Hà Nội đề xuất được sử dụng ngân sách Thành phố để chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức

15:02 | 21/11/2022
(LĐTĐ) Thành phố Hà Nội được quyết định sử dụng ngân sách thành phố để chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức phù hợp với điều kiện, khả năng ngân sách của Thành phố là đề xuất đáng chú ý của thành phố Hà Nội trong sửa đổi Luật Thủ đô.
Tập trung làm rõ nguyên nhân để giải quyết những vấn đề "nóng" trên địa bàn Thành phố Hà Nội đề xuất 9 chính sách xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) Tổng kết 9 năm thi hành Luật Thủ đô: Hoàn thiện hệ thống pháp luật về Thủ đô với cơ chế, chính sách phù hợp

Hà Nội đề xuất 9 nhóm chính sách xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi)

Sáng 21/11, Bộ Tư pháp và Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội đã tổ chức hội nghị tổng kết thi hành Luật Thủ đô. Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long và Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đồng chủ trì hội nghị.

Trình bày Báo cáo định hướng chính sách lớn xây dựng Luật Thủ đô từ kết quả tổng kết thi hành Luật Thủ đô tại Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Lê Hồng Sơn cho biết, căn cứ quan điểm, chủ trương đường lối của Đảng, và định hướng hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến xây dựng, phát triển và bảo vệ Thủ đô Hà Nội trong những năm tới; từ công tác tổng kết thi hành Luật Thủ đô năm 2012, đánh giá sơ kết 2 năm thi hành Nghị quyết 97/2019/QH14 và Nghị quyết số 115/2020/QH14 của Quốc hội và trên cơ sở kết quả nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm với một số tỉnh, thành phố trong cả nước, thành phố Hà Nội đề xuất 9 nhóm chính sách xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi).

Hà Nội đề xuất được sử dụng ngân sách Thành phố để chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức
Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Lê Hồng Sơn trình bày đề xuất của Hà Nội

Đây là những nội dung mới, hướng đến việc phân quyền, phân cấp mạnh mẽ trên các lĩnh vực, đồng thời đề xuất nhiều giải pháp chính sách đặc thù, vượt trội, phù hợp với tình hình thực tiễn, định hướng phát triển đất nước, Thủ đô trong giai đoạn mới. Các quan điểm, định hướng, nội dung của 9 chính sách đã được báo cáo, xin ý kiến tại 2 hội nghị của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố.

9 chính sách được đề xuất gồm: Tổ chức chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Thu hút, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển Thủ đô; Nâng cao năng lực tài chính - ngân sách và huy động nguồn lực cho phát triển của Thủ đô; Phát triển đô thị và cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông của Thủ đô; Xây dựng, phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh;

Phát triển văn hóa và giáo dục Thủ đô; Huy động, sử dụng, phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; Phát triển hệ thống y tế hiện đại và hệ thống an sinh xã hội Thủ đô toàn diện, bao trùm và bền vững; Liên kết, phát triển vùng Thủ đô trở thành khu vực phát triển nhanh, bền vững về kinh tế - xã hội, xanh, văn minh, năng động, trở thành khu vực kinh tế trọng điểm của đất nước.

Triển khai chính thức việc không tổ chức HĐND phường

Trong đó, về tổ chức chính quyền Thủ đô, cơ bản giữ nguyên mô hình như hiện nay theo hướng: triển khai chính thức việc không tổ chức Hội đồng nhân dân (HĐND) phường theo Nghị quyết số 97/2019/QH14 về thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị thành phố Hà Nội và nghiên cứu bổ sung mô hình tổ chức chính quyền Thành phố thuộc Thủ đô.

Hà Nội đề xuất được sử dụng ngân sách Thành phố để chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức
Toàn cảnh hội nghị.

Thành phố đề xuất được thành lập, tổ chức lại, điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn cơ quan chuyên môn thuộc UBND Thành phố và cấp huyện; được thành lập một số cơ quan chuyên môn đặc thù cấp Thành phố và cấp huyện; được chủ động quyết định biên chế cán bộ, công chức, viên chức căn cứ vào khung danh mục vị trí việc làm đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của chính quyền Thủ đô.

Đồng thời, thống nhất một chế độ công vụ, công chức trong các cơ quan, tổ chức các cấp của Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội thuộc Thủ đô (không phân biệt cán bộ, công chức cấp xã với cán bộ, công chức từ cấp huyện trở lên)...

Trong chính sách về thu hút, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, Thành phố đề xuất người có tài năng, năng lực, trình độ cao về giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa, nghệ thuật, thể thao, khoa học công nghệ (đạt giải thưởng quốc gia, quốc tế, có công trình khoa học được công nhận,…) được tuyển dụng thẳng, không qua thi vào làm việc ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Thủ đô.

“Thành phố được quy định việc ký hợp đồng và quyết định mức lương, chế độ đãi ngộ theo cơ chế thỏa thuận đối với một số vị trí việc làm trong các cơ quan, đơn vị của Thủ đô (gồm cả vị trí lãnh đạo quản lý) cần có sự đảm nhiệm của người có năng lực, kinh nghiệm và trình độ cao.

Thành phố được quyết định sử dụng ngân sách Thành phố để chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức phù hợp với điều kiện, khả năng ngân sách của Thành phố”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội cho biết.

Được ban hành quy định riêng về bảng giá đất

Trong nhóm chính sách về nâng cao năng lực tài chính - ngân sách và huy động nguồn lực cho phát triển của Thủ đô, Hà Nội đề xuất được giữ ổn định tỷ lệ phần trăm phân chia các khoản thu giữa ngân sách Trung ương và ngân sách Thành phố trong giai đoạn 10 năm; được ưu đãi một số khoản thu như (được hưởng số tăng thu từ thu kết dư ngân sách, được thưởng 100% khoản vượt thu ngân sách Trung ương trên địa bàn) để đầu tư phát triển.

Hà Nội đề xuất được sử dụng ngân sách Thành phố để chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức
Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long phát biểu thảo luận tại hội nghị.

Đồng thời được quy định tăng một số loại thuế (thuế sử dụng đất ở các dự án chậm đưa vào sử dụng, một số loại thuế gián thu để điều tiết tiêu dùng); được phân quyền thu thuế đối với hộ gia đình, cá nhân cho cấp huyện, xã.

Thành phố được tăng thẩm quyền về quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư theo Luật Đầu tư và các luật chuyên ngành khác và các dự án đầu tư công trên địa bàn Thành phù hợp với quy hoạch và kế hoạch đầu tư công được cấp có thẩm quyền phê duyệt...

Về phát triển đô thị và cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông của Thủ đô, Hà Nội đề xuất được quy định biện pháp ngoài những quy định của pháp luật hiện hành để giải quyết, xử lý đối với các dự án có sử dụng đất còn tồn đọng, vướng mắc trên địa bàn Thành phố (bao gồm cả các dự án đầu tư trước thời điểm điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính Thủ đô năm 2008).

Đồng thời, quy định chính sách đặc thù phát triển xây dựng nhà ở, nhà ở xã hội; cải tạo và chỉnh trang nhà ở cũ, chung cư cũ và chuyển đổi cơ sở sản xuất có nguy cơ ô nhiễm, trường đại học, bệnh viên ra khỏi đô thị trung tâm, dành quỹ đất cho Thủ đô phát triển các hạ tầng xã hội.

Được ban hành quy định riêng về bảng giá đất, phương pháp định giá đất phù hợp điều kiện phát triển hạ tầng, phát triển đô thị Thủ đô và sát với giá thị trường. Được sử dụng 100% các khoản thu từ đất đai (tiền sử dụng đất, tiền thuê đất) cho phát triển hạ tầng của Thủ đô...

“Thành phố Hà Nội rất mong rằng trong thời gian tới Bộ Tư pháp và các ban, bộ, ngành Trung ương sẽ tiếp tục quan tâm ủng hộ, phối hợp chặt chẽ với Thành phố Hà Nội để tiếp tục nghiên cứu bổ sung, củng cố toàn diện các chính sách và việc đánh giá tác động của chính sách, giúp hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) đảm bảo chất lượng, hiệu quả, giúp cho việc trình Chính phủ, Quốc hội thống nhất thông qua đề nghị xây dựng Luật và quá trình soạn thảo Luật Thủ đô được thuận lợi, đảm bảo tiến độ theo kế hoạch”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Lê Hồng Sơn nói.

Phương Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này