Chương trình OCOP: Phát huy tinh thần sáng tạo cho nông dân

14:22 | 18/10/2022
(LĐTĐ) Chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm) đã làm thay đổi tập quán sản xuất, khơi dậy và phát huy tinh thần sáng tạo, khởi nghiệp trong nhân dân không chỉ trên lĩnh vực hồi phục và phát huy ngành nghề truyền thống, mà còn hướng người dân đến nền kinh tế thị trường hàng hóa, mở rộng sản xuất cho khu vực nông thôn.
Hà Nội: Khai trương điểm bán, giới thiệu sản phẩm OCOP tại quận Hoàng Mai Hà Nội khai trương 2 Điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP tại huyện Thanh Oai và Thường Tín

Phát huy tính sáng tạo của người nông dân

Những năm qua, chương trình OCOP đã được thành phố Hà Nội triển khai hiệu quả, thu hút đông đảo các chủ thể tham gia phân hạng, đánh giá sản phẩm. Chương trình đã tạo hiệu quả tích cực, để phát triển sản phẩm đặc trưng truyền thống và góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương thông qua định hình những sản phẩm chất lượng, đúng quy chuẩn. Từ đó làm tăng khả năng cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu thị trường trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Đồng thời, chương trình đã làm thay đổi tập quán sản xuất, khơi dậy và phát huy tinh thần sáng tạo, khởi nghiệp trong nhân dân không chỉ trên lĩnh vực hồi phục và phát huy ngành nghề truyền thống, mà còn hướng người dân đến nền kinh tế thị trường hàng hóa, mở rộng sản xuất cho khu vực nông thôn.

Chương trình OCOP: Phát huy tinh thần sáng tạo cho nông dân
Nhiều điểm tiêu thụ sản phẩm OCOP được khai trương, hỗ trợ giao thương hàng hóa cho nông dân.

Từ bỏ công việc ổn định để theo đuổi đam mê, năm 2010, sau khi thăm một số trang trại chăn nuôi lớn, cộng với vốn kiến thức của bản thân, chị Nguyễn Thị Thu Thoan ở xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn đã mày mò nghiên cứu cách chăn nuôi gà vi sinh. Vốn làm việc trong ngành thú y xã, chị Thoan hiểu hơn ai hết những tác động tiêu cực của việc chăn nuôi thông thường đối với môi trường cũng như chất lượng đàn vật nuôi. Theo chị Thoan, lợi thế của chăn nuôi gà vi sinh là tạo ra sản phẩm an toàn và giải quyết được bài toán môi trường. Đàn gà ít dịch bệnh, tiết kiệm chi phí 10 % so với chăn nuôi công nghiệp và 30% so với gà thả rông.

“Chăn nuôi trong một môi trường không bị ô nhiễm, không mùi Amoniac từ con gà thải ra sẽ bảo vệ sức khỏe của người chăn nuôi. Tiếp theo, trong quá trình chăn nuôi nuôi vi sinh, tức là đảm bảo về nguồn thức ăn qua quá trình vi sinh, xử lý loại bỏ nhiễm khuẩn nấm, mốc, độc tố... đem tới nguồn thức ăn sạch để tạo ra những con gà chất lượng, thịt ngon và đáp ứng tiêu chuẩn khi cung cấp cho cộng đồng”, chị Thoan chia sẻ với phóng viên.

Từ nông nghiệp sạch gắn với công nghệ cao, theo đó, chị Thoan đã mở rộng ứng dụng công nghệ hiện đại, công nghệ sinh học vào sản xuất nông sản sạch. Sản phẩm của chị đã đạt chứng nhận OCOP và mỗi tháng chị Thoan cung cấp ra thị trường hơn 1.000 con gà. Thậm chí trong lúc cao điểm của dịch Covid-19, trang trại của chị không đủ sản phẩm để cung cấp ra thị trường.

Gia tăng thu nhập từ nghề truyền thống

Không riêng mô hình chị Thoan, anh Nguyễn Doãn Hợi cư trú tại xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai cũng đem tới thị trường các sản phẩm được chế biến từ phương pháp chăn nuôi sạch, an toàn. Theo tìm hiểu của phóng viên, sản phẩm của anh Hợi với các tên gọi như: Giò xào, giò tai, xúc xích, giò sụn, chả lụa… đã xuất hiện tại huyện gần 10 năm nay. Toàn bộ 6 sản phẩm đã đạt chứng nhận OCOP từ 3 đến 4 sao vào năm 2019 và vinh dự được chọn làm sản phẩm mẫu để Hội Nông dân huyện giới thiệu đến bà con địa phương.

Chia sẻ với phóng viên, anh Hợi, chủ cơ sở Giò chả Hợi Thương cho biết: “Hộ kinh doanh tham gia chương trình OCOP với mục đích đem tới thực phẩm thiết yếu sạch sẽ, an toàn cho người dân địa phương. Đây cũng là cơ hội để chúng tôi có thêm động lực trong sản xuất, cũng như thấy được sức cạnh tranh của các mặt hàng tương tự trên thị trường. Từ đó, có thể nâng cao tay nghề cùng chất lượng sản phẩm, tự tin đem thương hiệu địa phương ra thị trường toàn quốc”.

Tương tự anh Hợi, nghệ nhân Hoàng Doãn Sơn cư trú tại xã Tân Phú, huyện Quốc Oai là đơn vị có 11 sản phẩm tham gia OCOP được chấm điểm 4 sao. Trong đó có các sản phẩm tiêu biểu như: Quạt phu thê viên mãn, nhất mã phi thiên, giá gương, tranh thêu tứ bình… làm bằng gỗ, được chạm trổ tinh xảo. Thông tin với phóng viên, anh Sơn cho biết: ''Tân Phú có nghề mộc truyền thống, nay các sản phẩm được tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP sẽ là minh chứng cho chất lượng và thương hiệu của làng nghề. Chúng tôi kỳ vọng sản phẩm thủ công mỹ nghệ và nghề dựng nhà cổ của Tân Phú sẽ được thị trường trong và ngoài thành phố biết đến; để người dân có thêm việc làm và thu nhập''.

Có thể nói, chương trình OCOP không chỉ giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh nâng cao uy tín, thương hiệu, chất lượng và giá trị sản phẩm, mà còn là cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ. Chương trình OCOP còn có ý nghĩa lớn đối với các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm sạch. Bởi, nó không chỉ mở ra cơ hội để giao thương kinh tế từ nông sản, mà còn giúp các đơn vị có thêm động lực để phấn đấu gia tăng sản xuất.

Chương trình OCOP: Phát huy tinh thần sáng tạo cho nông dân
Nhiều sản phẩm sạch, chất lượng cao của nông dân được chứng nhận OCOP và đem đi quảng bá ở nhiều địa phương.

Được biết, bên cạnh nỗ lực của các chủ thể, đến nay, thành phố Hà Nội còn xây dựng được 55 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại các quận, huyện, thị xã. Từ đây, tạo điều kiện tốt cho người dân nhận diện và tiêu thụ sản phẩm an toàn, có truy xuất nguồn gốc. Đồng thời là cơ hội để các doanh nghiệp, hộ sản xuất nắm bắt nhu cầu của khách hàng, hoàn thiện và nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường, gia tăng giá trị cho sản phẩm.

Mặc dù có những kết quả tương đối khả quan nhưng các chuyên gia nông nghiệp cho rằng, để sản phẩm OCOP có chỗ đứng tốt hơn, thì cần khắc phục bất cập còn tồn tại. Ngoài việc cải thiện quy trình và công nghệ chế biến, xúc tiến thương mại hiện đại, việc thúc đẩy chuyển đổi số được coi là yếu tố tiên quyết cho sự tồn tại của các chủ thể OCOP.

Trao đổi với phóng viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Quốc Oai Phạm Quang Tuấn cho biết, địa phương là huyện có lợi thế về sản xuất nông nghiệp với nhiều mặt hàng nông sản đặc trưng. Chương trình OCOP chính là động lực để nâng tầm thương hiệu các sản phẩm. Qua đó nhằm tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm lợi thế của huyện, hoàn thành Chương trình OCOP theo mục tiêu đề ra góp phần phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống nhân dân trên địa bàn huyện.

Để nâng tầm giá trị sản phẩm nông nghiệp, làng nghề cho người dân, trong năm 2022, huyện đã hỗ trợ các chủ thể tham gia Diễn đàn khuyến nông liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm OCOP; lựa chọn 3 địa điểm tại thị trấn Quốc Oai, xã Sài Sơn và xã Hòa Thạch để các chủ thể giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP.

Đặc biệt, huyện Quốc Oai chọn 3 chủ thể có sản phẩm OCOP tiêu biểu tham gia hội thảo "Chuyển đổi số cho chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội"; 2 chủ thể tham gia Hội chợ giống vật tư thiết bị nông nghiệp, nông sản an toàn, sản phẩm làng nghề và sinh vật cảnh thành phố Hà Nội. Qua đó, giúp các chủ thể có thêm kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP ra các tỉnh, thành phố và hướng tới xuất khẩu./.

Theo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, từ năm 2019 đến hết năm 2021, toàn thành phố Hà Nội đã phát triển được 1.649 sản phẩm OCOP. Bao gồm 4 sản phẩm 5 sao, 13 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.098 sản phẩm 4 sao và 534 sản phẩm 3 sao.

Quang Linh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này