Nhà vệ sinh công cộng cũ trong khu dân cư: Nên quy hoạch làm điểm sinh hoạt cộng đồng

09:19 | 03/11/2022
(LĐTĐ) Cùng với quá trình đô thị hóa, nhiều nhà vệ sinh kiểu cũ được xây dựng từ thời bao cấp đã nằm “lọt thỏm” giữa các khu dân cư, điều này không những gây mất vệ sinh môi trường trong khu vực mà còn tạo ra các “điểm nóng” về trật tự đô thị. Để xử lý vấn đề này, chính quyền địa phương một số nơi đã có sáng kiến sửa chữa, chuyển đổi công năng các nhà vệ sinh kiểu cũ này thành nhà sinh hoạt cộng đồng. Việc làm này không những xử lý được các “điểm nóng” mà còn tranh thủ được sự đồng thuận của người dân.
Nhếch nhác ... nhà vệ sinh công cộng Nhà vệ sinh công cộng trong khu dân cư: Cần chuyển đổi công năng để tăng hiệu quả

Những ngày đầu tháng 11/2022, chúng tôi đến địa bàn dân cư số 22, phường Vĩnh Tuy, quận Hà Bà Trung, Hà Nội. Ông Trần Thanh Tùng, tổ trưởng tổ dân phố 22 đưa chúng tôi đi thăm khu nhà sinh hoạt cộng đồng có diện tích 56m2 (đã bao gồm công trình phụ) khang trang, sạch đẹp. Chỉ tay về phía người dân đang vui chơi, ông Tùng cho hay, thời gian trước, khu vực này là nhà vệ sinh công cộng của khu dân cư.

Được xây dựng từ thời bao cấp, trải qua thời gian, nhà vệ sinh công cộng trở thành gánh nặng và là nguyên nhân gây mất mỹ quan tại các khu dân cư. Nhưng, cách đây 3 năm (2019), Thành phố đã đồng ý cho chính quyền địa phương chuyển đổi sang xây dựng thành nhà cộng đồng, nơi sinh hoạt chung của dân cư.

Nhà vệ sinh công cộng cũ trong khu dân cư: Nên quy hoạch làm điểm sinh hoạt cộng đồng
Nhà sinh hoạt cộng đồng trên địa bàn dân cư số 22, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Điều này được rất nhiều người dân hoan nghênh và đồng tình hưởng ứng, ông Trần Thanh Tùng hồ hởi cho biết. Theo ông Tùng, từ khi được chuyển đổi công năng sử dụng của nhà vệ sinh công cộng đã góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường, đồng thời khu dân cư có thêm điểm sinh hoạt tập thể. Đến nay, nhà sinh hoạt cộng đồng đã trở thành địa chỉ sinh hoạt khá sôi động của các câu lạc bộ người cao tuổi, các buổi họp tổ dân phố, tổ chức các hoạt động nhân ngày lễ kỷ niệm của quê hương đất nước, ngày hội đại đoàn kết dân tộc và một số hoạt động khác của tổ và phường đều sử dụng nhà sinh hoạt cộng đồng. Đây có thể xem là bước đổi mới trong việc cải thiện cảnh quan môi trường tại các khu dân cư đông đúc của Hà Nội.

Theo thống kê của ngành Văn hóa - Thể thao, tính đến tháng 3/2022, toàn thành phố Hà Nội có 30 thiết chế văn hóa thể thao cấp thành phố, 57 thiết chế văn hóa thể thao cấp huyện, 136 trung tâm văn hóa, thể thao cấp xã, 4.277 nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng tại các thôn, tổ dân phố. Toàn Thành phố có 136/579 xã, phường, thị trấn có công trình trung tâm văn hóa, thể thao cấp xã, đạt 24%. Trong đó, có 2.283 nhà văn hóa thôn, đạt 97%; 1.993 nhà văn hóa, điểm sinh hoạt tổ dân phố (đạt 65,5%); còn 9/30 quận, huyện “trắng” trung tâm văn hóa cấp xã. Trong tổng số hơn 4.200 nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng thôn, tổ dân phố, có hơn 1.900 nhà văn hóa đáp ứng tiêu chí cơ bản về quy mô, diện tích xây dựng, trang thiết bị; hơn 2.100 nhà văn hóa chưa đáp ứng các tiêu chí cơ bản; 187 nhà văn hóa xuống cấp không bảo đảm điều kiện sinh hoạt…

Cùng quan điểm trên, ông Đặng Sơn Thành, Bí thư Chi bộ - Trưởng Ban công tác Mặt trận địa bàn dân cư số 27, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho rằng, được xây dựng từ thời bao cấp, đến nay các nhà vệ sinh công cộng tại các con ngõ nhỏ của Thành phố vẫn “gắng gượng” để tồn tại, dường như lại trở thành gánh nặng và là nguyên nhân gây mất mỹ quan tại các khu dân cư. Hiện ông Thành và một số người dân khác trong khu dân cư số 27 đang trông coi, quản lý khu nhà sinh hoạt cộng đồng cao 3 tầng, có diện tích 72m2 (đã bao gồm công trình phụ). Khu nhà được xây dựng trên nền của nhà vệ sinh đã có cách đây hơn 30 năm.

Khoe với chúng tôi về chiếc bàn bóng bàn do người dân trong khu dân cư trang bị, ông Thành nói: Sau khi được sự quan tâm của Thành phố và chính quyền địa phương, nhà sinh hoạt cộng đồng địa bàn dân cư số 27được đầu tư, cải tạo, cơ sở vật chất tương đối đảm bảo được nhu cầu vui chơi, giải trí và luyện tập thể thao của người dân. Điều quan trọng hơn, nơi này đã trở thành địa chỉ vui chơi lành mạnh cho các em thiếu nhi, là địa điểm sinh hoạt của những người cao tuổi và rèn luyện sức khỏe của đông đảo quần chúng nhân dân. Nhà sinh hoạt cộng đồng đã phát huy hiệu quả của một thiết chế văn hóa ở cơ sở, bước đầu đáp ứng được nhu cầu giải trí, luyện tập thể dục thể thao và khu vui chơi cho trẻ em, thu hút đông đảo người dân, góp phần nâng cao đời sống văn hóa ở khu dân cư.

Nhằm giúp người dân nâng cao đời sống tinh thần, sử dụng có hiệu quả các Nhà sinh hoạt cộng đồng tại các khu dân cư, thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng đã đưa ra nhiều giải pháp phát huy tối đa hiệu quả của Nhà sinh hoạt cộng đồng trên địa bàn phường”, ông Trần Nam Sơn, Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Tuy cho biết.

Thực tế cho thấy, tại nhiều khu dân cư riêng biệt, hầu hết các hộ dân đã có nhà vệ sinh riêng và không còn nhu cầu sử dụng nhà vệ sinh công cộng. Nhà vệ sinh công cộng trong các khu dân cư riêng biệt được xây dựng từ thời bao cấp, thường là nơi các đối tượng tệ nạn xã hội tập trung, gây mất trật tự an ninh, làm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân quanh khu vực.Do đó, cần thêm những giải pháp thiết thực nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của người dân.

Minh Phương

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này