Xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển du lịch - Bài 2: Tháo gỡ những vướng mắc

15:02 | 14/10/2022
(LĐTĐ) Xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển du lịch nông nghiệp, làng nghề tại Hà Nội đã có những hiệu quả ban đầu, cuộc sống của người nông dân ở những địa phương này có sự khởi sắc, ngày càng nâng cao. Điều này chứng tỏ hướng đi là hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, hiện nay, việc xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển du lịch tại Hà Nội vẫn còn gặp nhiều khó khăn, chưa xứng với tiềm năng và lợi thế.
Xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển du lịch - Bài 1: Bộ mặt nông thôn nhiều khởi sắc Thêm hai xã của huyện Hoài Đức đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao

Những khó khăn hiện hữu

Là một trong những người đầu tư, tham gia hoạt động phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương, anh Nguyễn Văn Tám - Giám đốc Khu sinh thái du lịch nông nghiệp công nghệ cao Thung lũng Ngọc Linh (xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất), cho biết, Khu sinh thái nông nghiệp công nghệ cao Thung lũng Ngọc Linh bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2018 và trở thành điểm vui chơi, nghỉ dưỡng cuối tuần của nhiều người dân Thủ đô cũng như người dân cả nước.

Trong những năm qua, Khu sinh thái đã tạo điều kiện cho khoảng 20 lao động, đa phần là người dân bản địa với mức thu nhập bình quân khoảng 10 triệu đồng/người. Đặc biệt, Khu sinh thái cũng phối hợp với xã trong việc đưa văn hóa cồng chiêng đến với du khách. Khi du khách yêu cầu, Khu sinh thái sẽ liên hệ với Ủy ban nhân dân (UBND) xã để bố trí các đoàn văn nghệ mang đậm bản sắc dân tộc.

Xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển du lịch - Bài 2: Tháo gỡ những vướng mắc
Khu sinh thái nông nghiệp công nghệ cao Thung lũng Ngọc Linh bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2018 và trở thành điểm vui chơi, nghỉ dưỡng cuối tuần của rất nhiều người dân Thủ đô.

Mặc dù du lịch nông thôn đã và đang khởi sắc, tuy nhiên, anh Nguyễn Văn Tám cũng cho rằng, các hộ dân làm du lịch chủ yếu là tự phát, quy mô nhỏ, chưa chuyên nghiệp, chưa hình thành điểm đến du lịch hấp dẫn...

“Để du lịch nông thôn thật sự trở thành một động lực trong xây dựng nông thôn mới cần có một chiến lược cụ thể. Các chính sách cho du lịch nông thôn cần dựa trên thực tế tài nguyên khai thác của từng địa phương, vùng miền, tránh chung chung, dàn trải. Mỗi một khu vực nông thôn ở các vùng miền đều có lợi thế, đặc điểm riêng, do đó du lịch nông thôn cần hướng đến những sự khác biệt đó để sáng tạo ra sản phẩm phù hợp thị trường cũng như nhu cầu của du khách”, anh Nguyễn Văn Tám nhấn mạnh.

Tương tự, tại huyện Đan Phượng (Hà Nội), bà Đặng Thị Cuối, Giám đốc Hợp tác xã Rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý là một trong những người trực tiếp tham gia sản xuất, trang trại rau sạch và khu vườn nho thu hút hàng nghìn lượt khách đến tham quan trải nghiệm mỗi năm. Bà Cuối chia sẻ: Trong quá trình triển khai, gia đình bà Cuối cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là việc chuyển từ đất nông nghiệp sang loại hình khác là vấn đề rất khó giải quyết. Bên cạnh đó, là vấn đề quy hoạch hay kêu gọi đầu tư...

Hiện nay, mới chỉ có một số địa phương xây dựng cơ chế, chính sách riêng cho phát triển du lịch nông thôn. Đã có nhiều mô hình du lịch cộng đồng, nhưng chủ yếu là tự phát vì chưa tiếp cận được chính sách đầu tư, chính sách đất đai... Để phát triển loại hình du lịch này, bà Cuối cho rằng cần phải có những chính sách, cơ chế, đặc thù và đưa vào thực tiễn.

Thực tế cho thấy, hiện nay, nhiều địa phương nôn nóng phát triển du lịch nhưng lại chưa nhận thức đầy đủ về vai trò của văn hóa truyền thống, do đó bỏ qua nhiều giá trị quý giá mà nhanh chóng “bê tông hóa”, “đô thị hóa”, khiến du khách không có được những trải nghiệm riêng biệt, độc đáo, điều này là rất đáng tiếc. Thiết nghĩ, khi chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm và kiến thức về du lịch nông thôn, thì việc nên làm là tham khảo, học hỏi cách làm của các quốc gia thành công trong lĩnh vực này.

Gợi mở thêm nhiều định hướng mới

Nói về việc phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới ở Hà Nội, PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng - Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội nhận định, với nhiều địa hình, nền văn hóa đa dạng, giàu bản sắc, Hà Nội hội tụ các yếu tố để phát triển loại hình du lịch nông thôn...

Gắn với quá trình xây dựng nông thôn mới, Hà Nội cũng đã có nhiều làng quê sạch, đẹp như: Song Phượng, Đan Phượng (huyện Đan Phượng), Đường Lâm (thị xã Sơn Tây), Bát Tràng, Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm)... mở ra cơ hội phát triển du lịch làng, xã nông thôn mới. Bên cạnh đó, một số nơi đã tổ chức được các tour, tuyến du lịch hấp dẫn như: Làng chè Ba Trại, làng thảo dược của người Dao ở xã Ba Vì (huyện Ba Vì), làng Việt cổ đá ong Đường Lâm (thị xã Sơn Tây)... mang lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân và trải nghiệm thú vị cho du khách.

Xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển du lịch - Bài 2: Tháo gỡ những vướng mắc
Phát triển du lịch ở nông thôn chính là cách làm phù hợp để thúc đẩy kinh tế khu vực ngoại thành Hà Nội.

“Tôi cho rằng, phát triển du lịch ở nông thôn chính là cách làm phù hợp để thúc đẩy kinh tế khu vực ngoại thành Hà Nội, góp phần gìn giữ và bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp của người dân bản địa. Tuy vậy, để mô hình này phát triển bền vững vẫn còn nhiều khó khăn. Theo đó, Hà Nội cần chú trọng đến công tác quy hoạch, quản lý thực hiện quy hoạch khu vực nông thôn gắn liền với cảnh quan du lịch, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, thúc đẩy du lịch nông nghiệp sinh thái hướng đến xây dựng nông thôn mới bền vững, toàn diện”, PGS.TS Bùi Thị An cho biết.

Cụ thể, hoàn thiện quy hoạch tổng thể phát triển du lịch nông thôn. Theo đó, hoàn thiện các cơ chế quy hoạch tổng thể và xây dựng hành lang pháp lý tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển du lịch nông thôn gắn liền với các mục tiêu xây dựng nông thôn mới; nghiên cứu thị trường, xây dựng các sản phẩm, dịch vụ du lịch nông thôn, xúc tiến quảng bá du lịch nông nghiệp sinh thái; tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng, vật chất kỹ thuật; liên kết đào tạo nguồn lực…

Trao đổi về vấn đề này, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí nhấn mạnh: Thời gian qua, thành phố Hà Nội cũng đã có nhiều văn bản, kế hoạch nhằm xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển du lịch, đồng thời phần nào tháo gỡ những vướng mắc đã và đang tồn tại.

Để xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển du lịch, cần phát triển dịch vụ phụ trợ để hỗ trợ du lịch, gắn phát triển hạ tầng du lịch nông thôn với ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, đồng thời chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch nông thôn.

Đa dạng hóa kinh tế nông thôn thông qua phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn với loại hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch làng nghề gắn với nông - lâm - ngư nghiệp có tiềm năng, lợi thế nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thẩn của người dân nông thôn, góp phần thực hiện 2 mục tiêu chính trị quan trọng là phát triển du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn và đạt mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới bền vững.

“Hà Nội cần rà soát, đánh giá lại một cách toàn diện về tiềm năng, thực trạng phát triển du lịch nông thôn, trang trại nông nghiệp làm dịch vụ du lịch, dịch vụ trên địa bàn, để có bức tranh tổng toàn diện, nhằm đánh giá cụ thể cho từng huyện, xã, bởi mỗi một địa phương lại có lợi thế, đặc điểm riêng”, ông Nguyễn Văn Chí cho biết.

Cũng theo các chuyên gia, phát triển du lịch nông thôn cũng cần hướng đến khai thác sự sáng tạo, khác biệt về văn hóa, cảnh quan sinh thái để tạo ra những sản phẩm mới phù hợp với thị trường. Đặc biệt chú trọng khai thác chuỗi giá trị du lịch trên cơ sở liên kết với các ngành nghề, dịch vụ liên quan nhằm cung cấp đa dạng các trải nghiệm, thu hút du khách trong và ngoài nước, tạo động lực để phát triển du lịch nông thôn trong thời gian tới.

(Còn nữa)

Kim Tiến

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này