Kiên quyết xử lý các vi phạm quy hoạch xây dựng

14:51 | 20/10/2022
(LĐTĐ) Nhằm bảo đảm việc đầu tư các công trình công cộng, công trình hạ tầng xã hội trong các khu đô thị phù hợp với quy hoạch, đồng bộ với tiến độ xây dựng các công trình nhà ở, thành phố Hà Nội sẽ tăng cường công tác giám sát, kiểm soát tiến độ đối với các dự án, đồng thời kiên quyết xử lý các dự án vi phạm đất đai, quy hoạch, trật tự xây dựng.
Hà Nội sẽ giám sát việc chấp hành pháp luật về quy hoạch xây dựng Phát triển đô thị xanh, thông minh Giám sát việc chấp hành pháp luật về quy hoạch xây dựng tại huyện Đan Phượng

Dở dang vì dự án chồng dự án

Hà Nội hiện có khoảng 266 dự án khu đô thị, khu nhà ở có quy mô diện tích từ 2ha trở lên, trong đó có 98 dự án đã cơ bản hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng. Các khu đô thị, khu nhà ở này được đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại, đã góp phần thay đổi diện mạo đô thị, giải quyết nhu cầu về nhà ở, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Kiên quyết xử lý các vi phạm quy hoạch xây dựng
Hà Nội đặt mục tiêu kiên quyết xử lý các dự án vi phạm đất đai, quy hoạch, trật tự xây dựng.

Tuy nhiên, qua giám sát của Thường trực Hội đồng nhân dân (HĐND) Thành phố, các Ban HĐND Thành phố và qua ý kiến, kiến nghị của cử tri, bên cạnh những kết quả đã đạt được, còn một số tồn tại, hạn chế, bất cập. Trong đó, có một số khu đô thị, khu nhà ở sau khi đưa vào khai thác, sử dụng vẫn chưa đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật theo quy định; chưa khớp nối đồng bộ với hạ tầng khu vực.

Nguyên nhân do hệ thống hạ tầng kỹ thuật chỉ được đầu tư xây dựng trên phần diện tích đã giải phóng mặt bằng, phần còn lại nằm trong ranh giới các dự án khác chưa đầu tư xây dựng. Hệ lụy là hạ tầng không được kết nối hoàn chỉnh, chủ đầu tư bắt buộc phải xử lý kết nối tạm hoặc chuyển kết nối hướng khác.

Đơn cử như dự án khu đô thị mới Pháp Vân - Tứ Hiệp đã không kết nối hoàn chỉnh được với hạ tầng kỹ thuật đường Ngọc Hồi do vướng hợp phần Dự án mở rộng quốc lộ 1A. Chủ đầu tư là Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị đã phải tạm kết nối trên cơ sở hiện trạng, dẫn đến tình trạng chưa đồng bộ theo quy hoạch.

Ngoài ra, còn có Dự án khu đô thị mới Dương Nội, quận Hà Đông được khởi công xây dựng vào năm 2008, nhưng đến nay tuyến đường N129 đến N129A có chiều dài 500m vẫn chưa hoàn thành; Dự án khu đô thị mới Dịch Vọng (quận Cầu Giấy) triển khai từ cách đây 20 năm, nhưng tuyến đường số 1, chiều dài khoảng 500m, mặt cắt ngang 17,5m kết nối đường vành đai 2,5 với phố Khúc Thừa Dụ vẫn dang dở kỹ thuật.

Bên cạnh đó, còn có một số khu đô thị khác hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung của khu vực chưa được đầu tư đồng bộ, điều này dẫn đến tình trạng ngập lụt khi có mưa lớn thường xuyên xảy ra như: Khu đô thị Lê Trọng Tấn; khu đô thị Thiên Đường Bảo Sơn; khu đô thị Nam An Khánh (huyện Hoài Đức)...

Thực tế, qua rà soát của Sở Xây dựng Hà Nội tại 78 dự án khu đô thị mới, dự án khu nhà ở đang trong giai đoạn đầu tư, có 15 dự án chưa bảo đảm đồng bộ hạ tầng xã hội so với tiến độ xây dựng nhà ở.

Điển hình như: Khu đô thị mới Phùng Khoang, Khu nhà ở đài phát sóng Mễ Trì, Khu đô thị Xuân Phương, Khu đô thị Ngoại giao đoàn, Khu đô thị mới Cổ Nhuế - Xuân Đỉnh, Khu nhà ở Quang Minh Vinaconex 2, Khu nhà ở Vĩnh Hoàng, Khu chức năng đô thị Ao Sào, Khu đô thị mới Cầu Bươu, Khu nhà ở Thạch Bàn…

Điểm chung của các khu đô thị này là sau khi đưa vào khai thác, hạ tầng kỹ thuật chưa được đầu tư theo đúng quy hoạch, dẫn đến tình trạng không thể khớp nối hạ tầng khu vực, thiếu các công trình hạ tầng xã hội thiết yếu như: Trường học, vườn hoa, cây xanh, hồ nước, bãi đỗ xe, khu vui chơi giải trí... ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân.

Tăng cường phân cấp quản lý đô thị

Xuất phát từ thực tế này, tại phiên họp HĐND thành phố Hà Nội mới diễn ra, nhiều đại biểu HĐND đã đề nghị Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố làm rõ những giải pháp để quản lý, đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong các khu đô thị, khu nhà ở, đặc biệt là tình trạng thiếu hạ tầng tại một số khu đô thị, khu nhà ở trên địa bàn.

Trên cơ sở những ý kiến của các đại biểu và cử tri, tại phiên họp giải trình, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho rằng, những vấn đề nêu trong phiên họp giải trình rất trúng và đúng, thể hiện sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Thành ủy, sự giám sát của HĐND thành phố và sự cầu thị của UBND thành phố.

Về giải pháp, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, trong thời gian tới, UBND Thành phố, cùng các sở, ngành, đơn vị liên quan sẽ quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy nhanh các dự án, công trình hạ tầng xã hội thiết yếu chậm triển khai, đặc biệt là các dự án trường học, bãi đỗ xe... để đồng bộ theo quy hoạch, đáp ứng nhu cầu bức thiết dân sinh.

“UBND Thành phố cùng sở, ngành sẽ triển khai ngay và sớm kế hoạch khắc phục những tồn tại, hạn chế mà các cử tri cũng như HĐND đã chỉ ra, với mục tiêu mang lại sự thuận lợi hơn, tiện dụng hơn, an toàn hơn cho người dân Thủ đô”, Chủ tịch UBND Thành phố nhấn mạnh.

Trước đó, để bảo đảm việc đầu tư các công trình công cộng, công trình hạ tầng xã hội trong các khu đô thị phù hợp với quy hoạch, đồng bộ với tiến độ xây dựng các công trình nhà ở, đáp ứng nhu cầu thiết yếu về đời sống của người dân, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành chuyên đề “Giải pháp đẩy mạnh công tác quản lý, sử dụng các công trình công cộng tại các khu đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025”.

Với những địa bàn còn thiếu các công trình công cộng, hạ tầng xã hội, UBND Thành phố giao UBND các quận, huyện, thị xã rà soát, đánh giá thực trạng, nhu cầu và quỹ đất hiện có, đề xuất địa điểm, nguồn vốn, cơ chế chính sách, gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố xem xét, quyết định để xây dựng đồng bộ các công trình hạ tầng xã hội trên địa bàn, sớm giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu các công trình trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, sinh hoạt cộng đồng và các công trình khác.

UBND Thành phố cũng giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì rà soát việc bố trí các quỹ đất xây dựng công trình công cộng, công trình hạ tầng xã hội trong các đồ án quy hoạch chi tiết khu đô thị, khu nhà ở đã được phê duyệt; nghiên cứu, đề xuất việc điều chỉnh, bổ sung quỹ đất này trong trường hợp còn thiếu.

Sở Kế hoạch và Đầu tư khi tham mưu UBND Thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án khu đô thị, khu nhà ở phải xác định cụ thể danh mục công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, công cộng thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư hoặc ngân sách; xác định cụ thể tiến độ xây dựng chi tiết, thời gian hoàn thành bảo đảm đồng bộ với các công trình nhà ở, làm cơ sở để kiểm tra, giám sát, đôn đốc chủ đầu tư thực hiện.

Về trách nhiệm theo dõi, đôn đốc các chủ đầu tư và kiểm tra, xử lý các chủ đầu tư dự án chậm triển khai công trình hạ tầng theo quy hoạch, UBND Thành phố giao UBND các quận, huyện, thị xã. Mục tiêu là các dự án khu đô thị mới, khu nhà ở phải được đầu tư xây dựng đồng bộ các công trình hạ tầng phù hợp với quy hoạch và nội dung dự án được phê duyệt./.

Tuấn Dũng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này