Doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt thách thức để chuyển đổi số

14:33 | 10/11/2022
(LĐTĐ) Trên thực tế, chuyển đổi số đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa đang đối mặt với rất nhiều thách thức. Khảo sát do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với tổ chức USAID (Mỹ) thực hiện về chuyển đổi số cho thấy, 60,1% doanh nghiệp phản ánh gặp khó khăn về chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ số.
Đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực BHXH, BHYT Ngành BHXH: Thí điểm triển khai tiện ích đặt lịch làm việc tại TP.Hồ Chí Minh và Bình Dương Để doanh nghiệp nhỏ và vừa không “lạc lối” khi chuyển đổi số

Tại “Diễn đàn Đồng hành cùng doanh nghiệp nhỏ và vừa trong chuyển đổi số”, bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, chuyển đổi số trong doanh nghiệp được định nghĩa là “việc tích hợp, áp dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả kinh doanh, hiệu quả quản lý, nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của doanh nghiệp và tạo ra các giá trị mới”.

Các hoạt động chuyển đổi số có thể bao gồm số hóa dữ liệu quản lý, kinh doanh của doanh nghiệp. Áp dụng công nghệ số để tự động hóa, tối ưu hóa các quy trình nghiệp vụ, quy trình quản lý, sản xuất kinh doanh, quy trình báo cáo, phối hợp công việc trong doanh nghiệp. Chuyển đổi toàn bộ mô hình kinh doanh, tạo thêm giá trị mới cho doanh nghiệp.

Lợi ích của chuyển đổi số đối với doanh nghiệp là mở rộng tập khách hàng và thị trường tiềm năng; mở rộng tập khách hàng và thị trường tiềm năng; sáng tạo các sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu; tối ưu chi phí vận hành, chi phí nhân sự, tăng hiệu suất kinh doanh và sản xuất; lãnh đạo ra quyết định nhanh chóng, chính xác.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt thách thức để chuyển đổi số
Chuyển đổi số đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa đang đối mặt với rất nhiều thách thức. (Ảnh minh họa: Đinh Luyện)

Tuy nhiên, theo phân tích của Cục Phát triển Doanh nghiệp, rào cản, khó khăn của doanh nghiệp khi chuyển đổi số hiện nay còn nhiều, trong đó, chi phí đầu tư vào chuyển đổi số cao, hạ tầng công nghệ thông tin hiện tại kém phát triển. Giải pháp về rủi ro an ninh mạng khó tiếp cận, nguồn nhân lực chuyển đổi số hạn chế. Tổ chức quản lý, quy trình nghiệp vụ, chuỗi cung ứng chưa được chuẩn hóa. Thiếu tiếp cận, kiến thức/thông tin về công nghệ số.

Theo khảo sát của Cục Phát triển Doanh nghiệp, 23.40% doanh nghiệp sợ rò rỉ dữ liệu cá nhân, dữ liệu doanh nghiệp. 26.60% thiếu cam kết, hiểu biết của người lao động. 32.10% thiếu cam kết, hiểu biết của ban lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp. 38.50% khó khăn trong tích hợp các giải pháp công nghệ số. 40.40% thiếu thông tin về công nghệ số. 45.40% thiếu cơ sở hạ tầng công nghệ số. 52.30% thiếu nhân lực nội bộ để ứng dụng công nghệ số. 52.30% khó khăn trong thay đổi thói quen, tập quán kinh doanh. 60.10% khó khăn về chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ số.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Đỗ Hoàng Hải, Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghệ Wincom cho biết, chi phí về công nghệ trong chuyển đổi số chỉ chiếm khoảng 20% tổng chi phí. Mua phần mềm về ứng dụng vào hoạt động kinh doanh không khó, vấn đề là phải khai thác được giá trị của nó. Muốn vậy, doanh nghiệp phải hiểu rõ những vấn đề của mình, cần giải quyết như thế nào. Tức là phải có đầu bài rõ ràng, quy trình rõ ràng, sau đó cùng làm việc với đối tác về chuyển đổi số để họ cũng nắm và hiểu rõ các vấn đề của doanh nghiệp, từ đó đưa ra phương án phù hợp.

Ông Bùi Trung Nghĩa, Phó Chủ tịch VCCI cho biết, chuyển đổi số mở ra cơ hội cho tất cả các quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển có cơ hội để tăng trưởng nhanh hơn, vươn lên, thay đổi thứ hạng phát triển của quốc gia. Vì thế, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ chuyển đổi số, đồng thời các bộ, ngành, địa phương cũng đã và đang xây dựng chiến lược và kế hoạch hành động của mình với nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số để tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Ông Tô Dũng Thái, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) thông tin, tập đoàn đã thiết kế một nền tảng tích hợp tất cả về quản trị doanh nghiệp với tên gọi “One SME” để phục vụ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

"Chúng tôi thực hiện theo hình thức giống như thuê bao điện thoại, có trả phí hàng tháng. Số phí phù hợp với từng doanh nghiệp nhỏ. Hoạt động của ứng dụng do nhân lực của VNPT điều hành. Chúng tôi có mạng lưới bưu chính, viễn thông rộng khắp cả nước đang triển khai hoạt động này, với hàng trăm ngàn tài khoản sử dụng dịch vụ. Qua đó, giải bài toán cho doanh nghiệp nhỏ và vừa về chuyển đổi số", ông Thái cho biết.

Bảo Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này