Để Hà Nội thành điểm hẹn của cộng đồng sáng tạo

07:36 | 22/11/2022
(LĐTĐ) Khai thác giá trị không gian sáng tạo là một bước đi hiệu quả và đầy tiềm năng để thực hiện Nghị quyết số 09 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”.
Hà Nội: Đề xuất nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư phát triển công nghiệp văn hóa Khơi mở nguồn lực văn hóa từ các lễ hội, sự kiện

Tiềm lực phát triển ngành công nghiệp sáng tạo

Ngày 30/10/2019, Thủ đô Hà Nội chính thức được UNESCO ghi danh trong mạng lưới các Thành phố sáng tạo, trở thành thành phố sáng tạo thứ 246 trên thế giới và Thủ đô thứ 32 được công nhận về mặt sáng tạo thiết kế. Từ đó đến nay, Hà Nội đang từng bước hiện thực hóa các cam kết, mục tiêu hướng tới trở thành kinh đô sáng tạo của Đông Nam Á trong lĩnh vực thiết kế.

Để Hà Nội thành điểm hẹn của cộng đồng sáng tạo
Cổng Sáng tạo - công trình thiết kế kiến trúc mang tính biểu tượng của Lễ hội.

Theo thống kê, trong năm 2018, ngành công nghiệp sáng tạo đã đóng góp khoảng 1,49 tỷ USD vào tổng sản phẩm trên địa bàn Hà Nội. Con số này chiếm tỷ trọng 3,7% GRDP của Thủ đô. Cũng vào năm 2018, các làng nghề mang lại tổng doanh thu trực tiếp là 983,5 triệu USD, chưa tính doanh thu gián tiếp từ các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, và sinh kế cho khoảng 1 triệu nhân lực. Giá trị xuất khẩu của đồ thủ công Hà Nội là 192 triệu USD, chiếm 1,4% tổng giá trị xuất khẩu của cả nước. Ngành công nghiệp sáng tạo và văn hóa cũng mang lại giá trị gia tăng cho ngành du lịch với 4,5 triệu USD chỉ trong năm 2019, tăng tới 34% so với năm trước đó.

Tuy giá trị kinh tế của ngành công nghiệp này chưa quá cao, nhưng đây thực sự là tiền đề mở ra nhiều triển vọng trong thu hút đầu tư khi Hà Nội tham gia mạng lưới các Thành phố sáng tạo. Những con số ban đầu này đã chứng minh tiềm năng đóng góp lớn cho GDP của nước nhà từ ngành văn hóa sáng tạo. Trên thế giới, các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo là những câu chuyện thành công nổi bật trong nền kinh tế toàn cầu 20 năm trở lại đây. Chỉ riêng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương - thị trường lớn nhất của các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo, đã tạo ra 12,7 triệu việc làm và doanh thu 743 tỷ USD (chiếm 33% tổng doanh thu toàn cầu). Nền kinh tế sáng tạo không chỉ là một trong những lĩnh vực tăng trưởng nhất trong nền kinh tế thế giới mà còn là nơi có mức độ thay đổi cao trong việc tăng thu nhập, tạo việc làm và thu lợi từ xuất khẩu.

Tính trong năm 2020, Việt Nam có hơn 140 không gian sáng tạo, trong đó Hà Nội chiếm tới 70, với các ngành nghệ thuật đa dạng bao gồm mỹ thuật, thời trang, kiến trúc, phim ảnh, và lễ hội đường phố. Sự sinh sôi nảy nở của các không gian sáng tạo là một dấu hiệu tích cực trong việc nuôi dưỡng phát triển văn hóa của chính cộng đồng người dân, cũng như khẳng định đường lối đúng đắn của thành phố Hà Nội trong thúc đẩy phát triển các không gian văn hóa sáng tạo.

Là một chuyên gia rất tâm huyết với các không gian sáng tạo ở Thủ đô, ông Lê Quang Bình, Giám đốc doanh nghiệp xã hội ECUE đã từng được Thành uỷ Hà Nội mời tham vấn cho Nghị quyết phát triển công nghiệp văn hoá của Thủ đô. Ông Lê Quang Bình cho biết: “Hà Nội là trung tâm văn hóa, có bề dầy lịch sử nên có tiềm năng phát triển các sản phẩm vừa sáng tạo mang tính thời đại, vừa khác biệt mang tính đặc thù văn hóa Việt Nam. Hơn nữa, khi công nghiệp văn hóa phát triển thì sẽ làm cho đời sống văn hóa tinh thần của người dân giàu có hơn, và Hà Nội hấp dẫn hơn, đáng sống hơn. Nội dung Nghị quyết đã rất bao trùm và đầy đủ.

Tuy nhiên, chúng ta cần phải bắt đầu và ưu tiên cho những nội dung then chốt. Mà một trong những nội dung then chốt Hà Nội cần tập trung triển khai ngay đó là quy hoạch và đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ cho công nghiệp văn hóa. Nếu như ngành công nghiệp sản xuất cần các khu công nghiệp để phát triển thì ngành công nghiệp văn hóa lại cần các không gian sáng tạo để cất cánh. Việc khai thác giá trị không gian sáng tạo là một bước đi hiệu quả và đầy tiềm năng để thực hiện Nghị quyết về công nghiệp văn hoá”.

Công nghiệp sáng tạo có tính liên ngành rất cao vì vậy cần sự đồng bộ, trong đó Hà Nội nên đầu tư vào cơ sở hạ tầng và hành lang pháp lý để khuyến khích doanh nghiệp, người dân và đặc biệt là giới làm sáng tạo tham gia vào ngành công nghiệp văn hóa. Tôi nói vậy vì để tổ chức một sự kiện văn hóa tầm cấp quốc gia hay quốc tế thì cần có sự tham gia của rất nhiều bên, ví dụ như âm nhạc, thời trang, ánh sáng, nhiếp ảnh, phim, thậm chí công nghệ, du lịch và ẩm thực. Để có một sản phẩm đẳng cấp quốc tế thì các bên tham gia đều phải có năng lực tương xứng.

Chính vì vậy, hãy để cho doanh nhân, nghệ sĩ và thị trường quyết định. Còn chính quyền cần làm việc lớn, đó là đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng (ví dụ chuyển đổi nhà máy cũ thành không gian sáng tạo), ra chính sách ưu đãi về sử dụng đất, thuế, tài chính cho các bên tham gia công nghiệp văn hóa.

Để Hà Nội thành điểm hẹn của cộng đồng sáng tạo
Câu lạc bộ Đình làng Việt tổ chức trình diễn áo dài trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2022.

"Ngoài ra, tôi cũng muốn nhấn mạnh là để sáng tạo ra các sản phẩm văn hóa đẳng cấp, có tính sáng tạo và giá trị cao thì các bên phải ngồi với nhau, tương tác với nhau, hợp tác với nhau để cùng làm. Điều này sẽ thuận lợi hơn khi mọi người có một không gian đủ lớn để gần nhau. Đây chính là lý do mà Hà Nội nên chuyển đổi các di sản công nghiệp cũ thành không gian sáng tạo, vì chỉ khi đó mới có đủ diện tích cho các bên đặt văn phòng gần nhau, cùng xây ý tưởng và tổ chức các sự kiện cùng nhau, tạo ra một hệ sinh thái từ đó hiện thực hóa chiến lược công nghiệp văn hóa của Thủ đô”, ông Lê Quang Bình nhận định.

Điểm hẹn của cộng đồng sáng tạo

Không gian văn hóa sáng tạo được thành phố xác định là một trong những ngành mũi nhọn trong phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô, cũng là nền tảng để nâng đỡ, khai mở, làm giàu thêm các tài nguyên di sản vốn có, từng bước đưa Hà Nội trở thành thành phố sáng tạo trong tương lai.

Những không gian này góp phần làm “bà đỡ”, tạo nên hệ sinh thái cho sáng tạo, luân chuyển và làm sinh động, tươi mới đời sống văn hóa cư dân, kích thích sự sáng tạo vốn là động lực quan trọng của phát triển, đem lại sự phát triển đồng đều hơn giữa kinh tế và xã hội, và tạo nên bản sắc văn hóa, một giá trị rất quan trọng trong thế giới toàn cầu hóa.

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho biết: Trong những năm qua, Hà Nội đã luôn tích cực trong liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố trong cả nước, đồng thời duy trì, phát triển mối quan hệ hợp tác quốc tế, từng bước tăng cường, mở rộng quan hệ đối ngoại, ngoại giao văn hóa, giao lưu hợp tác với các thành phố, thủ đô trên thế giới, nhất là những thành phố là thành viên của Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO.

Nhằm phát huy tiềm năng thế mạnh của Thủ đô, nâng cao nhận thức của cộng đồng về ngành thiết kế và công nghiệp văn hoá; kết nối, mở rộng hợp tác kinh doanh giữa các tổ chức, các chuyên gia, các doanh nghiệp trong nước và quốc tế trong lĩnh vực thiết kế và công nghiệp sáng tạo, Thành phố Hà Nội đã chủ động phối hợp với Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Văn phòng đại diện UNESCO tại Hà Nội, Chương trình Định cư con người Liên hợp quốc UN-HABITAT, Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam (Vietcraft) và các doanh nghiệp, cá nhân thuộc lĩnh vực thiết kế sáng tạo tổ chức nhiều sự kiện văn hoá trên địa bàn thành phố.

Để Hà Nội thành điểm hẹn của cộng đồng sáng tạo
Triễn lãm “Ego-Người” của họa sĩ Ngô Xuân Bính tại Bảo tàng Hà Nội.

Đây là những hoạt động nhằm cụ thể hoá và thể hiện quyết tâm cao của Thành phố trong thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU ngày 22/2/2022 của Thành uỷ Hà Nội về “Về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Thực hiện các nội dung trong lộ trình thực hiện cam kết quốc tế khi Hà Nội là thành viên Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO; đây cũng là động lực phát huy truyền thống sáng tạo của người người Thăng Long - Hà Nội được đúc kết từ hơn nghìn năm lịch sử, đồng thời thúc đẩy phát triển giá trị văn hóa mới, góp phần định vị thương hiệu cho Hà Nội phát triển.

Đặc biệt, Lễ hội Thiết kế sáng tạo thành phố Hà Nội năm 2022 với chủ đề “Sáng tạo và công nghệ” được chính thức khai mạc tại Không gian văn hoá phố đi bộ Hồ Gươm, Trung tâm Văn hoá Nghệ thuật số 22 phố Hàng Buồm, Bảo tàng làng nghề Bát Tràng, Tuyến phố đi bộ Trịnh Công Sơn, Tuyến phố đi bộ Thị xã Sơn Tây và một số địa điểm khác... là minh chứng rõ nét nhất cho nỗ lực của Thành phố trong việc phát huy tiềm năng không gian sáng tạo.

Lễ hội là không gian văn hóa sắp đặt ấn tượng với những sản phẩm được thiết kế đa dạng, sáng tạo cùng những di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu được các nghệ nhân, nghệ sĩ, những người yêu văn hóa Thủ đô trình diễn đầy ấn tượng. Không chỉ tôn vinh sự sáng tạo trên chất liệu truyền thống, Lễ hội còn là nơi để các nghệ sĩ, kiến trúc sư, nghệ nhân thăng hoa trong cảm xúc, các ý tưởng được thể hiện sáng tạo qua các tác phẩm. Lễ hội đã thu hút gần một vạn lượt người và đã để lại những ấn tượng, dấu ấn tốt đẹp.

Với một tinh thần kết nối và gợi mở, những trưng bày, triển lãm và thực hành hành nghệ thuật ở nơi chốn này như một sự cộng hưởng, mang lại cho giới trẻ nguồn cảm hứng bất tận và tin rằng các giá trị văn hoá nghệ thuật truyền thống sẽ tiếp tục được nuôi dưỡng và phát huy giá trị mới trong đời sống hiện đại.

Bởi văn hoá Việt Nam hoàn toàn có cơ hội cất cánh để giao lưu với văn hoá phương Tây và nếu làm được điều đó sẽ góp phần thực hiện chính sách rất lớn của Nhà nước là phát triển nền công nghiệp văn hoá Việt Nam để có thể vươn tới hội nhập bền vững với thế giới. Và những nghệ sĩ trẻ hiện nay chính là tương lai cho sáng tạo và hội nhập.

Tin rằng với những nỗ lực hiện có, Thành phố sẽ trở thành một không gian sáng tạo lớn để định vị thương hiệu, gia tăng mức hưởng thụ văn hóa và tăng sức hấp dẫn cho điểm đến của Thủ đô./.

Giám đốc Bảo tàng Hà Nội Nguyễn Đình Đà:

Tạo dựng sự phát triển bền vững cho đô thị

Trong Lễ hội Thiết kế sáng tạo đang diễn ra sôi động, cộng đồng sáng tạo nghệ thuật thực sự vui mừng khi có thêm một không gian sáng tạo mới tại Bảo tàng Hà Nội. Không gian sáng tạo tại Bảo tàng Hà Nội bao gồm cả không gian ngoài trời và trong nhà. Nếu không gian ngoài trời để đặt những tác phẩm cỡ lớn thì không gian trong nhà cũng không kém phần hoành tráng với diện tích trưng bày lên đến hơn 3.000 mét vuông, đến thời điểm này, đây là một không gian sáng tạo có quy mô lớn nhất được đưa vào sử dụng.

Chúng tôi cũng xác định Bảo tàng là một địa điểm văn hóa, một địa chỉ văn hóa với không gian ngoài nhà lên tới 54.000 mét vuông với thảm cỏ, vườn hoa, cây cối như vậy thì phải là một môi trường để mà tất cả những ý tưởng sáng tạo được hội tụ về đây. Với các không gian này, cộng đồng sáng tạo nghệ thuật mọi lứa tuổi có thêm một địa điểm để trưng bày, thử nghiệm nghệ thuật sáng tạo. Và hoạt động nghệ thuật đầu tiên trong không gian sáng tạo tại Bảo tàng Hà Nội là triển lãm “Ego-Người” của họa sĩ Ngô Xuân Bính với hơn 400 tác phẩm bằng nhiều chất liệu đa dạng.

Việc thực hiện Không gian nghệ thuật sáng tạo tại Bảo tàng Hà Nội là một trong những cách làm thể hiện sự quan tâm, hưởng ứng của Bảo tàng với chủ trương, tầm nhìn, định hướng đúng đắn của Thành phố. Đó là nơi giới thiệu các sản phẩm văn hóa, kết nối làng nghề, là nơi trình diễn thời trang, nơi chia sẻ thông tin và đàm luận, nơi thử nghiệm những giải pháp nghệ thuật kết nối công nghệ… Qua đó dần hình thành cộng đồng sáng tạo, kết nối các lĩnh vực nghệ thuật, liên kết với cộng đồng trong nước và quốc tế. Tạo dựng sự phát triển bền vững cho đô thị trên nền tảng các giá trị truyền thống của Thủ đô.

----------------------------------------

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đình làng Việt:

Cần tạo thành mạng lưới sáng tạo thường xuyên hoạt động

Tại Lễ hội Thiết kế sáng tạo năm nay do Thành phố tổ chức, Câu lạc bộ Đình làng Việt chúng tôi tham gia các hoạt động như: Ra mắt một số bộ sưu tập áo dài truyền thống và áo dài hiện đại của nghệ nhân Phạm Văn Tuyền (Áo dài Năm Tuyền) và họa sĩ Nguyễn Bảo Toàn. Cùng với đó là Tọa đàm và trải nghiệm cắt, may áo dài ngũ thân truyền thống, Tọa đàm Âm nhạc truyền thống trong đời sống đương đại.

Trực tiếp tham gia hoạt động, chúng tôi nhận được sự quan tâm từ Ban Tổ chức, trong đó, tôi đánh giá cao Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội – đơn vị được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội giao tổ chức Lễ hội này. Trong bối cảnh hiện nay, khi đại dịch vừa đi qua, đặc biệt là những vấn đề hạ tầng của Hà Nội cho công nghiệp sáng tạo còn chưa mạnh nhưng Lễ hội Thiết kế sáng tạo vẫn được tổ chức thành công với chuỗi hoạt động rất phong phú, sôi động từ trưng bày, triển lãm, tọa đàm, workshop, trình diễn... với rất nhiều các lĩnh vực nghệ thuật từ truyền thống đến hiện đại.

Hà Nội có vị trí đặc biệt của cả nước, là địa phương có nhiều danh lam, thắng cảnh, làng nghề truyền thống. Hà Nội cũng là nơi hội tụ nhiều nhân sĩ, trí thức những người làm công việc liên quan tới sáng tạo, tôi nghĩ đó là nguồn tài nguyên rất đáng quý của Thủ đô. Nhưng hiện nay, nguồn tài nguyên đó còn chưa được những người làm công tác quản lý sử dụng khai thác hết để phục vụ cho công nghiệp sáng tạo. Và để Hà Nội phát triển mạnh, bền vững hơn những người làm công tác quản lý cần quan tâm tới cơ sở hạ tầng để phục vụ ngành công nghiệp này.

Ví như dành mặt bằng để là nơi thu hút các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, giao lưu, trải nghiệm, không gian văn hóa. Như chúng ta thấy Lễ hội vừa qua phần lớn chỉ tập trung khu vực trung tâm quận Hoàn Kiếm. Chúng ta cần kích thích các không gian sáng tạo tại các quận, huyện khác tạo thành mạng lưới sáng tạo thường xuyên hoạt động và cho ra đời những sản phẩm thường xuyên thay vì Lễ hội chỉ tổ chức đỉnh điểm trong một năm.

Hà Nội là nơi hội tụ tinh hoa của cả nước, chính vì lẽ đó, Hà Nội cũng có phương án thu hút các nhân tài từ các địa phương khác tham gia vào ngành công nghiệp sáng tạo của Thủ đô, để rồi những nhân tố sáng tạo đó sẽ lan tỏa ra các địa phương khác như vậy sự đa dạng, phong phú của vấn đề thiết kế sáng tạo sẽ được tăng lên.

Phương Bùi

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này