Góp sức cho đời sống văn hóa cơ sở

23:02 | 17/11/2022
(LĐTĐ) Với phương châm cán bộ đi trước, làng nước theo sau, nhiều trưởng thôn trên các huyện ngoại thành Thủ đô đã và đang phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, góp phần củng cố khối đại đoàn kết và khơi dậy sức mạnh toàn dân.
Lan tỏa các mô hình văn hóa tại khu dân cư Hà Nội: Tập huấn nghiệp vụ phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”

Thôn Thủ Trung, xã Thanh Mỹ là địa phương có số lượng gia đình văn hóa cao của thị xã Sơn Tây. Toàn thôn có 230/235 hộ đạt Gia đình văn hóa, cùng với đó các thiết chế văn hóa được chính quyền và nhân dân quan tâm đầu tư. Từ năm 2005 đến nay, thôn Thủ Trung được công nhận là đơn vị văn hóa nhờ sự đồng thuận, sức mạnh đoàn kết của toàn dân mà người trưởng thôn có vai trò rất lớn.

Góp sức cho đời sống văn hóa cơ sở
Sôi nổi Hội thi “Trưởng thôn thân thiện” thành phố Hà Nội lần thứ III - năm 2022.

Ông Nguyễn Văn Công, Trưởng thôn Thủ Trung cho biết: “Xác định nâng cao chất lượng gia đình văn hóa là chủ trương lớn, do vậy hàng năm tôi đã phối hợp các đoàn thể tuyên truyền, phổ biến sâu rộng nội dung phong trào đến từng người dân; bàn với Cấp ủy Chi bộ phân công các đảng viên phụ trách, giúp đỡ các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, vận động bà con tích cực tham gia các mô hình, câu lạc bộ, mạnh dạn đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, phát triển kinh tế; tham gia đóng góp chương trình xây dựng nông thôn mới, các cuộc vận động, các hoạt động từ thiện, nhân đạo ở địa phương. Qua đó, nhận thức của người dân về phong trào được nâng lên. Nhiều người dân đã chủ động, tích cực tham gia các câu lạc bộ gia đình hạnh phúc, 5 không 3 sạch, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao”.

Theo ông Nguyễn Văn Công, để nâng cao chất lượng gia đình văn hóa thì vai trò của trưởng thôn rất quan trọng. “Muốn người dân tin tưởng, đồng thuận, mình phải là người tiên phong, gương mẫu thực hiện trong xây dựng gia đình văn hóa, tích cực vận động các thành viên trong gia đình, anh em họ hàng và những người xung quanh chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương và hương ước của thôn. Nhờ nhiệt tình, gương mẫu đi đầu trong các hoạt động nên tôi đã tạo được sự tin tưởng trong dân. Đặc biệt, đã vận động nhân dân tham gia ngày công xây dựng được hơn 3 km đường bê tông. Vận động các tổ tự quản tích cực xây dựng đường xanh, sạch, đẹp, vệ sinh môi trường hàng tuần”, Trưởng thôn Thủ Trung cho biết.

Còn tại huyện Đông Anh, nhiều trưởng thôn trong huyện đã phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Tại thôn Mít, xã Cổ Loa, bà Nguyễn Thu Hà - Trưởng thôn Mít cho biết: “Ngay từ những ngày đầu mới triển khai thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, chúng tôi đã thống nhất quyết tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng với nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú đến tất cả tầng lớp nhân dân trong toàn xã nhằm thay đổi suy nghĩ cổ hủ, hình thành nên tư duy nếp sống văn minh, tiến bộ. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội được đưa vào Nghị quyết của tất cả các chi bộ trong toàn xã. Trưởng các thôn tổ chức họp quân dân chính, triển khai nội dung thực hiện đến các Trưởng đoàn thể. Từ đó, triển khai tuyên truyền thực hiện tới các hội viên của các chi hội, đặc biệt là Chi hội Người cao tuổi, Phụ nữ và Đoàn Thanh niên”.

Chia sẻ về kinh nghiệm vận động nhân dân, Trưởng thôn Mít bộc bạch: “Muốn người dân theo thì mình phải gương mẫu đầu tiên. Năm 2011, mẹ chồng tôi qua đời đã không đi hỏa táng mà địa táng. Từ khi tham gia các hoạt động của thôn, là một người con dâu út trong nhà, tôi đã từng bước tuyên truyền vận động bố chồng cùng anh chị em trong gia đình về tang văn minh tiến bộ. Kết quả là ngay khi còn sống, bố chồng tôi đã tuyên bố khi qua đời sẽ hỏa táng. Và 3 tháng trước, khi bố chồng tôi đã qua đời, các anh chị trong gia đình tôi đã nhất trí đưa bố chồng tôi đi hỏa táng”.

Nhờ gương mẫu đi đầu và thực hiện tốt công tác tuyên truyền sâu rộng, vận động nhân dân nên nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội tại thôn Mít trong thời gian qua đã dần đi vào nề nếp, đạt được nhiều kết quả: Nhiều năm liên tục tỉ lệ người qua đời thực hiện hỏa táng đạt 100%; hơn 95% người dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới và lễ hội; 97% hộ gia đình đạt Gia đình văn hóa; Thôn đạt danh hiệu Làng văn hóa hàng năm.

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng khẳng định: “Bên cạnh sự chỉ đạo sát sao của các cấp ủy, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân, không thể không nhắc đến vai trò, trách nhiệm của cán bộ Trưởng thôn, đó là người trực tiếp nhận và truyền đạt, hướng dẫn, tổ chức nhân dân thực hiện các nhiệm vụ chính quyền cấp xã; là người gần dân - sát dân - hiểu dân nhất - là cánh tay nối dài của chính quyền cấp xã; vừa là người đại diện nhân dân trong thôn làng - vừa là người tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cấp xã đề ra”.

Nhằm nâng cao vị trí, vai trò của Trưởng thôn trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ ở địa phương, vừa qua, Sở Văn hóa và Thể thao đã tổ chức Hội thi “Trưởng thôn thân thiện” thành phố Hà Nội lần thứ III - năm 2022. Hội thi đã được tổ chức vòng sơ khảo tại 3 khu vực (Chương Mỹ, Gia Lâm, Thạch Thất), với sự tham gia của 18 trưởng thôn là đại diện tiêu biểu, xuất sắc được lựa chọn từ Hội thi cấp cơ sở của 17 huyện và 1 thị xã. Tại Vòng chung kết, 5 thí sinh đại diện cho huyện Đông Anh, Gia Lâm, Thường Tín, Quốc Oai và thị xã Sơn Tây cùng tranh tài thông qua 3 phần thi: Chào hỏi, kiến thức và thuyết trình, tạo nên không khí cạnh tranh đầy sôi nổi và hấp dẫn, thu hút sự quan tâm, cổ vũ của đông đảo khán giả. Kết quả, bà Nguyễn Thu Hà - Trưởng thôn Mít, xã Cổ Loa, huyện Đông Anh đã xuất sắc giành giải Nhất. /.

Phương Bùi

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này