Một số khoản thu ngân sách có dấu hiệu chững lại

13:59 | 03/11/2022
Theo Bộ Tài chính, thu ngân sách nhà nước đang có dấu hiệu chững lại khi những tháng gần đây, số thu nội địa bình quân đã thấp hơn so với trước đó. Số thu nội địa tháng 10 tiếp tục có xu hướng giảm do một số ngành, lĩnh vực hoạt động sản xuất - kinh doanh, thị trường tiêu thụ vẫn còn nhiều khó khăn.
Quận Thanh Xuân: Thu ngân sách 9 tháng đạt 88,06% dự toán Thành phố giao Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội: Tổng thu ngân sách 9 tháng ước đạt hơn 8.995 tỷ đồng Thu ngân sách Nhà nước tăng 16,2% so với cùng kỳ

Thu ngân sách nhà nước (NSNN) tháng 10 ước đạt 130,3 nghìn tỷ đồng, trong đó: Thu nội địa ước đạt 110,1 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 37,1 nghìn tỷ đồng so với tháng trước, chủ yếu do một số khoản thu chế độ cho phép thu theo quý (như: thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng của hộ kinh doanh, lợi nhuận sau thuế, chênh lệch thu chi ngân hàng nhà nước...) phát sinh quý III các doanh nghiệp đã kê khai nộp trong tháng 10 và thực hiện thu vào NSNN tiền thuế, tiền thuê đất đã hết thời gian được gia hạn theo Nghị định số 34/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 của Chính phủ.

Tổng chi cân đối ngân sách nhà nước tháng 10 ước đạt 136,9 nghìn tỷ đồng. Lũy kế chi 10 tháng ước đạt 1.219,2 nghìn tỷ đồng, bằng 68,3% dự toán, tăng 6% so cùng kỳ năm 2021, trong đó: chi đầu tư phát triển ước đạt 297,8 nghìn tỷ đồng, bằng 56,6% dự toán Quốc hội quyết định, đạt 51,34% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; chi trả nợ lãi ước đạt gần 78,3 nghìn tỷ đồng, bằng 75,5% dự toán; chi thường xuyên ước đạt 841,3 nghìn tỷ đồng, bằng 75,7% dự toán.

Tuy nhiên, không kể các khoản tăng thu này, số thu nội địa tháng 10 tiếp tục có xu hướng giảm, do một số ngành, lĩnh vực hoạt động sản xuất - kinh doanh, thị trường tiêu thụ vẫn còn nhiều khó khăn, chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển tăng cao do ảnh hưởng của giá xăng dầu, nguyên liệu đầu vào, lãi suất, tỷ giá tăng, suy giảm kinh tế trên toàn cầu.

Theo thống kê của Bộ Tài chính, thu nội địa bình quân 5 tháng đầu năm đạt 130,8 nghìn tỷ đồng/tháng, từ tháng 6 đến nay thu bình quân chỉ đạt gần 100 nghìn tỷ đồng, trong đó thu tháng 9 chỉ còn 71,2 nghìn tỷ đồng, tháng 10 không kể các khoản thu kê khai thu theo quý nộp thì số thu chỉ đạt khoảng 70 nghìn tỷ đồng.

Trong tháng 10, thu từ dầu thô ước đạt 6,2 nghìn tỷ đồng, xấp xỉ mức thu tháng trước. Thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt gần 14 nghìn tỷ đồng, trên cơ sở tổng số thu thuế đạt gần 32,1 nghìn tỷ đồng, giảm khoảng 500 tỷ đồng so tháng trước; hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ khoảng 18,1 nghìn tỷ đồng.

Lũy kế 10 tháng thu NSNN ước đạt 1.464,3 nghìn tỷ đồng, bằng 103,7% dự toán (ngân sách trung ương ước đạt 103,6% dự toán; ngân sách địa phương ước đạt 103,8% dự toán), tăng 16,2% so cùng kỳ năm 2021.

Trong đó: Thu nội địa ước đạt 1.157,7 nghìn tỷ đồng, bằng 98,4% dự toán, tăng 12,1% so cùng kỳ năm 2021. Không kể thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, thu hồi vốn, thu cổ tức, lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế và chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước, số thu thuế, phí nội địa đạt 96,3% dự toán, tăng 7,2% so với cùng kỳ.

Theo Bộ Tài chính, đến hết tháng 10, có 6 khoản thu đến nay đã vượt dự toán là: thuế thu nhập cá nhân; các loại phí, lệ phí; các khoản thu về nhà, đất; thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, thu quỹ đất công ích và hoa lợi công sản khác và thu khác ngân sách.

Có 2 khoản thu chưa đảm bảo tiến độ dự toán là thu thuế bảo vệ môi trường (đạt 65,3% dự toán) và thu hồi vốn, thu cổ tức, lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế, chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước (đạt 77,5% dự toán).

Đáng lưu ý, các khoản thu trực tiếp từ hoạt động sản xuất - kinh doanh ở 3 khu vực kinh tế (chiếm 52% dự toán tổng số thu nội địa) ước đạt 91,8% dự toán. Cụ thể: thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 91,9% dự toán; thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 87,4% dự toán; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 95,3% dự toán.

Xét theo sắc thuế: số thu thuế tiêu thụ đặc biệt ước đạt 100,7% dự toán, tăng 27,4% so cùng kỳ, chủ yếu tăng thu từ hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô trong những tháng đầu năm khi thực hiện chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ theo Nghị định số 103/2021/NĐ-CP (áp dụng từ ngày 1/12/2021 đến 31/5/2022); thuế tài nguyên ước đạt 103,5% dự toán, chủ yếu tăng thu từ các nhà máy thủy điện; thu khí thiên nhiên ước đạt 167,3% dự toán, chủ yếu do giá khí tăng.

Về số thu trên địa bàn, ước tính có 62/63 địa phương thực hiện thu nội địa 10 tháng tiến độ đạt trên 85% dự toán; 51/63 địa phương thu cao hơn so với cùng kỳ, 12 địa phương thu thấp hơn so với cùng kỳ.

Như vậy, mặc dù thu NSNN năm 2022 đã đảm bảo đạt và vượt dự toán, nhưng vẫn còn một số khoản thu có xu hướng giảm trong những tháng gần đây. Bên cạnh việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hỗ trợ doanh nghiệp, ngành Tài chính tiếp tục triển khai nhiều giải pháp thu hồi nợ thuế, tăng cường thanh kiểm tra, nhằm thu đúng, thu đủ về ngân sách.

Tính đến hết ngày 15/10/2022, cơ quan Thuế đã thực hiện gần 53 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra; kiểm tra 546,3 nghìn hồ sơ khai thuế của doanh nghiệp; qua đó kiến nghị xử lý tài chính 48,35 nghìn tỷ đồng, trong đó thu nộp NSNN khoảng 11,56 nghìn tỷ đồng (đã nộp vào ngân sách khoảng 6,6 nghìn tỷ đồng), giảm khấu trừ và giảm lỗ 36,8 nghìn tỷ đồng; đôn đốc thu hồi và xử lý nợ đọng thuế ước đến hết 10 tháng là 27,94 nghìn tỷ đồng; xử lý khoanh nợ tiền, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp theo Nghị quyết 94/2019/QH14 của Quốc hội là 2,41 nghìn tỷ đồng (lũy kế từ ngày 1/7/2020 đến hết tháng 10/2022 gần 34,9 nghìn tỷ đồng).

Tính đến 15/10, cơ quan Hải quan đã thực hiện hơn 2,5 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra, xử lý thu vào NSNN gần 272 tỷ đồng; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, bắt giữ 13,7 nghìn vụ vi phạm với giá trị hàng hóa khoảng 4,8 nghìn tỷ đồng, xử lý thu vào NSNN khoảng 364 tỷ đồng.

Bảo Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này