Phía Đông Hà Nội sẽ sớm là một vùng đô thị sầm uất

16:12 | 03/11/2022
(LĐTĐ) Sở hữu hệ thống hạ tầng ngày càng hoàn thiện, cùng với quỹ đất rộng lớn, phía Đông Hà Nội dần trở thành thỏi nam châm thu hút đầu tư, kéo theo đó là cuộc di dân từ nội đô cũ sang các đô thị mới. Phía Đông Hà Nội được dự báo sẽ là một vùng đô thị sầm uất.
Sức sống ngập tràn trong “thành phố biển” ở phía Đông Hà Nội Review địa điểm vui chơi không thể bỏ qua phía Đông Hà Nội Quy hoạch đô thị ven sông Hồng: Điểm sáng phía Đông Hà Nội

Người Việt Nam có câu “nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận đàng” để chỉ về những lợi thế khi chọn vị trí định cư, phát triển cuộc sống lâu dài và bền vững. Chính vì vậy, các đô thị thường được gắn với những dòng sông. Với Hà Nội, phát triển thành phố lấy sông Hồng làm trục chính, mở rộng về phía Đông với những chuỗi đô thị hiện đại đang là hướng đi hứa hẹn nhiều tiềm năng phát triển to lớn.

Tại Diễn đàn "Hấp lực mới từ chuỗi đô thị ven sông Hồng - Chuyên đề II: Sức hút phía Đông Hà Nội", các chuyên gia đánh giá, với lợi thế là vị trí điểm đầu kết nối vùng vùng Thủ đô, Đông Hà Nội là nơi thích hợp nhất và hiện cũng đang sở hữu những yếu tố hoàn thiện nhất để trở trành trung tâm của chuỗi cung ứng dịch vụ phụ trợ khu công nghiệp, thu hút hàng vạn chuyên gia, nhân sự cao cấp.

Cùng đó, các dự án nhà ở sẽ được hưởng lợi từ việc di dân từ khu vực nội đô lịch sử tới các quận giáp ranh, nổi trội là khu vực phía Đông khi đã có một số dân cư phố cổ trước đây chuyển sang khu vực này sinh sống, do các điều kiện hạ tầng tốt cùng việc đi lại thuận tiện.

Phía Đông Hà Nội sẽ sớm là một vùng đô thị sầm uất
Phía Bắc và phía Đông Hà Nội ở bên kia sông Hồng với không gian phát triển khá rộng rãi. (Ảnh minh họa: CT)

Chia sẻ với báo chí, Giáo sư Đặng Hùng Võ cho biết, Hà Nội đã mở rộng trên cơ sở sáp nhập Hà Tây, huyện Mê Linh của Vĩnh Phúc và 4 xã của huyện Lương Sơn, Hòa Bình. Thị trường bất động sản Hà Nội đã có không gian rộng hơn để phát triển với quy hoạch hướng về phía Tây.

Các dự án bất động sản đã phát triển khá nhanh vượt qua Bắc, Nam Từ Liêm và Hà Đông, gắn với nhiều hạ tầng hiện đại. Ưu điểm chính là không gian phát triển rộng, có thể thể hiện được các yêu cầu hiện đại nhưng nhược điểm cũng thấy rõ - phía Tây là một vùng có địa hình trũng, luôn phải đối mặt với ngập lụt nặng mỗi khi mưa lớn.

Ngược lại lịch sử xa hơn, sau 3 năm khôi phục kinh tế - xã hội kể từ khi hòa bình lập lại vào năm 1954, không gian Hà Nội khi đó được xác định gồm 2 vùng đất có địa hình đủ cao có sông Hồng chảy qua chính giữa. Ý tưởng này là đúng, nhưng hiệu quả thực còn khiêm tốn vì thiếu những cây cầu kết nối qua sông Hồng. Tiếp theo, Hà Nội được mở rộng về phía Bắc thêm huyện Sóc Sơn gắn với sân bay Nội Bài. Cũng đã có lúc huyện Mê Linh đã sáp nhập vào Hà Nội rồi lại tách ra.

Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, khi nghiên cứu mở rộng Hà Nội, Ban Chỉ đạo đã đưa ra 5 phương án, trong đó phương án 1 được lựa chọn như hiện nay; các phương án từ 2 tới 4 là phương 1 mà thêm bớt, gia giảm chút ít. Chỉ phương án 5 mang theo một triết lý phát triển khác hơn.

Phương án 5 có tư duy giống như tư tưởng phát triển mới, lấy sông Hồng làm trung tâm và chia Hà Nội thành 2 nửa cân đối tả và hữu sông Hồng, cụ thể bao gồm Hà Nội cũ, Hà Đông và 4 huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín của Hà Tây; huyện Mê Linh và thị xã Phúc Yên của Vĩnh Phúc; huyện Từ Sơn và Thuận Thành của Bắc Ninh; huyện Văn Giang và Văn Lâm của Hưng Yên.

Theo phương án này, phía Bắc và phía Đông Hà Nội ở bên kia sông Hồng với không gian phát triển khá rộng rãi. Phía Tây và phía Nam Hà Nội ở bên này sông Hồng với không gian cũng tương đương. Hà Nội ôm lấy đoạn sông Hồng từ điểm cực Nam của Thường Tín - Văn Lâm tới điểm cực Bắc của Đan Phượng - Mê Linh. Phương án 5 càng có hiệu quả cao khi có một hệ thống nhiều cầu, hầm kết nối qua sông Hồng.

Một dòng sông lớn rất có ý nghĩa lớn về nhiều mặt đối với một thành phố. Không gian kinh tế rộng hơn, đa dạng hơn tạo nên mật độ kinh tế cao hơn. Sông lớn cũng là một giải pháp kết nối thành phố với nhiều trung tâm kinh tế khác tạo ra một tuyến giao thông - vận tải thuận tiện và công suất lớn. Mặt nước sông lại là một giải pháp môi trường rất phù hợp đối với không gian đô thị.

Về mặt phong thủy (tức là gió và nước), dòng sông luôn là yếu tố nước vận động tự nhiên làm ra sinh khí của vùng đất mà dòng sông đó chảy qua. Sông Hồng ở đoạn Hà Nội cũng tạo ra dáng vẻ uốn lượn, chần chừ như không muốn chảy ra biển. Đất Hà Nội như níu giữ dòng sông đứng lại, đừng chảy đi nữa.

Nhìn trực diện về địa hình, phía Bắc và phía Đông Hà Nội (bên kia sông Hồng) có địa hình cao, thoát nước rất nhanh và không bị ngập lụt do mưa lớn. Dáng địa hình cao này kéo tiếp đến phần bên này sông Hồng. Đi tiếp nữa lại là vùng trũng luôn bị ngập lụt.

“Chúng ta cần thay đổi cách nhìn về sông Hồng để lấy hết tiềm năng từ đó cho phát triển Hà Nội. Hãy để sông Hồng đóng vai tạo động lực kinh tế để phát triển Hà Nội. Một dải đất gắn với sông Hồng và đất phía Đông và phía Bắc Hà Nội phải trở thành đất vàng”, Giáo sư Đặng Hùng Võ phân tích.

Theo ông, trên thực tế, đất đai phía Đông Hà Nội còn rất hẹp, nên tính khan hiếm được đẩy lên khá cao. Trong đầu tư bất động sản, tính khan hiếm của đất đai luôn tạo nên lợi nhuận cao cả về giá trị bất động sản tăng lên, lẫn khai thác kinh doanh bất động sản đó. Gần đây, khá nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp đã quan tâm tới khu vực phía Đông Hà Nội. Sớm thôi, phía Đông Hà Nội sẽ là một vùng đô thị sầm uất.

Bảo Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này