Tỉ trọng hàng Việt Nam có thế mạnh chiếm 60% tại các chợ truyền thống

20:54 | 31/10/2022
(LĐTĐ) Theo Bộ Công Thương, tỉ trọng hàng Việt Nam có thế mạnh tại hệ thống phân phối hiện đại trong nước từ 80% - 90% và trên 60% tại các chợ truyền thống...
Vietnam Airlines và Vinatex hợp tác đẩy mạnh “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” Tài chính tiêu dùng - Kênh dẫn vốn hiệu quả với người yếu thế Mở rộng tiềm năng ứng dụng Blockchain trong ngành tài chính - ngân hàng

Cuối tuần qua, lễ hội “Tự hào hàng Việt Nam - Tinh hoa hàng Việt Nam” đã chính thức được khai mạc tại Hà Nội. Đây là hoạt động thường niên của Bộ Công Thương nhằm hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động.

Tỉ trọng hàng Việt Nam có thế mạnh chiếm 60% tại các chợ truyền thống
Nhân lên niềm tự hào hàng Việt qua Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" (ảnh Nguyễn Hường)

“Tự hào hàng Việt Nam - Tinh hoa hàng Việt Nam” là một trong những hoạt động trọng tâm của Chương trình Nhận diện hàng Việt Nam năm 2022, thuộc Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021 - 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 386/QĐ-TTg ngày 17/3/2021.

Với thông điệp xây dựng hệ sinh thái cộng đồng doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng Việt Nam, lễ hội “Tự hào hàng Việt Nam - Tinh hoa hàng Việt Nam” năm 2022 có nhiều điểm mới, với hàng loạt các hoạt động gắn kết các các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp đầu mối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, hộ nông dân tạo ra hệ sinh thái cộng đồng doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng Việt Nam.

Chương trình có sự góp mặt của gần một trăm đơn vị đến từ các tập đoàn sản xuất, phân phối lớn tới các hợp tác xã, hộ sản xuất nhỏ miền núi vùng sâu, vùng xa và hải đảo. Lễ hội đã đem đến những sản phẩm tinh hoa hàng Việt phong phú, đa dạng.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Phó trưởng ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, chúng ta vừa trải qua đợt dịch bệnh Covid-19 và biến động của tình hình địa chính trị diễn ra trên quy mô toàn cầu. Hậu quả của các cuộc khủng hoảng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh nghiệp, đời sống của nhân dân, chuỗi cung ứng sản xuất và phân phối hàng hóa của Việt Nam nói riêng, và của cả thế giới nói chung.

Tuy nhiên, đây cũng là khoảng thời gian cho thấy sức sống mãnh liệt của hàng Việt và vai trò vô cùng quan trọng của thị trường trong nước đối với nền kinh tế Việt Nam. Khi thế giới phải phong tỏa vì dịch bệnh, khi nguồn cung và nhu cầu bị gián đoạn, nhiều chỉ số kinh tế sụt giảm, thì các hoạt động bán lẻ hàng hóa tại Việt Nam nổi lên như một bức tường thành vững chắc, bảo vệ nền kinh tế Việt Nam khỏi những biến động từ bên ngoài.

Đặc biệt, trong nhiều chỉ số kinh tế, sự tăng trưởng bán lẻ hàng hóa là điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam được duy trì vững chắc, được phát huy từ Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động 13 năm trước đây. Tỉ trọng hàng Việt Nam có thế mạnh tại hệ thống phân phối hiện đại trong nước từ 80% - 90% và trên 60% tại các chợ truyền thống.

Tỉ trọng hàng Việt Nam có thế mạnh chiếm 60% tại các chợ truyền thống
Tỉ trọng hàng Việt Nam có thế mạnh chiếm 60% tại các chợ truyền thống (ảnh Nguyễn Hường)

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng cho biết, để triển khai có hiệu quả Cuộc vận động trong giai đoạn mới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục bám sát các chủ trương của Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động, phối hợp với các thành viên trong Ban chỉ đạo và các địa phương trong xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện.

Đồng thời, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, nâng cao ý thức thực thi công vụ của cán bộ, công chức trong ngành nhằm truyền cảm hứng đến xã hội về một nền hành chính hiệu lực, hiệu quả.

Sau gần 3 năm ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề, nhiều quốc gia rơi vào tình trạng suy thoái, tuy nhiên, kinh tế Việt Nam vẫn giữ được sự ổn định, tăng trưởng dương… Có được thành tựu đó, bên cạnh đường lối, chủ trương đúng đắn của Đảng, giải pháp quyết liệt của Chính phủ thì sự đoàn kết, đồng thuận của nhân dân Việt Nam trong đó có cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam là yếu tố làm nên sức mạnh, giúp đất nước ta vượt qua khó khăn.

Trong gian khó, những hoạt động kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp được Bộ Công Thương triển khai thực hiện, đã động viên, khích lệ các doanh nghiệp vươn lên trong sản xuất. Bộ Công Thương đã thực hiện tích cực vai trò định hướng thông tin để các doanh nghiệp tập trung phục vụ người tiêu dùng Việt Nam trong điều kiện xuất khẩu gặp nhiều khó khăn; đồng thời đã phát huy tốt vai trò phổ biến, quảng bá các thương hiệu uy tín, sản phẩm chất lượng.

Đỗ Đạt

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này