Toả sáng những giá trị văn hóa Việt Nam

09:25 | 22/11/2022
(LĐTĐ) Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam” năm 2022 đang diễn ra từ ngày 18-23/11 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam mang lại một bầu không khí vui tươi đoàn kết, lan tỏa tình yêu văn hóa dân tộc, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ, chủ nhân tương lai của đất nước.
Lan tỏa các giá trị văn hóa Việt Nam tới cộng đồng quốc tế Tôn vinh những giá trị văn hóa tiêu biểu của cộng đồng các dân tộc Việt Nam

Đặc sắc văn hóa các dân tộc

Ngay từ sớm, nhiều nghệ nhân của tỉnh Phú Yên đã tập trung tại Quảng trường Đại Đoàn Kết, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam để tổ chức Lễ hội cầu ngư và hát bài chòi. Đây là một loại hình lễ hội truyền thống dân gian độc đáo của ngư dân các làng chài ven biển ở khu vực Nam Trung bộ nói chung và tỉnh Phú Yên nói riêng, là một trong những sinh hoạt văn hóa mang đậm yếu tố tâm linh của ngư dân vùng biển, gắn với các tín ngưỡng thờ cúng cá Ông.

Lễ hội là dịp người dân tưởng nhớ những vị thần linh đã phù trợ cho họ; cầu mong mưa thuận gió hòa, sóng yên biển lặng, để ngư dân khi lênh đênh trên biển được bình an trở về với nhiều tôm, cá.

Toả sáng những giá trị văn hóa Việt Nam
Chương trình văn nghệ tại Lễ khai mạc Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hoá Việt Nam 2022”. Ảnh: Quang Vinh

Lễ hội cầu ngư bao gồm 2 phần: Phần lễ và phần hội. Sau phần lễ, phần hội được diễn ra một cách sinh động qua các loại hình diễn xướng dân gian. Tuỳ vào điều kiện của mỗi địa phương mà có một hình thức tổ chức lễ hội riêng, nhưng cũng đều là các trò chơi dân gian vùng biển: Lắc thúng, đua thuyền, bơi lội, kéo co, đá bóng... và đặc biệt là các loại hình nghệ thuật được lồng ghép rất đặc sắc như múa siêu, hát tuồng, bài chòi và hát bả trạo. Trong đó, bài chòi là loại hình nghệ thuật được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại.

Cách đó không xa, tại Ngôi nhà chung của Làng, du khách được tìm hiểu nét đẹp văn hóa của cộng đồng dân tộc Chăm theo Hồi giáo mà thường được gọi là đồng bào dân tộc Chăm Islam tập trung chủ yếu ở các tỉnh như An Giang, thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Tây Ninh,… Dù trải qua nhiều biến động của lịch sử, nhưng bản sắc văn hóa, tôn giáo, những nguyên tắc giáo lý của Hồi giáo được người Chăm Islam gìn giữ và phát huy cho đến ngày nay. Và sự khác biệt của người Chăm theo Hồi giáo là không chỉ truyền bá kinh Q’uran, mà còn truyền bá cả tiếng nói và chữ viết tiếng Arab. Những giáo lý trong Hồi giáo, đã tạo ra những ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và tinh thần của người Chăm Islam.

Trong đó, “Nghi Lễ cắt tóc và đặt tên cho con” là nghi lễ đặc trưng của đồng bào dân tộc Chăm Islam nói chung và đồng bào dân tộc Chăm Islam An Giang nói riêng. Trước khi đặt tên cho con, người Chăm Islam luôn có sự lựa chọn tên, theo giới tính của trẻ, hoàn cảnh gia đình, cũng như dòng họ và ước vọng của cha mẹ. Bởi vì nghi lễ đặt tên cho một đứa trẻ vừa chào đời, không chỉ là một nghi thức đánh dấu bước chuyển tiếp của đứa trẻ đó, mà còn là sự gia nhập tôn giáo của một thành viên mới trong cộng đồng người Chăm Islam, với tên mới được đặt theo tiếng Arab và được xác nhận như một tín đồ Hồi giáo.

Đây là hai trong rất nhiều hoạt động đặc sắc của Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam” được tổ chức năm nay. Ngoài ra, là Liên hoan trình diễn trang phục các dân tộc thiểu số Việt Nam khu vực phía Bắc lần thứ I năm 2022; Triển lãm trang phục truyền thống, giới thiệu sản phẩm văn hóa đặc trưng và trình diễn thêu, dệt thủ công trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số và tái hiện không gian Chợ phiên khu vực miền núi phía Bắc...

Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc

Phát biểu tại Lễ khai mạc Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam” năm 2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã khẳng định, đoàn kết là truyền thống quý báu của dân tộc ta được kết tinh qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng xây dựng củng cố và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng các tầng lớp nhân dân không phân biệt thành phần giai cấp dân tộc, tôn giáo tập hợp đoàn kết với lá cờ của Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam tạo nên sức mạnh vĩ đại, làm nên cách mạng Tháng 8 lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc.

Thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Đoàn kết, đoàn kết đại đoàn kết, thành công, thành công đại thành công”, đại đoàn kết toàn dân tộc luôn là đường lối chiến lược của Đảng ta, là bài học lớn của cách mạng Việt Nam góp phần tạo động lực quan trọng cho công cuộc đổi mới toàn diện, mang lại những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử của đất nước ta. Trong suốt 92 năm hình thành và phát triển, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tập hợp đoàn kết ngày càng đông đảo các tầng lớp nhân dân trong khối đại đoàn kết thống nhất góp phần hoàn thành mục tiêu cách mạng cao cả do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.

Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc” là hoạt động thường niên được tổ chức tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, là nơi hội tụ những giá trị văn hoá tiêu biểu của 54 dân tộc Việt Nam. Các hoạt động hướng về ngày Di sản Văn hóa Việt Nam năm nay có ý nghĩa sâu sắc, hưởng ứng Hội nghị Văn hóa toàn quốc, đồng thời, biểu dương các tấm gương tiêu biểu từ cộng đồng đồng bào các dân tộc trong cả nước, tôn vinh các hoạt động bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc.

Dịp này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên cùng các cấp, các ngành, các tổ chức, cơ quan, đơn vị tiếp tục chung sức đồng lòng, cùng góp sức phục hồi kinh tế và phát triển sản xuất, tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, quan tâm hơn nữa đến việc xây dựng các chuẩn mực đạo đức xã hội, phát huy lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực tự cường tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo nên tảng tinh thần vững chắc đưa đất nước đi lên trên con đường hội nhập và phát triển./.

Phương Bùi

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này