Gần 800 tác phẩm dự Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” năm 2022

17:41 | 07/11/2022
(LĐTĐ) Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” năm 2022 đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các nhà báo, cộng tác viên từ khá nhiều các cơ quan báo chí lớn ở Trung ương cũng như các địa phương trong cả nước. Các tác phẩm dự Giải đã bám sát các chủ đề lớn liên quan đến sự nghiệp giáo dục Việt Nam, thể hiện trong nhiều mặt khác nhau của đời sống đất nước.
Tổ chức Giải “Báo chí viết về ngành Giao thông vận tải” lần thứ IV năm 2022 - 2023 Giải Báo chí về phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh: Ngày càng khẳng định được vị thế Lễ trao Giải Báo chí về phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, lần thứ V - năm 2022

Chiều 7/11, tại trụ sở Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã diễn ra họp báo tổng kết Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” năm 2022.

Giải được tổ chức nhằm tôn vinh các tác giả có tác phẩm xuất sắc về sự nghiệp GD&ĐT của nước nhà và tôn vinh các tập thể, cá nhân tiêu biểu có nhiều cống hiến cho sự nghiệp trồng người; qua đó nhằm tuyên truyền, tôn vinh những đóng góp của ngành Giáo dục với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu tại Họp báo.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu tại họp báo.

Dự họp báo có: Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn; Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại - Trưởng Ban Tổ chức Giải Triệu Ngọc Lâm; Phó Chánh Văn phòng Bộ GD&ĐT Phạm Tiến Toàn; Phó Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam Trần Thái Sơn…

Phát biểu khai mạc họp báo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, hiện nay ngành Giáo dục đang thực hiện đổi mới theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Những tác phẩm dự thi năm nay mang tính thời sự cao, phản ánh chủ trương, chính sách của ngành, những tấm gương người tốt, việc tốt và những hoạt động thường xuyên của nhà trường, thầy cô giáo trên cả nước.

Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, đổi mới là việc khó, đổi mới trong GD&ĐT càng khó hơn. Trong hành trình đó, dù có nhiều bước đi khó khăn nhưng có nhiều đổi mới, sáng tạo, tâm huyết của các thầy cô giáo và học sinh. Khẳng định giáo dục là sự nghiệp của toàn dân, với sự chung tay của toàn xã hội, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn ghi nhận sự đóng góp quan trọng của báo chí trong việc giúp ngành Giáo dục tiếp tục hoàn thiện chính sách, tạo niềm tin của xã hội đối với giáo dục.

Nhân dịp này, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cũng gửi lời cảm ơn đến các tác giả tham gia Giải năm nay và mong muốn sẽ tiếp tục tham gia trong năm tới, để Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” ngày càng lan tỏa sâu rộng.

Ông Trần Thái Sơn (Phó Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Sơ khảo) cho biết: Ban Tổ chức đã nhận được gần 800 tác phẩm tham dự của 4 loại hình: Báo in, Báo điện tử, Phát thanh và Truyền hình. Kết quả chọn được 80 tác phẩm vào Chung khảo. Từ những tác phẩm này, Hội đồng Chung khảo đã đề xuất 1 giải Đặc biệt, 4 giải Nhất, 8 giải Nhì, 12 giải Ba, 28 giải Khuyến khích và 2 nhân vật tiêu biểu trong 2 tác phẩm đoạt giải.

Theo Hội đồng Giám khảo, chất lượng các tác phẩm dự thi năm nay khá tốt, phản ánh đậm nét về đời sống giáo dục và bám sát các vấn đề thời sự của ngành Giáo dục. Nhiều tác phẩm đã để lại ấn tượng sâu sắc bởi có sự đầu tư công phu từ nội dung cho đến hình thức thể hiện.

Ở lần tổ chức các năm trước, tác phẩm tham dự Giải đi sâu phân tích những vấn đề “nóng” của ngành và những câu chuyện cảm động của các nhà giáo cắm bản, bám trường, bám lớp, tình nguyện gieo chữ nơi rẻo cao xa xôi của Tổ quốc. Ở mùa Giải năm nay, bên cạnh những đề tài, câu chuyện nêu trên, các tác phẩm phản ánh rõ nét những vấn đề thời sự của ngành Giáo dục và mang đậm hơi thở cuộc sống.

Quảng cảnh Họp báo.
Quảng cảnh họp báo.

Nội dung các tác phẩm phản ánh đậm nét các mảng đề tài: Những tấm gương nhà giáo bình dị mà cao quý; các vấn đề lớn của ngành Giáo dục như phân luồng đào tạo, định hướng nghề nghiệp, tự chủ đại học, tâm lý học đường...; những vấn đề về giáo dục đang được dư luận xã hội quan tâm như “Xây dựng tổ hợp môn học lựa chọn lớp 10: Hài hòa lợi ích”, “Giáo dục: Một năm vượt khó”; nhóm đề tài về sự hỗ trợ của cộng đồng, cách làm giúp học sinh khó khăn, giáo dục truyền thống; những vấn đề giáo dục hiện nay, trong đó có nhiều bài có tính chất phản biện mạnh mẽ; những vấn đề về giáo dục vùng khó, trong đó có nhiều vùng sâu, vùng xa; những tấm gương thầy cô giáo, học sinh, sinh viên và những người tâm huyết với ngành Giáo dục; những vấn đề về lịch sử của ngành Giáo dục...

Nhìn chung, chất lượng tác phẩm đồng đều, khoảng cách giữa báo chí Trung ương và báo chí địa phương được thu hẹp. Nhiều tác phẩm chân thực, xúc động, lay động lòng người, thể hiện sự dấn thân của phóng viên, có tính lan tỏa cao trong xã hội.

Đặc biệt, năm nay, loại hình Phát thanh - Truyền hình có số lượng tác phẩm tăng nhiều hơn so với các năm trước, chất lượng cao hơn mọi năm cả về nội dung và hình thức.

Có thể khẳng định, Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” đã có sức hút mạnh mẽ với các nhà báo. Số đơn vị tham gia năm nay cũng rất đa dạng, trong đó có rất nhiều tỉnh, thành phố. Như vậy là so với nhiều mùa Giải trước thì số lượng tỉnh, thành phố tham gia đã phong phú, trải dài từ Bắc đến Nam. Chất lượng tác phẩm của các địa phương cũng đã được nâng cao, vì vậy số lượng tác phẩm đoạt giải của các địa phương cũng đã tăng nhiều so với các năm trước.

Giải được tổ chức thường niên, thể hiện sự quan tâm của Bộ GD&ĐT đối với các cơ quan thông tấn báo chí trên cả nước, bởi báo chí đã luôn đồng hành cùng ngành Giáo dục trong công cuộc đổi mới. Đây là giải thưởng có ý nghĩa xã hội, nhân văn sâu sắc. Thành công của Giải hôm nay cho thấy, vai trò của báo chí đối với sự nghiệp GD&ĐT của nước nhà và vai trò đặc biệt quan trọng của GD&ĐT với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

T.P

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này