Bến xe miền Đông mới khi nào thực sự “mới”?

09:32 | 03/11/2022
(LĐTĐ) Mặc dù đã hoàn thành, đưa vào khai thác 2 năm nay nhưng công suất hoạt động của bến xe miền Đông mới, thành phố Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) vẫn chưa được như mong muốn. Người dân ít đi lại, hàng trăm chuyến xe bỏ bến, hình thành nên nạn “xe dù, bến cóc”, trong khi chủ đầu tư chưa thể hoàn vốn đầu tư khi nhiều mặt bằng trong bến xe chưa được cho thuê do bến xe chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Sẽ xây dựng Bến xe Miền Đông mới Rà soát xe khách bỏ bến, thu hồi phù hiệu xe không hoạt động

Hàng trăm chuyến bỏ bến

Mặc dù vào dịp cuối tuần, bến xe miền Đông mới vẫn thưa vắng hành khách. Khu vực bán vé, nhà chờ vắng bóng người. Nhiều chuyến xe nằm dài trong bến, đến giờ xuất bến chỉ “lèo tèo” dăm ba hành khách. Có mặt tại bến xe Miền Đông mới trong những ngày đầu tháng 11/2022, phóng viên Báo Lao động Thủ đô chứng kiến không khí “đìu hiu” của bến xe khi trong bến chỉ có vài hành khách đứng chờ cùng với một số nhân viên bảo vệ.

Bến xe miền Đông mới khi nào thực sự “mới”?
Bến xe miền Đông mới hoạt động 2 năm nay nhưng thường xuyên “ế ẩm”.

Đi vào phía trong khu vực bán vé, dù có hàng chục quầy vé đã được bố trí nhưng hiếm hoi mới có một vài hành khách tới mua hoặc tìm hiểu thông tin chuyến đi. Một nhân viên của nhà xe Phương Trang cho biết: Từ khi chuyển từ bến xe Miền Đông cũ về đây, ngày nào đông thì được chục khách, có ngày không có khách nào. “Ở bến xe mới này chủ yếu tiếp nhận khách từ bến xe cũ tới rồi lên xe đi thôi, chứ khách ra đây mua vé ít lắm”, nhân viên này cho biết.

Trong khi đó một nhân viên bán vé của nhà xe chạy tuyến TP.HCM - Quảng Ngãi cho hay, do bến xe Miền Đông mới xa trung tâm Thành phố không tiện cho việc đi lại của người dân. Hành khách phàn nàn việc từ các quận trung tâm bắt xe về bến xe Miền Đông cũ chỉ tốn khoảng 100.000 đồng nhưng ra bến xe mới mất thêm 100.000 đồng nữa. Đây cũng là lý do tại sao hiện nay hành khách không chịu đến bến xe mới mà bắt xe dọc đường hoặc gọi điện xe đến đón tại nhà.

Ông Võ Khánh Hưng - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM cho biết: Từ ngày 1/10, khi di dời các tuyến xe từ bến xe miền Đông cũ (quận Bình Thạnh) sang bến xe miền Đông mới tại thành phố Thủ Đức, mỗi ngày tại bến xe mới giảm gần 300 chuyến so với khi hoạt động tại bến cũ. Trong đó có 160 chuyến không vào bến xe mới mà chuyển sang hoạt động tại các bến xe khác như bến xe miền Tây, Ngã Tư Ga, An Sương…

Với 140 chuyến xe còn lại, theo nhận định của đại diện Sở GTVT TP.HCM - có thể một số nhà xe không chấp hành việc di dời, không vào bến mà dừng đón khách ở một số địa điểm tập kết… ở gần bến xe cũ như số nhà 397 Đinh Bộ Lĩnh hoặc 1 số cây xăng dọc Quốc lộ 13, gần cầu Sài Gòn, gần ngã tư Bình Phước, khu vực quận 12…

Ông Võ Khánh Hưng cũng thừa nhận vấn nạn “xe dù bến cóc” hoạt động sai quy định đã kéo dài trong nhiều năm qua. Cùng với việc dời bến xe miền Đông cũ sang bến xe miền Đông mới khiến tình trạng này lại tái diễn nhiều hơn.

Trước thực trạng đó, lãnh đạo Sở GTVT đã chỉ đạo Thanh tra Sở tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vấn nạn xe dù bến cóc, nhất là vào dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán sắp tới; điều chỉnh vị trí gắn camera để chuyển hình ảnh về trung tâm phục vụ cho việc phạt nguội. Trong trách nhiệm của mình, Thanh tra Sở GTVT cũng đã bố trí các đội thường xuyên túc trực tại bến xe miền Đông cũ và mới, một đội ở khu vực đường Điện Biên Phủ, Quốc lộ 13, khu vực Suối Tiên...

Ngoài ra Sở GTVT cũng chỉ đạo tăng cường xe trung chuyển, xe buýt kết nối với bến xe miền Đông mới; nghiên cứu phương án cấm xe khách giường nằm trên 30 chỗ vào nội đô, nếu được UBND TP.HCM chấp thuận sẽ áp dụng trước Tết Nguyên đán 2023. Phía bến xe miền Đông mới cũng sẽ nâng cao chất lượng phục vụ, cơ sở hạ tầng, lắp đặt bảng biểu chỉ dẫn, tổ chức nhà vệ sinh không thu phí, đưa vào các dịch vụ như quầy ATM, thức ăn, nước uống… Bến xe sẽ đầu tư nơi nghỉ ngơi cho hành khách và tài xế.

Khó chồng khó

Theo đại diện Sở GTVT TP.HCM và chủ đầu tư, có nhiều nguyên nhân khiến hàng trăm chuyến bỏ bến xe miền Đông mới. Cụ thể, vị trí bến xe miền Đông mới nằm cách xa trung tâm Thành phố và bến xe miền Đông cũ trong khi thói quen đi lại của người dân vẫn chưa thay đổi. Trong khi đó, tình trạng “xe dù, bến cóc”, “xe trá hình” hoạt động ngày càng tinh vi, phức tạp tại khu vực trung tâm Thành phố; các bãi giữ xe, các trạm tiếp nhiên liệu thường xuyên tổ chức đón, trả khách.

Cùng với đó, bến xe miền Đông mới đưa vào hoạt động từ ngày 10/10/2020 đã chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19; dự án giao thông xung quanh chưa hoàn thiện. Hiện trong bến xe Miền Đông mới vẫn còn trường hợp nhà người dân chưa được giải phóng mặt bằng, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh trong bến xe cũng như ảnh hưởng đến việc triển khai các công trình xây dựng trong bên.

Bến xe miền Đông mới khi nào thực sự “mới”?
Thưa vắng hành khách mua vé tại bến xe miền Đông mới.

Đáng chú ý là vừa qua Bộ GTVT ban hành Quyết định số 927/QĐ-BGTVT công bố danh mục chi tiết mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh đường bộ toàn quốc đến năm 2025, trong đó bổ sung các tuyến đường mới như Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Gia Lai, Kon Tum… vào hoạt động tại bến xe miền Tây, trong khi những tuyến đường này trước đây nằm trong danh sách các tuyến đường di dời từ bến xe miền Đông cũ sang bến xe miền Đông mới. Điều này dẫn tới việc, bến xe miền Đông mới đã bị mất đi rất nhiều tuyến đường khai thác về các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, nhiều đơn vị kinh doanh vận tải đã dời địa điểm hoạt động sang bến xe miền Tây.

Ngoài ra, do bến xe miền Đông mới chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên chủ đầu tư chưa thể ký kết với đối tác cho thuê mặt bằng để thu hồi vốn. Để gỡ khó cho bến xe miền Đông mới, về vấn đề pháp lý đất đai, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương xem xét, giải quyết nội dung kiến nghị của Samco về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, báo cáo UBND Thành phố trước ngày 15/11...

Đại diện Samco cũng đề nghị Sở GTVT sớm ban hành phân luồng các tuyến vận tải hành khách theo tuyến cố định tại các bến xe khách liên tỉnh trên địa bàn Thành phố. Cụ thể, bến xe miền Tây tiếp nhận các tuyến đường hướng đi - đến các tỉnh - thành thuộc khu vực miền Tây. Bến xe ngã Tư Ga và bến xe miền Đông cũ tiếp nhận các tuyến đường hướng đi - đến các tỉnh - thành thuộc khu vực Tây Nguyên. Bến xe miền Đông mới tiếp nhận các tuyến đường hướng đi - đến các tỉnh - thành thuộc khu vực miền Bắc, miền Trung, miền Đông Nam bộ, mở mới các tuyến đi Tây Nguyên qua hành trình đường tỉnh 743. Trường hợp các tuyến đường đi ngang qua thành phố HCM, sử dụng các trục đường vành đai để đi về khu vực miền Bắc, miền Trung, Tây Nguyên và miền Tây.

Bên cạnh đó, đại diện Samco cũng đề nghị lực lượng chức năng xử lý nghiêm hành vi vi phạm trật tự vận tải như “bến lậu”, “xe trá hình”, xe chạy sai hành trình trên địa bàn; xử lý triệt để các điểm xe đón trả khách trong nội thành, các bãi đậu, giữ xe thực hiện đúng chức năng trông giữ xe theo quy định. Sở GTVT TP.HCM sớm báo cáo Bộ GTVT cho Samco được thí điểm phương án kết hợp với một đơn vị vận tải trung gian để thực hiện việc chuyển hành khách từ các khu vực trong thành phố đến bến xe miền Đông mới và ngược lại. /.

Bến xe miền Đông mới được đầu tư hơn 4.000 tỉ đồng, trong đó giai đoạn một khoảng 740 tỉ đồng. Đây là bến xe lớn nhất nước, phục vụ hơn 7 triệu lượt khách mỗi năm. Các tuyến hoạt động tại bến xe miền Đông mới gồm các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và phía Bắc. Bến xe Miền Đông mới chính thức hoạt động giai đoạn 1 kể từ ngày 10/10/2020 với tổng số tuyến đường di dời theo quy hoạch bao gồm 71 tuyến đường. Hiện đang hoạt động tại bến xe Miền Đông cũ 29 tuyến đường. Đến nay hàng trăm tỷ đồng đã đầu tư vào dự án đang đứng trước nguy cơ kém hiệu quả.

X.Tình – T.Đồng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này