Sớm điều chỉnh bất cập trong đào tạo sát hạch lái xe

15:48 | 15/11/2022
(LĐTĐ) Nhiều trung tâm đào tạo sát hạch lái xe (TTĐTSHLX) ô tô tại thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) đang "khóc ròng" vì chương trình đào tạo, sát hạch, thậm chí quy định sử dụng trang thiết bị còn nhiều bất cập, gây phiền hà cho người học.
Gian lận trong sát hạch lái xe sẽ không được cấp giấy phép trong 5 năm Chuyển giao đào tạo, sát hạch lái xe: Phải bảo đảm tính khả thi cao Băn khoăn với đề xuất đào tại lái xe có bài thi trên đường cao tốc

Nghị định 138/2018/NĐ-CP ngày 8/10/2018 của Chính phủ quy định TTĐTSHLX phải thực hiện trang bị thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học thực hành lái xe trên đường (gọi tắt là DAT) của học viên theo lộ trình do Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) quy định, thời gian áp dụng từ ngày 15/6/2022.

Quá nhiều bất cập

Mục đích của DAT nhằm đảm bảo việc học ĐTSHLX ô tô được diễn ra đầy đủ, nghiêm túc và chất lượng, giúp nâng cao tay nghề của người lái xe và giảm thiểu tai nạn giao thông (TNGT). Tuy nhiên từ khi áp dụng đến nay, DAT đã mang đến nhiều phiền phức cho cả người học và trung tâm đào tạo đào tạo lái xe (TTĐTLX).

Đại diện TTĐTLX Hoàn Cầu, có trụ sở tại TP.HCM cho biết, hiện nay đường truyền của DAT thường xuyên mất tín hiệu, không ghi nhận đúng số km đã học cho học viên. “Có khi người học gần kết thúc chương trình nhưng dữ liệu không được ghi nhận, gây tâm lý hoang mang và bức xúc cho cả học viên và giáo viên”, đại diện trung tâm này cho biết.

Còn đại diện TTĐTSHLX Thành Công (TP.HCM) cho rằng, camera hiện nay cũng liên tục bị lỗi dẫn đến không xác thực được khuôn mặt, mặc dù vẫn cùng một học viên đang ngồi trước camera và không đeo khẩu trang. “Hiện nay Trung tâm vẫn đang thực hiện theo quy định của Bộ GTVT nhưng không biết về lâu dài thì có điều chỉnh gì không Hiện Trung tâm đã báo cáo gửi Sở GTVT TP.HCM về những bất cập của DAT và đang chờ ý kiến của các cơ quan chức năng”, đại diện TTSHLX Thành Công chia sẻ.

Sớm điều chỉnh bất cập trong đào tạo sát hạch lái xe
Nhiều TTĐTSHLX trên địa bàn TP.HCM "khóc ròng" vì còn nhiều bất cập trong đào tạo sát hạch chờ Bộ GTVT xử lý.

Nhiều TTĐTSHLX khác phàn nàn, hiện nay quãng đường mà thiết bị camera đo được thấp hơn thực tế (đối chiếu với số km đo được trên công tơ mét của xe). Khoá học được xác định khi học viên hoàn thành 50% số giờ học nhưng bắt buộc phải đủ 100% số km theo quy định đã tạo cho người học và giáo viên tâm lý học trên đoạn đường vắng, tăng tốc nhanh cho đủ quãng đường dẫn đến nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông cao, tâm lý đối phó với thiết bị, không chú trọng đến chất lượng người học.

Việc phân bổ học viên trên xe tập lái và tuyến đường tập lái chưa thật sự phù hợp, làm giảm đi sự linh hoạt, tăng chi phí đào tạo. Đó là chưa nói đến việc hiện nay các phiên học nằm ngoài tuyến đường tập lái quy định sẽ không được công nhận. Trong khi đó địa bàn TP.HCM có nhiều đường có chiều dài ngắn nên rất khó liệt kê đầy đủ tất cả các tuyến đường xe sẽ phải đi qua để đăng ký.

“Nhiều học viên đã học đủ thời gian và quãng đường nhưng không được thiết bị ghi nhận đầy đủ đã có tâm lý bức xúc, không chấp nhận học lại cho đủ quy định khi trung tâm đề nghị”, đại diện một TTĐTSHLX TP.HCM cho biết. Ngoài ra do DAT truyền tải thường xuyên bị lỗi, quy định trên 50% khóa học đạt mới được dự sát hạch nên hiện nay tỷ lệ được dự sát hạch rất thấp, có đơn vị chưa đạt đến 10% khóa học dẫn đến tình trạng ùn ứ hồ sơ, gây lãng phí thời gian cho người học.

Nên thí điểm trước khi áp dụng đại trà

Từ những bất cập nói trên, nhiều TTĐTSHLX trên địa bàn TP.HCM kiến nghị Bộ GTVT nên xét duyệt cho học viên đang vướng mắc bởi dữ liệu DAT truyền không đầy đủ được tham gia sát hạch để cấp giấy phép lái xe (đối chiếu với các dữ liệu được ghi chép đầy đủ trên sổ theo dõi thực hành lái xe theo đúng quy định) nhằm giảm áp lực cho người học.

Kiến nghị Cục Đường Bộ Việt Nam, Sở GTVT TP.HCM và Sở GTVT các tỉnh nghiên cứu thí điểm vận hành thiết bị DAT tại 1 hoặc 2 TTĐTSHLX trong quý I/2023, từ đó tổng hợp các vướng mắc và xây dựng phương án triển khai trên diện rộng.

Bên cạnh đó nhiều TTĐTSHLX cũng đề nghị Bộ GTVT xem xét việc tăng số giờ học lên cao hơn và giảm quãng đường xuống còn khoảng 450km (quá 50%) để loại bỏ tư tưởng chạy nhanh, chạy trên đường trống cho đủ số km mà không chú tâm vào chi tiết các bài học, các tình huống cần xử lý. Ngoài ra Bộ GTVT nên bỏ quy định phân bổ học viên theo từng xe, từng giáo viên, thay vào đó là việc cho phép cơ sở đào tạo linh hoạt phân bổ học viên có thể học tất cả các xe tập lái đã đăng ký xe, thầy, người học và đã được Sở GTVT cấp giấy phép xe tập lái.

Sớm điều chỉnh bất cập trong đào tạo sát hạch lái xe
Thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học thực hành lái xe trên đường trong ĐTSHLX đang mang lại nhiều phiền phức cho người học lẫn các trung tâm đào tạo, sát hạch.

Đối với phần mềm mô phỏng tình huống giao thông, học thực hành lái xe qua cabin điện tử, Bộ GTVT cũng nên xem xét kỹ hiệu quả của thiết bị này, do hiện nay chưa có sản phẩm được chứng nhận phù hợp quy chuẩn, chưa có sản phẩm được công bố hợp quy để cung cấp cho các cơ sở đào tạo. Ngoài ra với giá dự kiến từ 350 - 500 triệu đồng mỗi bộ cabin, số tiền mà hàng trăm cơ sở ĐTSHLX trên toàn quốc phải bỏ ra là vô cùng lớn, trong khi thực tế của đào tạo cabin tập lái hiệu quả chưa cao, trước đây đã có triển khai nhưng không hiệu quả nên tạm dừng.

“Hầu hết các TTĐTSHLX hiện nay đều mong muốn Bộ GTVT xem xét kỹ lưỡng việc có nên đưa mô hình cabin điện tử vào sử dụng bắt buộc trong học thực hành hay chưa. Thay vào đó nên lùi thời gian hoặc thí điểm để đánh giá hiệu quả rồi mới đưa vào áp dụng đại trà để tránh lãng phí cho các cơ sở đào tạo”, đại diện một TTĐTSHLX có quy mô tại TP.HCM nêu ý kiến.

Trao đổi với Phóng viên Báo Lao động Thủ đô, ông Ngô Đình Quang, Trưởng Phòng Sát hạch cấp giấy phép lái xe thuộc Sở GTVT TP.HCM cho biết: Hiện nay Bộ GTVT chưa xác định được đơn vị cung cấp cabin hợp quy chuẩn và đang thử nghiệm một số cabin để xem có đáp ứng quy chuẩn hay không mới đưa vào áp dụng đại trà.

“Dự kiến trong thời gian tới Cục Đường Bộ Việt Nam (Bộ GTVT) sẽ công bố các sản phẩm mới hợp quy chuẩn để các TTĐTSHLX có cơ sở khi mua sắm thiết bị. Tuy nhiên hiện nay thời gian hơi gấp nên các cơ quan chức năng đang cố gắng để kịp thời gian áp dụng từ ngày 1/1/2023”, ông Ngô Đình Quang cho biết.

Sớm điều chỉnh bất cập trong đào tạo sát hạch lái xe
Nhiều TTĐTHLX cho rằng Bộ GTVT nên lùi thời gian hoặc thí điểm sử dụng mô hình cabin trong bài thực hành tập lái để đánh giá hiệu quả rồi mới đưa vào áp dụng đại trà để tránh lãng phí cho các cơ sở đào tạo.

Về vấn đề DAT không ghi nhận hình ảnh, truyền dữ liệu thường xuyên bị lỗi gây bức xúc cho người học, ông Quang cho hay Bộ GTVT cho phép nếu đường truyền bị lỗi có thể được truyền lại. Việc truyền tải dữ liệu qua nhiều khâu nên đòi hỏi các trung tâm ĐTSHLX phải thực hiện đúng và có đường truyền đủ mạnh. Trong trường hợp không truyền được thì dữ liệu đó phải được ký xác nhận giữa cơ sở đào tạo và Sở GTVT thì dữ liệu đó vẫn có giá trị để xét điều kiện sát hạch.

Đối với việc nhiều TTĐTSHLX đã tăng học phí, ông Ngô Đình Quang cho biết, việc học phí là do TTĐTSHLX tự xây dựng phù hợp với thực tế, được người học chấp nhận và không được tăng quá 15 % so với quy định. Trong khi đó theo ông Trần Quang Lâm, Giám đốc sở GTVT TP.HCM: Trong thời gian qua Sở GTVT đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn thường xuyên theo sát, đôn đốc các TTĐTSHLX trên địa bàn thực hiện đúng quy định của Bộ GTVT về ĐTSHLX. Đồng thời đã có các văn bản hướng dẫn để các TTĐTSHLX kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.

Thành Đồng - Xuân Tình

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này