Để không ai dám tham nhũng

10:05 | 17/11/2022
(LĐTĐ) Công cuộc phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước đang được đẩy mạnh càng cũng cố lòng tin của nhân dân với Đảng trong việc chống lại thứ “giặc nội xâm” nguy hiểm này. Tuy nhiên, vấn đề mà người dân quan tâm, chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách gì để không ai dám tham nhũng?
Tổng Thanh tra Chính phủ: Thu hồi tài sản tham nhũng luôn khó khăn, phức tạp Hà Nội: Công tác phòng, chống tham nhũng có những chuyển biến tích cực
Để không ai dám tham nhũng

Công tác phòng, chống tham nhũng đã được Đảng, Nhà nước triển khai suốt nhiều năm qua. Đặc biệt, chỉ trong nhiệm kỳ khóa XIII, tính đến thời điểm này đã có nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ cao cấp bị kỷ luật, khởi tố, nhiều cán bộ là Ủy viên Trung ương Đảng liên quan đến tham nhũng, thất thoát. Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp, có cả lãnh đạo các tập đoàn lớn cũng bị truy tố liên quan đến tội lừa đảo, hối lộ…

Xét về lịch sử, tham nhũng đã xuất hiện từ lâu. Hầu như bất kỳ quốc gia, chế độ, thời kỳ nào, chỉ khác nhau về hành vi, mức độ mà thôi. Hẳn chúng ta còn nhớ, cách 72 năm, ngày 5/9/1950 tại Chiến khu Việt Bắc diễn ra một phiên tòa đặc biệt gây chấn động dư luận xã hội lúc bấy giờ. Đó là vụ án Trần Dụ Châu, nguyên Giám đốc Nha Quân nhu can tội ăn cắp công quỹ. Có thể nói đây là vụ án tham nhũng điển hình xảy ra trong bối cảnh Đảng, Nhà nước, quân và dân ta còn gặp muôn vàn khó khăn, ăn đói, mặc rét nhằm đẩy mạnh công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thì việc đưa vụ án này ra xét xử công khai trước công đường không chỉ vạch trần các hành vi tham nhũng, sa đọa của kẻ phạm tội mà còn là lời cảnh tỉnh cho những kẻ coi thường pháp luật, tham ô trộm cắp… tài sản Nhà nước, sống sa đọa đang nhởn nhơ ở ngoài xã hội. Kết thúc phiên tòa, Trần Dụ Châu bị tuyên phạt với mức án cao nhất - tử hình.

Bản án đã nhanh chóng được báo cáo lên Hồ Chủ tịch. Sau khi cân nhắc, Bác đã bác đơn xin giảm tội của Trần Dụ Châu. Quyết định xử tử hình Trần Dụ Châu của Bác thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật và đã được nhân dân đồng lòng ủng hộ. Điều đó cũng cho thấy sự nghiêm minh và quyết tâm của Đảng, Chính phủ, Bác Hồ trong việc đấu tranh chống tham ô, tham nhũng, lãng phí. Sau vụ Trần Dụ Châu, tại phiên họp Hội đồng Chính phủ từ ngày 15 - 17/11/1950, Bác Hồ trong bài phát biểu kết luận đã căn dặn: "Lúc tìm người phải tìm cả tài, cả đức, chú trọng tư tưởng. Nếu cán bộ biết thương dân, tiếc của dân thì không xảy ra việc đáng tiếc. Đồng thời phải giáo dục, cải tạo, kiểm tra cán bộ".

Cùng với quá trình chuyển đổi nền kinh tế, nhận thức rõ nguy cơ tham nhũng đối với sự ổn định chính trị - xã hội và phát triển của đất nước, trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn chú trọng đến công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Từ việc ban hành Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Chiến lược Quốc gia phòng, chống tham nhũng đến việc thành lập Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Trung ương; Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở cấp tỉnh, thành… song nghiêm túc nhìn nhận càng chống, chúng ta ngày càng phát hiện nhiều vụ việc liên quan đến tham nhũng.

Phát biểu ở nghị trường Quốc hội, một đại biểu quan ngại về vấn nạn “tham nhũng vặt” làm cản bước tiến của quốc gia, nhưng nếu chỉ lên án tham nhũng vặt mà bỏ qua các vụ tham nhũng lớn thì sẽ không công bằng. Tham nhũng là ăn cắp tài sản của Nhà nước và nhân dân bằng nhiều hình thức, một trong những thủ phạm làm “nghèo hóa” đất nước, gia tăng bất bình đẳng xã hội. Tại các Hội nghị Trung ương và tiếp xúc cử tri trước, sau mỗi kỳ họp Quốc hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn khẳng định “chống tham nhũng sẽ không ngừng nghỉ, ai nản thì đứng sang một bên”. Với quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, công tác phòng, chống tham nhũng đang được đẩy cao và thực tế bên cạnh sự “phanh phui” hàng loạt cá bộ, vụ án thì đã thực sự làm “nản chí” những ai đang có ý định muốn tham nhũng.

Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí của Đảng, Nhà nước đang phát huy hiệu quả, được người dân tin tưởng, song điều mà người dân mong muốn làm thế nào tạo ra một cơ chế đủ mạnh (xét cả góc độ kinh tế, luật pháp, hành động) để tạo ra một hành lang pháp lý không ai dám tham nhũng, không ai muốn tham nhũng!

L.Hà

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này