Đề phòng bệnh sốt xuất huyết tiến triển nặng

12:22 | 10/11/2022
(LĐTĐ) Theo các bác sĩ, ước tính có khoảng 1/20 bệnh nhân nhiễm sốt xuất huyết có thể tiến triển nặng, nguy kịch, đe dọa tính mạng, nhất là đối với trẻ nhỏ, bệnh nhân bị nhiễm lần 2 sẽ là yếu tố nguy cơ làm sốt xuất huyết tiến triển nặng thêm.
Không tự ý điều trị sốt xuất huyết tại nhà Trưng dụng Hội trường bệnh viện thành phòng điều trị sốt xuất huyết Không nên tự điều trị sốt xuất huyết tại nhà

1/20 bệnh nhân nhiễm sốt xuất huyết có thể tiến triển nặng

Sốt xuất huyết đang bùng phát mạnh tại Hà Nội, theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 28/10 - 4/11) trên địa bàn Thành phố ghi nhận hơn 1.312 ca mắc. Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2022 đến nay, Hà Nội ghi nhận 10.716 ca mắc sốt xuất huyết (tăng gấp 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2021).

Do đông bệnh nhân nên nhiều người phải điều trị ngoại trú. Tuy nhiên, khi nào người bệnh sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo phải nhập viện là điều mà nhiều người quan tâm.

Đề phòng bệnh sốt xuất huyết tiến triển nặng
Các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai điều trị cho bệnh nhân mắc sốt xuất huyết. Ảnh: Dương Hải

Chia sẻ với phóng viên, bác sĩ Đỗ Anh, Trung tâm Nhi khoa (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, sốt xuất huyết là bệnh có thể dễ dàng được điều trị và chăm sóc tại nhà bằng các kiến thức y khoa thông thường như: Nghỉ ngơi, uống đủ nước, dinh dưỡng đầy đủ, uống thuốc hạ sốt. Đồng thời, người dân cần chủ động phát hiện sớm các dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm để đi khám, nhập viện điều trị. Thông thường các dấu hiệu cảnh báo thường xuất hiện vào thời điểm pha sốt muộn (ngày bệnh thứ 3 - 4, hoặc nhiệt độ hạ, hạ thân nhiệt), cộng với ban xuất huyết, chảy máu mũi, miệng,…

Tuy nhiên, có nhiều người sốt xuất huyết diễn tiến bệnh nặng từ ngày thứ 4, hạ tiểu cầu, sốc xuất huyết, nhưng không biết và đến viện muộn đã rơi vào nguy kịch, thậm chí tử vong. Tại Hà Nội, từ đầu năm đến nay đã ghi nhận 12 ca tử vong, trong khi năm 2011 không ghi nhận ca nào.

Theo bác sĩ Đỗ Anh, ước tính tới 1/20 bệnh nhân nhiễm sốt xuất huyết có thể tiến triển nặng, đe doạ tính mạng. Sốt xuất huyết có thể từ không có triệu chứng, biểu hiện nhẹ đến nguy kịch, nặng. “Biểu hiện của sốt xuất huyết rất dễ nhầm lẫn với các bệnh sốt do căn nguyên khác (cúm A,B, vi rút hợp bào hô hấp - Rsv… trong những ngày đầu của bệnh). Vì biểu hiện lâm sàng của sốt xuất huyết không đặc hiệu nên cần theo dõi sát, phát hiện sớm các dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm (sốc) sớm, để nhanh chóng nhập viện và can thiệp sớm, giảm nguy cơ tử vong”, bác sĩ Đỗ Anh phân tích.

Theo các chuyên gia y tế, sốt xuất huyết có 4 tuýp nên một người có thể nhiễm tới 4 lần. Sau nhiễm sẽ tạo miễn dịch lâu dài với tuýp đó. Khi bị nhiễm lần 2 sẽ là yếu tố nguy cơ cho tiến triển nặng. Bệnh nhân nhiễm sốt xuất huyết thường trải qua 4 giai đoạn: Pha ủ bệnh (5 - 7 ngày), pha sốt, pha nguy kịch/nguy hiểm, pha hồi phục. Biểu hiện hay gặp ở pha sốt thường diễn ra trong 2 -7 ngày với triệu chứng sốt, đau mỏi cơ, đau mắt, đau khớp, đau họng, đau đầu, nôn và buồn nôn; ban đỏ da, chấm xuất huyết dưới da.

Theo bác sĩ Đỗ Anh, dấu hiệu cảnh báo sốt xuất huyết trở nên nguy hiểm thường rơi vào pha sốt muộn, hay còn gọi là pha hạ sốt, thường diễn ra 24 - 48 giờ. Riêng đối với trẻ em, khi trẻ hết sốt là thời điểm dấu hiệu nặng có thể xuất hiện liên quan đến các tình trạng thoát mạch, ứ dịch gây tràn dịch màng phổi, tràn dịch màng tim, tràn dịch màng bụng,…; tình trạng suy hô hấp, khó thở, chảy máu và suy giảm chức năng nhiều cơ quan trong cơ thể.

"Hầu hết là trẻ sẽ hồi phục ở pha hết sốt, nhưng 1 số sẽ diễn ra tình trạng “thoát mạch” trong vòng vài tiếng. Trẻ bị sốc xuất huyết, làm tràn dịch đa màng như màng tim, phổi, bụng, máu bị cô đặc, tụt kẹt huyết áp", bác sĩ Đỗ Anh nói. Do đó, khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu như: Đau bụng; li bì, kích thích và nôn liên tục; trẻ đang sốt cao hạ thân nhiệt đột ngột; trẻ bắt đầu xuất hiện chảy máu (mũi, miệng, tiểu máu, phân máu) hoặc da niêm mạc xanh tái; chân tay trẻ lạnh, ẩm; đau bụng, gan to ra, ấn tức vùng bụng thì cần sớm đưa trẻ nhập viện.

Cũng liên quan tới vấn đề sốt xuất huyết ở trẻ em, chia sẻ với báo chí, bác sĩ Nguyễn Thành Nam, Giám đốc Trung tâm Nhi khoa (Bệnh viện Bạch Mai) cảnh báo, các nhóm đối tượng dễ trở nặng khi mắc sốt xuất huyết gồm: Trẻ ở lứa tuổi sơ sinh, nhũ nhi; trẻ suy dinh dưỡng cũng như béo phì; trẻ có bệnh đi kèm như bạch cầu cấp, xuất huyết giảm tiểu cầu, đái tháo đường hoặc đang bị nhiễm trùng thứ phát (viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết,…); trẻ đồng mắc các bệnh do vi rút khác như Covid-19, tay chân miệng,…

"Cha mẹ cần chú ý phát hiện các dấu hiệu trở nặng của sốt xuất huyết ở những đối tượng này để kịp thời thông báo với các bác sĩ hoặc cho trẻ nhập viện để theo dõi điều trị", Giám đốc Trung tâm Nhi khoa khuyến cáo.

Tuyệt đối không uống hạ sốt Ibuprofen

Bác sĩ Đỗ Anh cho biết, khi điều trị tại nhà, do sốt xuất huyết thường sốt cao (39 - 40,5 độ), sốt liên tục và dai dẳng, đáp ứng kém với thuốc hạ sốt, người bệnh chỉ uống hạ sốt paracetamol (dùng đúng liều đúng khoảng cách), lưu ý không dùng hạ sốt Ibuprofen. Ibuprofen hạ sốt mạnh và thời gian tác dụng dài hơn so với Paracetamol, song không được dùng cho trẻ mắc sốt xuất huyết vì có thể gây xuất huyết tiêu hóa.

"Một trong biến chứng nguy hiểm của sốt xuất huyết đó là cơ thể thiếu, mất dịch, rơi vào tình trạng sốc. Do đó, khi được chẩn đoán là sốt xuất huyết, điều cực kỳ quan trọng đó là bảo đảm đủ cơ thể đủ nước. Có 3 loại đồ uống rất tốt cho hồi phục sốt xuất huyết là: Oresol, sữa, nước hoa quả cung cấp điện giải và multivitamin (chuối, cam, kiwi, bơ, dừa)", bác sĩ Đỗ Anh nhấn mạnh. Riêng với trẻ em, các thực phẩm phải tránh khi mắc sốt xuất huyết là thực phẩm rán, nhiều dầu mỡ; đồ uống có caffein, có ga như coca hay pepsi; thực phẩm mỡ, béo, gia vị cay.

Bác sĩ nhi khoa Đỗ Anh cũng khuyến cáo: Trong giai đoạn đầu của sốt xuất huyết, trên 70% người bệnh có thể tự theo dõi và chăm sóc ở nhà bằng chế độ dinh dưỡng và uống đủ nước. Trong giai đoạn này người bệnh mệt, đau mỏi người và khớp, do vậy được nghỉ ngơi đủ là rất quan trọng. Bệnh nhân nên cố ngủ càng nhiều càng tốt, giúp cơ thể nghỉ ngơi và hồi phục.

"Cần theo dõi sát tình trạng sức khỏe của người bệnh tại nhà, chủ động phát sớm các dấu hiệu nguy hiểm, tốt nhất nên có sự theo dõi, giám sát của 1 bác sĩ gia đình", bác sĩ Đỗ Anh cho biết thêm.

Bên cạnh đó, sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do muỗi vằn mang bệnh gây nên và hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, cũng như chưa có vắc xin phòng bệnh. Bởi vậy, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân nên chủ động các biện pháp phòng chống dịch, bệnh sốt xuất huyết. Trong đó, người dân nên đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

Hàng tuần người dân nên thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng, bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn. Tiến hành loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá... Đồng thời, người dân nên ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày. Tích cực phối hợp với ngành Y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị./.

Theo thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai, vừa qua, Trung tâm Nhi khoa cũng đã tiếp nhận điều trị 2 trẻ bị sốc sốt xuất huyết rất nặng, mạch nhanh, sốt cao liên tục, suy đa tạng, viêm cơ tim cấp... nguy cơ tử vong rất cao. Rất may các trường hợp này đều được các bác sĩ nỗ lực cứu sống. Theo các nghiên cứu, biến chứng suy đa tạng (bao gồm cả suy gan, suy thận, suy thần kinh trung ương và suy tim) chiếm tỷ lệ khá nhỏ (chỉ chiếm 0,67%) trong các ca sốt xuất huyết, tuy nhiên tỷ lệ tử vong rất cao 60-70%. Tỷ lệ suy hai tạng: Suy gan và suy thận chiếm 0,33%; suy gan và suy thần kinh trung ương chiếm 2,66%; suy gan và suy tim chiếm 2%.

Minh Khuê

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này