Sửa Luật Đất đai: Giải quyết hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhân dân và doanh nghiệp

15:40 | 03/11/2022
(LĐTĐ) Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 4, sáng 3/11, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Các đại biểu tán thành cao sự cần thiết phải sửa đổi toàn diện Luật Đất đai hiện hành, đồng thời nhấn mạnh dự luật phải bảo đảm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 18-NQ/TW Trung ương 5 khóa XIII.
Thiết lập công cụ kiểm soát, khơi thông nguồn lực đất đai Đại biểu Quốc hội cảnh báo tình trạng các "dự án treo" có xu hướng tăng Chính phủ trình Quốc hội Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) với nhiều chính sách mới

Giải quyết hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhân dân và doanh nghiệp

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Đoàn Hà Nội) cho biết, vấn đề đất đai hiện tại có đến 112 luật, bộ luật có phạm vi liên quan hoặc tác động; trong đó, có đến 88 luật có quy định trực tiếp các vấn đề về quản lý đất đai; 24 luật, bộ luật tuy không có quy định trực tiếp nhưng cũng có những ảnh hưởng rất quan trọng đến việc quản lý và sử dụng đất đai. Do đó, việc sửa đổi Luật Đất đai phải làm sao bảo đảm được tính thống nhất, đồng bộ của cả hệ thống pháp luật.

Đại biểu cho rằng, giải pháp cơ bản để xử lý vấn đề này cần phải gắn với quá trình rà soát, hoàn thiện các quy định cụ thể trong Luật Đất đai và các luật có liên quan để loại bỏ những quy định còn mâu thuẫn, chồng chéo, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, chứ không nên giải quyết theo cách là xác định thứ tự ưu tiên đặc biệt của Luật Đất đai so với các luật khác.

Đại biểu Trần Sỹ Thanh (Đoàn Hà Nội) cho rằng, việc giải quyết hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhân dân và doanh nghiệp khi phát sinh chênh lệch về giá đất khi có sự chuyển đổi là điều hết sức quan trọng. Đây cũng là vấn đề phải bàn kỹ để bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc là tối thượng, lợi ích Nhà nước không bị xâm phạm.

Sửa Luật Đất đai: Giải quyết hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhân dân và doanh nghiệp
Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ 1.

Cho rằng việc giải quyết, tháo gỡ vấn đề phân cấp, phân quyền trong Luật Đất đai hiện nay rất chậm, đại biểu đề nghị cần phải có sự phân cấp, ủy quyền mạnh mẽ hơn cho Hội đồng nhân dân các cấp, kể cả cấp quận, huyện, thành phố, tỉnh nếu các cơ quan này thực sự phát huy được tính giao quyền, đủ kinh nghiệm, đủ trình độ, năng lực quản trị.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) nhận định, trước đây, khung giá đất do Nhà nước áp đặt theo ý chí chủ quan. Dự thảo đã bỏ khung giá đất, xây dựng bảng giá theo giá trị thị trường, tạo ra sự bình đẳng, tiến bộ. Điều này nếu thực hiện được thì sẽ xóa bỏ phần lớn bất cập trong công tác quản lý đất đai hiện nay.

Về thu hồi đất, đại biểu cho rằng, khi để người dân và nhà đầu tư tự thỏa thuận sẽ phát sinh vấn đề, đó là giá cao vọt hơn hẳn so với khi Nhà nước thu hồi vì mục đích quốc phòng an ninh, nên xảy ra bất bình đẳng, gây khiếu kiện. Đại biểu đề nghị, đất đai thuộc diện Nhà nước quyết định dự án đầu tư thì do Nhà nước thu hồi, chỉ thỏa thuận trong trường hợp khi một số người cùng góp chung vốn hoặc tự chuyển dịch.

Đại biểu cũng góp ý về hạn mức chuyển nhượng đất nông nghiệp trong dự thảo quy định một người được chuyển nhượng gấp 15 lần hạn điền. Theo đại biểu, đây là con số cảm tính, thiếu căn cứ và không nên quy định hạn mức chuyển nhượng, mà nên giao đất trong hạn điền, người dùng nhiều hơn thì thuê đất, khi đó sẽ hạn chế được chuyện đầu cơ đất đai.

Cụ thể hơn về điều kiện, tiêu chí đối với từng trường hợp thu hồi đất

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) băn khoăn về quy định thu hồi đất trong dự thảo Luật và đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát cụ thể hơn về điều kiện, tiêu chí đối với từng trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.

Theo đại biểu, việc thu hồi đất trên thực tế vừa qua đã gây bức xúc trong người dân liên quan đến vấn đề giá bồi thường. Đại biểu dẫn chứng, một khu đất của người dân khi được quy hoạch làm công viên, thì được thu hồi đất, đền bù với giá thấp hơn, trong khi đó, một khu đất kế bên nếu được quy hoạch sử dụng cho mục đích xây dựng nhà ở thương mại, thì được đền bù mức giá cao hơn. Từ thực tế này, đại biểu cho rằng, cần đưa ra một mặt bằng giá để bảo đảm quyền lợi cho người dân.

Sửa Luật Đất đai: Giải quyết hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhân dân và doanh nghiệp
Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ 7.

Đại biểu Lý Thị Lan (Đoàn Hà Giang) cho rằng, để làm rõ hơn trường hợp thu hồi đất vì mục đích công cộng, đồng thời phân biệt dự án công cộng có mục đích kinh doanh với không nhằm mục đích kinh doanh như dự thảo Luật, cần bổ sung về tiêu chí, điều kiện để xác định loại hình dự án công trình công cộng không nhằm mục đích kinh doanh hoặc giao cho cơ quan quy định cụ thể loại hình dự án công trình này để khi thực hiện sẽ không vướng mắc hoặc có nhiều cách hiểu khác nhau.

Nhằm khắc phục các vướng mắc trong thực tế triển khai, đảm bảo quyền lợi, tạo sinh kế bền vững cho người có đất thu hồi, bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ, góp phần giảm khiếu nại, khiếu kiện về đất đai, đại biểu Lý Thị Lan đề nghị trong vấn đề hỗ trợ tái định cư cần giao việc xây dựng các tiêu chí đánh giá về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ở khu tái định cư cho một cơ quan chịu trách nhiệm cụ thể như các điều luật khác đã quy định.

Cân nhắc thành lập “ngân hàng đất nông nghiệp”

Nhằm đảm bảo cho thu hồi đất, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Đoàn Ninh Thuận) cho rằng, việc quy hoạch đất ở các địa phương không nên có sự thay đổi nhiều vì sẽ tác động đến cuộc sống của người dân tại nơi sẽ phải thu hồi đất. Khi thu hồi đất, chính quyền địa phương cần đảm bảo cuộc sống, điều kiện sống của người dân nhưng cũng phải là được sinh sống tại khu vực bị thu hồi đất, chứ không nên di duyển người dân đến nơi quá xa nơi ở cũ.

Đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn Thanh Hóa) đề nghị cần rà soát lại các quy định trong dự thảo Luật, hạn chế giao cho Chính phủ quy định chi tiết. Theo đại biểu, không nên quy định phải tổ chức lấy ý kiến nhân dân vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm, vì khi xây dựng kế hoạch đã phải căn cứ vào quy hoạch được phê duyệt, nên việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân sẽ mất nhiều thời gian, không cần thiết và gây chậm trễ. Bên cạnh đó, cần có quy định cụ thể để phân loại các trường hợp vi phạm về đất để có biện pháp thu hồi cho phù hợp.

Về việc bổ sung quy định "ngân hàng đất nông nghiệp", đại biểu cho rằng, quy định này trong dự thảo Luật còn đơn giản, sẽ rất khó thực hiện, vì không rõ cơ quan chủ quản của ngân hàng này là cơ quan nào, ngân hàng đất nông nghiệp được lập ở cấp nào, cơ chế cho thuê, cho thuê lại cũng không rõ ràng... Đại biểu đề nghị cân nhắc, chưa nên thành lập ngân hàng này vì cơ sở dữ liệu đất nông nghiệp hiện nay chưa đầy đủ, không chính xác, có quá nhiều thay đổi chưa được cập nhật.

Phương Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này