ở Việt Nam nằm trong nhóm rẻ nhất thế giới

Theo báo cáo của WHO, năm 2020, giá trung bình một bao thuốc nhãn phổ biến nhất ở Việt Nam là 2,82 đô la PPP/1 bao, chỉ bằng 1/3 so với mức bình quân của tất cả các quốc gia trên thế giới (8,46 đô la PPP/bao). Giá thuốc lá ở Việt Nam đứng thứ 157 trên tổng số 161 quốc gia có số liệu báo cáo năm 2020.

Báo cáo năm 2021 về chỉ số thuế thuốc lá của Liên minh Phòng, chống thuốc lá Đông Nam Á (SEATCA) cũng cho thấy, giá thuốc lá tại Việt Nam ngày càng rẻ so với thu nhập đầu người.

Chỉ số Giá thuốc lá tính theo phần trăm thu nhập quốc dân trên đầu người) - RIP (relative income price - giá tính theo mức thu nhập) giảm từ 11,4% năm 2000 xuống còn 3,04% năm 2019. Chỉ số này được tính bằng phần trăm thu nhập cần thiết để mua 100 bao thuốc lá (20 điếu mỗi bao). Nếu RIP càng nhỏ tức là thuốc lá càng rẻ, dễ mua. Điều này cho thấy ở Việt Nam thuốc lá ngày càng rẻ đi so với thu nhập của người dân và sức mua thuốc lá gia tăng.

Chuyên gia kiến nghị tăng thuế thuốc lá để giảm lượng tiêu dùng
Bà Nguyễn Thị Thu Hương - Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế, cho biết, so sánh thuế và giá thuốc lá của Việt Nam thuộc hàng thấp nhất trong khu vực ASEAN và rất thấp so với các nước đang phát triển.

Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân chủ yếu của việc tỉ lệ hút thuốc lá còn cao và giảm chậm là do thuế thuốc lá của Việt Nam còn rất thấp. Giá thuốc lá rẻ làm tăng khả năng tiếp cận và mua thuốc lá của thanh thiếu niên và người nghèo.

Chia sẻ tại hội thảo "Thực trạng, thách thức và giải pháp trong phòng chống tác hại thuốc lá tại Việt Nam" do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam tổ chức mới đây, bà Nguyễn Thị Thu Hương - Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế, cho biết, so sánh thuế và giá thuốc lá của Việt Nam thuộc hàng thấp nhất trong khu vực ASEAN và rất thấp so với các nước đang phát triển.

Thuế thuốc lá thấp, giá thuốc lá rẻ tạo cơ hội cho nhiều thanh thiếu niên, người nghèo cũng có thể mua thuốc lá dễ dàng, thuốc lá được bày bán ở khắp mọi nơi. Hiện chúng ta chưa có quy định về việc cấp phép quản lý điểm bán hàng.

“Hệ lụy của việc sử dụng thuốc lá quá dễ dàng là gánh nặng bệnh tật rất lớn, gia tăng các bệnh do thuốc lá gây ra. Chính vì vậy, tăng thuế thuốc lá ở mức đủ cao là biện pháp quan trọng và hữu hiệu để giảm tiêu thụ thuốc lá trong các tầng lớp dân cư, đặc biệt là thanh thiếu niên”, bà Hương cho biết.

Thuế là biện pháp kiểm soát thuốc lá hiệu quả nhất

Bên cạnh đó, Ngân hàng thế giới và WHO đánh giá, chính sách giá và thuế là một trong những chính sách quan trọng nhất để kiểm soát tiêu dùng thuốc lá có vai trò chiếm tới 50% trong việc giảm hút thuốc. Phần còn lại là tác động từ các biện pháp khác bao gồm: thực thi môi trường không khói thuốc, in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh, truyền thông về tác hại thuốc lá, cấm quảng cáo thuốc lá và hỗ trợ cai nghiện thuốc lá…

Cũng tại Họi thảo, Thạc sĩ Đào Thế Sơn - Chuyên gia kinh tế về thuốc lá và buôn lậu thuốc lá của Liên minh phòng chống lao và bệnh phổi quốc tế (the Union), nhấn mạnh: “Thuế là biện pháp kiểm soát thuốc lá hiệu quả nhất”.

Dẫn chứng điều này, Thạc sĩ Sơn cho hay, WHO đã chỉ ra, trung bình khi giá thuốc lá tăng 10% sẽ làm giảm sử dụng thuốc lá khoảng 4% tại các nước có thu nhập cao và 5% tại các nước có thu nhập trung bình và thấp. Biện pháp thuế đặc biệt có hiệu quả với nhóm thanh thiếu niên, ước tính khi giá thuốc lá tăng khoảng 10% thì sẽ giảm sử dụng thuốc lá khoảng 10% hoặc hơn ở nhóm trẻ tuổi.

Theo Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt sửa đổi 2014 số 70/2014/QH13, hiện nay Việt Nam đang áp dụng tính thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt theo tỉ lệ là 75% và giá tính thuế là giá xuất xưởng.

Tuy nhiên khi tính theo chuẩn quốc tế là “tỉ lệ thuế thuốc lá tính theo giá bán lẻ” thì tỉ lệ thuế của Việt Nam, thấp hơn so với trung bình của các quốc gia có thu nhập trung bình (59%), bằng một nửa của hầu hết các nước ASEAN như Thái Lan 78,6%, Singapore 67,1%, Indonesia 62,3%.

WHO và Ngân hàng Thế giới đã khuyến cáo tỉ trọng thuế thuốc lá trên giá bán lẻ phải đạt từ 75% mới thực sự có tác động làm giảm tiêu dùng. Việc tăng thuế đối với thuốc lá có thể làm giảm số lượng người nghèo ở Việt Nam, góp phần ngăn ngừa tử vong sớm do hút thuốc và giảm tình trạng bần cùng do chi phí y tế liên quan đến thuốc lá.

Người dân Việt Nam sẽ được hưởng lợi thêm từ việc giảm hút thuốc lá thụ động, tăng năng suất của người lao động, cải thiện chất lượng cuộc sống của người hút thuốc và gia đình họ, đồng thời có khả năng đầu tư thêm nguồn thu thuế vào các chương trình xã hội và y tế, cùng những tác động tích cực khác của việc tăng thuế đối với thuốc lá.

Thuốc lá chứa 7.000 hóa chất trong đó có 69 chất gây ung thư và là nguyên nhân gây nên 25 loại bệnh (ung thư, tim mạch, các bệnh về hô hấp và sinh sản). Mỗi năm Việt Nam có trên 40.000 ca tử vong vì các bệnh do thuốc lá gây ra. Theo dự báo, con số này sẽ tăng lên 70.000 ca/năm vào 2030 nếu chúng không phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả.

K.Tiến

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này