Kéo giảm tai nạn giao thông: Bắt đầu từ ý thức

09:16 | 22/11/2022
(LĐTĐ) Ông Trần Hữu Minh - Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng, bản thân mỗi người đều có thể là một phần giải pháp, là thành một phần giúp kéo giảm tai nạn.
[Infographic] 9 tháng năm 2022: Cả nước xảy ra 8.313 vụ tai nạn giao thông làm 4.714 người chết Tăng cường giáo dục pháp luật về an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên

Nỗi đau từ xem thường pháp luật

Theo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, mỗi năm, trên thế giới có khoảng 1,3 triệu người chết và 50 triệu người bị thương do tai nạn giao thông. Đáng nói, tai nạn giao thông vẫn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong đối với lứa tuổi thanh thiếu niên từ 15 - 27 tuổi.

Tai nạn giao thông: Khi người điều khiển vừa là nạn nhân, vừa là thủ phạm
Trên đường phố vẫn có thể dễ dàng bắt gặp những hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông. Ảnh: Đinh Luyện

Tại Việt Nam, qua thống kê sơ bộ, trong những năm qua, tai nạn giao thông luôn được kiềm chế và kéo giảm cả về số vụ, số người chết và số người bị thương. Tuy nhiên, trong 10 tháng năm 2022, tình hình tai nạn giao thông lại có những diễn biến phức tạp.

Cụ thể, toàn quốc xảy ra 9.212 vụ tai nạn giao thông, trong đó 5.221 người bị cướp đi mạng sống cùng với 6.140 người bị thương tật. Bên cạnh những mất mát về người, tai nạn giao thông còn trực tiếp làm ảnh hưởng đến những thành quả của tăng trưởng kinh tế và làm tổn thương đến hình ảnh một đất nước an toàn, thân thiện. Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia chia sẻ, mỗi năm ở Việt Nam, tai nạn giao thông làm thiệt hại khoảng 2,9% GDP, tương đương mỗi ngày mất khoảng 400 tỷ đồng.

Đáng nói, nguyên nhân chủ yếu của các vụ tai nạn giao thông đường bộ trước hết là do ý thức chấp hành luật lệ an toàn giao thông quá thấp, từ đó dẫn tới việc điều khiển phương tiện giao thông tùy tiện. Tại Hà Nội, mặc dù có sự vào cuộc tích cực từ các ban, ngành chức năng, tuy nhiên trên các trục đường giao thông không khó để bắt gặp các hành vi như đi không đúng làn đường, vi phạm quy tắc tránh vượt, lấn trái đường, thiếu chú ý quan sát, không đảm bảo khoảng cách an toàn, vi phạm tốc độ, lạng lách, phóng nhanh vượt ẩu, không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ…

Đã có nhiều vụ tai nạn xảy ra do người tham gia giao thông đi ngược chiều, sai làn đường, phóng nhanh, vượt ẩu, vượt đèn đỏ... song không ít người vẫn cố tình vi phạm, coi thường tính mạng của bản thân và những người tham gia giao thông.

Trục đường Nguyễn Trãi (đoạn từ hầm chui Thanh Xuân tới cầu vượt Ngã Tư Sở) là ví dụ. Tại cung đường, mặc dù được Sở Giao thông vận tải Hà Nội tổ chức thí điểm phân làn xe máy và ô tô bằng dải phân cách cứng, nhưng người điều khiển phương tiện giao thông vẫn lưu thông khá lộn xộn, không tuân thủ theo biển báo, hướng dẫn, đi sai làn, lấn làn. Hệ lụy nhãn tiền là cảnh ùn tắc, xung đột thậm chí là va chạm giao thông xảy ra tương đối phổ biến.

Thực tế, kéo giảm tai nạn giao thông luôn là một trong những định hướng mà các ngành chức năng đề ra. Chẳng hạn, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 48/NQ-CP về tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022-2025. Nghị quyết 48/NQ-CP đã nêu rõ mục tiêu phấn đấu giảm số thương vong do tai nạn giao thông mỗi năm từ 5% đến 10%, hướng tới năm 2030 giảm ít nhất 50% số người bị chết và bị thương do tai nạn giao thông đường bộ so với năm 2020.

Con người vẫn là yếu tố quyết định

Tại Hà Nội, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông trên địa bàn Hà Nội được đẩy mạnh với hình thức đa dạng, phong phú. Trong đó, bên cạnh công tác tuyên truyền trên hệ thống thông tin truyền thông, các tổ chức xã hội, các đoàn thể cũng vào cuộc tích cực. Chẳng hạn, ở góc độ thanh thiếu niên, Thành Đoàn Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền về an toàn giao thông cho thanh niên như xây dựng các mô hình: “Thanh niên với văn hóa giao thông”; “Kinh nghiệm giáo dục kiến thức về an toàn giao thông đối với đoàn viên, thanh niên”; “Văn hóa giao thông dưới góc nhìn người trẻ”; “Đội giao thông xanh”, “Đội tự quản 3+” (phối hợp với hội cựu chiến binh và hội phụ nữ trong bảo đảm trật tự văn minh đô thị)... Thành lập, duy trì và tăng cường hoạt động của các đội thanh niên tình nguyện, thanh niên xung kích bảo đảm trật tự an toàn giao thông; nhân rộng mô hình “Cổng trường an toàn giao thông”, tuyên dương thanh, thiếu niên có thành tích xuất sắc trong tham gia bảo đảm an toàn giao thông.

Kéo giảm tai nạn giao thông: Bắt đầu từ ý thức
Lực lượng chức năng triển khai phân luồng, duy trì trật tự an toàn giao thông. Ảnh: Đinh Luyện

Tương tự, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố cũng đẩy mạnh nhiều hoạt động thiết thực. Tại quận Hà Đông, nhận thức ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về an toàn giao thông cho hội viên, thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Hà Đông đã có nhiều chương trình, hoạt động mang ý nghĩa thiết thực, qua đó nâng cao nhận thức cũng như vai trò của hội viên phụ nữ trong việc chấp hành pháp luật về an toàn giao thông; xây dựng nhiều mô hình, cách làm hay và nhân rộng mô hình thực hiện đảm bảo an toàn giao thông đạt hiệu quả cao như: “Đoạn đường, tuyến phố an toàn do phụ nữ tự quản”, “Gia đình phụ nữ không vi phạm pháp luật về an toàn giao thông”, “Phụ nữ không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi buôn bán, họp chợ gây ách tắc và tai nạn giao thông”, “Đội mũ bảo hiểm cho trẻ em khi tham gia giao thông”... góp phần cùng các cấp, các ngành hạn chế tai nạn giao thông, giữ gìn trật tự văn minh đô thị.

Trở lại câu chuyện tìm giải pháp đẩy lùi tai nạn giao thông, theo nhà văn Nguyễn Văn Học - người dành giải Nhì cuộc thi viết “Vì an toàn giao thông Thủ đô” do Ban An toàn giao thông Thành phố và Sở Giao thông vận tải phối hợp tổ chức, nguyên nhân dẫn đến tai nạn và các vấn đề về giao thông, chủ yếu liên quan đến 3 yếu tố cơ bản, gồm cơ sở hạ tầng, phương tiện vận tải và yếu tố con người. Trong đó, yếu tố con người là cốt lõi. “Những nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông để lại bao nỗi đau khôn xiết cho gia đình, người thân. Còn người bị thương ở lại thì tàn tật suốt đời và trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội. Đó là những tổn thất không gì đo đếm được”, nhà văn Nguyễn Văn Học chia sẻ.

Chỉ ra giải pháp giảm tai nạn giao thông, ông Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng, bản thân mỗi người đều có thể là một phần giải pháp, là một phần giúp kéo giảm tai nạn. Dẫn chứng điều này, ông Trần Hữu Minh chia sẻ, nếu trong một tổ chức, người đứng đầu quan tâm xây dựng văn hóa giao thông thì ý thức của đội ngũ nhân viên sẽ tốt. Tương tự, nếu bố mẹ là tấm gương sáng trong tuân thủ, chấp hành pháp luật về an toàn giao thông thì con cái cũng sẽ là “hạt giống” tốt.

“Ngoài các cơ quan chức năng thì mỗi tổ chức, cá nhân đều có vai trò, trách nhiệm trong xây dựng văn hóa giao thông, tham gia giao thông an toàn. Mỗi chúng ta đều là một phần của giải pháp. Mỗi người dân hãy trở thành một người tham gia giao thông có văn hóa và có trách nhiệm trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông để mang đến một xã hội giao thông an toàn” - Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia nhấn mạnh./.

Phải khẳng định có đến 99% số vụ tai nạn giao thông là do chính người điều khiển giao thông gây ra. Trong đó, những hành vi vi phạm pháp luật dẫn đến tai nạn nhiều nhất là uống rượu, bia, phóng nhanh, vượt ẩu, đi trái quy định của luật giao thông. Do vậy, những khẩu hiệu: “Phía trước tay lái là sự sống”; “Hãy lái xe bằng cả trái tim”; “Nói không với rượu bia trước khi lái xe”; “Hãy đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe mô tô, gắn máy”… đều là những lời kêu gọi tha thiết, gần gũi và rất dễ thực hiện với tất cả mọi người. Những lời kêu gọi ấy không ở đâu xa, mà ở ngay trong mỗi trái tim, việc làm mỗi người. Tham gia giao thông an toàn chính là có trách nhiệm trước an toàn tính mạng của mình và người khác.

Đinh Luyện

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này