Đạo diễn Lê Quý Dương:

Kỳ vọng "Festival Tràng An kết nối di sản - Ninh Bình năm 2022" mang tầm quốc tế

22:24 | 11/11/2022
(LĐTĐ) Sáng nay (11/11), đạo diễn Lê Quý Dương đã thông tin về "Festival Tràng An kết nối di sản - Ninh Bình năm 2022" với chủ đề "Hoa Lư vang mãi ngàn năm" diễn ra tại Ninh Bình vào ngày 17-19/11 tới đây.
Khai hội chùa Bái Đính cầu cho ‘quốc thái, dân an’ Động Tiên Cá - sắc màu cổ tích Cơ hội lớn cho du lịch đất Cố đô Hoa Lư

Tỉnh Ninh Bình là vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử, nơi ken dày các di sản văn hóa, nơi được thiên nhiên ban tặng nhiều thắng cảnh thiên nhiên kỳ thú. Trong những năm qua, tỉnh Ninh Bình đã triển khai tổ chức, phối hợp tổ chức nhiều chương trình, sự kiện văn hóa, du lịch lớn quy mô cấp tỉnh, cấp quốc gia tiêu biểu như: Năm Du lịch Quốc gia 2021 - Hoa Lư, Ninh Bình, Lễ kỷ niệm 200 năm danh xưng Ninh Bình, 30 năm tái lập tỉnh, Lễ kỷ niệm 50 năm Công ước về bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới…

Kỳ vọng
Ninh Bình là vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử, nơi ken dày các di sản văn hóa.

Để tiếp tục khẳng định tiềm năng, thế mạnh, vị thế của vùng đất Cố đô Hoa Lư ngàn năm lịch sử, tỉnh Ninh Bình đã quyết định tổ chức "Festival Tràng An kết nối di sản - Ninh Bình năm 2022" với chủ đề "Hoa Lư vang mãi ngàn năm" dự kiến sẽ được tổ chức từ ngày 17/11 đến ngày 19/11 tại thành phố Ninh Bình.

Chia sẻ với báo chí, đạo diễn Lê Quý Dương cho biết, năm 2018, khi anh nhận lời mời của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình về khảo sát, nghiên cứu, viết kịch bản và tổng đạo diễn "Lễ Kỷ niệm 1050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt trong dòng chảy lịch sử của dân tộc", anh đã muốn làm một chương trình Festival tại đây.

Kỳ vọng
Đạo diễn Lê Quý Dương.

"Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, một ngày về với Ninh Bình, thắp nén hương trong đền thờ Vua Đinh, Vua Lê và nhà bia tưởng niệm Vua Lý trên quảng trường Hoa Lư, ngắm núi Mã Yên sừng sững, cảm xúc trở về nguồn đã dâng lên mạnh mẽ trong tôi: Ngỡ ngàng, cảm phục và tri ân. Một dân tộc khi cần đứng lên thì trẻ chăn trâu cũng cờ lau tập trận, thành anh hùng cứu dân lập quốc.

Suy nghĩ này ám ảnh, thôi thúc và thách thức tôi phải làm một điều gì đó ý nghĩa để những thế hệ hôm nay và nhiều thời đại sau nữa cảm nhận và thấy hiểu được rằng, để được ghi danh trên bản đồ nhân loại như là một dân tộc, cha ông chúng ta đã vượt qua mọi thử thách, thăng trầm, với đôi bàn tay và khối óc sáng tạo nên diện mạo, hình hài và tâm hồn của dân tộc", đạo diễn Lê Quý Dương bộc bạch.

Theo đạo diễn Lê Quý Dương, sau 2 năm "án binh bất động" vì đại dịch Covid-19, trải qua rất nhiều khó khăn, hạn chế cuối cùng "Festival Tràng An kết nối di sản - Ninh Bình năm 2022" đã được thực hiện với mong muốn hội ngộ và lan toả cùng hệ thống di sản trên khắp các vùng miền của cả nước, hướng tới tầm nhìn tương lai. Dự kiến, Festival này sẽ được tổ chức định kỳ 2 năm một lần, phát triển thành một Festival Di sản Quốc gia và Quốc tế, trở thành thương hiệu văn hoá di sản của quê hương Ninh Bình.

Đạo diễn Lê Quý Dương chia sẻ: "Với sự tham gia của hơn 13 tỉnh thành trên địa bàn cả nước về tham dự Festival lần này, trong quá trình xây dựng kết cấu nội dung và sáng tác hệ thống kịch bản cho các chương trình của Festival, tôi đã chủ động chọn phương pháp tôn trọng và giữ nguyên bản các tiết mục của từng tỉnh thành về tham dự Festival như những hạt nhân cốt lõi của từng tiết mục, qua đó cố gắng giữ được tính nguyên gốc, mộc mạc và độc đáo, đa dạng của các giá trị di sản được giới thiệu tại Festival. Từ chương trình nghệ thuật Khai mạc, Triển lãm tới Lễ hội đường phố và Bế mạc, phương pháp tiếp cận này nhất quán và xuyên suốt trong toàn bộ kết cấu nội dung của Festival".

Chương trình "Festival Tràng An kết nối di sản - Ninh Bình năm 2022" sẽ có 5 hoạt động đặc sắc được diễn ra trong 3 ngày tại thành phố Ninh Bình gồm: Chương trình khai mạc Festival; Triển lãm di sản văn hóa và lịch sử truyền thống; Chương trình lễ hội đường phố; Chương trình đại nhạc hội di sản văn hóa và âm hưởng đương đại và Chương trình Bế mạc Festival.

Chương trình Khai mạc sẽ được tổ chức vào hồi 20h ngày 17/11 tại Quảng trường Đinh Tiên Hoàng Đế. Lễ bế mạc vào 20h ngày 19/11 tại Phố cổ Hoa Lư.

Tác giả kịch bản - tổng đạo diễn Lê Quý Dương sinh năm 1968 tại Hà Nội, trong một gia đình nghệ sĩ, trí thức. Lê Quý Dương là hậu duệ của dòng họ Lê Quý Đôn. Lê Quý Dương đỗ thủ khoa Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội khóa 1985- 1990, chuyên ngành Lý luận Phê bình Sân khấu.

Nhiều năm qua, đạo diễn Lê Quý Dương đã tự mở ra một hướng đi mới cho sự nghiệp của mình bằng việc sáng tạo và dàn dựng hàng loạt lễ hội và sự kiện văn hóa, nghệ thuật, thể thao và du lịch trên sân khấu quy mô lớn dọc theo chiều dài của đất nước, kết hợp chặt chẽ giữa các giá trị văn hóa truyền thống bản địa với những sáng tạo hiện đại.

Anh được giới chuyên môn và truyền thông mệnh danh là "Phù thủy" của các lễ hội, đặc biệt là người góp phần to lớn định hình thương hiệu Festival Huế với hàng loạt chương trình đã trở thành thương hiệu văn hóa lớn cho Huế như "Đêm Hoàng cung" (2006), "Huyền thoại Sông Hương" (2008), "Hành trình mở cõi" (2010), "Thiên hạ Thái Bình" (2012), tạo nên những dấu ấn văn hóa vô cùng đặc sắc và độc đáo.

Cùng với Festival Huế, Lê Quý Dương là người đã sáng tạo ý tưởng, viết kịch bản và tổng đạo diễn dàn dựng cho hơn 50 chương trình lễ hội và sự kiện lớn trên khắp cả nước. Tiêu biểu như: Festival "Võ cổ truyền Quốc tế" (Bình Định); Festival "Dừa" (Bến tre); Festival "Gốm" (Bình Dương); Festival "Cà Phê" (Đắk Lắk); Festival "Lúa gạo" (Sóc Trăng); Festival "Đờn Ca Tài tử" (Bạc Liêu); Festival "Biển" (Nha Trang); Festival "Di sản Đông Dương" (Quảng Nam)…

Phương Bùi

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này