Đại biểu Quốc hội: Cần quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại với dịch vụ kém chất lượng

08:02 | 11/11/2022
(LĐTĐ) Tại phiên thảo luận về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), chiều 10/11, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu bày tỏ quan tâm quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật gây ra; đồng thời đề nghị bổ sung quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với dịch vụ không bảo đảm chất lượng.
Thi hành xong 1.895 việc, thu gần 16.000 tỷ đồng từ án tham nhũng, kinh tế Cần quy định từng chính sách cụ thể trong Luật Phòng thủ dân sự Đại biểu Quốc hội: Trường hợp được hỗ trợ bảo hiểm do thảm họa, sự cố phải cụ thể

Theo các đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) quy định người tiêu dùng cá nhân mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng. Như vậy, người tiêu dùng bên cạnh việc mua, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, còn mua, sử dụng dịch vụ cho mục đích tiêu dùng.

Đại biểu Quốc hội: Cần quy định rõ trách nhiệm trường hợp cung cấp dịch vụ kém chất lượng
Quốc hội thảo luận về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). (Ảnh: Quốc hội)

Đại biểu Nguyễn Danh Tú (Đoàn đại biểu tỉnh Kiên Giang) cho rằng, dự thảo Luật mới chỉ quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật mà chưa quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với dịch vụ không bảo đảm chất lượng.

Vì vậy, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đại biểu đề nghị dự thảo Luật bổ sung quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh bồi thường trong trường hợp cung cấp dịch vụ không bảo đảm chất lượng, gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng.

Đại biểu Quốc hội: Cần quy định rõ trách nhiệm trường hợp cung cấp dịch vụ kém chất lượng
Đại biểu Trần Thị Vân nêu ý kiến. (Ảnh: Quốc hội)

Đề nghị quy định chặt chẽ hơn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật gây ra, đại biểu Trần Thị Vân (Đoàn đại biểu tỉnh Bắc Ninh) nêu ý kiến, việc bồi thường thiệt hại được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự, tuy nhiên, không phải lúc nào thiệt hại cũng có thể xác định được ngay khi người tiêu dùng sử dụng hàng hóa để áp dụng pháp luật về dân sự.

Để việc thực hiện bồi thường thiệt hại kịp thời, đại biểu Trần Thị Vân đề nghị bổ sung quy định phải áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật gây ra cho người tiêu dùng không chỉ khi có thiệt hại thực tế xảy ra, mà ngay cả khi thiệt hại chưa xảy ra trên thực tế.

Đại biểu Quốc hội: Cần quy định rõ trách nhiệm trường hợp cung cấp dịch vụ kém chất lượng
Các đại biểu dự Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: Quốc hội)

Các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị cần quy định rõ hơn về nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương; cân đối và hài hòa giữa lợi ích của các chủ thể thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật…

Nhằm khắc phục “khoảng trống” trong pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mua hàng qua mạng, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Đoàn đại biểu tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) và đại biểu Trần Thị Thu Hằng (Đoàn đại biểu tỉnh Đắk Nông) bày tỏ sự đồng thuận với những điểm bổ sung về các hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng có thể nảy sinh trong điều kiện chuyển đổi số, bổ sung chương mới quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù. Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng, cơ quan soạn thảo cần rà soát và điều chỉnh thống nhất các quy định về bảo vệ quyền, quyền lợi của người tiêu dùng trên không gian mạng với các luật liên quan.

Đại biểu Quốc hội: Cần quy định rõ trách nhiệm trường hợp cung cấp dịch vụ kém chất lượng
Đại biểu Sùng A Lềnh nêu ý kiến. (Ảnh: Quốc hội)

Đại biểu Sùng A Lềnh (Đoàn đại biểu tỉnh Lào Cai) đề nghị chỉnh lý lại nội dung giao kết hợp đồng trong giao dịch từ xa cho chặt chẽ hơn.

“Đề nghị tuyên bố hợp đồng vô hiệu hoặc tuyên bố hủy hợp đồng, đây là các trường hợp khác nhau mà theo quy định của Bộ luật Dân sự sẽ có các hậu quả pháp lý khác nhau. Các bên trong giao dịch cũng sẽ có các quyền, nghĩa vụ khác nhau”, đại biểu Sùng A Lềnh nêu quan điểm và cho rằng, dự thảo Luật lại cho phép người tiêu dùng lựa chọn trường hợp để ứng xử là không chặt chẽ, có thể gây ra các tranh chấp trên thực tế.

Về bán hàng trực tiếp, theo đại biểu Hà Ánh Phượng (Đoàn đại biểu tỉnh Phú Thọ), dự thảo Luật quy định bán hàng đa cấp là một hình thức bán hàng trực tiếp - quy định này là chưa chính xác, vì hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp sử dụng mạng lưới người tham gia gồm nhiều cấp, nhiều nhánh, có thể được thực hiện trực tiếp hoặc trên không gian mạng hoặc qua phương tiện viễn thông từ xa. Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét rà soát, bổ sung quy định này phù hợp với thực tiễn.

Đại biểu Quốc hội: Cần quy định rõ trách nhiệm trường hợp cung cấp dịch vụ kém chất lượng
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: Quốc hội)

Phát biểu làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù, cơ quan chủ trì soạn thảo đã rà soát, hoàn thiện các quy định theo hướng bảo đảm tối đa quyền lợi của người tiêu dùng; quy định trách nhiệm tương ứng của các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng, trong đó quy định rõ trách nhiệm của tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số trung gian.

Về cơ chế giải quyết tranh chấp, ban soạn thảo sẽ rà soát, nghiên cứu, viện dẫn các quy trình thủ tục của Bộ luật Tố tụng dân sự để tránh chồng chéo, mâu thuẫn trong hệ thống pháp luật.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiên cứu các ý kiến của đại biểu Quốc hội để tiếp thu, hoàn chỉnh dự án Luật trình Quốc hội xem xét thông qua vào kỳ họp thứ năm (Dự kiến tháng 5/2023).

Hoàng Phúc

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này