Xây dựng văn hóa giao thông ở Hà Nội: Con người vẫn là yếu tố quyết định!

18:44 | 03/11/2022
(LĐTĐ) Từ lâu, xây dựng văn hóa giao thông được xem là một trong những biện pháp quan trọng nhằm kéo giảm tai nạn giao thông. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều người tham gia giao thông vẫn có những ứng xử thiếu văn hóa, thiếu an toàn giao thông, gây nguy hiểm cho bản thân và người xung quanh. Điều này đòi hỏi các ban, ngành chức năng cần có thêm những giải pháp để tuyên truyền, nâng cao hơn nữa văn hóa người tham gia giao thông.
Xây dựng văn hóa giao thông từ trường học SEA Games 31: Mỗi người dân Thủ đô là một nhịp cầu, đại sứ hòa bình Xây dựng thói quen văn hóa giao thông

Loại trừ thói quen, hành vi chưa chuẩn mực

Văn hóa giao thông có thể hiểu là một bộ phận của văn hóa ứng xử nơi công cộng; là tập hợp các hành vi xử sự, ứng xử, chấp hành các quy định của pháp luật về giao thông, tuân thủ các chuẩn mực đạo đức khi tham gia giao thông.

Có tầm quan trọng là vậy, bởi thế nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, xây dựng văn hóa giao thông là việc làm thiết thực góp phần giảm tai nạn giao thông, bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe của mỗi người dân và cộng đồng.

Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, trong những năm qua và 5 tháng đầu năm 2022 mặc dù tai nạn giao thông tiếp tục giảm, nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp.

Cụ thể, tính riêng 5 tháng đầu năm 2022, trên toàn quốc đã xảy ra 4.733 vụ tai nạn giao thông, làm chết 2.761 người, làm bị thương 3.078 người, đồng thời đã xảy ra một số vụ tai nạn giao thông đường bộ nghiêm trọng gây thiệt hại lớn về người và tài sản.

Đáng chú ý, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng kể trên xuất phát từ việc một bộ phận người dân chưa chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông khi tham gia giao thông.

Tại Hà Nội, mặc dù có sự vào cuộc tích cực từ các ban, ngành chức năng, tuy nhiên trên các trục đường giao thông không khó để bắt gặp các hành vi như đi không đúng làn đường, vi phạm quy tắc tránh vượt, lấn trái đường, thiếu chú ý quan sát, không đảm bảo khoảng cách an toàn, vi phạm tốc độ, lạng lách, phóng nhanh vượt ẩu, không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ…

Xây dựng văn hóa giao thông ở Hà Nội: Con người vẫn là yếu tố quyết định!
Người tham gia giao thông đi ngược chiều, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn cho bản thân và những người xung quanh. (Ảnh: Đinh Luyện)

Đã có nhiều vụ tai nạn xảy ra do người tham gia giao thông đi ngược chiều, sai làn đường, phóng nhanh, vượt ẩu, vượt đèn đỏ... song không ít người vẫn cố tình vi phạm, coi thường tính mạng của bản thân và những người tham gia giao thông.

Trục đường Nguyễn Trãi (đoạn từ hầm chui Thanh Xuân tới cầu vượt Ngã Tư Sở) là ví dụ. Tại cung đường, mặc dù được Sở Giao thông vận tải Hà Nội thí điểm phân làn xe máy và ô tô bằng dải phân cách cứng, nhưng người điều khiển phương tiện giao thông vẫn đi khá lộn xộn, không tuân thủ theo biển báo, hướng dẫn, đi sai làn, lấn làn. Hệ lụy nhãn tiền là cảnh ùn tắc, xung đột thậm chí là va chạm giao thông xảy ra tương đối phổ biến.

Tại tọa đàm “Những nỗ lực giải cứu giao thông Hà Nội”, Thiếu tướng Lê Xuân Đức - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), cũng chỉ ra, một trong những yếu tố mấu chốt dẫn đến tình trạng giao thông “chưa văn hóa” bên cạnh yếu tố ý thức con người thì còn có nguyên nhân khách quan đó là hạ tầng giao thông chưa hoàn thiện.

Theo đó, thông thường, một đô thị triệu dân thì hệ thống xe buýt, tàu điện và các phương tiện giao thông công cộng khác cũng phải có quy mô tương ứng, nhưng hiện nay hệ thống này chưa đạt tới mức cần, nên tình trạng chen lấn, ùn tắc và hành vi, lối ứng xử không văn minh của người tham gia giao thông tiếp tục diễn ra ở nhiều nơi.

Xây dựng văn hóa giao thông ở Hà Nội: Con người vẫn là yếu tố quyết định!
Dù có cầu vượt dành riêng nhưng người đi bộ thản nhiên băng qua dòng phương tiện đông đúc. (Ảnh: Đinh Luyện)

“Với một điều kiện giao thông không ổn định, người tham gia giao thông bắt buộc phải chọn giải pháp đi thế nào là thuận lợi nhất. Thế nên mới có hiện tượng, trên đoạn đường ùn tắc, người ta có thể đi lên vỉa hè, đi ngược chiều, miễn sao đúng thời gian vào làm việc” - Thiếu tướng Lê Xuân Đức chia sẻ.

Bắt đầu từ ứng xử hàng ngày

Thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội được đẩy mạnh với hình thức đa dạng, phong phú. Trong đó, bên cạnh công tác tuyên truyền trên hệ thống thông tin truyền thông, các tổ chức xã hội, các đoàn thể cũng vào cuộc tích cực.

Chẳng hạn, ở góc độ thanh thiếu niên, Thành Đoàn Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền về an toàn giao thông cho thanh niên như xây dựng các mô hình: “Thanh niên với văn hóa giao thông”; “Kinh nghiệm giáo dục kiến thức về an toàn giao thông đối với đoàn viên, thanh niên”; “Văn hóa giao thông dưới góc nhìn người trẻ”; “Đội giao thông xanh”, “Đội tự quản 3+” (phối hợp với hội cựu chiến binh và hội phụ nữ trong bảo đảm trật tự văn minh đô thị)...

Thành lập, duy trì và tăng cường hoạt động của các đội thanh niên tình nguyện, thanh niên xung kích bảo đảm trật tự an toàn giao thông; nhân rộng mô hình “Cổng trường an toàn giao thông”, tuyên dương thanh, thiếu niên có thành tích xuất sắc trong tham gia bảo đảm an toàn giao thông.

Xây dựng văn hóa giao thông ở Hà Nội: Con người vẫn là yếu tố quyết định!
Lực lượng chức năng phân luồng giao thông. (Ảnh: Đinh Luyện)

Tương tự, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố cũng đẩy mạnh nhiều hoạt động thiết thực. Chẳng hạn, tại quận Hà Đông, nhận thức ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về an toàn giao thông cho hội viên, thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Hà Đông đã có nhiều chương trình, hoạt động mang ý nghĩa thiết thực, qua đó nâng cao nhận thức cũng như vai trò của hội viên phụ nữ trong việc chấp hành pháp luật về an toàn giao thông; xây dựng nhiều mô hình, cách làm hay và nhân rộng mô hình thực hiện đảm bảo an toàn giao thông đạt hiệu quả cao như: “Đoạn đường, tuyến phố an toàn do phụ nữ tự quản”, “Gia đình phụ nữ không vi phạm pháp luật về an toàn giao thông”, “Phụ nữ không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi buôn bán, họp chợ gây ách tắc và tai nạn giao thông”, “Đội mũ bảo hiểm cho trẻ em khi tham gia giao thông”... góp phần cùng các cấp, các ngành hạn chế tai nạn giao thông, giữ gìn trật tự văn minh đô thị.

Trở lại câu chuyện nâng cao ý thức người tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông, ông Nguyễn Văn Dư - Chuyên gia giao thông, cho rằng, để giải quyết những bất cập trong công tác quản lý cũng như nâng cao ý thức, chuẩn mực văn hóa giao thông, cần có sự chung tay của toàn xã hội nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý; đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, nhất là phải đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục văn hóa giao thông.

Đồng quan điểm này, nhiều ý kiến cũng cho rằng, để văn hóa giao thông “thấm sâu” thì cần đưa nội dung giáo dục, tuyên truyền, phổ biến quy định của luật pháp về giao thông vào chương trình giáo dục chính thức trong trường học. Qua đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm thực hành văn hóa giao thông trong cộng đồng. Ngoài ra, cần tuyên truyền mạnh mẽ nhằm làm lan tỏa những tấm gương, mô hình tiêu biểu trong việc thực hành văn hóa giao thông. Chỉ khi nào những nét văn hóa mới đủ sức thay thế và áp đảo những biểu hiện xấu thì lúc ấy, tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông mới có thể được giải quyết tận gốc.

Việc xây dựng văn hóa giao thông sẽ góp phần hạn chế ùn tắc, tai nạn giao thông trong điều kiện hạ tầng giao thông chưa theo kịp sự phát triển kinh tế - xã hội. Về lâu dài, việc xây dựng văn hóa giao thông sẽ tạo nên cơ sở vững chắc cho một nền giao thông hiện đại, văn minh, một môi trường giao thông an toàn, thân thiện, cho con người, vì con người.

Đinh Luyện

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này