Ngăn chặn xu hướng trẻ hóa tội phạm

12:34 | 10/11/2022
(LĐTĐ) Theo thông kê của cơ quan Công an, thời gian qua trên địa bàn thành phố Hà Nội, các đối tượng phạm tội đa số là thanh, thiếu niên không có việc làm ổn định, bỏ học, thích tụ tập ăn chơi nên bị lôi kéo, xúi giục tham gia các vụ việc phạm tội, vi phạm pháp luật... Để ngăn chặn tận gốc, vai trò của gia đình và tổ dân phố trong việc sàng lọc các đối tượng nhằm tuyên truyền, vận động ngay từ đầu là đặc biệt quan trọng.
Ngăn chặn xu hướng trẻ hóa tội phạm Cần có các biện pháp phòng ngừa tội phạm trên không gian mạng

Tội phạm trẻ, manh động

Theo cơ quan Công an, khác với nguyên nhân vì mục đích vụ lợi, bảo kê, tranh giành “địa bàn” của các băng nhóm tội phạm có tổ chức hoạt động theo kiểu “xã hội đen”, nguyên nhân của các vụ việc thanh, thiếu niên tụ tập gây rối, truy sát, thanh toán, trả thù lẫn nhau chủ yếu là do có mâu thuẫn cá nhân trước đó chưa được giải quyết dứt điểm hoặc do mâu thuẫn bột phát, tức thời trong sinh hoạt, giao tiếp, ăn uống, vui chơi giải trí (hầu hết có sử dụng rượu bia)…, dẫn đến tụ tập để giải quyết, nhằm thỏa mãn bản thân…

Ngăn chặn xu hướng trẻ hóa tội phạm
Công an quyết liệt ngăn chặn tình trạng thanh, thiếu niên gây rối trật tự công cộng gây nhức nhối dư luận xã hội.

Điển hình như, ngày 24/10, Công an quận Tây Hồ nhận được đơn trình báo của người dân về việc bị một nhóm khoảng 20 thanh, thiếu niên điều khiển xe máy, cầm theo tuýp sắt chặn đánh gây thương tích trên địa bàn phường Xuân La, quận Tây Hồ. Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Công an quận Tây Hồ đã khẩn trương xác minh, điều tra làm rõ các đối tượng gây ra vụ việc trên do Vũ Minh Nghĩa (sinh năm 2005, trú tại Thịnh Liệt, Hoàng Mai) cầm đầu. Tại cơ quan công an, các đối tượng đã khai nhận hành vi phạm tội của mình. Xuất phát từ mâu thuẫn trên mạng xã hội...

Không chỉ ở trong nội đô, tội phạm thanh, thiếu niên có xu hướng lan ra cả các huyện ngoại thành. Mới đây, cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an huyện Ứng Hòa đã ra quyết định khởi tố vụ án và tạm giữ 14 đối tượng, đồng thời truy bắt các đối tượng đang bỏ trốn để điều tra theo quy định của pháp luật. Trước đó, khoảng 23h30 ngày 29/10, Công an huyện Ứng Hòa nhận được tin báo của anh H.và Đ. về việc anh bị một nhóm thanh niên dùng gạch đá, tuýp sắt có gắn dao nhọn gây thương tích tại địa phận thôn Thái Bình, xã Vạn Thái. Quá trình xảy ra vụ việc, anh H. bị mất 1 chiếc xe máy Honda Wave, 1 chiếc điện thoại di động. Quá trình điều tra xác định, do có mâu thuẫn từ trước giữa 2 bên, nên nhóm thanh niên này đã tụ tập, chuẩn bị gạch, tuýp sắt có gắn dao nhọn để đánh trả thù…

Cũng trong thời gian qua, vào ban đêm, nhất là những ngày nghỉ cuối tuần, ngày lễ... trên địa bàn thành phố Hà Nội xuất hiện tình trạng thanh, thiếu niên tụ tập thành từng nhóm, điều khiển xe mô tô chạy với tốc độ cao, rú còi, lạng lách đánh võng trên các tuyến phố. Đặc biệt có nhóm còn mang theo hung khí (dao, kiếm, ống tuýp gắn dao phóng lợn…) diễu hành, rượt đuổi, đánh nhau trên các tuyến phố, gây rối trật tự công cộng, ảnh hưởng đến tình hình trật tự an toàn xã hội, gây hoang mang dư luận.

Tại hội nghị sơ kết công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm đua xe, cổ vũ đua xe trái phép; công tác phòng, chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản; trộm cắp... của lực lượng Cảnh sát hình sự - Công an Thành phố diễn ra ngày 19/10, Chỉ huy Phòng Cảnh sát hình sự cho biết, trong 10 tháng đầu năm 2022, lực lượng Cảnh sát hình sự đã điều tra, khám phá 38 vụ với 600 đối tượng có liên quan đến hành vi đi xe máy thành đoàn chạy tốc độ cao, lạng lách, đánh võng, mang theo hung khí gây rối trật tự công cộng…

Kết quả, xử lý hình sự 397 đối tượng, xử phạt hành chính 62 trường hợp và có tới 141 đối tượng không xử lý vì chưa đủ tuổi truy cứu trách nhiệm hình sự. Nhìn vào con số trên có thể thấy rằng, trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật đang có dấu hiệu phức tạp. Đây là vấn đề quan tâm, giáo dục của gia đình. Nếu chỉ trông chờ vào pháp luật thì những “mầm non” tương lai của đất nước rồi sẽ trở thành gánh nặng cho cả xã hội. Qua các vụ án, vụ việc đã điều tra, khám phá cho thấy, người chưa thành niên phạm tội và vi phạm pháp luật có nhận thức về pháp luật, nhất là pháp luật về hình sự còn hạn chế.

Phòng ngừa từ sớm

Để chủ động phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến người chưa thành niên, giải quyết triệt để tình trạng thanh, thiếu niên mang theo hung khí, điều khiển phương tiện lạng lách, đánh võng, đuổi đánh nhau, gây rối trật tự công cộng… Giám đốc Công an thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch về phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến người chưa thành niên.

Trung tướng Nguyễn Hải Trung - Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, yêu cầu Công an các đơn vị, quận, huyện, thị xã chủ động nắm chắc tình hình địa bàn, đánh giá, dự báo, nhận diện rõ diễn biến các loại tội phạm và vi phạm pháp luật có liên quan đến người chưa thành niên để kịp thời tham mưu, đề xuất cấp ủy, chính quyền địa phương biện pháp đấu tranh, phòng ngừa từ sớm, từ xa, từ cơ sở. Trong đó tham mưu, đề xuất phân công cụ thể nhiệm vụ cho các sở, ban, ngành, đoàn thể và đánh giá kết quả thực hiện. Hạn chế, loại trừ nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh, phát triển tội phạm liên quan đến người chưa thành niên trên địa bàn. Trong đó, Trung tướng Nguyễn Hải Trung nhấn mạnh, công tác điều tra cơ bản, nắm và dự báo tình hình liên quan đến người chưa thành niên.

Bên cạnh các biện pháp nghiệp vụ, Trung tướng Nguyễn Hải Trung cũng yêu cầu Công an các phòng nghiệp vụ, quận, huyện, thị xã phải làm tốt việc vận động quần chúng nhân dân tố giác tội phạm, tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở cơ sở; phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức; cùng với các gia đình, nhà trường quan tâm, giáo dục, động viên, quản lý con em, đặc biệt trong độ tuổi từ 14-18 tuổi. Quyết liệt hơn nữa trong công tác chỉ đạo,

Công an thành phố Hà Nội đề nghị gia đình, nhà trường và cả cộng đồng cùng chung sức quan tâm, giáo dục, quản lý, kiểm soát con, em mình, học sinh, người chưa thành niên… kịp thời phát hiện những lệch lạc trong suy nghĩ, hành động của các em, sớm có biện pháp tháo gỡ hoặc chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, giúp các em tránh xa các tệ nạn xã hội và thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật. Đồng thời, đề nghị các tầng lớp nhân dân, khi phát hiện những dấu hiệu, hành vi vi phạm pháp luật, nhất là những vi phạm có liên quan đến người chưa thành niên, hãy cung cấp thông tin ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất, tổng đài 113, trang Facebook Công an thành phố Hà Nội… để có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, vì bình yên cuộc sống của nhân dân.

Tuy nhiên, để “sạch hóa” chiều hướng tội phạm trẻ gia tăng, bên cạnh gia đình thì vai trò của tổ dân phố, công an khu vực là rất quan trọng. Thông qua hoạt động nghiệp vụ, công an khu vực phối hợp với tổ dân phố rà soát các đối tượng bỏ học, có xu hướng mê chơi game, tụ tập các đối tượng xấu… từ đó lập danh sách tiến hành “cải hóa” bằng việc vận động, tuyên truyền, ký cam kết nếu không khi phát hiện có hành vi phạm tội sẽ xử lý thật nặng./.

Theo thống kê của Công an thành phố Hà Nội, chỉ tính riêng trong Quý III/2022, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 83 vụ, 266 đối tượng là người chưa thành niên phạm tội và vi phạm pháp luật; tăng 15 vụ so với 6 tháng đầu năm 2022. Các loại tội danh tập trung vào các hành vi gồm cướp; cướp giật tài sản; trộm cắp tài sản; cố ý gây thương tích; gây rối trật tự công cộng; xâm hại tình dục… Trong đó, đối tượng phạm tội lần đầu chiếm 91,7%; đối tượng ngoại tỉnh chiếm 7,9%; đối tượng là học sinh bỏ học chiếm 23,7%. Nhóm đối tượng gây ra các vụ cướp tài sản đều ở độ tuổi từ 15-18 tuổi; khi bị bắt, vẫn không hề tỏ ra ăn năn, sợ hãi, chưa nhận thức được mức độ nghiêm trọng về hành vi của mình…

Minh Phương

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này