Nghiên cứu đổi mới mô hình tổ chức và hoạt động của Công đoàn ngành trong tình hình mới

15:55 | 22/10/2022
(LĐTĐ) Sáng 22/10, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “Đổi mới mô hình tổ chức và hoạt động của Công đoàn ngành trong tình hình mới”.
Năm 2023, các cấp Công đoàn tập trung phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở Công đoàn sẽ tổ chức “Ngày hội Công nhân - Phiên chợ nghĩa tình” để chăm lo Tết cho người lao động Công đoàn góp phần thúc đẩy Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh

Đồng chủ trì Hội thảo có các đồng chí: Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Văn Thuật và Ngọ Duy Hiểu; Viện trưởng Viện Chủ nghĩa Xã hội Khoa học (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) Phạm Thị Hoàng Hà.

Nghiên cứu đổi mới mô hình tổ chức và hoạt động của Công đoàn ngành trong tình hình mới
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Văn Thuật phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Văn Thuật cho biết, hiện nay, tổ chức và hoạt động của Công đoàn ngành đang gặp nhiều khó khăn; những khó khăn này đến lúc buộc phải nghiên cứu để có những định hướng giải quyết.

Cụ thể, những khó khăn đó là: Trong một ngành nhưng có rất nhiều nghề; mô hình tổ chức của Công đoàn cơ bản theo tổ chức bộ máy nhà nước nên phụ thuộc, bị động, thay đổi, lúng túng; Công đoàn ngành Trung ương chỉ đạo Công đoàn ngành địa phương còn gặp khó khăn, vì Công đoàn ngành địa phương trực thuộc Công đoàn địa phương, không trực thuộc Công đoàn ngành Trung ương…

Tại hội thảo, các đại biểu đã tham luận, đóng góp nhiều ý kiến, trong đó nêu lên thực tế hoạt động của các Công đoàn ngành hiện nay; đề xuất giải pháp, kiến nghị về đổi mới mô hình tổ chức, hoạt động của Công đoàn ngành và Công đoàn địa phương.

Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng, trong Nghị quyết số 02-NQ/TW, ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới, có đề ra yêu cầu: “Tiếp tục nâng cao hiệu quả mô hình tổ chức Công đoàn 4 cấp, kết hợp chặt chẽ giữa Công đoàn địa phương và Công đoàn ngành; tập trung nâng cao chất lượng Công đoàn cơ sở và cấp trên cơ sở, nhất là Công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước; Công đoàn khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao... Củng cố, phát triển Công đoàn ngành, nâng cao hiệu quả hoạt động Công đoàn địa phương; có mô hình phù hợp thu hút, tập hợp, bảo vệ người lao động ở khu vực phi chính thức. Nghiên cứu, điều chỉnh nhiệm vụ của các cấp Công đoàn theo hướng tập trung vào các nhiệm vụ cốt lõi, phù hợp với đặc thù từng cấp và sự phát triển của thị trường lao động”.

Nghiên cứu đổi mới mô hình tổ chức và hoạt động của Công đoàn ngành trong tình hình mới
Đại biểu đóng góp ý kiến tại Hội thảo.

Từ quan điểm chủ đạo trên, các ý kiến tại Hội thảo cho rằng, hiện nay, tổ chức Công đoàn ngành đang gặp phải một số vấn đề cấp bách cần tổ chức nghiên cứu, tìm ra giải pháp đổi mới. Cụ thể như: Số lượng đoàn viên Công đoàn ngành đang giảm nhanh và sâu do tái cơ cấu, chuyển đổi nhanh hình thức sở hữu; vai trò, vị thế, vị trí của Công đoàn trong các ngành có khác nhau; Công đoàn ngành Trung ương khó khăn trong chỉ đạo Công đoàn ngành địa phương; quan hệ chỉ đạo Công đoàn cơ sở giữa ngành, địa phương còn nhiều vướng mắc...

Bên cạnh đó, do yêu cầu chuyên môn cao nên việc lựa chọn cán bộ chủ chốt của Công đoàn ngành rất khó khăn. Việc tiếp thu kinh nghiệm quốc tế về hoạt động Công đoàn ngành còn hạn chế.

Đóng góp ý kiến tại Hội thảo, ông Trần Quang Huy - Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam cho rằng, cần phải thiết kế được mô hình phát huy được hiệu quả của 2 hệ thống (Công đoàn ngành và Công đoàn địa phương) để thực hiện nhiệm vụ chung của tổ chức Công đoàn; phục vụ tốt cho đoàn viên công đoàn và Công đoàn cơ sở…

Đồng thuận với quan điểm trên, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Cường - nguyên Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho rằng: "Cần rà soát, đánh giá lại nhiệm vụ của Công đoàn ngành và dù tổ chức mô hình Công đoàn ngành theo hướng nào thì mục tiêu cuối cùng của Công đoàn ngành vẫn là phục vụ đoàn viên, người lao động".

Được biết, những ý kiến góp ý, thảo luận tại Hội thảo sẽ được tổng hợp, là căn cứ khoa học để sửa đổi Điều lệ Công đoàn Việt Nam và Luật Công đoàn năm 2012.

B.D

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này