Tháo gỡ nút thắt giải phóng mặt bằng

07:59 | 08/11/2022
(LĐTĐ) Cơ sở hạ tầng, trong đó đặc biệt là giao thông được đồng bộ đóng vai trò quan trọng, góp phần nâng cao cuộc sống của người dân, thúc đẩy nền kinh tế. Sự phát triển vượt bậc của Quảng Ninh, Hải Phòng, mới đây nhất là Thái Nguyên cho thấy định hướng này hết sức đúng đắn. Tuy nhiên, để hạ tầng hoàn thiện thì cần giải được “bài toán” mặt bằng. Điều này đặc biệt quan trọng khi Hà Nội bắt tay vào triển khai Dự án Vành đai 4 vùng Thủ đô.
Hà Nội: Bổ sung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Dự án đường Vành đai 4 Hà Nội: Tăng tính chủ động giải phóng mặt bằng cho Dự án đường Vành đai 4
Tháo gỡ nút thắt giải phóng mặt bằng
Ảnh minh họa.

Dự án đường Vành đai 4, là dự án quan trọng, kết nối liên vùng Hà Nội với các tỉnh lân cận và đã được Quốc hội ra Nghị quyết thực hiện. Theo kế hoạch, Dự án phải khởi công vào quý II/2023, hoàn thành vào năm 2026. Dự án đường Vành đai 4 qua địa bàn Hà Nội dài 58,2km, đi qua một số quận, huyện như: Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Đông, Thanh Oai, Thường Tín; với quy mô gồm 6 làn xe cao tốc và hệ thống đường song hành hai bên và các hành lang để bố trí cây xanh, các công trình hạ tầng kỹ thuật và dự trữ cho đường sắt vành đai.

Dự án sau khi hoàn thành sẽ góp phần tích cực trong việc giảm ùn tắc cho tuyến đường Vành đai 3; góp phần phát triển đô thị 2 bên tuyến cũng như tăng khả năng kết nối giao thông các tỉnh trong vùng Thủ đô, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Đóng vai trò quan trọng, là động lực mới giúp bứt phá cho Thủ đô Hà Nội. Tuy vậy, một trong những khó khăn Dự án trọng điểm này phải đối mặt là công tác giải phóng mặt bằng. Đây là sức ép cho các địa phương. Từng địa phương phải đẩy mạnh giải phóng mặt bằng linh hoạt và chủ động.

Thực tế, với giải phóng mặt bằng, nhiều công trình lớn của Thủ đô đã gặp khó khăn, trễ tiến độ dự kiến cũng chỉ vì vướng mắc ở công tác giải phóng mặt bằng. Dự án Tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội là ví dụ. Dự án được phê duyệt đầu tư năm 2009 với thời hạn hoàn thành dự kiến năm 2018. Tuy nhiên, Dự án phải điều chỉnh kéo dài thời gian thực hiện đến năm 2027 do công tác giải phóng mặt bằng, di dời các công trình chậm. Đây là điều đáng tiếc và để khắc phục, Hà Nội đã và đang phải quyết liệt triển khai đốc thúc công tác này.

Trở lại với công tác giải phóng mặt bằng Dự án đường Vành đai 4, Hà Nội đã yêu cầu, các sở, ban, ngành; Ủy ban nhân dân các quận, huyện có liên quan chủ động rà soát, triển khai các nhiệm vụ được giao về công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, chuẩn bị đầu tư và triển khai các gói thầu thực hiện dự án theo thẩm quyền, quy định của pháp luật và các nội dung đã được UBND Thành phố phân cấp, ủy quyền.

Các quận, huyện đôn đốc các đơn vị trực thuộc chủ động, khẩn trương triển khai thực hiện các công việc liên quan; phối hợp chặt chẽ, kịp thời với các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan trong việc giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Kịp thời báo cáo Thành phố những nội dung vượt thẩm quyền. Các sở, ban, ngành Thành phố; Ủy ban nhân dân các quận, huyện cũng được yêu cầu phải chỉ đạo xử lý, giải quyết khẩn trương, kịp thời các hồ sơ, văn bản, công việc liên đến Dự án (giải quyết các hồ sơ, văn bản gửi đến liên quan đến Dự án trong thời gian 24 - 48h. Khi phát hành các văn bản gửi các cơ quan, đơn vị liên quan có đóng dấu hỏa tốc) để bảo đảm tiến độ thực hiện Dự án đầu tư.

Ông Nguyễn Chí Cường, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư, xây dựng các công trình giao thông thành phố Hà Nội cho biết, trong công tác đầu tư xây dựng Dự án thì việc giải phóng mặt bằng là công việc rất then chốt, ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Thành phố đang giao các quận huyện làm chủ đầu tư công tác giải phóng mặt bằng. Với công tác này, Ban Quản lý dự án Đầu tư, xây dựng các công trình giao thông thành phố Hà Nội sẽ tích cực phối hợp, hỗ trợ các quận huyện, nỗ lực cao nhất để đảm bảo tiến độ Dự án.

Giang Nam

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này