Những công trình giảm áp lực giao thông đô thị

08:05 | 24/11/2022
(LĐTĐ) Việc đầu tư xây dựng hàng loạt nút giao thông khác mức, đặc biệt là hệ thống hầm chui tại Thủ đô đã phát huy tác dụng, góp phần giúp phương tiện lưu thông nhanh chóng qua các nút giao vốn được coi là “điểm đen” nhức nhối.
Chính thức thông xe Dự án hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3 Triển khai hiệu quả các công trình mang tính biểu tượng của Hà Nội

Tác dụng rõ rệt

Ngột ngạt, oi nồng bởi khói xe, bụi bặm khi phải len lỏi giữa rừng phương tiện ô tô, xe máy vào giờ cao điểm là cảm giác không ai muốn nhưng vẫn phải trải qua mỗi ngày bởi vấn nạn ùn tắc giao thông. Vấn nạn này đến nay vẫn đang là bài toán khó đối với các đô thị đang trên đà đô thị hóa mạnh mẽ như Hà Nội.

Những công trình giảm áp lực giao thông đô thị
Hầm chui qua nút Lê Văn Lương - Vành đai 3 góp phần giải tòa ùn tắc giao thông trên tuyến đường từng là “điểm nóng” ùn tắc một thời gian dài. Ảnh: Đinh Luyện

Theo các chuyên gia giao thông, tình trạng ùn tắc ở Thủ đô bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu do gia tăng dân số kéo theo phương tiện giao thông cá nhân tăng quá nhanh, tập trung vào nội đô; diện tích dành cho giao thông còn thấp; ý thức chấp hành Luật Giao thông của người dân chưa tốt… Để giải bài toán này, Hà Nội phải giải quyết đồng bộ các vấn đề và không chỉ tập trung vào hạn chế phương tiện cá nhân.

Một trong những giải pháp căn cơ là tăng không gian hạ tầng để phương tiện lưu thông. Nói cách khác, kết cấu hạ tầng là một trong những nguồn lực chính thúc đẩy sự phát triển của giao thông. Do đó, “gỡ rối” ùn tắc giao thông từ các công trình hạ tầng giao thông là hết sức cần thiết.

Giải pháp xây dựng hệ thống hầm chui, hạ tầng khác mức đang là phương án tối ưu để xử lý các “điểm đen” ùn tắc. Theo ghi nhận, nhiều điểm giao thông từng được xếp vào “top” nóng của Hà Nội đã được hầm chui cơ bản giải quyết, giúp tình trạng lưu thoát phương tiện giao thông trở nên thoáng đãng hơn. Hầm chui qua nút Lê Văn Lương - Vành đai 3 là ví dụ. Theo đó, hầm chui này được khánh thành và thông xe vào đúng vào dịp kỷ niệm 68 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2022). Sự kiện này được đông đảo nhân dân Thủ đô, đặc biệt là người dân quận Thanh Xuân và Nam Từ Liêm mong đợi từ lâu bởi đây là nút giao trên trục đường hướng tâm phía Tây Thủ đô thường xuyên xảy ra ùn tắc.

Qua theo dõi sau hơn 1 tháng từ khi hầm chui đi vào phục vụ người dân, nút giao thông trên tuyến đã giảm hẳn tình trạng tắc đường. Người tham gia giao thông tại khu vực cũng được giảm thêm một phần áp lực khi không phải dừng chờ và xung đột giao thông như trước đây. Với ba mức lưu thông là trên cao - đi bằng - đi ngầm, đây được xem là nút giao hiện đại bậc nhất Thủ đô, giải quyết được ùn tắc tại chỗ.

Tương tự, nhiều hầm chui của Hà Nội như hầm Kim Liên - Xã Đàn - hầm chui đầu tiên của Hà Nội, đi vào hoạt động năm 2009; hầm Trung Hòa - Vành đai 3, được đưa vào sử dụng từ tháng 1/2016; hầm chui Thanh Xuân, qua nút giao thông Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi... đều đang phát huy hiệu quả tích cực. Anh Nguyễn Văn Tuấn (phường Phú Lương, quận Hà Đông) chia sẻ, giờ đây giao thông Thủ đô đã tương đối thông thuận, từ Hà Đông vào nội thành có nhiều lựa chọn để đi. Chẳng hạn, có thể theo đường Đại lộ Thăng Long, qua hầm chui Trung Hòa; hoặc đi Tố Hữu, qua hầm Lê Văn Lương; hoặc đi Nguyễn Trãi qua hầm Khuất Duy Tiến. Đáng nói, ùn tắc giao thông chỉ thường xảy ra ở các khu vực lân cận hầm chui, chứ ở hầm chui thì hiếm khi ùn tắc.

Kết nối giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Thực tế, việc hình thành hạ tầng giao thông khác mức (trên cao, đường bằng, hầm chui - PV) tại khu vực các nút giao được cho là biện pháp hiệu quả để giảm thiểu xung đột giao thông, nhất là trong khu vực đô thị đông dân cư. Nhận thức rõ những ưu điểm này, Hà Nội đã và đang nỗ lực đầu tư cho hạ tầng, góp phần kết nối, phục vụ vận tải, hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn rằng, việc hình thành hạ tầng giao thông khác mức, trong đó có xây dựng hầm chui chỉ là một trong những giải pháp góp phần hạn chế ùn tắc chứ không phải “thuốc đặc trị” cho căn bệnh này. Giao thông Hà Nội có một số tồn tại khó có thể giải quyết ổn thỏa trong ngày một, ngày hai.

Một trong số đó là vấn nạn vi phạm Luật Giao thông đường bộ tràn lan. Chẳng khó để thấy điều này ở trục đường Nguyễn Trãi, hướng đi vào trung tâm. Tại trục đường này, dù được cơ quan chức năng phân luồng song tình trạng “điền vào chỗ trống”, đi sai làn diễn ra phổ biến. Chưa hết, trên trục đường còn thường xuyên tái diễn cảnh một bộ phận người dân đi xe máy ngược chiều, dừng đỗ ô tô gây cản trở giao thông.

Bên cạnh lỗi vi phạm Luật Giao thông đường bộ, bề rộng các trục đường của Thủ đô thường tương đối nhỏ hẹp, đặc biệt là các tuyến giao thông kết nối. Chẳng hạn, các tuyến đường ngang kết nối với trục đường chính như Lê Văn Lương, Nguyễn Trãi, Tố Hữu, Trần Duy Hưng, Nguyễn Chí Thanh… đa phần còn nhỏ hẹp khiến phương tiện lưu thông khó khăn. Cộng thêm việc các phương tiện cùng đổ ra đường vào một thời điểm khiến áp lực dồn lên tuyến chính và tuyến kết nối thêm nặng nề. Hệ lụy nhãn tiền là ùn ứ giao thông trở nên cục bộ và khó có thể xử lý dứt điểm.

Trở lại câu chuyện những ưu điểm của hầm chui giao thông trên các tuyến giao cắt. Nhận thấy rõ những ưu điểm từ công trình hạ tầng giao thông này, ngay sau khi hầm chui nút giao đường Lê Văn Lương - Vành đai 3 đi vào hoạt động, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội đã khởi công xây dựng hầm chui đường Kim Đồng - Giải Phóng, hoàn thành kết nối trục Vành đai 2,5.

Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội Nguyễn Chí Cường thông tin, hầm chui qua nút giao đường Kim Đồng - Giải Phóng có chiều dài 460m. Điểm đầu của hầm chui kết nối với dự án đường Vành đai 2,5 đoạn Đầm Hồng - quốc lộ 1A. Điểm cuối kết nối với đường Kim Đồng hiện hữu, cách vị trí giao cắt với quốc lộ 1A khoảng 460m. Đoạn qua hầm tổ chức giao thông mỗi chiều 2 làn xe rộng 3,5m/làn, đoạn ngoài hầm tổ chức giao thông mỗi chiều 3 làn xe rộng 3,5m/làn. Dự kiến dự án xây dựng hầm sẽ hoàn thành sau khoảng 30 tháng thi công.

Chia sẻ về tiến độ công trình, ông Hồ Đức Phúc, Giám đốc liên danh Tập đoàn Cienco 4 cho biết, Tập đoàn Cienco 4 là đơn vị có nhiều kinh nghiệm trong triển khai các công trình hầm chui. Nhiều hầm chui như Lê Văn Lương, Thanh Xuân, Trung Hòa… đã được đưa vào sử dụng, góp phần giảm ùn tắc giao thông Thủ đô. Với nhiệm vụ thi công gói thầu 2,5 hầm chui Kim Đồng - Giải Phóng, ngay sau khi khởi công dự án, nhà thầu sẽ tập trung huy động thiết bị, nhân lực triển khai rào toàn bộ phạm vi đã được bàn giao mặt bằng. Nỗ lực cao nhất để đảm bảo tiến độ thi công công trình./.

Việc hình thành các nút giao khác mức là biện pháp hiệu quả nhất để giảm thiểu xung đột giao thông tại các nút giao lớn, nhất là trong khu vực đô thị đông dân cư. Thành phố Hà Nội đã nỗ lực đầu tư cho hạ tầng, mang lại hiệu quả rất lớn góp phần hạn chế ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, công tác tổ chức giao thông còn bộc lộ bất cập, chính các hầm chui dù góp phần đáng kể trong kéo giảm ùn tắc song cũng đang chịu áp lực lớn, bị hạn chế tác dụng do thiếu đồng bộ hệ thống hạ tầng, tổ chức giao thông chưa hiệu quả, lượng phương tiện cá nhân quá lớn.

Đinh Luyện

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này