Đánh thức tiềm năng di sản công nghiệp

16:59 | 15/10/2022
(LĐTĐ) Di sản công nghiệp là một phần không thể tách rời di sản văn hóa nói chung, mang những giá trị độc đáo và đóng góp sự đa sắc màu trong nền kinh tế văn hóa. Tuy nhiên, để tiềm năng di sản công nghiệp được phát huy một cách tối ưu thì vẫn còn nhiều thách thức.
Chuyển đổi di sản công nghiệp thành không gian sáng tạo Hướng đi mới để phát huy giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long Các quốc gia Thái Bình Dương triển khai sáng kiến bảo vệ di sản

Thông tin tại Hội thảo Tái thiết Di sản Công nghiệp 2022, diễn ra từ ngày 14 - 15/10, PGS.TS.KTS Phạm Thúy Loan cho biết, di sản công nghiệp có vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa đô thị, tạo bản sắc riêng cho đô thị. Tuy nhiên, liên quan tới các công trình tái thiết di sản công nghiệp thì cần “đánh thức” và phát huy giá trị của di sản công nghiệp ngay, nếu không nhiều di sản công nghiệp có giá trị sẽ bị xóa sổ.

Đánh thức tiềm năng di sản công nghiệp
Hội thảo Tái thiết Di sản Công nghiệp 2022 diễn ra từ ngày 14 - 15/10.

Thực tế, trong quá trình phát triển đô thị, nhiều di sản công nghiệp có giá trị chưa được đánh giá đúng và bị xóa sổ, không còn dấu vết, ví dụ như nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo (Hà Nội) từng in dấu trong lịch sử công nghiệp ở miền Bắc, nhà máy Dệt Nam Định (Nam Định), Nhà máy đóng tàu Ba Son (TP.Hồ Chí Minh)….

Chia sẻ tại hội thảo, bà Phạm Thị Lan Anh, đại diện Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội cho biết, khái niệm di sản công nghiệp ở các nước phương tây hẳn đã không quá xa lạ. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện đây vẫn là khái niệm mới.

Theo bà Phạm Thị Lan Anh, ở Hà Nội mới đây đã ban hành Nghị quyết liên quan đến phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn. Chính bởi vậy, các công việc liên quan đến phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo… đang được đẩy mạnh và đang trong quá trình tích lũy kinh nghiệm.

Đánh thức tiềm năng di sản công nghiệp
Bà Phạm Thị Lan Anh, đại diện Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội cho biết, Hà Nội quan tâm và hi vọng di sản công nghiệp trở thành một phần của di sản văn hóa Thành phố.

“Hà Nội quan tâm và hi vọng di sản công nghiệp trở thành một phần của di sản văn hóa Thành phố. Tuy nhiên, có thực tế là, do chưa có nhiều kinh nghiệm với vấn đề liên quan nên các cơ chế, chính sách chưa được triển khai sâu rộng và đạt được những kết quả như mong muốn” - bà Phạm Thị Lan Anh thông tin.

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng, nếu đầu tư quy hoạch, xây dựng và phát huy tốt các khu di sản công nghiệp sẽ là “mũi nhọn” cho sự phát triển công nghiệp văn hóa, một hướng đi quan trọng hướng đến phát triển bền vững. Điều quan trọng nhất là có nhận thức và đánh giá đúng về vai trò, ý nghĩa của di sản công nghiệp, nhất là nhận thức của những người làm chính sách, để từ đó có những chính sách phù hợp tạo đòn bẩy để đánh thức tiềm năng và phát huy có hiệu quả những giá trị của di sản công nghiệp.

Đinh Luyện

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này