Sẵn sàng tâm thế trở thành đô thị văn minh

14:42 | 08/11/2022
(LĐTĐ) Ngay sau khi về đích “huyện nông thôn mới” vào năm 2016, huyện Hoài Đức (Hà Nội) đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng tiêu chí theo hướng gắn với phát triển đô thị; với mục tiêu các xã trở thành phường, huyện trở thành quận. Hiện tại, nhiều đề án, dự án được triển khai đạt hiệu quả thiết thực, tạo bước chuyển biến căn bản và nhận được sự đồng thuận cao trong nhân dân.
Hà Nội: 5 huyện cần hoàn thành nông thôn mới nâng cao trước khi lên quận Hà Nội: Ủy quyền cho 5 huyện lập đề án thành lập quận

Gắn tiêu chuẩn đô thị

An Khánh là một trong những xã có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất huyện Hoài Đức, đến nay đã hoàn thành đủ 15/15 tiêu chí phường. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) xã An Khánh Nguyễn Hữu Đích cho biết, trên địa bàn xã có 7 thôn, 5 tổ dân phố và 4 khu đô thị với khoảng 50.000 dân với nhiều khu đô thị phát triển.

Nhờ xác định rõ mục tiêu lên phường, từ rất sớm, An Khánh đã tập trung triển khai công tác quy hoạch, tạo thuận lợi cho việc đầu tư xây dựng, hoàn thiện tiêu chí. Cùng với tiêu chí phường, xã tập trung xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao. Hiện nay, xã tập trung đầu tư để Trường Mầm non An Khánh B đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, đưa An Khánh về đích NTM nâng cao trong năm 2022.

Sẵn sàng tâm thế trở thành đô thị văn minh
Ngay sau khi về đích “huyện nông thôn mới” vào năm 2016, Hoài Đức đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng tiêu chí theo hướng gắn với phát triển đô thị.

Còn tại xã Lại Yên, để tiếp tục duy trì, từng bước nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng NTM gắn với các tiêu chí xây dựng xã thành phường và tiến lên NTM nâng cao, UBND xã đã thường xuyên tổ chức hội nghị giao ban công tác chỉ đạo, tổ chức theo định kỳ, cùng đó là tích cực tuyên truyền, vận động người dân chung tay xây dựng NTM. Về sản xuất nông nghiệp, Lại Yên là xã nằm trọn vẹn trong vùng quy hoạch phân khu đô thị của Thành phố, tuy nhiên trong khi Nhà nước chưa thu hồi đất, chính quyền vẫn tập trung chỉ đạo nhân dân tích cực sản xuất nhằm giải quyết việc làm cho số lao động lớn tuổi, tăng thu nhập cho nhân dân, góp phần đảm bảo nhu cầu lương thực, thực phẩm trên địa bàn.

Về công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, hiện trên địa bàn có 244 hộ sản xuất kinh doanh cá thể, có trên 40 công ty, doanh nghiệp, có 1 Quỹ tín dụng nhân dân và 1 Hợp tác xã nông nghiệp. Thu nhập bình quân đầu người năm 2010 của xã mới đạt 29 triệu đồng/năm thì năm 2021 đã là 65,9 triệu đồng/năm, xã không còn hộ nghèo, còn 47 hộ cận nghèo.

Giai đoạn 2016-2020 xã đã huy động được 485 tỉ đồng trong đó ngân sách huyện là 410 tỉ đồng, ngân sách xã là 11 tỉ, vốn ngoài ngân sách là 64 tỉ đồng cho xây dựng NTM. Kết quả đã xây mới 2 nhà văn hóa, nâng cấp, thảm nhựa được 6,9 km đường giao thông nông thôn, cải tạo, xây mới được 6,8km đường nội đồng; xây dựng mới 1 trường mầm non, cải tạo trường tiểu học và trung học cơ sở, xây mới trạm y tế, làm mới 4 vườn hoa, khu vui chơi công cộng... Nhờ đó mà mới đây Hội đồng thẩm định Thành phố đánh giá xã Lại Yên đạt 96,4/100 trong việc xây dựng NTM nâng cao và đã được trao chứng nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao vào tháng 10/2022 vừa qua.

Theo ông Nguyễn Ngọc Đức, Chủ tịch UBND xã Lại Yên, việc xây dựng xã NTM nâng cao phải trên cơ sở kế thừa, giữ gìn, phát huy và phát triển bền vững những giá trị, bản sắc văn hóa của địa phương, bảo tồn, nâng cấp những di tích lịch sử đã được công nhận, đây là tiền đề để phát triển, nâng cao chất lượng các tiêu chí trong xây dựng NTM. Đối với những tiêu chí đã đạt hàng năm cần bổ sung, nâng cấp, rà soát để đầu tư đảm bảo đạt. Thực hiện mạnh mẽ xã hội hóa để huy động các nguồn lực trong cộng đồng dân cư, người địa phương đi làm ăn xa quê thành đạt và cộng đồng doanh nghiệp tâm huyết với địa phương nằm tạo thêm nguồn vốn. Mục tiêu trong thời gian tới của Lại Yên sẽ là tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí xã NTM nâng cao, hướng đến xây dựng xã NTM kiểu mẫu, đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn đơn vị hành chính thành phường trước năm 2024.

Được biết, không chỉ riêng xã An Khánh và xã Lại Yên từ thực tiễn cơ sở, huyện Hoài Đức đã đối chiếu, so sánh các tiêu chí NTM nâng cao và tiêu chí đô thị, qua đó xây dựng kế hoạch “Thực hiện hoàn thành xây dựng NTM kiểu mẫu, NTM nâng cao năm 2022 gắn với thực hiện hoàn thành các tiêu chí xã thành phường, huyện thành quận theo Đề án xây dựng huyện Hoài Đức thành quận”.

Tìm nét đặc sắc riêng

Theo tìm hiểu, bộ tiêu chí xã NTM nâng cao của Hà Nội vẫn có 19 tiêu chí nhưng số chỉ tiêu cần thực hiện cao hơn Bộ tiêu chí quốc gia. Ví dụ, với tiêu chí số 2 về giao thông, mục 2.2 Bộ tiêu chí quốc gia quy định: “Đường thôn, bản, ấp và đường liên thôn, bản, ấp được cứng hóa”, Hà Nội yêu cầu: “Đường thôn, bản, ấp và đường liên thôn, bản, ấp được nhựa hóa hoặc bê tông hóa”. Hay với tiêu chí số 5 về trường học, Bộ tiêu chí quốc gia quy định: “Tỷ lệ trường học các cấp đạt tiêu chuẩn cơ sở vật chất mức độ 1 và có ít nhất 1 trường đạt tiêu chuẩn cơ sở vật chất mức độ 2”, Hà Nội đặt mục tiêu cao hơn: “Tỷ lệ trường học các cấp trên địa bàn xã đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 trở lên, trong đó có 1 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2”.

Nói như vậy để thấy, Hoài Đức hiện đang phải giải cùng lúc 2 bài toán, xây dựng NTM nâng cao và đáp ứng các tiêu chí lên quận. Hiện nay, Hoài Đức đã đạt 22/27 tiêu chí quận; có 3/19 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Huyện phấn đấu đến hết năm 2022 có thêm 4 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 1 xã NTM kiểu mẫu và đạt 24/27 tiêu chí quận. Trong số 27 tiêu chí quận đối với cấp huyện, Hoài Đức còn một số tiêu chí thực hiện khó khăn, như: Tiêu chí xử lý nước thải đô thị, tiêu chí cân đối thu - chi ngân sách... Với những tiêu chí này, huyện Hoài Đức đã có giải pháp như đề nghị Thành phố đẩy nhanh xây dựng các dự án nước thải tập trung; chủ động kêu gọi thu hút đầu tư, hình thành các dự án cụm công nghiệp mới để tăng nguồn thu…

Ngoài ra, huyện Hoài Đức cũng xác định phát huy triệt để những lợi thế của vùng ven bãi sông Đáy và vùng ven đô nơi có nhiều ngành nghề truyền thống và các trục đường giao thông lớn chạy qua như QL32, Đại lộ Thăng Long… nơi hội tụ các điều kiện để phát triển tổng hợp các lĩnh vực kinh tế sản xuất. Trong đó, ngoài nông nghiệp hàng hóa vùng bãi kết hợp du lịch sinh thái, Hoài Đức còn phát triển thương mại, dịch vụ, các khu đô thị, cơ cấu kinh tế bao gồm công nghiệp, thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, nông nghiệp. Riêng về thủ công nghiệp, hiện nay, toàn huyện Hoài Đức có 51/53 làng có nghề; có 12/51 làng được công nhận làng nghề truyền thống. Điển hình là các làng nghề truyền thống nổi tiếng: Điêu khắc sơn tạc tượng Sơn Đồng, bánh kẹo, dệt kim La Phù; chế biến nông sản Minh Khai, Dương Liễu, Cát Quế, La Phù, Ngự Câu… Sản phẩm từ các làng nghề được tiêu thụ trên toàn quốc và xuất khẩu sang một số nước trên thế giới.

Rõ ràng, với tinh thần đoàn kết và nỗ lực vượt khó, tin tưởng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hoài Đức sẽ tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng trên con đường xây dựng Hoài Đức trở thành một trong những khu vực đô thị phát triển toàn diện, sớm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Hoài Đức trở thành quận của Thủ đô Hà Nội./.

Hoài Đức là 1 trong 5 địa phương được Thành ủy Hà Nội đưa vào nghị quyết trong nhiệm kỳ 2021-2025 sẽ phát triển lên quận. Để thực hiện, huyện có nhiều điều kiện thuận lợi, trong đó được thành phố đặc biệt quan tâm về cơ chế, chính sách và nguồn lực. Do thực hiện các tiêu chí quận mà người dân được thụ hưởng những công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ngày một tốt hơn.

Tuấn Dũng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này