Tất cả vì mục tiêu phục vụ đoàn viên tốt nhất

07:21 | 25/10/2022
(LĐTĐ) Xu hướng tập hợp Công đoàn theo ngành, nghề là xu hướng chung của Công đoàn các nước trên thế giới. Theo đó, cần rà soát, đánh giá lại nhiệm vụ của Công đoàn ngành và dù tổ chức mô hình Công đoàn ngành theo hướng nào thì mục tiêu cuối cùng của tổ chức Công đoàn vẫn là phục vụ đoàn viên, người lao động. Quan điểm trên được nhiều đại biểu đề cập tại Hội thảo khoa học “Đổi mới mô hình tổ chức và hoạt động của Công đoàn ngành trong tình hình mới”.
Năm 2023, các cấp Công đoàn tập trung phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở Công đoàn góp phần thúc đẩy Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh

Rà soát, đánh giá lại nhiệm vụ của Công đoàn ngành

Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam vừa phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “Đổi mới mô hình tổ chức và hoạt động của Công đoàn ngành trong tình hình mới”. Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Văn Thuật cho biết, tổ chức Công đoàn ngành hiện đang gặp phải một số vấn đề cấp bách.

Cụ thể như: Số lượng đoàn viên Công đoàn ngành đang giảm nhanh và sâu do tái cơ cấu, chuyển đổi nhanh hình thức sở hữu. Công đoàn ngành Trung ương khó khăn trong chỉ đạo Công đoàn ngành địa phương; quan hệ chỉ đạo Công đoàn cơ sở giữa ngành, địa phương còn nhiều vướng mắc. Bên cạnh đó, do yêu cầu chuyên môn cao nên lựa chọn cán bộ chủ chốt của Công đoàn ngành rất khó khăn. Việc tiếp thu kinh nghiệm quốc tế về hoạt động công đoàn ngành còn hạn chế.

Tất cả vì mục tiêu phục vụ đoàn viên tốt nhất
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Văn Thuật phát biểu tại Hội thảo.

Đề cập đến vai trò của Công đoàn ngành, trong Nghị quyết số 02-NQ/TW, ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới, có đề ra yêu cầu: “Tiếp tục nâng cao hiệu quả mô hình tổ chức Công đoàn 4 cấp, kết hợp chặt chẽ giữa Công đoàn địa phương và Công đoàn ngành; tập trung nâng cao chất lượng Công đoàn cơ sở và cấp trên cơ sở, nhất là Công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước; Công đoàn khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao...

Củng cố, phát triển Công đoàn ngành, nâng cao hiệu quả hoạt động Công đoàn địa phương; có mô hình phù hợp thu hút, tập hợp, bảo vệ người lao động ở khu vực phi chính thức. Nghiên cứu, điều chỉnh nhiệm vụ của các cấp Công đoàn theo hướng tập trung vào các nhiệm vụ cốt lõi, phù hợp với đặc thù từng cấp và sự phát triển của thị trường lao động”.

Theo Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Văn Thuật: Thực tế trên đòi hỏi tổ chức Công đoàn cần xem xét đổi mới mô hình tổ chức và hoạt động của Công đoàn ngành, đáp ứng những đòi hỏi trong tình hình mới.

Trao đổi về vấn đề này tại Hội thảo, TS Nguyễn Mạnh Cường - nguyên Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho rằng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn Việt Nam trong khu vực doanh nghiệp đã thay đổi căn bản kể từ khi Việt Nam chuyển sang kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, trong đó nhiệm vụ quan trọng nhất là đại diện và bảo vệ quyền lợi của người lao động trong quan hệ lao động. Do đó, nhiệm vụ trọng tâm của các Công đoàn ngành trong khu vực doanh nghiệp cũng thay đổi đổi theo.

Từ quan điểm trên, TS Nguyễn Mạnh Cường đề xuất “Cần rà soát, đánh giá lại nhiệm vụ của Công đoàn ngành và dù tổ chức mô hình Công đoàn ngành theo hướng nào thì mục tiêu cuối cùng của Công đoàn vẫn là phục vụ đoàn viên, người lao động.”.

Theo TS Nguyễn Duy Phúc - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển quan hệ lao động (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội): Xu hướng liên kết phổ biến của người lao động là liên kết theo nghề vì dễ tìm thấy tiếng nói chung trong thương lượng tập thể với người sử dụng lao động. Ở chiều ngược lại, người sử dụng lao động cũng có xu hướng liên kết theo ngành để tạo lên những mặt bằng chung về tiền lương, về điều kiện lao động. Bên cạnh đó, theo xu hướng chung ở các nước có nền kinh tế thị trường phát triển, các cơ chế đối thoại, thương lượng tập thể và giải quyết tranh chấp lao động chủ yếu diễn ra ở cấp ngành, nghề. Trong quan hệ lao động hiện nay, Công đoàn ngành, Nghiệp đoàn nghề nghiệp đóng vai trò cơ bản và phổ biến.

Theo đó, TS Nguyễn Duy Phúc nêu ý kiến: Công đoàn ngành nên tập trung vào vai trò đại diện, bảo vệ quyền lợi người lao động theo quan hệ lao động, còn các LĐLĐ địa phương nên tập trung thực hiện nhiệm vụ chính trị trong tuyên truyền, giám sát, tổ chức thi đua; phối hợp với Công đoàn ngành chăm lo cho người lao động.

Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Quang Huy - Chủ tịch Công đoàn ngành Công Thương cho biết: Ngành Công Thương là ngành lớn, quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, chiếm trên 60% tổng số GDP của cả nước. Hiện, Công đoàn ngành Công Thương đang quản lý 16 Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở; 519 Công đoàn cơ sở với 142.586 đoàn viên/150.093 lao động, thuộc hơn 20 ngành nghề khác nhau.

Khẳng định Công đoàn ngành địa phương đang thực hiện được cả 2 nhiệm vụ như TS Nguyễn Duy Phúc nêu. Tuy nhiên, ông Huy cho rằng, việc đổi mới mô hình tổ chức và hoạt động của Công đoàn ngành trong tình hình mới vừa phải đảm bảo tính thống nhất với thể chế và hệ thống chính trị của Việt Nam, vừa phải đảm bảo việc vận hành hiệu quả trong bối cảnh kinh tế thị trường và phù hợp với xu thế của phong trào Công đoàn quốc tế. Cùng với đó là tập trung xây dựng các Công đoàn ngành địa phương và xác định mối quan hệ chỉ đạo phù hợp của các cấp Công đoàn…

Tại Hội thảo, một số ý kiến đặt vấn đề cần nghiên cứu, như: Yếu tố quyết định của Công đoàn ngành là bảo vệ đoàn viên trong ngành thông qua Thỏa ước lao động tập thể; Công đoàn cơ sở được lựa chọn Công đoàn cấp trên; hoạt động công đoàn trong từng ngành nghề đòi hỏi những đặc thù riêng của ngành nghề như điều kiện - môi trường làm việc, thời giờ làm việc, nghỉ ngơi, chế độ, chính sách liên quan đến đặc tính của ngành; mô hình Công đoàn ngành theo vùng; cơ cấu lại tổ chức bên trong của Công đoàn ngành…

Tổ chức Đảng ở đâu, tổ chức Công đoàn ở đó

Tại Hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng: Mô hình tổ chức và hoạt động của Công đoàn địa phương trong mối quan hệ với Công đoàn ngành hiện nay chưa chặt chẽ, không có sự kết nối liên thông liên kết để đạt mục tiêu chung là tập hợp, chăm lo, đoàn viên, người lao động.

Từ tình hình thực tiễn và đặc thù của thành phố Hồ Chí Minh và đề xuất của các Công đoàn ngành địa phương, bà Lê Thị Kim Thúy - Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hồ Chí Minh đề xuất, nên sắp xếp các Công đoàn theo ngành nghề trực thuộc theo hướng mở, linh hoạt, năng động phù hợp với tinh thần Nghị quyết 02-NQ/TW, đảm bảo theo chủ trương của Ban Thường vụ Thành ủy “tổ chức Đảng ở đâu, tổ chức Công đoàn ở đó”, đồng thời phù hợp với thực tiễn hoạt động trên địa bàn Thành phố.

Để mô hình tổ chức và hoạt động giữa Công đoàn địa phương và Công đoàn ngành chất lượng tốt hơn, hiệu quả cao hơn trong thời gian tới, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nghệ An Kha Văn Tám kiến nghị: Về lâu dài, Công đoàn cơ sở các doanh nghiệp có tính chất ngành nghề đặc thù nên chuyển cho Công đoàn ngành quản lý như Dệt may, Cao su... Các doanh nghiệp nhỏ, đa ngành nghề nên để LĐLĐ địa phương cấp huyện quản lý, để Công đoàn ngành thực sự là Công đoàn theo nghề nghiệp.

Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nghệ An cũng kiến nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam sớm ban hành các Đề án thực hiện chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW, nhất là Đề án thí điểm sắp xếp Công đoàn ngành theo hướng tập trung, xuyên suốt, tinh gọn, hiệu quả, để LĐLĐ tỉnh có cơ sở xây dựng Kế hoạch thực hiện. Đồng thời, Tổng LĐLĐ Việt Nam nên có cơ chế để LĐLĐ các tỉnh và các Công đoàn ngành Trung ương có sự phối hợp chặt chẽ trong chỉ đạo hoạt động của các Công đoàn ngành địa phương để các Công đoàn ngành hoạt động ngành nghề rõ nét hơn./.

Bảo Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này