Kiểm soát tính minh bạch của thị trường thực phẩm bằng công nghệ số

19:23 | 09/11/2022
(LĐTĐ) Chiều 9/11, tại Hà Nội, Hiệp hội Thực phẩm minh bạch (AFT) phối hợp với Trung tâm Tư vấn chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu tổ chức Hội thảo Kiểm soát tính minh bạch của thị trường thực phẩm bằng công nghệ số.
Đến năm 2030, phấn đấu 65% công nhân lao động được phổ biến về công nghệ thông tin, công nghệ số Hơn 200 hồ sơ tham dự giải thưởng “Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam” năm 2022 Phát huy giá trị di sản bằng công nghệ số

Hội thảo “Kiểm soát tính minh bạch của thị trường thực phẩm bằng công nghệ số” là chương trình nằm trong khuôn khổ của Triển lãm Quốc tế chuyên ngành Thực phẩm, đồ uống - Vietfood & Beverage - Propack 2022 diễn ra từ ngày 9 - 12/11 tại Hà Nội. Hoạt động nhằm thúc đẩy tính minh bạch và an toàn của thị trường nông sản, thực phẩm tại Việt Nam.

Ứng dụng công nghệ số hóa giúp minh bạch trong việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm đang trở thành một xu hướng trong những năm gần đây. Theo đó việc minh bạch thông tin sản phẩm hiện nay không còn là việc đọc thông tin, mà còn tăng tương tác hai chiều giúp tạo niềm tin cho người tiêu dùng, đồng thời giúp ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, góp phần xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm Việt Nam.

Kiểm soát tính minh bạch của thị trường thực phẩm bằng công nghệ số
Hội thảo Kiểm soát tính minh bạch của thị trường thực phẩm bằng công nghệ số (ảnh H.Tươi)

Nhiều doanh nghiệp đã hướng đến sản xuất thực phẩm đạt các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, ASC, HACCP… nhưng như vậy vẫn chưa đủ nghiêm ngặt cho chuẩn mực chất lượng. Người tiêu dùng cần có sự minh bạch hơn về quy trình, nguồn gốc sản phẩm, tức họ cần có thông tin truy xuất nguồn gốc tại tất cả các khâu trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, để biết liệu đơn vị cung cấp sản phẩm có nỗ lực tối đa trong vấn đề đảm bảo chất lượng sản phẩm hay không; sản phẩm có được kiểm soát chất lượng một cách nghiêm túc trong toàn bộ chuỗi cung ứng hay không...

Phát biểu tại hội thảo, T.S Trần Thị Dung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch cho biết: Minh bạch quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm là niềm mong mỏi của mọi người từ cơ quan quản lý Nhà nước, người tiêu dùng và tự thân doanh nghiệp, khi họ muốn có được niềm tin của người tiêu dùng vào sản phẩm thực phẩm an toàn và chất lượng của doanh nghiệp.

Trước đây, để chứng minh doanh nghiệp sản xuất thực phẩm an toàn, thực phẩm hữu cơ hoặc thực phẩm đạt bất kỳ một tiêu chuẩn nào của Việt Nam hay của bất kỳ một nước nhập khẩu nào, cơ quan có thẩm quyền trong và ngoài nước yêu cầu doanh nghiệp phải ghi chép và lưu trữ hàng tập hồ sơ giấy tờ dày cộp rất khó tìm kiếm khi có các yêu cầu kiểm tra.

Ngày nay nhờ các phần mềm kỹ thuật số, mọi quy trình đều được ghi lại trên hệ thống phần mềm truy xuất dễ dàng bằng máy tính, điện thoại. Công nghệ số đã giúp cho doanh nghiệp thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm trên toàn chuỗi cung ứng, từ trang trại đến tay người tiêu dùng.

Với mục tiêu tập hợp các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm thực hiện minh bạch hoá sản phẩm của mình, Hiệp hội Thực phẩm minh bạch đã đi tiên phong trong việc xây dựng các tiêu chuẩn minh bạch cơ sở, kết nối các hội viên của hiệp hội, các tổ chức, cá nhân, cơ quan quản lý Nhà nước để cùng nhau phát triển một nền nông nghiệp, một nền sản xuất, kinh doanh thực phẩm lành mạnh, chất lượng và an toàn, đồng thời tạo sự thuận tiện, dễ dàng khi truy xuất thông tin minh bạch cho tất cả mọi người.

Đỗ Đạt

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này